Yếu tố trữ tình trong dân ca Raglai
Nhạc sĩ Hình Phước Liên
Tộc người Raglai là cư dân bản địa cư trú lâu đời trên địa bàn miền núi các tỉnh Cực Nam Trung bộ, thuộc nhóm ngữ hệ Nam Đảo (Poleniesien). Hiện có khoảng trên 100 nghìn người, sống tập trung ở các huyện miền núi thuộc các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận. Theo thống kê dân số năm 2009, tỉnh Khánh Hoà có khoảng trên 45 nghìn người Raglai đang cư trú ở hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và các địa bàn phụ cận như Ninh Hòa, Cam Lâm, thành phố Cam Ranh.
Người Raglai có quá trình lịch sử lâu đời và có nền văn hóa dân gian phong phú, đặc sắc. Do sống trong môi trường miền núi xa xôi, lại phải trải qua nhiều năm trong bom đạn chiến tranh, nên đời sống kinh tế của người Raglai ở Khánh Hoà đến nay vẫn còn lắm khó khăn. Một số đặc trưng về văn hoá như trang phục, nhà ở đã bị mai một đi rất nhiều. Song có điều đáng mừng là hầu hết những di sản văn hoá phi vật thể của ông bà vẫn được truyền thừa và gìn giữ khá nguyên vẹn, như các các lễ hội truyền thống của dân tộc, các bản Trường ca (Akhat-Jucar), đặc biệt hệ thống dân ca, dân nhạc vẫn còn được giữ gìn khá nguyên vẹn. Tuy nhiên do nhiều lý do khác nhau, đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào mang tính khoa học toàn diện về người Raglai. Vì vậy, tộc người Raglai và văn hóa của họ, trong đó có âm nhạc dân gian Raglai vẫn còn khá xa lạ đối với giới chuyên môn cũng như với cộng đồng các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam.
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin được đề cập một cách hết sức khái quát và chủ quan về “Yếu tố trữ tình trong dân ca của tộc người Raglai ở Khánh Hòa” mà chúng tôi có dịp tiếp cận, thu thập được với mong muốn cùng nhau trao đổi, nghĩ suy và tìm cách bảo tồn, phát huy nó trong đời sống hiện nay.
1. Trong một bài viết về âm nhạc dân tộc, khi đề cập đến tính đa dân tộc trong nền âm nhạc truyền thống Việt Nam, Giáo sư Nhạc sĩ Tô Vũ có viết: “Những đặc điểm lớn, mang tính Việt Nam, có thể xuất phát từ các yếu tố thổ ngơi, địa lý…vừa từ sự sống chung, giao lưu văn hóa nghệ thuật lâu đời bên nhau trong cộng đồng và những nét đặc trưng dân tộc có thể có nguồn gốc từ ngôn ngữ, tập quán sinh hoạt mà tạo ra cái “hồn nghệ thuật” đặc thù của từng dân tộc”. Cũng trong bài viết này ông đã nhấn mạnh rằng: “Để phát hiện ra những đặc trưng âm nhạc của từng dân tộc, người ta không thể chỉ dựa trên sự quan sát hời hợt, một cuộc điền dã “cưỡi ngựa xem hoa”, nhất là đối với những dân tộc có sự chung sống lâu đời và giao lưu khăng khít với các dân tộc khác, khiến cho những đặc trưng của dân tộc mình dễ bị lẫn vào những đặc điểm lớn và chung của cả cộng đồng”. Những điều nêu trên xem ra lại khá phù hợp và xác đáng đối với việc nghiên cứu âm nhạc của tộc người Raglai ở Khánh Hòa.
Khảo sát thực địa chúng ta thấy, người Raglai ở Khánh Hòa có mối quan hệ và giao lưu văn hóa lâu đời, rõ nét với các tộc người cùng chung ngữ hệ như Chăm, Ê-đê, Chu-ru và nhất là với người Việt, và trong quá trình cộng sinh, cộng cư ấy nhiều yếu tố văn hóa đặc thù của họ đã bị lẫn vào cái chung của cộng đồng. Ngày nay, nếu quan sát kỷ các mặt đời sống sinh hoạt của người Raglai ta sẽ thấy nhiều điểm tương đồng với người Chăm như sắc phục, một số nhạc cụ hoặc những nét gần gũi với người Ê-đê như các lễ hội, nhạc cụ…và tất nhiên có rất nhiều điều rất giống với người Việt.
