Ca nhạc xốc lại đội hình: Cần sự chung tay
Nếu mọi người cùng chung tay vực dậy những giá trị đích thực thì thị trường ca nhạc Việt sẽ trở về với giá trị thật của nó
Sự xuống cấp của thị trường nhạc Việt có phần trách nhiệm của những người làm nghề. Vì vậy, không ai khác ngoài họ phải cùng nhìn nhận để chung tay xây dựng lại một thị trường ca nhạc lành mạnh, tốt hơn trong tương lai.
Chỉ lo lợi ích riêng
Sự bùng nổ của chương trình truyền hình thực tế đang cuốn những người làm chuyên môn vào các vị trí giám khảo, giám đốc âm nhạc, biên tập âm nhạc... Đây chính là nguyên nhân khiến cho đội ngũ producer (nhà sản xuất âm nhạc) bỏ dần công việc chuyên môn của mình để chạy theo các chương trình truyền hình thực tế. Ca sĩ Thu Minh than vãn: “Bây giờ, không tìm ra người sáng tác nhạc. Ai cũng bận rộn nên ca sĩ chỉ còn cách làm mới ca khúc có sẵn để trình diễn”.
Đây là một thực tế khi những nhạc sĩ tên tuổi: Quốc Trung, Anh Quân, Huy Tuấn, Đức Trí, Nguyễn Hải Phong, Lưu Thiên Hương, Hồ Hoài Anh, Dương Khắc Linh, Phương Uyên… đều chạy đua với lịch phát sóng dày đặc của các chương trình game show ca nhạc trên truyền hình . “Điều tệ hại nhất bây giờ là không thể tìm được người làm nhạc giỏi dù chúng tôi rất muốn thực hiện những dự án âm nhạc thực sự chất lượng. Người giỏi đi làm việc khác, khoảng trống chắc chắn được lấp bởi những thứ làng nhàng, thậm chí là thảm họa” - một ca sĩ chia sẻ.
Đinh Hương - một giọng ca trẻ đầy triển vọng của thị trường ca nhạc Việt
Ảnh: KHÔI NGUYÊN
Thực ra, sự quay lưng của khán giả cũng có lý do khi các sản phẩm âm nhạc được tung ra thị trường rất tệ, chương trình cũng không đủ chất lượng. Trong khi đó, những người giỏi không có thời gian để tập trung cho công việc chính của mình. Đó là chưa kể thị trường ghi âm mất giá bởi sự hoành hành của âm nhạc online, nơi các sản phẩm âm nhạc không có định mức, không phân biệt được thứ hạng. Bỏ tiền đầu tư lại chẳng thu lợi cho tên tuổi của mình, ca sĩ mất hứng với chính công việc sáng tạo.
Sự vô tư đến dễ dãi của công chúng trong tiếp nhận những sản phẩm không mang giá trị nghệ thuật đúng nghĩa vô tình cổ vũ cho những sản phẩm ăn theo “hiện tượng”, những ca khúc “rác” xuất hiện nhan nhản trên mạng. Một số báo mạng đề cao mục tiêu câu view (lượng người truy cập) nên dù là “thảm họa” ca nhạc vẫn được khai thác triệt để, tạo nên giá trị ảo.
Đến lúc nối vòng tay lớn
So với những giọng ca đơn, “nhóm hát đang rất hưng vượng”, như nhận xét của ca sĩ Bảo Lan (thành viên nhóm hát 5 Dòng Kẻ). Nhiều nhóm hát được phát quang qua những cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát trên sóng truyền hình: Dòng Thời Gian, FB Boiz, The Zoo, X-File, It’s Time, O Plus, F-band, Ayor… đều là những nhóm hát để lại ấn tượng tốt với công chúng lẫn giới chuyên môn. Thực tế, những nhóm hát này đã biểu diễn rất nhiều năm nay nhưng chưa có cơ hội tỏa sáng.
