Vì một nền âm nhạc đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc
Theo suốt chiều dài lịch sử, ông cha ta đã dày công sáng tạo nên một nền văn hóa âm nhạc truyền thống phong phú, độc đáo và mang những đặc trưng riêng nhưng thống nhất trong đa dạng giữa các vùng miền và các tộc người anh em chung sống trên lãnh thổ Việt Nam. Là một bộ phận không nhỏ của nền văn hóa Việt Nam, âm nhạc truyền thống có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống của người dân các dân tộc Việt Nam nói chung và khu vực phía Bắc nói riêng. Gắn liền với vòng đời người, âm nhạc dân gian truyền thống đã có mặt ngay từ khi đứa trẻ mới sinh ra cho đến khi con người trở về bên kia thế giới. Âm nhạc là phương tiện chuyển tải nội dung giáo dục tình cảm, đạo đức, là phương tiện để các chàng trai, cô gái đến với nhau, gửi gắm tình yêu thương cho nhau. Âm nhạc cũng còn là phương tiện để những người cao tuổi, trong những dịp lễ hội hay hôn lễ, giáo dục đạo làm người, tình yêu nước thương nòi... Mỗi giai điệu âm nhạc của những bài dân ca, những âm thanh của nhạc cụ dân tộc đều thể hiện cái hồn cốt của mỗi dân tộc, được ông cha ta hun đúc, gửi gắm và lưu truyền từ đời này qua đời khác. Có thể nói, âm nhạc truyền thống Việt Nam như một phần không thể thiếu trong đời sống của mỗi người dân đất Việt, góp phần làm nên con người với đặc tính và đặc trưng riêng của văn hóa Việt Nam.
Ở tỉnh Bắc Ninh, dân ca quan họ là một sinh hoạt văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Cùng với thời gian, dân ca quan họ Bắc Ninh không còn chỉ bó gọn là “quan họ làng” mà đã lan tỏa tới khắp mọi miền của tổ quốc, thậm chí còn bay qua biên giới tới bè bạn năm châu. Việc giới thiệu truyền bá cho dân ca quan họ là việc rất nên làm, bởi chúng ta đã biết và có ý thức đến việc bảo tồn lưu giữ vốn cổ của dân tộc. Trước kia, các liền anh liền chị quan họ chỉ được hát trong sinh hoạt của “quan họ làng”, còn nay, tiếng hát của họ đã được phát trên làn sóng đài phát thanh, trên làn sóng truyền hình, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Quan họ không chỉ là các cuộc thi hát giữa các làng với nhau mà đã trở thành những cuộc thi hát dân ca tiêu biểu của đất Bắc, trở thành những làn điệu quen thuộc của người Việt Nam.
Tuy vậy, chúng ta cũng cần mạnh dạn nhìn nhận lại một số vấn đề về việc bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca quan họ.
Trong những canh hát quan họ ở các hội làng vùng Bắc Ninh Kinh Bắc, chúng ta có thế nghe các nghệ nhân quan họ hát một cách say sưa các chặng hát quan họ thâu đêm suốt sáng. Các nghệ nhân ở đây hát thật, hát mộc, không có micro. Đặc biệt, khi các cụ ngồi hát không hề có một động tác diễn nào nhưng ta vẫn có thể thấu hiểu những ý tứ sâu xa của từng câu hát. Nhưng khi xem hát quan họ trên truyền hình thì quan họ đã hoàn toàn khác. Người hát quan họ được dàn dựng động tác diễn, phối hợp với dựng hình dựng cảnh (thậm chí có cả múa minh hoạ) nên đã ít nhiều mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có của nghệ thuật dân gian. Sử dụng phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền là rất tốt nhưng cũng không thể sử dụng một cách tùy tiện, làm méo mó, thay đổi cả nghệ thuật dân gian. Chính vì vậy mà có người đã nói vui là phải biết phân biệt “quan họ làng” với “quan họ đoàn”, “quan họ đài”, thậm chí còn có cả “quan họ quán” nữa.