Chúng tôi còn nhớ, trong cuộc “Liên hoan Văn hóa - Thể thao dân tộc Raglai 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh thuận, Bình Thuận năm 2005” được tổ chức tại thành phố Nha Trang, một số điều diễn ra trong thực tế đã làm chúng tôi hết sức ngỡ ngàng. Vì tuy cùng tộc người và cùng ngôn ngữ, song khi nghe các nghệ nhân Raglai ở Bình Thuận và Ninh Hải - Ninh Thuận hát ca, nói chuyện thì nhóm nghệ nhân ở Khánh Hòa đã không hiểu hết; cách diễn tấu nhạc cụ và trang phục cũng có nhiều dị biệt. Hỏi vì sao thì các nghệ nhân chỉ biết cười rồi lắc đầu. Đành suy luận, có phải đó chính là hệ quả của quá trình cộng sinh lâu dài của các nhóm tộc người Raglai với các tộc người có nền văn hóa ổn định hơn trong khu vực như Chăm, Ê-đê chăng? Và có phải vì thế mà đã có một số nhà dân tộc học chia tộc người Raglai thành Raglai Bắc (cư trú tại Khánh Hòa), Raglai Nam (cư trú tại Ninh Thuận) và Rai (cư trú tại Bình Thuận) chăng? Đặt những câu hỏi đặt trên, chúng tôi chỉ muốn khẳng định rằng, khi nghiên cứu về âm nhạc của tộc người Raglai ở Khánh Hòa chúng ta phải làm thật kỷ công tác điền dã và cần thiết phải làm cuộc đối chiếu tay đôi, tay ba với các nền âm nhạc Chăm, Ê-Đê và có khi còn phải đối chiếu với cả âm nhạc của tộc người Jơ-rai đang ở cách xa với người Raglai ở Khánh Hòa muôn sông ngàn núi.
2. Cũng như các dân tộc khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, dân ca được người Raglai hát lên để bày tỏ tấm lòng, cảm xúc của mình với thiên nhiên, cuộc sống; là nỗi niềm thầm kín được hát lên để tự giải bày, nhưng trước và trên hết đó là những lời ngọt ngào hay cay đắng của đôi lứa yêu nhau. Người Raglai gọi chung tất cả các bài hát của mình là Ma-nhi, đồng thời căn cứ vào môi trường diễn xướng, tính chất và nội dung của bài hát mà phân thành nhiều loại khác nhau. Qua khảo sát điền dã, xin được khái quát một số làn điệu dân ca phổ biến của người Raglai ở Khánh Hòa như sau:
-Akhat-Jucar: Thường được gọi là Trường ca Raglai - là những câu chuyện huyền thoại dài được lưu truyền bằng hình thức truyền khẩu từ đời này sang đời khác. Trường ca Raglai (Akhat-Jucar) được thể hiện dưới hình thức diễn xướng dân gian; tùy theo mạch văn và câu chuyện được mà người kể có thể sử dụng các làn điệu dân ca phù hợp để hát kể. Trong đó, chủ yếu là các làn điệu Si-ri, Ma-diêng; đôi khi các nghệ nhân còn sử dụng cả các điệu A-doh, A-lơu nhằm tăng thêm tính hấp dẫn cho câu chuyện.
- Si-ri: Là làn điệu dùng để hát kể của người Raglai. Giai điệu xây dựng trên thang âm cơ bản của hệ thống ngũ âm không bán cung và biến chuyển theo lời kể. Từ giai điệu mang tính mô hình đó, tùy từng câu chuyện cụ thể các nghệ nhân có thể sáng tạo cho mình cách hát riêng biệt. Si-ri chính vì vậy đòi hỏi nghệ nhân phải có kỹ thuật giỏi trong ca hát dân gian Raglai. Si-ri là làn điệu chính trong khi hát Akhat-Jucar (Trường ca Raglai), hát đối đáp.
