Nghệ thuật Việt Nam đang ở đâu?
Khi sân khấu Việt Nam “sống” trong nhiều nỗi lo mang tính “cơm áo gạo tiền”. Khi một giải nghề của Điện ảnh Việt Nam mà phim hài nhảm- thảm họa- thị trường thống lĩnh. Khi nhìn quanh các chương trình ca nhạc (tính cả các gameshow, truyền hình thực tế, showbiz..)thì âm nhạc thị trường vẫn chiếm thế thượng phong. Nghệ thuật Múa thì chỉ có múa minh họa là phát triển. Rồi Mỹ thuật Việt Nam bao năm nay “dậm chân tại chỗ”. Nhiếp ảnh vẫn chỉ quanh quẩn với các giải thưởng trong nước mà chất lượng mỗi năm một kém, hay các giải FIAP “một màu. Còn Văn học cũng đang đợi các “tác phẩm đỉnh cao”.
Có quá bi quan cho một nền nghệ thuật Việt Nam đương đại khi nhìn vào tổng thể đang diễn ra? Nhưng quả thật, khi phạm trù “toàn cầu hóa” đã gần 15 năm diễn ra trên toàn cầu, và sự xích lại gần nhau trong những cuộc “đối thoại” nghệ thuật giữa các quốc gia không có chung một nền văn hóa, văn minh cũng diễn ra rất xôm tụ, náo nhiệt, thì nền nghệ thuật Việt Nam vẫn rất khiêm tốn làm khách “quan sát”, hay chỉ mấp mé dợm gót dè dặt “chạm” vào, để rồi bị bật ra vì rất nhiều lý do. Và cho đến giờ thì câu hỏi “nghệ thuật Việt Nam đang ở đâu” trong nền nghệ thuật nói chung của toàn cầu vẫn bỏ ngỏ.
Không có lý luận phê bình làm nền tảng sáng tạo nghệ thuật
Có lẽ chưa thời kỳ nào mà nghệ thuật Việt Nam lại rơi vào những lúng túng trong việc “định” giá trị và nhận “chân” thẩm mỹ các tác phẩm nghệ thuật như hiện tại. Không chỉ có những giá trị ảo trong nghệ thuật, những “bốc thơm” để tự sướng trong giới văn nghệ sĩ, mà còn cả những lệch chuẩn thẩm mỹ trong thưởng thức nghệ thuật của công chúng.
Chẳng lạ gì khi sân khấu chính kịch thì phải rất khó khăn để “đứng” vài đêm sáng đèn, hay phim hài nhảm thì doanh thu cực “khủng”. Cũng chẳng lạ gì khi những ca khúc “thảm họa” nhạc Việt thì được “nhân bản” đến chóng mặt trên mạng, hay những ca khúc thị trường với những giọng hát thị trường luôn đứng trong Top hit. Một năm gần như chỉ có một- hai chương trình biểu diễn nghệ thuật Múa(tính cả chương trình gameshow trên truyền hình), còn thì múa hiện tại là gắn với các màn múa minh họa cho ca khúc. Nhiếp ảnh thì hầu như chỉ là những cuộc thi ảnh ở mọi cấp độ, để rồi như một thú chơi cá nhân chứ chẳng có ảnh hưởng hay tác động xã hội, hay tham gia vào hoạt động văn hóa nghệ thuật cộng đồng, và các tác phẩm nhiếp ảnh “được” cho là xuất sắc thì vẫn nhàn nhạt, đèm đẹp, bóng bảy màu sắc mà vô hồn với hiện thực cuộc sống. Trong Mỹ thuật, chỉ lác đác vài cá nhân có những thể nghiệm riêng nhưng chưa tạo thành xu hướng nghệ thuật mới, còn lại vẫn “muôn năm cũ”, làm cho sức hấp dẫn ngày càng giảm. Hoạt động náo nhiệt nhất vẫn là văn chương, với số đầu sách hàng năm xuất bản có thể lên đến hàng ngàn cuốn, nhưng cũng lại hỏi rằng các cuốn sách đó “sống” được bao lâu?
Và điều rõ ràng nhất là nghệ thuật Việt Nam hiện tại chưa có một vị trí nào trong nghệ thuật thế giới nói chung và ngay cả với khu vực châu Á cũng chưa có tín hiệu nào khả quan. Những gì gọi là “mang chuông đi dánh xứ người”, hay một số xuất bản phẩm ở nước ngoài chỉ có tính chất nhỏ lẻ, giao lưu, giới thiệu, trao đổi văn hóa… Còn những gì hiện đang có mặt tại khu vực Đông Nam Á thì cũng chỉ là tính “nội bộ”, ít có tầm ảnh hưởng.
