Nhạt nhòa cá tính âm nhạc

28/07/2014

Nhạc Việt đang rất phong phú về thể loại âm nhạc và đông đảo lực lượng nghệ sĩ tham gia. Nhưng nhiều không đồng nghĩa với sự đa mầu sắc mà ngược lại. Xét riêng về đội ngũ các giọng ca, đang xuất hiện quá nhiều những "phiên bản" hay thậm chí có thể gọi nôm na là "giọng nhái".

Nhiều "phiên bản"

Chưa bao giờ điều kiện và cơ hội để được làm ca sĩ chuyên nghiệp lại nhiều và dễ như trong giai đoạn hiện nay. Rất nhiều cánh cửa luôn rộng mở đón chào những ai muốn biến đam mê ca hát thành hiện thực: Từ cách truyền thống là theo học cơ bản tại các trường âm nhạc chuyên nghiệp, tới cách phổ biến nhất hiện nay mà nhiều bạn trẻ có năng khiếu lựa chọn là tham gia các cuộc thi âm nhạc, đặc biệt là các cuộc thi ca hát kiểu truyền hình thực tế. Bên cạnh đó, in-tơ-nét cũng là cơ hội luôn mở đối với bất cứ những ai yêu ca hát mà tự biết sức không thể thử lửa trong các cuộc thi. Một giọng hát không cần phải có kỹ thuật, không cần phải truyền tải những tác phẩm tính nghệ thuật cao mà chỉ cần tạo nên một không khí vui vẻ hoặc một sự chú ý tới người nghe là có thể gặt hái thành công nhất định. Đây là hệ quả tất yếu của quá trình suốt hơn 15 năm qua kể từ khi xuất hiện hiện tượng nhạc trẻ hay còn gọi là nhạc thị trường (năm 1997) với sự hình thành cả một thế hệ ca sĩ hát không cần kỹ thuật, không cần rõ lời, không cần quá đề cao chất lượng nghệ thuật mà chỉ cần có hình thức, ca khúc có giai điệu với lời ca đáng yêu, lung linh chuyện tình cảm yêu đương cùng phần hình ảnh bắt mắt.

Ngay cả dòng trữ tình hay nhạc nhẹ hoặc mang chất liệu dân ca với các ca sĩ hầu hết có giọng hát tốt, được đào tạo bài bản cũng đang mắc phải "căn bệnh" mờ nhạt cá tính. Còn nhớ cuối những năm 1990 đầu 2000 những cái tên như Đăng Dương, Trọng Tấn, Lan Anh, Anh Thơ, Thanh Thúy... như những cơn gió mới làm bừng dậy dòng âm nhạc cách mạng và những ca khúc trữ tình, dân gian trong đời sống âm nhạc ở giai đoạn nhạc thị trường đang bắt đầu bùng nổ ấy. Mỗi cái tên vừa được nhắc tới là mỗi cá tính âm nhạc riêng biệt, vừa nối tiếp truyền thống lại vừa có sự khác biệt so với các giọng ca thuộc các thế hệ đi trước. Tuy nhiên, các ca sĩ trẻ tiếp nối đã biến những giọng ca trên thành những "tượng đài" để phấn đấu song lại thiếu sự sáng tạo mang dấu ấn cá nhân. Vì vậy, đã xuất hiện những bản sao của chính các "tượng đài". Hiện tượng này xuất hiện ngày một nhiều và kéo dài cho tới tận thời điểm hiện tại đã khiến khán giả ngày càng ngán ngẩm.

Hiện tượng tương tự cũng diễn ra ở nhiều dòng nhạc khác như Thanh Lam ở nhạc nhẹ, hay thậm chí Tuấn Ngọc, Chế Linh, Thanh Tuyền ở hải ngoại và gần đây nhất đã bắt đầu xuất hiện những "phiên bản" Tùng Dương.


Nhiều thí sinh giải Sao Mai có cùng cách chọn bài và kiểu xử lý kỹ thuật.

Nghịch lý cần được xóa bỏ

Đành rằng sự thần tượng hóa cũng có tính tích cực đối với các giọng ca chuẩn bị bước vào nghề. Tuy nhiên, khi cá tính bị xóa nhòa đồng nghĩa với cái tên không thể có chỗ đứng thật sự.

Những thế hệ nghệ sĩ đã từng in dấu ấn trong lòng công chúng giai đoạn trước tuy không nhiều về số lượng so với hiện nay, điều kiện phát triển nghề nghiệp cũng thua xa, nhưng giọng hát nào đã sống trong lòng công chúng thì đương nhiên đó là một cá tính riêng biệt, độc lập trong làng nhạc. Những Quốc Hương, Trần Khánh, Quý Dương, Trần Hiếu, Trung Kiên, Tường Vy hay thế hệ về sau với Tiến Thành, Thanh Hoa, Quang Thọ, Lê Dung... hay kể cả những giọng ca trước năm1975 ở miền nam như Thái Thanh, Lệ Thu, Thanh Thúy, Khánh Ly, Chế Linh... mỗi giọng hát - một cá tính riêng biệt, chính cá tính đó đã góp phần giúp cho họ định hình phong cách, vị trí khó thay thế trong lòng người nghe, dù có thể có những giọng hát đã đi xa hoặc nhiều chục năm giã từ sự nghiệp ca hát.

Không phải giai đoạn hiện nay không có những giọng hát có cá tính, mà là cá tính âm nhạc mang tính thời đại đang bị nhạt nhòa.

Vậy tại sao lại có một nghịch lý đến vậy? Điều đầu tiên có lẽ phải kể tới đó là bản lĩnh của người hát. Tiếp theo là tâm lý muốn đi tắt bỏ qua giai đoạn vô cùng quan trọng đó là học tập. Không có những tháng ngày miệt mài học tập sẽ không trang bị được những kiến thức cơ bản cùng mặt bằng thẩm mỹ chung trong nghệ thuật. Điều này cũng dẫn đến hệ quả không có bản lĩnh. Trong khi đời sống âm nhạc lại quá phong phú, sôi động từ trong nước đến quốc tế dễ dẫn đến sự mất phương hướng của người tham gia. Một khi không có bản lĩnh, không đủ nội lực để chọn được cho mình một con đường đi riêng, nếu có may mắn nổi lên thì cũng sẽ nhanh chóng tàn lụi ngay sau đó.

Một đời sống âm nhạc thiếu cá tính sẽ nhanh chóng làm nản lòng công chúng, và tạo nên những xô lệch nhất định trong thị hiếu thưởng thức, nhất là giới trẻ. Không dễ để triệt tiêu hoàn toàn được căn bệnh này tại thời điểm hiện nay, nhưng sự sàng lọc nghiệt ngã của môi trường nghệ thuật đang cho thấy nhiều thí dụ đắt giá với những ai muốn dấn thân theo đuổi đam mê. Để đi được đường dài, mỗi ca sĩ phải đủ nội lực và tự trang bị cho mình bản lĩnh nghề nghiệp.

(Nguồn: http://www.nhandan.org.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...