Hát Xoan Phú Thọ: S.O.S
Hát Xoan Phú Thọ vừa được phê chuẩn là cần bảo vệ khẩn cấp. Tại Quyết định số 2058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã Phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ (Giai đoạn 2013-2020)”.
Mục tiêu của Đề án
Tiếp tục giữ gìn, lưu truyền, phổ biến, phát huy cho thế hệ mai sau những giá trị độc đáo mang tính xã hội, nhân văn, những phong tục, tập quán tốt đẹp về Hát Xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Nâng cao nhận thức và lòng tự hào trong cộng đồng, trách nhiệm của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Hát Xoan. Từng bước bảo tồn phát huy giá trị Hát Xoan trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Đến năm 2015, đưa Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; đầu tư tu bổ, phục hồi 5 di tích tại các phường Xoan gốc ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ; đào tạo được lớp nghệ nhân kế cận tại các phường Xoan gốc kế tục lớp nghệ nhân cao tuổi hiện nay trong việc truyền dạy cho lớp trẻ tại cộng đồng; tỷ lệ người biết Hát Xoan là thanh niên, thiếu niên và nhi đồng ở các phường Xoan gốc của tỉnh Phú Thọ đạt 40%; bảo đảm 100% người có công bảo tồn, gìn giữ, truyền dạy Hát Xoan được tôn vinh và hưởng chế độ đãi ngộ theo quy định.
Phấn đấu đến năm 2020, khôi phục các lễ hội, tục lệ Hát Xoan truyền thống nhằm xây dựng thành không gian văn hóa Hát Xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; tiếp tục đầu tư tu bổ, phục hồi cho các di tích còn lại gắn với Hát Xoan; nâng tỷ lệ người biết Hát Xoan là thanh niên, thiếu niên và nhi đồng ở các phường Xoan gốc của tỉnh Phú Thọ lên 70%; hỗ trợ chống xuống cấp cho các di tích và phục hồi các tục lệ Hát Xoan truyền thống tại các di tích có Hát Xoan lan tỏa.
Nhiệm vụ và nội dung thực hiện
Giai đoạn 2013-2015: Tăng cường công tác sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa và số hóa các bài Hát Xoan, những sinh hoạt văn hóa, âm nhạc gắn với không gian văn hóa Hát Xoan; Phục hồi, bảo tồn, truyền dạy và thực hành Hát Xoan trong cộng đồng địa phương; Tu bổ, tôn tạo các di tích trọng điểm gắn với Hát Xoan tại các phường Xoan gốc; phục hồi không gian diễn xướng Hát Xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; Triển khai chương trình giáo dục về di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan lồng ghép trong các chương trình chính thức và ngoại khóa trong các trường học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, hội nghề nghiệp trong việc bảo vệ, phát huy giá trị của Hát Xoan Phú Thọ và năng lực thực hành, quản lý di sản cho cộng đồng Hát Xoan; Thành lập Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; Quảng bá, phổ biến, tôn vinh giá trị của di sản văn hóa Hát Xoan trong nước và với bạn bè quốc tế; Xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân và các phường Hát Xoan.
Giai đoạn 2016-2020: Phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong hoạt động phát triển du lịch, dịch vụ thông qua các hoạt động trình diễn tại các phường Hát Xoan, các di tích Hát Xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; Tiếp tục đầu tư phục hồi, tu bổ, tôn tạo các di tích liên quan đến Hát Xoan; truyền dạy Hát Xoan, khôi phục các tục lệ, lễ hội truyền thống ở các địa phương có Hát Xoan . Đầu tư cơ sở hạ tầng tại các địa phương có phường Xoan gốc và vùng lân cận để phục vụ nhu cầu phát triển du lịch và nâng cao đời sống cộng đồng Hát Xoan; Tăng cường đưa Hát Xoan tham gia các cuộc giao lưu quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể.
Dự kiến kinh phí thực hiện là 165 tỷ đồng
Thường vào mùa xuân, có các phường xoan lần lượt khai xuân ở đình, miếu làng. Hát cửa đình giữ cửa đình mục đích nhân dân địa phương kết nghĩa với nhau. Theo lệ dân tại chỗ là vai anh, họ (làng khác) là vai em. Khi kết nghĩa rồi cấm trai gái hai bên dân và họ kết hôn với nhau do là anh em. Đứng đầu một phường Xoan là ông trùm phường - người dạy nghệ thuật hát xoan, đồng thời là người tổ chức biểu diễn. Theo hầu ông trùm là các cô đào trẻ. Trong hát xoan, múa và hát luôn đi cùng kết hợp với nhau, dùng điệu múa minh họa nội dung cho lời ca. Có 3 hình thức hát xoan: hát thờ cúng các Vua Hùng và thần thành hoàng làng, hát nghi lễ cầu mùa tốt tươi, cầu sức khỏe và hát lễ hội là hình thức để nam nữ hát trao duyên. Hát xoan có hát đối giao duyên nam nữ giữa đào xoan và trai làng, Hát múa mời rượu, hát tiều ngư canh mục - Còn gọi là mò cá, điệu múa hát của ước vọng sinh sôi.
(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam số 33 - Số Xuân)