- Ma-diêng: Nằm trong hệ thống hát đối đáp của người Raglai. Cũng như các làn điệu hát đối đáp trong hệ thống dân ca Việt Nam nói chung và dân ca Raglai nói riêng, Ma–diêng là điệu hát mang tính mô hình, không có khúc thức cố định để nghệ nhân có thể hát ứng tác trong các cuộc đối đáp. Trong Akhat-Jucar, điệu Ma-diêng thường dùng để kể những đoạn có kịch tính và khắc họa tính cách nhân vật. Trong hát đối đáp, điệu Ma-diêng thường không dùng để hát tỏ tình nhau.
- San-gơi: Là một điệu hát đối đáp, có giai điệu mềm mại, dịu dàng như khúc tình ca, được các trai gái Raglai dùng để hát tỏ tình với nhau. Các bài San-gơi có cấu trúc ngắn và tương đối ổn định về khúc thức, rất gần gũi với các khúc hát Doh-dăm Da-ra (Tình ca) của người Chăm.
- Ma-đu: Điệu hát đối đáp thường dùng để hát chia tay giữa chủ và khách. Nội dung Ma-đu thường mang tính chất xã giao, xoay quanh các lời dặn dò nhau hãy giữ gìn tình cảm tốt đẹp của đôi bên; những lời hứa hẹn…Giai điệu Ma-đu nhẹ nhàng, mềm mại và không có khúc thức cố định.
- Đu A-đay, Đu a-na: Tức những bài hát ru con, ru em. Giai điệu mượt mà, ngọt ngào dùng để ru em bé ngủ.
- Akhat-cadam: Là những bài hát của cha mẹ hát dặn dò con cái trong ngày cưới. Giai điệu ngâm ngợi, chậm rãi và đầy tình thương yêu.
- A-lơu: Nằm trong hệ thống hát đối đáp của người Raglai. A-lơu được nhiều người yêu thích nhất và được sử dụng khá đa dạng ở các hoàn cảnh. Trong những cuộc vui bao giờ những bài A-lơu cũng được vang lên nhiều nhất. A-lơu là những bài hát ngắnn gọn, có tiết tấu tương đối ổn định và giai điệu đa dạng, có thể xem như các bài hát lẽ trong hệ thống dân ca Raglai. Do sự phong phú về giai điệu, nên A-lơu thường được các đôi trai gái Raglai hát đối đáp với nhau trong lúc tỏ tình, bày tỏ sự nhớ thương, có khi còn dùng để cải lý với nhau và cả để hát riêng một mình khi lên nương rẫy. Cùng với Si-ri, A-lơu là những bài hát quan trọng nhất trong hệ thống dân ca Raglai vậy.
Ngoài ra, người Raglai ở Khánh Hòa còn sử dụng các điệu Ahi-Ahư, Ka-thơng, Ha-ri trong các cuộc đối đáp; các bài khấn của các Thầy cúng, các bài khóc tế (choq hia) trong Lễ Bỏ mả cũng cho ta thấy những cung bậc âm nhạc khá độc đáo.
Nhìn chung, hầu hết các bài dân ca của người Raglai ở Khánh Hòa còn tồn tại cho đến hiện nay đều nằm trong hệ thống hát đối đáp, hát kể, tự sự... Nội dung các bài dân ca Raglai cũng giản đơn và rất cụ thể, song vẫn phản ánh khá đầy đủ các cung bậc tình cảm của con người với thiên nhiên và xã hội.
3. Từ khái quát trên, chúng ta có thể thấy thể loại hát đối đáp có vị trí rất quan trọng trong đời sống âm nhạc của người Raglai ở Khánh Hòa. Trong đó, những bài hát giao duyên có nội dung về tình yêu đôi lứa chiếm tỷ trọng tương đối lớn.