Ngày nay, ở hầu khắp các hiệu sách, chúng ta đều có thể tìm thấy những quyển: Dân ca Việt Nam, Tuyển tập các bài hát dân ca quan họ Bắc Ninh... được ký âm lại bằng các nốt nhạc trên 5 dòng kẻ. Đây quả thật là một công trình đáng quí và mất nhiều công sức mà lâu nay các nhà nghiên cứu âm nhạc, các nhạc sĩ đã dày công sưu tầm, ký âm và biên soạn. Dân ca quan họ đã trở nên phổ cập hơn một phần do sự xuất hiện của các loại sách nhạc quan họ kể trên. Tuy nhiên, mặt hạn chế của sách nhạc này là khi viết dân ca quan họ bằng nốt nhạc thì thực tế là mới chỉ ghi lại một cách tương đối chứ chưa thể hiện được những âm thanh trầm bổng, những quãng non, già, những chữ rung, nhấn, luyến, láy của các nghệ nhân. Thực tế ở các làng quan họ dù là cùng hát một bài nhưng vẫn có sự khác nhau trong cách hát, trong sự thể hiện bài hát…
Về lối hát quan họ hay có thể gọi là kỹ thuật hát quan họ là một lối hát đặc biệt. Bởi khi hát, các liền anh liền chị quan họ phải hát nảy hạt, rung giọng... theo cách nói của các nghệ nhân gọi là “vang, rền, nền, nảy”. Còn khi các nghệ sĩ biểu diễn bài dân ca quan họ, nếu sử dụng kỹ thuật thanh nhạc như hát opera thì thực sự không thể hiện được sự thâm thúy, tinh tế của dân ca quan họ Bắc Ninh. Các liền anh liền chị quan họ trước kia hát quan họ không nhạc đệm, còn nay, các bài hát quan họ được biểu diễn với nhạc cụ dân tộc đệm nen cũng ít nhiều làm mất đi vẻ tự nhiên của ca hát quan họ.
Việc sử dụng khai thác chất liệu dân ca quan họ Bắc Ninh trong sáng tác của các nhạc sĩ Việt Nam đương đại cũng là vấn đề cần được quan tâm. Thiết nghĩ, có lẽ đã đến lúc chúng ta cũng không nên quá lạm dụng khi biến tấu dân ca để viết theo cái gọi là “phong cách nhạc mới”. Bởi vì bản thân dân ca quan họ đã có sức sống và sức thu hút riêng, nên đôi khi cải biến nó chỉ làm nó biến dạng, hay nói vui là như một cơ thể không còn được lành lặn nữa.
Tóm lại, một tác phẩm âm nhạc đương đại thành công vẫn phải dựa trên cơ sở của nền tảng âm nhạc cổ truyền dân tộc, đồng thời người nhạc sĩ khai thác âm nhạc cổ truyền dân tộc cũng phải biết cách sử dụng nó, phải có sự rung động và hiểu về âm nhạc cổ truyền một cách nghiêm túc thì mới tạo nên những tác phẩm hay, mang ý nghĩa kế thừa và phát huy nền âm nhạc truyền thống.
Trong hệ thống giáo dục ở nước ta từ trước tới nay, âm nhạc dân tộc chỉ được đào tạo cho sinh viên ở một số trường chuyên nghiệp. Trẻ em cấp tiểu học cũng chỉ được làm quen với vài bài dân ca ít ỏi thuộc chương trình đào tạo, Thế thì làm sao có thể cảm hiểu để rồi yêu và đam mê nền âm nhạc truyền thống, nhất là khi cuộc sống hiện đại mở ra quá nhiều cám dỗ, quá nhiều sự lựa chọn với sự du nhập, xuất hiện của nhiều loại nhạc mới hào nhoáng, bóng bẩy như: pop, rock, hip-hop... Thành ra, phương pháp diễn tấu, kinh nghiệm xướng âm khác biệt của các loại hình âm nhạc dân tộc được cha ông ta truyền lại nghiễm nhiên trở nên "sai lệch". Dần dần, các đôi tai của các tác giả vốn đã bị "phương Tây hóa" thường xuyên cải biên, đặt lời mới cho âm nhạc dân gian, làm sai đi tinh thần, hồn vía của những tác phẩm âm nhạc dân tộc. Rõ ràng, tưởng là đang phát triển một cách sáng tạo nghệ thuật âm nhạc dân tộc của cha ông đấy, nhưng kỳ thực lại đang làm mai một dần bản sắc, tính nguyên gốc của những loại hình âm nhạc truyền thống. Và kết quả là sự ra đời của những tác phẩm pha tạp giữa dân gian và hiện đại như rock-ca trù hay hip-hop-xẩm chẳng giống ai.
