Góc nhìn của...”người trong cuộc”
“Là một giáo viên dạy tại trường THCS, trực tiếp giảng dạy bộ môn âm nhạc thông qua các phân môn: Dạy hát, nghe nhạc, tập đọc nhạc, âm nhạc thường thức, chính vì vậy phải có tinh thần trách nhiệm cao, có kiến thức chuyên môn giỏi, có tâm hồn và lối sống trong sáng lành mạnh, có tình thương yêu học sinh để hướng các em vào học môn âm nhạc có hiệu quả cao nhất”. (Nguyễn Thị Thúy Hằng, THCS Mỹ Hội, Cao Lãnh, Đồng Tháp).
LTS: Tạp chí Âm Nhạc Việt Nam xin lược ghi ý kiến của cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hằng về một số trăn trở trong việc dạy nhạc trong trường học.
Với điều kiện hiện nay vừa là chủ quan vừa là khách quan, các phương tiện và cơ sở vật chất dành cho giảng dạy âm nhạc còn gặp nhiều khó khăn. Cho nên nhìn chung hiệu quả giáo dục môn âm nhạc, trong đó có phân môn học hát còn hạn chế. Ở bậc học sinh THCS học đủ 13 môn, riêng học sinh khối lớp 6 học 12 môn trong đó có cả môn âm nhạc. Ở trường THCS, trong giảng dạy môn âm nhạc, một giáo viên thực hiện cả 3 phân môn: Học hát, Nhạc lý-tập đọc nhạc và âm nhạc thường thức.
“Duy ngã... độc tôn”
Thực tế ở các trường THCS hầu hết chỉ có một giáo viên dạy âm nhạc nên hoạt động chuyên môn nghiệp vụ ở trường khó có thể tổ chức dự giờ để mà các giáo viên khác nhìn nhận đánh giá một cách chính xác được. Nếu đánh giá một cách chủ quan thì bản thân giáo viên âm nhạc phải có khả năng khảo sát, đánh giá phân tích trung thực và khách quan trong quá trình học hát và kết quả học hát của học sinh thật khoa học. Theo quy định mỗi giáo viên trong trường phải thao giảng 2 tiết trong năm học tới dự giờ có các thành viên trong nhà trường, nhưng do chuyên môn có khác nhau nên việc đánh giá kết luận khó có thể đạt mức chính xác được.
Thực tế của môn âm nhạc nói chung, dạy phân môn học hát nói riêng, lâu nay còn có nhiều người xung quanh nghĩ chưa đúng. Họ nghĩ rằng giáo viên chỉ cần biết qua nhạc lý và biết hát là đủ. Chỉ cần dạy cho học sinh biết hát và hát đúng là được. Nếu đứng bên ngoài thì số ít có suy nghĩ như vậy, còn thực tế thì khác. Trong một tiết dạy hát nếu giáo viên chỉ đơn thuần dạy đúng bài hát cho học sinh thì giờ học hát đấy chỉ dừng lại ở mức độ dạy bình thường. Ở đây ta phải thấy điều quan trọng là qua bài hát đó có nội dung, tư tưởng khơi dậy và tạo nên hưng phấn, sự hứng thú sáng tạo và say mê nghệ thuật, sự chú ý thích thú tới nội dung cho các em, để làm được việc này đòi hỏi mỗi giáo viên phải có trình độ âm nhạc nhất định và có hiểu biết về xã hội một cách sâu sắc. Giáo viên phải thường xuyên học tập chuyên môn nghiệp vụ, học tập lý luận chính trị, tìm tòi các phương pháp hay nhất để áp dụng vào bài giảng có hiệu qủa cao nhất.
Người giáo viên phải tăng cường nhiệm vụ tự học tập mọi lúc, mọi nơi, mọi cách để mở rộng và cập nhập kiến thức, nhuần nhuyễn kỹ năng có vốn tích luỹ rộng để xử lý linh hoạt mọi tình huống xảy ra trong giảng dạy. Trên thực tế người giáo viên không chịu học hỏi, tư duy sáng tạo thì việc giảng dạy gặp nhiều khó khăn hạn chế về chuyên môn, ví như: sử dụng nhạc cụ, giọng hát… Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình giảng dạy chính vì vậy mà việc học tập càng có ý nghĩa với giáo viên.
Nói một cách khác, hành trang của người giáo viên là kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ, chuyên khoa âm nhạc cùng với tấm lòng yêu ngành, yêu học sinh, yêu mái trường, yêu quê hương… Người giáo viên luôn luôn học tập về cách sử dụng ngôn ngữ trong trình bày diễn đạt, sử dụng ngôn ngữ giản dị, chính xác và đúng chuẩn mực tiếng việt, để bài giảng đi vào lòng học sinh một cách nhẹ nhàng, tình cảm mà chất lượng hiệu quả cao.
Nhưng thực tế qua khảo sát lại cho thấy phần nhiều các bài soạn của giáo viên giống với các sách hướng dẫn, đôi khi giáo viên còn soạn một lúc nhiều bài, thậm chí sử dụng giáo án của những năm trước để giảng dạy cho năm sau… Giáo án cảm thụ âm nhạc của giáo viên phải có sự sáng tạo, tập trung nghiên cứu đồng bộ tới giai điệu, tiết tấu, hoà âm cho đến lời ca. Có như vậy mới hy vọng giúp cho học sinh có cảm hứng, say sưa, tập trung chú ý vào bài hát mà không hề có một tí rụt rè, lúng túng...