Nguyên nhân đầu tiên của việc nghệ thuật Việt Nam đương đại không có một vị trí trong nền nghệ thuật thế giới nói chung chính là vì nghệ thuật Việt Nam chưa có một “định hình” gì để có thể “hiện đại đậm đà bản sắc dân tộc”, có một hướng đi đúng trong sáng tạo nghệ thuật để vừa mang tính “toàn câu hóa” hội nhập các xu thế nghệ thuật thế giới, vừa có “tính cách”, “bản sắc” riêng của Việt Nam- điểm khác biệt để tạo dấu ấn trong nghệ thuật khi đứng chung trong “toàn cầu hóa” . Mà cái lỗi này chính do nền nghệ thuật Việt Nam đương đại chưa có một nền lý luận phê bình(LLPB) đúng tầm như hiện tại.Nhìn chung vào các ngành nghệ thuật của Việt Nam hiện nay thấy rõ khiếm khuyết của LLPB. Chính LLPB là một nền tảng cơ sở để có những phân tích đánh giá giá trị, để đưa ra những lựa chọn thẩm mỹ phù hợp.
LLPB nghệ thuật hiện tại của Việt Nam hiện tại chưa theo kịp những xu thế nghệ thuật thế giới, chưa đủ “tầm” để tiếp cận một cách nghiêm túc và đầy đủ những xu thế nghệ thuật đương đại toàn cầu, nên chưa có những phân tích cụ thể có tính “toàn cầu hóa”, những đánh giá mang tính “định tính”. Những gì hiện tại LLPB đang làm chỉ là sự minh họa hơn là phân tích, và chính vì thế mà đôi khi LLPB bị rơi vào việc lựa chọn rời rạc, cá nhân, không đánh giá đúng một thang giá trị chuẩn nào. Và chính sự khiếm khuyết của LLPB mà nghệ thuật Việt Nam đương đại đang rơi vào tình trạng “tự phát”, không có một cơ sở nào để biết đi thế nào cho đúng, để tiếp cận và song hành với nghệ thuật đương đại thế giới, cũng như tạo nên một “tính cách”- “đặc điểm”- “bản sắc” của nghệ thuật đương đại Việt Nam.
Cũng vì thiếu một nền LLPB hiện tại, mà nhiều lệch chuẩn trong thẩm mỹ thưởng thức nghệ thuật của công chúng cũng bị ảnh hưởng. Những thứ “ngụy” nghệ thuật đôi khi được tôn vinh thái quá, thậm chí còn lũng đoạn môi trường nghệ thuật, vẩn đục đời sống văn hóa nghệ thuật cộng đồng, còn những gì thuộc nghệ thuật chân chính thì bị lãng quên hay bị xem là lạc hậu.
Nghệ thuật Việt Nam- giao lưu là chính
Một sự thật không biết nên vui hay buồn. Nghệ thuật Việt Nam khi mang ra nước ngoài có hai “luồng. Luồng chính thống thuộc sự quản lý của Nhà nước, nằm trong các chương trình ngoại giao văn hóa, hữu nghị, giao lưu, trao đổi văn hóa… Và những chương trình này thì bao năm nay ‘thực đơn” vẫn không thay đổi, như mẫu số chung cho dù là mang đến các quốc gia khác nhau với “tuần văn hóa Việt Nam”, đơn điệu, bó hẹp bởi khuôn khổ “truyền thống”. Và thế giới khi nói đến nghệ thuật Việt Nam, thì hay nhắc tới quan họ, đàn dân tộc, múa dân gian, áo dài, nón lá… Còn toàn bộ những gì thuộc về nghệ thuật đương đại đều là “bí ẩn” đối với cả giới nghệ thuật nước ngoài, bởi chưa khi nào những loại hình nghệ thuật đương đại ở Việt Nam được chính thức có mặt trong các chương trình này, dù chỉ là giao lưu. trao đổi văn hóa. Chính vì thế mà có rất nhiều nghệ sĩ cảm thấy tiếc nuối khi vuột bao nhiêu cơ hội để giới thiệu một nền nghệ thuật Việt Nam đương đại với quốc tế thông qua đường “chính ngạch” này.
