Con đường đúng cho nhạc Việt
Trong tình trạng V-pop bão hòa các bản tình ca, nghệ sĩ mượn âm hưởng nhạc truyền thống để đổi món cũng là giải pháp hay.
Mặt Trời Đỏ - từ trái qua: Thanh Lan (hát), Hồ Nga (hát, t’rưng, tam thập lục, trống, bầu), Kim Long
(tranh, t’rưng, tỳ bà), Thùy Linh (violon, trống). Ảnh: Minh Huy
Tuy nhiên, những nghệ sĩ chuyên nhất hoặc có sản phẩm chuyên biệt với chất liệu truyền thống ở Việt Nam trước giờ vẫn khá hiếm hoi. Nhưng riêng năm 2013, đã xuất hiện 3 album đậm màu world-music Việt.
Tuy tên có vẻ đối lập, hai đĩa Độc đạo và Song hành đều là sự kết hợp của một nghệ sĩ Việt Nam và một nước ngoài. Song hành của Ngô Hồng Quang và Onno Krijn có 9/13 bài là dân ca nguyên gốc (xẩm, chèo, quan họ, lý Nam Bộ), còn lại là sáng tác mới mang âm hưởng truyền thống.
Độc đạo của Tùng Dương- Nguyên Lê không nằm hẳn trong dòng world-music nhưng vẫn điểm xuyết màu cổ nhạc Việt. Những đoạn hòa tấu đàn dân tộc (có khi là nhạc cải biên) được Nguyên Lê đưa vào các bài tiếng Anh kinh điển làm người nghe cả Tây lẫn ta thấy thú vị.
“Âm nhạc dân tộc còn rất nhiều màu sắc phong phú khác chưa được khai thác hết. Mỗi nghệ sĩ muốn về nguồn, thì kết hợp với âm nhạc dân tộc là con đường đúng”.
Hồ Nga khẳng định |
Cũng ra trong năm qua, album nhạc new-age Yêu của nhóm 5 Dòng Kẻ sử dụng đàn bầu trong một bản hòa tấu.
Ca sĩ Ngọc Ký gây bất ngờ bằng cách ra hẳn một bộ đĩa hát văn. Nhưng “lãi” nhất cho đến lúc này vẫn là Tùng Dương- hát lại Chiếc khăn piêu nhận ngay giải Bài hát của năm 2012 trị giá 1 tỷ. Không có gì lạ, bởi những giai điệu truyền thống còn đến ngày nay tức đã phải trải qua quá trình tinh tuyển tính bằng nhiều thế kỷ.
Ngô Hồng Quang xuất khẩu nhạc Việt
Song hành của Ngô Hồng Quang phát hành cùng lúc ở Việt Nam và Hà Lan. Đây là sản phẩm đầy đặn hơn cả trong dòng world music còn non trẻ ở Việt Nam vài năm trở lại đây, không chỉ vì nó có tới 13 track đủ các thể loại.
Cả hai nghệ sĩ nổi bật trong dòng nhạc của mỗi người đã làm nên một sự kết hợp duyên dáng và quyến rũ.
Ngô Hồng Quang không chỉ hát mà còn sáng tác theo lối dân gian. Ảnh: Laurent Rousseau
Ở Song hành, Quang hát đủ các thể loại nhạc truyền thống và tự đệm đàn dân tộc. Onno Krijn nói về người đồng sự: “Tôi hân hạnh được làm việc với một nghệ sĩ tuyệt vời như Quang.
Trong suốt quá trình thu thanh, anh không ngừng làm tôi sửng sốt với tài năng hát và sử dụng một cách điêu luyện các nhạc cụ Việt Nam như đàn bầu, nhị, k’ní...”.
Nhiều phần thu của Quang, dù ở mức tối giản (một giọng hát + một nhạc cụ), đã có thể đứng độc lập. Rồi đến lượt Onno Krijn với sự tinh tế và lịch lãm Bắc Âu đã đưa âm thanh điện tử vào những khoảng trống còn lại, và sản phẩm hoàn thiện trở nên mãn nhĩ đối với cả người nghe phương Tây lẫn phương Đông.
Chèo made-in-Tân Nhàn
Trong đĩa Yếm đào xuống phố, Tân Nhàn chỉ việc hát trên nền nhạc hoàn toàn Tây của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng. Nghe đĩa Yếm đào xuống phố, có lẽ chỉ dân chèo mới đủ thính để nhận ra rằng đó không hẳn là chèo.
Với sự xuất hiện đột ngột của Yếm đào xuống phố, người hâm mộ Tân Nhàn có dịp để đến gần với chèo hơn. Ngược lại, sự đặc biệt nhờ tận dụng chất liệu dân tộc của sản phẩm cũng góp phần làm cho Tân Nhàn trở nên “đặc biệt” giữa ngày càng nhiều các giọng nữ cùng dòng tạm gọi là thính phòng dân gian. Tân Nhàn cho hay sẽ tiếp tục tìm tòi để ra các sản phẩm âm nhạc kết hợp truyền thống kiểu Yếm đào xuống phố.
Mặt Trời Đỏ và thị phần có yếu tố nước ngoài
Mặt Trời Đỏ là một trong vài nhóm nhạc hiếm ở Việt Nam định hình phong cách biểu diễn pop với nhạc cụ truyền thống. Tuy nhiên đĩa đầu tay của nhóm khẳng định quyết tâm chinh phục phong cách world-music.
Album Tri kỷ gồm 6 bài dân ca nhạc cổ đủ màu Bắc- Trung- Nam: Chầu văn, Lý chim quyên, Lý Mười thương, Thềnh Thềnh Oh ơi, Lý chuồn chuồn và Trần ai tri kỷ (ca trù).
Đĩa này xác định ra để bán trong những lần biểu diễn nước ngoài là chính. Đương nhiên, mỗi nghệ sĩ đều có con đường đúng phù hợp với tài năng và hoàn cảnh của mình.
World music- con đường lạ hóa nhạc dân tộc vẫn còn ít người khai phá. Và những người theo phong cách này có lợi thế riêng. Họ dễ được thế giới bên ngoài nhận ra hơn vì màu sắc Việt Nam không thể trộn lẫn. Người nghe trong nước cũng bắt đầu để ý world music Việt vì những âm thanh vừa quen vừa lạ đầy quyến rũ.
Thôi thì ta nghe nhạc Tây, Tây lại nghe nhạc ta. Cũng là một biểu hiện thú vị của giao lưu văn hóa trong tình hình thế giới phẳng.
(Nguồn: http://www.tienphong.vn)