Khát vọng

29/04/2014

Miền Nam giải phóng khi tôi mới hơn 2 tuổi, tìm trong ký ức xa xôi của tuổi thơ hồn nhiên chẳng thấy được hình ảnh nào dù nhạt phai lưu dấu về ngày tháng ấy, chỉ đến khi đi học mới biết đó chính là một cột mốc quan trọng của lịch sử dân tộc. Lớn lên nghe Radio phát bài hát: “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà với những ca từ: "Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay/ Rộn ràng bao mê say những bước chân dồn về đây/ Sài Gòn ơi, vừng tin đã bao năm rồi một ngày vui giải phóng…" tưng bừng khí thế hào hùng mới hình dung được phần nào niềm vui hân hoan, khát khao cháy bỏng của bao người đã đi qua sự kiện trọng đại này. 

Nhạc sĩ Hoàng Hà đã phác lên một cách sinh động bức tranh ngày non sông thống nhất bằng tình cảm chan chứa, chất ngất... Có lẽ đây là một trong những ca khúc hay nhất, in đậm dấu ấn của sự kiện ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử. Những âm thanh vút cao, bay bổng ở điệp khúc như cả đoàn quân dồn dập tiến bước:

Hội toàn thắng náo nức đất nước
Ta muốn bay lên, say ngắm sông núi hiên ngang
Ta muốn reo vang, hát ca muôn đời Việt Nam
Tổ quốc anh hùng…

Lịch sử chắc sẽ còn nhắc lại nhiều lần cột mốc ngày 30 tháng 4 năm 1975. Riêng đối với tôi, âm nhạc đã làm sống dậy không khí của những ngày tháng ấy bằng tình cảm thiêng liêng, chân thật xuất phát từ đáy lòng người. Mỗi trang sử đong đầy chiến công hào hùng, những bằng chứng sống động về mồ hôi, sương máu đổ xuống, những con người đã hy sinh để làm nên ngày độc lập, còn âm nhạc với lợi thế của thứ ngôn ngữ cộng cảm đã cất lên tiếng nói làm rung động bao trái tim trong lòng người thổn thức. Những bài ca đi cùng năm tháng như trang nhật ký ghi lại tâm tư, tình cảm, xúc cảm về sự kiện. Mỗi bài ca dù ngắn ngủi, nhưng cô đọng, hàm súc, thẫm đẫm tình cảm trong khoảnh khắc ký ức dừng lại mặc cho thời gian lùi xa. Những thiên sử ca chất chứa tình cảm thiêng liêng ấy được viết bởi chính nhân chứng đã đi qua cuộc chiến tranh gian khổ, khốc liệt, đầy mất mát, hy sinh.

Niềm vui ngày Bắc - Nam thống nhất đã khiến cho nhiều người lạc mất cả ý niệm về thời gian. Hai nhạc sĩ của hai miền đất nước đều từng viết về sự kiện trọng đại này bằng biểu trưng của Mùa xuân, đó là nhạc sĩ Văn Cao với “Mùa xuân đầu tiên” và Xuân Hồng với “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”. Nhạc sĩ Văn Cao sáng tác ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” sau gần ¼ thế kỷ gác bút. Sự kiện ngày giang sơn, đất nước thống nhất đã lay động trái tim người nhạc sĩ tài ba, lỗi lạc – cha đẻ của bản Quốc ca Việt Nam hùng tráng – phải viết tiếp khúc khải hoàn ghi dấu về cột mốc lịch sử dân tộc và cũng chính là cột mốc trong sự nghiệp sáng tác đời mình bằng một dấu chấm son. Khúc khải hoàn đó mang dáng dấp của một bản tình ca chất nặng ưu tư, thấm đẫm tình người với niềm yêu thương vô bờ:

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đã đến đầu tiên..