Ở tỉnh Bắc Ninh trước đây, ngoài trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Bắc Ninh là nơi đào tạo nghệ sĩ hát quan họ chuyên nghiệp, có giảng dạy môn hát dân ca quan họ. Qua thực tế ta thấy thường là khi dạy hát dân ca nói chung, dân ca quan họ nói riêng, các thầy cô giáo mới chỉ dạy học sinh hát đúng nhạc bài dân ca, còn chưa cung cấp cho học sinh – sinh viên những hiểu biết về nghệ thuật thể hiện, về cách trình diễn. Do đó người học chỉ biết hát các bài dân ca còn nói về sự hiểu biết để phân biệt các loại hình dân ca nói chung và dân ca quan họ Bắc Ninh nói riêng thì rất ít ỏi. Với mong muốn đổi mới phương pháp dạy học hát dân ca trong các trường âm nhạc chuyên nghiệp, trong hệ thống giáo dục phổ thông để góp phần phổ cập dân ca Việt Nam trong đó có quan họ Bắc Ninh một cách toàn diện hơn. Tỉnh Bắc Ninh hiện nay đã và đang tiếp tục hoàn chỉnh giáo trình dạy hát dân ca quan họ tất cả các cấp học từ mầm non đến trung học phố thông một cách phổ cập trong toàn ngành giáo dục.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đã có lúc nhiều loại nhạc truyền thống tưởng chừng bị thất truyền, song với những giá trị và vai trò đích thực của nó trong đời sống xã hội của người Việt Nam, chúng ta đã và đang dành nhiều quan tâm nhằm phục hồi, bảo tồn và tôn vinh nền âm nhạc truyền thống nước nhà. Để tiếp tục đưa âm nhạc truyền thống đi sâu vào đời sống xã hội, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá và kêu gọi mọi người dân cùng hiểu và tham gia vào quá trình phục hồi và phát huy âm nhạc truyền thống trong cuộc sống đương đại.
Thiết nghĩ, đặc trưng của âm nhạc dân tộc chính là tính ngẫu hứng, dị biệt và dị bản, chủ yếu được lưu truyền bằng phương thức truyền khẩu và truyền dạy trực tiếp. Do đó, tính nguyên gốc cũng như sự tồn tại của âm nhạc dân tộc phụ thuộc lớn vào các nghệ nhân. Vì thế, trong bối cảnh những "báu vật sống" của nền âm nhạc dân tộc hầu như đã ở vào tuổi xưa nay hiếm, chúng ta cần có chính sách đãi ngộ, vinh danh phù hợp, huy động tối đa khả năng truyền dạy của các nghệ nhân đối với lớp nghệ sĩ trẻ, bởi đây chính là biện pháp "bảo tồn sống" vốn âm nhạc dân tộc, song song với việc sưu tầm, lưu giữ, nghiên cứu các tác phẩm âm nhạc cổ truyền để có những cách thức vừa đơn giản, vừa hiệu quả trong việc đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với đời sống đương đại. Và để tính đến con đường phát triển trong tương lai của nền âm nhạc dân tộc, ngay từ lúc này, không chỉ như Bắc Ninh đã làm, nhất thiết phải có những biện pháp đưa âm nhạc truyền thống vào học đường. Âm nhạc dân tộc phải được tác động vào tâm hồn học sinh để các em hiểu một cách nghiêm túc, rồi từ hiểu mới dẫn đến thích, từ thích dẫn đến đam mê. Muốn thế, các cấp, ban, ngành liên quan cần phối hợp với các chuyên gia âm nhạc dân tộc biên soạn giáo trình đào tạo âm nhạc cho các cấp, đồng thời tính đến phương án đào tạo âm nhạc dân tộc cho các giáo viên âm nhạc. Ðây không phải chuyện một sớm một chiều mà là con đường lâu dài, đòi hỏi sự dốc tâm, dốc sức của cả một tập thể, nhưng là con đường không thể không đi, vì một nền âm nhạc truyền thống Việt Nam đa dạng, giàu bản sắc và đậm giá trị văn hóa.