Năm Ngọ nghe... “Tẩu mã”

27/02/2014

Có một điệu hát gọi là Hát Tẩu, và Tẩu mã theo nghĩa đen là ngựa chạy. Điệu hát này thuộc cung Bắc của âm nhạc truyền thống, tiết tấu nhanh, dồn dập, thường được dùng trong trường hợp nhân vật phải chạy gấp. Người trong nghề có nơi còn gọi điệu Tẩu mã là Khách tẩu, bởi lẽ nếu hát khách mà dồn tiết tấu ở độ rất nhanh thì thành điệu Tẩu mã, nhưng trong các vở tuồng Hát Bội, không tác giả nào ghi chú là Tẩu mã hay Khách tẩu mà thường ghi là Loạn viết hoặc Tẩu viết.

Cũng có trường hợp ghi là Bắc xướng. Nhưng Bắc xướng chỉ có nghĩa là Hát khách mà Hát khách lại chia ra các điệu như Khách trình bày, Khách hành binh, Khách thán, Khách hồi, Khách thúc... Vậy nếu thấy trường hợp nhân vật phải chạy để hát khách thì đó mới là Tẩu mã, hay Khách tẩu như có người gọi. Hát Tẩu mã thường được dùng trong những trường hợp nhân vật chạy gấp. Điệu Tẩu mã được viết bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt hoặc thể phú, cũng có thể hai câu đầu là thơ, hai câu sau là phú. Câu Tẩu mã viết bằng thể thơ như câu sau đây của vai triều quan trong vở Sơn Hồ Ngọc. Thấy quân Phiên kéo qua biên giới, viên quan này vội vàng chạy về báo với viên quan trấn ải: (Nói lối): Chỉ thị khiến Phiên binh / Dĩ xâm lăng thần mã / Hoang mang phi thần mã / Hồi quan nội báo tri / (Tẩu mã): Khóa mã bôn lai tẩu như phi / Tinh đới nguyệt tốc bôn trì / Vạn thủy thiên sơn tâm mạc nại / Báo lai thượng tướng đắc tường tri; và hát như sau: Khoa mã (ứ ư) bôn (ư) lai tẩu như (ư ự) phi. Tinh đời (i í) nguyệt tốc bôn (ị ị) trì. Vạn thuỷ (ứ ư ) thiên (ứ ừ) sơn tâm mạc (ư ự) nại (ự). Báo lai thượng (ư) tướng đắc tường (ự à ự ự) tri...

Câu Tẩu mã viết bằng thể phú, chẳng hạn câu của Lý Phụng Đình trong vở tuồng cùng tên. Lý Phụng Đình đi săn, gặp hổ đón đường Phụng Đình xông đến đánh hổ: (Nói lối): Độc trùng thị độc trùng / Ác thú chân ác thú / Nguyện triển ngô thần võ / Bất dung nể bào hao. (Tẩu mã): Trục trục, phiên phiên, thâm xứ đắc lai mạng sính nể thực ngưu chi khí / Oanh oanh liệt liệt, nhất phiên đả tẩu, bất nhiên tha kinh khuyển chi hùng; và hát như sau: Trục trục (ứ ứ) phiên, (ứ ư) phiên, thần xứ (ứ ứ) đắc (ứ ừ) lai, mạng sính nể thực (ư) ngưu chi (í ì) khí (i í ị)! Oanh (ứ ừ) oanh, liệt liệt (ư), nhất (ứ ự) phiên đả (à a) tẩu (u), bất nhiên tha kinh khuyển chi (ị ị à ị ị ) hùng.

Thông thường thì nhân vật vừa chạy vừa hát Tẩu mã. Nhưng có trường hợp nhân vật không chạy mà vẫn hát Tẩu mã. Đó là trường hợp nhân vật tuy ở yên một chỗ mà tâm trạng thì lại hết sức xáo động. Điệu Tẩu mã ở đây nhằm biểu hiện cái xáo động ấy của tâm trạng. Chẳng hạn trong vở tuồng Lý Phụng Đình, lớp con yêu cá hiện lên giả dạng Lý Phụng Đình, đang đêm lẻn vào phòng của Loan Dung để trêu ghẹo. Loan Dung rút gươm đuổi đi. Sau đó nàng đến báo với cha là Thiện Công, xin ông trị tội bất chính của Lý Phụng Đình. Thiện Công không tin Lý Phụng Đình có hành động đó. Nhưng Loan Dung vẫn khăng khăng đích thị Phụng Đình đã đến phòng nàng nói lại hoa nguyệt. Thiện Công bảo Loan Dung đi với ông đến phòng Phụng Đình. Ông sẽ đứng rình ở ngoài và Loan Dung vào bảo với Phụng Đình: Tối qua chàng đến chơi phòng nàng, mà nàng vụng về có những cử chỉ bất nhã nên nay đến xin lỗi, để xem thái độ của Lý Phụng Đình. Loan Dung vào phòng, thấy Phụng Đình đương ngủ, có một con rồng vàng bay bên trên. Sợ quá, nàng quay ra nói với cha. Thiện Công nghe nói rất mừng, vì rồng là tướng tinh của bậc đế vương. Ông bảo con gái: “Con vào gọi Phụng Đình đi, chàng thức dậy thì rồng sẽ biến mất, đừng sợ”. Loan Dung vào gọi Phụng Đình dậy và nói những điều cha dặn. Phụng Đình cho biết chàng không hề đến phòng nàng bao giờ, và bực tức, cho là mình bị vu khống, nên kiên quyết đuổi nàng ra khỏi phòng. Thiện Công đứng bên ngoài nghe, mừng quá, bước vội vào phòng, đứng trước Phụng Đình, hát Tẩu mã ca tụng đạo đức của Phụng Đình: (Tẩu mã): Hay a! Hảo giả (ứ ứ) Phụng... Đình (ứ ứ)!. (Chầu cho Phụng Đình, hả hả...). Trạm trạm đơn (ứ ừ) tâm giai nguyệt lãng (ư ứ ự). (Giỏi lắm!). Hoan (ư ừ) tai Lý thị, chiêu (ú ù) chiêu tố tiết hữu thiên (ự ừ ự ừ ự ự) tri.

Hát câu trên, về qui tắc, sau tiếng “Phụng” phải có cái láy “ứ”, rồi mới đến tiếng “Đình”. Nhưng Phụng Đình là tên người, nếu chen vào tiếng láy “ứ” ở giữa thì có thể hiểu nhầm tên người ấy là Phụng (ư) Đình, do đó sau tiếng “Phụng” chỉ có cái luyến nhẹ bằng giọng mũi nghe như “hứ hứ”. Ở vế sau nếu hát hai tiếng “Hoan tai” liền nhau rồi hai tiếng “Lý thị” cũng có cái luyến giọng mũi nhẹ ở giữa thì phạm lỗi điệp cú, làm giảm tính đa dạng của điệu, nên phải hát như trên...

(Theo tài liệu của Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP.HCM)

(Nguồn: Tạp  chí Âm nhạc Việt Nam số 33)

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...