“Mùa xuân đầu tiên” không “vẽ lên” bức tranh tàn khốc của cuộc chiến, cũng không mang theo âm hưởng rộn vang của những tiếng reo vui mà phảng phất không khí thanh bình, yên ả... “Mùa xuân đầu tiên” ra đời sau khi quê hương ngừng tiếng súng, không còn chìm trong khói lửa triền miên và gợi lên bầu trời thanh bình, xoa dịu vết thương âm ỷ, dậy lên tiếng yêu thương. Nó chính là tiếng lòng thanh thản, bình yên, vắng lặng. Văn Cao nhìn tổ quốc vào giờ phút thiêng liêng với khát khao sâu xa hơn cho công cuộc giải phóng tâm hồn. Đó cũng chính là niềm hy vọng cháy bỏng của muôn triệu người dân, kể cả người ở tiền tuyến hay hậu phương mong chờ.

Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên
Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người…

Còn nhạc sĩ Xuân Hồng khi viết “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” hẳn đã coi đây như sự khởi đầu cho một mùa xuân mới về trên quê hương, xứ sở. Thành phố mang tên Bác trở thành điểm đầu và cũng là điểm cuối cho một tiến trình lịch sử.

Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh quang vinh
Ôi hạnh phúc biết bao
Bao năm vẫn đợi chờ mà niềm vui như đến bất ngờ
Ngày đi như trong đêm mơ
Tuổi lớn rồi mà như ngây thơ…
Xa ba mươi năm nay đã gặp nhau
Vui sao nước mắt lại trào…

Tiếng hát của “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” vang lên như khúc âu ca xua tan quá khứ đau thương, gian khổ và tràn trề niềm vui mừng ngày đoàn viên thống nhất. Lịch sử sẽ chẳng bao giờ lặp lại như chính bản chất của cuộc sống. Vì thế mà có những phút giây đã nén cả nghìn thu vào một khoảnh khắc. Nhạc sĩ Hoàng Hà còn muốn ôm trọn cả “sông núi hiên ngang” để cất lên cùng đất nước.

Trong muôn vàn phương tiện biểu hiện, phác họa những khía cạnh muôn màu của cuộc sống, kể cả thế giới bên ngoài lẫn bên trong tâm hồn con người, có lẽ âm nhạc có khả năng đi thẳng vào trái tim nhờ tái hiện hiện thực bằng ký ức âm thanh. Thông qua âm nhạc chúng ta thấy được khát khao, niềm mong ước thiết tha dâng trào của những con người đã tham gia vào ngày hội non sông nối liền cho mai sau mãi còn vang vọng những âm thanh hào hùng đọng lại một thuở qua lời ca, tiếng nhạc về thời huy hoàng. Miền Nam trên quê hương ruột thịt kể từ đó đã nối liền một dải không phân chia ranh giới, chiến hào. Và cũng từ ngày thống nhất, đường tới những chân trời mới hiện lên, tiếp nối bằng những ước mơ của mỗi cá nhân – những người sẽ viết tiếp bản tình ca cho mình trên nền nhạc của khúc Khải hoàn về niềm vui ngày thống nhất. Nhớ thuở nào bản tình ca “Gõ cửa” của nhạc sĩ Anh Bằng còn dang dở với những ưu tư: “Niềm vui là kiếp sống tung hoành, là chiến đấu cho mình, là mong mối tình đẹp xinh” thì hiện thực đã đem về giá trị của ngày non sông thống nhất. Những người đã trải qua cuộc chiến bể dâu hẳn khát khao cho một niềm mong ước cháy bỏng ngày đất nước hòa bình, được sống trọn niềm vui chung. Mỗi cá nhân thật nhỏ bé so với phần còn lại làm nên giang sơn, tổ quốc bao la.

Trong những ngày đất nước chìm trong khói lửa, văn nghệ đã phản ánh một cách chân thực bức tranh cuộc sống. Hàng triệu người đổ máu, hy sinh làm thành hồn nước thiêng liêng. Đi trên mảnh đất bình yên, không khỏi bất giác nghe thấy âm thanh từ hồn sông núi vọng về trong tiếng khát khao thuở ấy. Mong cho những người con trên quê hương anh hùng đã ngã xuống vì tổ quốc yêu thương mãi yên nghỉ dưới lòng đất mẹ bao dung.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...