Những lần mang tác phẩm nghệ thuật đi tham dự các Liên hoan quốc tế, thì gần như câu cửa miệng không chỉ của tác giả, hay của tổ chức mang tác phẩm dự thi đều như một câu slogan quen thuộc: “Đi để giao lưu là chính. Học hỏi kinh nghiệm của bạn…”, và vì thế nên cái quyết tâm giới thiệu nghệ thuật Việt Nam với bè bạn cũng giảm đi một phần, chưa kể trong nhiều lần, những khâu chuẩn bị để cho tác phẩm nghệ thuật Việt Nam được giới thiệu hoàn hảo đều bị thiếu thốn, sơ sài, thiếu chu đáo…
Ngay trong văn học, một ngành nghệ thuật có nhiều hoạt động “ngoại giao văn hóa” khá hữu hiệu, thì cũng chỉ là mang tính hữu nghị trong phạm vi một tổ chức, một khu vực. Và văn học Việt Nam vẫn chưa thể có vị trí như văn học một số quốc gia khác trong khu vực chấu Á khi số đầu sách của họ được dịch ra ngoại ngữ thành các “best sales” , rồi họ đoạt các giải văn học danh tiếng toàn cầu… Văn học Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài tính từ trước tới nay chưa tới 600 đầu sách, một con số ít như hạt cát nhỏ trong mênh mông đại dương sách toàn cầu, chưa đủ để cho văn học Việt Nam có một vị trí trên bản đồ văn học thế giới, chưa kể là còn phải cạnh tranh với bao nhiêu nền văn học đồ sộ có những tác phẩm thuộc về “tài sản nhân loại”.
Luồng thứ hai không chính thống, là của những văn nghệ sĩ luôn tâm huyết với nghệ thuật Việt Nam. Họ tự tìm hiểu, tự kết nối, và tự đưa tác phẩm của mình tham gia các cuộc thi nghệ thuật, để giới thiệu với các quốc gia khác với tâm niệm cho thế giới biết ở Việt Nam cũng có những nghệ sĩ tài năng, cũng có những nghệ sĩ không thua gì nghệ sĩ các quốc gia lớn mạnh khác…. Và trong số đó, có nhiều nghệ sĩ đã gặt hái được các kết quả mà không chỉ mang vinh dự về cho cá nhân họ, chứng tỏ tài năng của người Việt Nam không thua gì các nước khác, mà còn là mang vinh quang về nghệ thuật Việt Nam, để thế giới biết rằng Việt Nam cũng đang có một “dòng chảy” nghệ thuật đương đại chẳng thua kém các quốc gia khác- Một điều mà “luồng chính thống” không thể làm được.
Nhưng lại có một thực tế khá “đắng” , là những nỗ lực cá nhân của họ gần như không được khuyến khích ở trong nước, nhất là tác phẩm của họ, nhiều khi được các giải thưởng uy tín của thế giới, được người nước ngoài công nhận, thì trong nước lại thơ ơ, thậm chí mang đi tham dự các cuộc thi trong nước thì đều bị đánh trượt. Hay những nỗ lực thể nghiệm nghệ thuật theo những xu hướng mới của nghệ thuật thế giới, thì cá nhân nghệ sĩ phải rất vất vả khó khăn để thực hiện, mà không được sự hỗ trợ hay động viên nào.. Và khi mang tác phẩm ra ngoài Việt Nam giới thiệu với các nước bạn đôi khi cũng khá khó khăn…, chính điều này đã làm giảm đi chút nhiệt huyết sáng tạo của nghệ sĩ.
Điều này cũng lý giải phần nào vì sao nghệ thuật Việt Nam vẫn chẳng có vị trí nào trong bản đồ nghệ thuật thế giới, bởi tác phẩm ít, nghèo nàn…
Phấn đấu cho một nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam “hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc” không chỉ là khẩu hiệu suông. Đã đến lúc phải nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc, không thể khiếm khuyết, không thể “nhỏ, lẻ”, “khiêm tốn bé mọn”, để cho nền nghệ thuật Việt Nam thật sự mạnh, thật sự phát triển, không những giữ được những tinh hoa truyền thống dân tộc mà còn mang những tinh hoa đương đại để cho nền nghệ thuật Việt Nam thật sự có một vị trí trong nền nghệ thuật thế giới, để trong bản đồ nghệ thuật “toàn cầu hóa”, nghệ thuật Việt Nam là một cái tên được nhắc tới trang trọng, sánh với các nên nghệ thuật khác của khu vực và thế giới./.
Nguồn: Văn nghệ Trẻ số 12/23.3.2014