Các nhà âm nhạc học đã chỉ ra rằng, lối hát giao duyên của các dân tộc là loại hình âm nhạc ra đời khá sớm, thường được hát theo lối ứng tác, không có nhạc đệm và diễn ra trong một không gian cụ thể. Hát giao duyên chủ yếu là hát từng cặp, đôi khi cũng có thể hát thành từng nhóm, nhưng yếu tố đối đáp cá nhân vẫn luôn là yếu tố chủ đạo. Hát giao duyên trong dân ca Raglai ở Khánh Hòa cũng không nằm ngoài đặc điểm trên.
Thông thường những chặp hát giao duyên được diễn ra trong những đêm hội, những cuộc gặp gỡ gia tộc… ở đó, vai trò người phụ nữ Raglai thường được tôn vinh và khi rượu cần đã ngấm hơi men, ánh mắt nụ cười đã không còn bỡ ngỡ; khi những lời nói thông thường đã không còn đủ sức diễn tả tình cảm của mình thì chính là lúc tiếng hát bắt đầu lên tiếng.
Trong sự bày tỏ tình yêu đôi lứa thì mỗi dân tộc lại có những cách diễn đạt khác nhau. Và ngay trong cùng một dân tộc nhưng ở các vùng khác nhau thì cách diễn đạt cũng đã khác nhau. Chúng ta hãy nhớ lại xem cách bày tỏ tình yêu trong các câu ca dao, dân ca của người Kinh thì sẽ rõ. Cách tỏ tình người miền Bắc thường không nói trực tiêp và rất tao nhã:
Nam: “Bây giờ mận mới hỏi đào/ Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?”
Nữ: “Mận hỏi thì đào xin thưa/Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.”
Đối với người miền Trung thì đã có đôi chút sự thẳng thắn trong cách hỏi đáp, còn với người miền Nam thì cách tỏ tình lại hết sức bộc trực, dí dõm và đôi khi đến thật ngoa ngoắc:
Nam: “Mãn mùa rồi con có cà cững nó nhảy tững lên bờ/ Em ơi, táng du thổ địa cho anh chôn nhờ miếng đất em?”
Nữ: “Anh ơi, chớ miếng đất của em thời tả Thanh long, mà hữu thời Bạch hổ, ở chính giữa có cái lỗ sẵn dành/ Anh ơi, anh táng vô chỗ đó để mà nối dòng cho tổ tiên anh.”
Hát giao duyên của người Raglai không có sự trau chuốt hoặc trang nhã, trữ tình hoặc dí dõm, sâu cay như người Kinh, nhưng cách diễn đạt của đôi lứa thì cũng có những điều tương cận, tức là cũng “nói xa, nói gần”, “mượn vật tả ý”:
Nữ:
Ơ …Cây cau, cây cau hỡi,
Ơ …Hỡi cây cau ơi !
Chúng ta đây gặp nhau
Giữa chợ lần đầu
Hàng trăm người khách lạ.
Hãy nói lời thơm như trầm hương!
Đừng như con cắc ké đổi màu
Giữa chợ đông người chúng ta vẫn là cây cau trong sáng.
Nam:
Ôi này cây cau,
Em quả thực là cây cau.
Anh gặp em trên con đường đến chợ.
Dù là gặp gỡ lần đầu,
Dù gặp gỡ giữa đường
Cũng như con bè trên sông nghe tiếng động
Anh biết em vẫn là cây cau.
Thế nhưng, dân ca đâu chỉ có phần lời, cho dù đấy là những lời có cánh, mà những lời ấy phải được ngân lên thành giai điệu để diễn tả tình cảm của người hát thì mới thành khúc dân ca. Và đã là tiếng lòng thì đôi khi cả bài ca lọc lại chỉ có vài từ nhưng người nghe vẫn cảm được nỗi niềm kẻ hát… Có vậy, hát giao duyên mới làm người ta say lòng và có thể hát đối với nhau thâu đêm suốt sáng... theo nhau đến suốt cuộc đời. Nhiều làn điệu hát đối đáp của dân ca Raglai đã được truyền thừa đến nay là nhờ thế.