Âm nhạc phải... “sống”
Tác phẩm âm nhạc nằm trên giấy cần phải được vang lên để thành âm nhạc “sống”. Muốn vậy, tác phẩm phải được trình bày, biểu diễn dưới các hình thức khác nhau nằm khơi gợi, hấp dẫn, thuyết phục người học. Giai điệu vang lên sẽ gợi được cảm xúc và mang đến những yếu tố thẩm mĩ. Vì vậy, giáo viên cần phải giới thiệu tác phẩm qua lời nói (xuất xứ, tác giả, nội dung, nghệ thuật..). Trình bày tác phẩm bằng giọng hát, tiếng đàn (do giáo viên thể hiện hoặc dùng băng đĩa).
Khi giáo viên trình bày tác phẩm thì lúc đó giáo viên đóng vai trò như một “Nghệ sĩ biểu diễn”. Thông qua đó, giáo viên mang đến cho học sinh những vẻ đẹp của tác phẩm bằng sự xúc động thật sự và diễn cảm sâu sắc. Qua mỗi lần như thế, giáo viên có thể gợi lên trong tâm hồn trẻ em niềm vui, sự hứng khởi, sự thán phục và càng làm tăng thêm lòng yêu thích môn âm nhạc. Có thể nói, đây là phương pháp nhanh nhất, mạnh nhất tác động đến học sinh, đưa trẻ vào thế giới âm nhạc diệu kì một cách sống động và trực tiếp.
Trước và trong lúc trình bày, biểu diễn: chuẩn bị tư thế như một diễn viên trình bày trên sân khấu mà khán giả là học sinh, hát một cách truyền cảm kết hợp một vài động tác phụ hoạ nhẹ nhàng giúp học sinh tăng cường trí tưởng tượng, sáng tạo.
Để tạo ấn tượng cho các em, trước hết người giáo viên phải có năng lực âm nhạc. Khi đã có năng lực người giáo viên đã hội tụ đầy đủ những yêu cầu cơ bản mà bộ môn yêu cầu. Có trình độ chuyên môn âm nhạc tối thiểu, vững vàng, phải nắm vững phương pháp giảng dạy một cách sáng tạo, cần phải nghiên cứu kĩ chương trình giảng dạy ngay từ đầu để quán triệt toàn bộ nội dung của cấp học hoặc từng cấp học.
Ở bậc THCS, dạy hát kết hợp với vận động hoặc trò chơi luôn là một yêu cầu hết sức quan trọng không thể thiếu. Âm nhạc và vận động có mối quan hệ mất thiết với nhau. Việc học hát kết hợp với vận động sẽ giúp cho học sinh nhạy cảm với tiết tấu âm nhạc, phát triển tai nghe, rèn luyện trí nhớ âm nhạc. Bên cạnh đó còn tạo hứng thú học tập, học mà chơi, chơi mà học của học sinh. Với phương pháp này giáo viên sẽ khuyến khích cho học sinh tham gia sáng tạo, tạo được không khí vui tươi sôi nổi trong giờ học. Học sinh được thư giãn, thoải mái, bên cạnh đó còn phát huy được tính tích cực của học sinh.
Ngạn ngữ Nhật Bản có câu: “Tri thức mở ra cho chúng ta những chân trời mới”. Và bộ môn âm nhạc cũng là một trong những yếu tố để đưa chúng ta đến những chân trời mới lạ. “Nhờ có âm nhạc, bạn sẽ tìm được bản thân mình những sức mạnh mới mà trước đây chưa từng thấy. Các bạn sẽ thấy cuộc đời trong những sắc thái và màu sắc khác. Âm nhạc cũng đưa bạn xích lại gần lí tưởng về con người hoàn thiện, mục tiêu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa cộng sản chúng ta” – Đ.SôxtacôVích.
Box:
Ai cũng biết, âm nhạc dân tộc là “quốc hồn, quốc túy” của mỗi quốc gia. Nền âm nhạc cổ truyền mà chúng ta đang có là sự kết tinh đáng tự hào của những sáng tạo nghệ thuật vô giá được lưu truyền, bồi đắp qua nhiều thế hệ, là minh chứng sống động cho một nền văn hóa dân tộc đa dạng, giàu bản sắc và có lịch sử lâu đời. Ðó là những làn điệu hát ru mềm mại, những câu hát giao duyên tình tứ, là các điệu hò, vè, ví, lý đặc sắc, là giai điệu đặc trưng của tuồng, chèo, cải lương, ca Huế, chầu văn, quan họ... Ấy vậy mà “vốn quý tiên tổ” này lại chưa được giảng dạy một cách tử tế trong trường học phổ thông. Trong ảnh: Mái ấm khiếm thị Huynh Đệ Như Nghĩa trình bày hòa tấu dàn nhạc dân tộc “Trên những dòng sông quê hương”.
(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam số 34)