Ai cũng khôn thì lấy gì mà nghe?

01/07/2014

Làm công việc sáng tạo mà nói chuyện dại khôn - khôn dại thì quả thật là vô cùng. Có những việc đúng là chỉ có thời gian mới trả lời được làm thế là khôn hay dại, lại có việc mà chỉ cần nhìn vào phẩm chất của người thực hiện thì cũng sớm đoán ra cái sáng tạo hay bứt phá ấy là dại hay khôn. 

Gần đây có hai sự kiện: Đêm nhạc “Cầm tay mùa hè” của nhạc sĩ Quốc Trung phải hủy vì vắng khách, và đêm nhạc “Tùng Dương hát tình ca 2” của ca sĩ Tùng Dương thì cháy vé. Hai chương trình không nhằm cạnh tranh lẫn nhau, nhưng có người liên tưởng và đặt câu hỏi: Phải chăng là Quốc Trung “dại” hay là Tùng Dương quá “khéo”?

Trên quan điểm người viết, tôi cho rằng Quốc Trung hiển nhiên không dại. Anh thừa kinh nghiệm, nhưng sau các đêm nhạc “Cầm tay mùa hè” đều đặn thành công các năm qua, năm nay anh lại chọn một cách thể hiện có vẻ như là mới lạ. Với cảm nhận cá nhân của người viết, khi nhìn vào danh sách nghệ sĩ, tôi không có cảm giác họ sẽ mang tới những cái “cầm tay” dịu mát đưa tôi qua mùa hè nóng nực này.


Đêm nhạc "Tùng Dương hát tình ca 2" rất thành công

Còn Tùng Dương, phải chăng là quá “khôn” khi anh giới thiệu một chương trình toàn những bản tình ca “dễ chịu”, bên cạnh đó lại khéo léo cài vào những ca khúc chủ đề biển đảo nóng bỏng? Một sự thành công được dự đoán trước.

Nhưng nhìn lại, ở địa vị Quốc Trung, phải chăng anh muốn một luồng gió mới thổi vào chương trình quen thuộc mọi năm của mình? Chỉ tiếc, luồng gió ấy với khán giả có thể chưa đủ "mát". Còn anh, đương nhiên, cũng không ai muốn tự đặt mình vào tình thế mạo hiểm như vậy, mà có khi anh cũng không nghĩ là tình huống ấy sẽ diễn ra. Nếu thành công, đó sẽ là một hướng đi mới cho “Cầm tay mùa hè” và Quốc Trung sẽ có nhiều ý tưởng hơn cho các năm tới. Có điều chuyện đó đã không xảy ra.

Nhưng cuộc đời thì đủ dài để thắng thua là cái chớp mắt.

Nhiều nghệ sĩ trẻ có thể bắt đầu sự nghiệp bằng những dòng nhạc, hình ảnh mới lạ để gây sự thu hút với công chúng. Thành công hay thất bại thì phần nào do “khôn” hay “dại” trong chiến lược. Hoài Lâm đã rất thành công trong “Gương mặt thân quen” khi anh thể hiện khả năng biến hóa tuyệt vời của mình. Nhưng anh sẽ bước ra sau cuộc thi thế nào với những sáng tác dành riêng cho mình? Việc lựa chọn ca khúc mang dấu ấn Hoài Lâm sẽ quyết định thành công lâu dài của anh?

Một trường hợp khác: Sơn Tùng M-TP đã có những thành công rất đáng mơ ước với những ca khúc "nhạc Hàn hát bằng tiếng Việt" của mình. Tôi nghĩ là anh quá “khôn”, thậm chí không cần đặt trong ngoặc kép. Anh bắt kịp làn sóng Hàn Quốc tại Việt Nam rất nhanh, sản xuất ca khúc đều tay, cách hát rất có màu Hàn Quốc, sử dụng các dấu trong giai điệu linh hoạt khiến cho ca từ của anh, dù không thực sự đặc sắc nhưng tạo ra cảm giác rất Hàn Quốc, mà nếu một người không biết cả tiếng Việt lẫn tiếng Hàn chắc cũng khó phân biệt được.

Tôi cho đó là cái khôn, khôn quá, thậm chí... mặt cũng hơi dày mới có thể làm được thế, bởi anh có nhiều ca khúc gặp trục trặc với chuyện bản quyền, và anh biện minh bằng gốc gác underground của mình. Khi mà cộng đồng nghe nhạc trẻ ngày càng lớn, những ranh giới về pháp lý nhanh chóng bị hiểu một cách mập mờ thì Sơn Tùng M-TP mang lại chính thứ họ cần, một thứ nhạc 95% Hàn và 5% Việt.

Nếu cuộc chơi vẫn mãi diễn ra như thế, cái tôi người nghệ sĩ có lên tiếng, có đòi hỏi một luồng cảm xúc mới, một sự căng cứng mới trong từng mạch máu chạy quanh vỏ não - để trái tim một lần nữa thổn thức trước những giai điệu và âm sắc do chính mình tạo ra? Và họ có muốn hồi hộp chứng kiến: liệu khán giả có vỡ òa trước những thứ mới mẻ ấy? Hay họ sẽ nhận lại những đợt gạch đá không thương tiếc, tệ hơn, là sự thờ ơ quên lãng gạt họ về phía an toàn hơn?

Hoặc bạn là người nghệ sĩ có cái tôi lớn và nỗ lực không ngừng, bạn muốn nghe thấy mình được hát những giai điệu mới, những màu sắc mới, và muốn thấy khán giả tiếp tục trầm trồ với những thử nghiệm mới?

Hay nếu bạn kỳ vọng tài chính là thước đo thành công cho việc bạn làm, thì đó là một phần của cuộc chơi. Có những người, cuộc chơi thành công và họ khoan khoái, kể cả lỗ.

Ai có ranh giới gì để nói về khôn và dại trong nghệ thuật và sáng tạo?

Tôi cho rằng, người ngoài luôn đánh giá về khôn dại, và thành công, thất bại nghiêm trọng hơn đối với một người trong cuộc đủ bản lĩnh, nhưng lại bao dung hơn nhiều đối với một người thừa yếu đuối và thiếu lập trường.

Dư luận là sóng biển, mà trên cùng một bãi biển, nhịp sóng đã chẳng giống nhau rồi. Chọn ngồi nghịch cát trên bờ hay dong thuyền ra khơi là lựa chọn của mỗi người.

(Nguồn: http://dep.com.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...