Về mặt âm nhạc, hầu hết các bài dân ca của người Raglai ở Khánh Hòa còn tồn tại cho đến hiện nay đều nằm trong hệ thống hát đối đáp, hát giap duyên, thường được hát theo lối ứng tác, không có nhạc đệm và diễn ra trong một không gian cụ thể. Các bài dân ca Raglai thường có âm vực khá hẹp ( nhiều bài chỉ gồm 3 hoặc 4 âm), giai điệu được cấu trúc trên cơ sở thang âm 5 âm không có bán cung: Đồ - rê – fa – sol – la được chuyển hệ (Métabol) sang: Rê – fa – sol – la – đô nên màu sắc giai điệu dịu dàng, mềm mại rất phù hợp để diễn đạt tình yêu quê hương, gia đình, đôi lứa.
Đến nay, hầu như rất ít thấy các bài dân ca Raglai nào có tiết tấu vui nhộn hoặc mang tính hội hè. Điều ấy cũng dễ hiểu thôi, bởi vì cũng như các tộc người Tây Nguyên khác, trong các cuộc lễ hội thì cồng chiêng luôn giữ vai trò chủ đạo, làm cầu nối tâm linh để con người và thần thánh giao cảm; còn dân ca là tiếng lòng của con người rung lên từ cảm xúc đời thường. Yếu tố “cõi thiêng” và “đời thường” trong âm nhạc dân gian Tây Nguyên bao giờ cũng được quy định một cách rành mạch. Có điều, sự rung lên từ cảm xúc của người Raglai thường dịu dàng, sâu lắng và đầy nữ tính chứ không sôi động, rực lửa như nhiều tộc người Tây Nguyên khác, kể cả khi diễn tấu Mã la.
Đối với người Raglai ở Khánh Hòa thì Mã la là nhạc cụ chỉ dành riêng cho nam giới, khi diễn tấu họ không dùng dùi mà phải đánh bằng tay tạo nên âm thanh dịu dàng, mềm mại. Nghệ nhân Bo Bo Tới – Anh hùng Quân đội nhân dân Việt Nam hiện đang sinh sống tại Khánh Sơn đã diễn đạt quan niệm của người Raglai ở Khánh Hòa về vấn đề này như sau: “Mã la (Char) là đàn bà nên chỉ đàn ông mới hiểu. Đàn ông Raglai dùng phần mềm nhất của bàn tay vỗ nhẹ lên mặt Mã la, âm điệu nhanh-chậm và trầm-bổng như hơi thở, nhịp tim của mỗi người… Tiếng Mã la bay lên đỉnh núi, tỏa xuống lá rừng, đọng trong sương sớm… kết thành hoa, trái.”(1) Tưởng không còn gì đầy đủ hơn để nói.
Tiểu kết:
Những điều khái quát trên đây về âm nhạc của người Raglai ở Khánh Hòa của chúng tôi rốt cuộc cũng chỉ là sự “cưỡi ngựa xem hoa” – điều mà từ những dòng đầu của bài viết này, chúng tôi đã cố tình trích dẫn lời của Giáo sư Nhạc sĩ Tô Vũ để tự cảnh giác mình trước khi đặt bút viết về âm nhạc của một dân tộc, mà mình chưa thực sự có hiểu biết sâu sắc. Nhưng biết làm sao được, khi mà cuộc sống đang cần ta lên tiếng. Vì vậy, chúng tôi xin mạnh dạn viết lên những điều nông cạn mà mình có được, với tấm lòng trân trọng về âm nhạc của một tộc người hiện đang được xem là chủ nhân của bộ Đàn đá Khánh Sơn – nhạc cụ định âm có tuổi đời trên dưới ba ngàn năm. Mong sao những điều trên đây không là sự vô bổ./.
Nha Trang, 12/3/2014
(1) trích bài viết của Nhà báo Bảo Chân – Trưởng Văn phòng đại diện báo Lao Động tại Khánh Hòa.