“Nếu có một sân khấu dành riêng cho nhóm hát, tôi tin chắc công chúng sẽ rất thỏa mãn nhu cầu” - nhạc sĩ Dương Khắc Linh khẳng định. Theo anh, những nhóm hát này không chỉ hát hay mà có đủ yếu tố để tỏa sáng thành ngôi sao. Cái họ thiếu là sân khấu lớn để thể hiện tài năng của mình. Đây cũng là một thực tế mà giới chuyên môn đã nhận ra và đang ấp ủ ý tưởng tổ chức một liên hoan ban nhạc nhằm giúp các nhóm hát phô diễn tài năng của mình trước công chúng.
Ca sĩ Mỹ Linh chung tay theo cách nghĩ của riêng mình: “Tôi yêu nghề và cũng muốn xây dựng thương hiệu cho mình. Thế nhưng, tôi chọn cách khác thay cho cách làm thông thường của các ca sĩ. Ba đứa con của tôi đều có thiên hướng nghệ thuật, thế nên tôi phải là người xây dựng bệ đỡ cho nghệ sĩ trẻ. Tôi muốn lưu dấu bản thân mình ở thị trường ca nhạc bằng sản phẩm của những giọng ca trẻ thay vì của chính mình”.
Theo nhạc sĩ Hồng Kiên, thực tế hiện nay cho thấy những chương trình của các bầu sô được làm theo bề nổi hay còn gọi là hàng chợ (sử dụng những gương mặt nhiều xì-căng-đan để thu hút công chúng) đã không còn sống được khi đòi hỏi của công chúng cao hơn rất nhiều. Cái họ cần là một chương trình hoàn hảo được đánh giá dựa trên chất lượng của cả 2 mặt: kỹ thuật và nội dung. Nếu không thỏa mãn nhu cầu ấy, người làm chương trình tự giết mình. Nếu tất cả các chương trình đều đạt chất lượng thì hiệu ứng kéo theo là sự phát triển tích cực của thị trường ca nhạc.
Nhạc sĩ Quốc Trung đang thực hiện festival âm nhạc quốc tế vào tháng 10 tới tại Hà Nội. “Ở sân khấu hoàn toàn không bị chi phối bởi tên tuổi ngôi sao mà dành cho những người tài có điều kiện thể hiện mình. Họ phải tranh đấu với những ngôi sao thế giới để bảo vệ lòng tự trọng của mình” - nhạc sĩ Quốc Trung nói.
Chương trình Khoảnh khắc vàng sẽ ra mắt tại TP HCM, hình thành bằng tâm huyết của chính các ca sĩ giải thưởng Làn Sóng Xanh trước đây. Theo ca sĩ Lam Trường, chương trình này nhằm mục tiêu chung là chấn chỉnh lại thị trường âm nhạc vốn sôi động trước đây đang trở nên ảm đạm và xuống cấp thảm hại. “Nếu mọi người cùng chung tay vực dậy những giá trị đích thực thì thị trường ca nhạc Việt sẽ trở về với giá trị thật của nó” - ca sĩ Quang Dũng nhận định.
Trách nhiệm của truyền thông
Ngày nay, truyền thông phát triển đa phương tiện nên tác động rất lớn đến công chúng trong việc định hướng thông tin và giá trị thẩm mỹ. Một khi truyền thông chạy theo những lợi ích của riêng mình mà bỏ quên trách nhiệm đối với sự phát triển của đời sống văn học nghệ thuật nói chung, ca nhạc nói riêng thì sẽ bị méo mó, lệch lạc trong định hướng thông tin và thẩm mỹ.
Nhà báo Ngô Bá Lục khẳng định: “Sự chung tay của giới truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng trong gạn đục khơi trong. Đã đến lúc truyền thông cũng phải chung tay vì mục đích phát triển tích cực của showbiz Việt thay vì chỉ chạy theo mục tiêu nhỏ bé, riêng lẻ là tăng view”. |
(Nguồn: http://nld.com.vn)