Sách mới: Dân ca Bahnar
LỜI GIỚI THIỆU của NXB Âm nhạc
Bahnar (Ban Na) là một trong những dân tộc thiểu số có lịch sử phát triển lâu đời trên mảnh đất Tây Nguyên, Việt Nam.
Từ ngàn đời nay, bằng tài năng và trí sáng tạo của mình, người Bahnar đã sáng tạo ra một kho tàng văn hóa vô cùng phong phú và độc đáo hiếm thấy nơi nào có được. Nói đến văn hóa Bahnar là nói đến cuộc sống gắn liền với núi rừng, sông suối của những con người hiền lành, chất phác, thương người mến khách, dũng mãnh, thủy chung; là nói đến những ngày hội truyền thống tưng bừng với tiếng cồng, tiếng chiêng, những vòng soang – điệu múa tưởng chừng như không bao giờ dứt; là những đêm Hơ amon – Sử thi – Trường ca huyền thoại; là mùa ăn năm, uống tháng (khêi ning nơng); là nói đến mái nhà rông cao vút, là rừng tượng mồ với những ngôi nhà mồ xinh đẹp. Nói đến văn hóa Bahnar không thể không nhắc tới những khúc hát dân ca ngọt ngào sâu lắng, ấm áp tình người.
Từ lâu, âm nhạc dân gian các dân tộc Tây Nguyên nói chung, dân ca Bahnar nói riêng đã được giới thiệu rải rác trên các sách báo, tạp chí và các phương tiên thông tin đại chúng ở nước ta. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên số lượng các bài bản dân ca Bahnar đã được sưu tầm, giới thiệu chưa nhiều so với tiềm năng nó!
Dân ca Bahnar – cuốn sách mà các bạn đang cầm trên tay là một minh chứng cho tinh tinh thần làm việc nghiêm túc và khoa học của nhạc sĩ, nhà nghiên cứu dân tộc nhạc học Lê Xuân Hoan trong suốt 30 năm qua.
Là hội viên chuyên ngành Sáng tác và Nghiên cứu Hội Nhạc sĩ Việt Nam, P. Hiệu trưởng, Q. Hiệu trưởng Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai, nay là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai, dù ở cương vị công tác nào, thạc sĩ Lê Xuân Hoan cũng đều thể hiện rõ khả năng chuyên môn cũng như bản lĩnh và đạo đức nghệ nghiệp của mình. Thạc sĩ Lê Xuân Hoan luôn mang trong mình dòng máu của con người xứ Nghệ, đó là tinh thần ham hiểu biết, tìm tòi và sáng tạo. Do vậy, mặc dù bề bộn với công tác quản lý, nhưng anh vẫn dành không ít thời gian cho công tác giảng dạy, sáng tác, sưu tầm và nghiên cứu âm nhạc.
Trên lĩnh vực sưu tầm và nghiên cứu, đến nay, thạc sĩ Lê Xuân Hoan đã đạt được một số kết quả đáng trân trọng:
- Dân ca Jrai (sưu tầm, biền soan) – Nxb. Văn hóa Dân tộc. H, 2006 (Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam, năm 2007)
- Một số nét đặc trưng cơ bản của âm nhạc dân gian Jrai (chuyên khảo) – Nxb, Văn hóa dân tộc. H, 2007 (Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam, năm 2008)
- Dân ca Bahnar (sưu tầm, biên soạn) – Nxb. Âm nhạc – Hội VHNT Gia Lai, năm 2013.
- Tìm hiểu thang âm điệu thức trong âm nhạc dân gian Bahnar ở Gia Lai (chuyên khảo sắp in)
- Cồng chiêng và những khúc nhạc cồng chiêng Bahnar (chuyên khảo sắp in)...
Dân ca Bahnar là một cuốn sách được trình bày ngắn gọn, trung thực, khách quan và hợp lý. Tuy không được trình bày theo kểu chương mục nhưng tác giả Lê Xuân Hoan đã giới thiệu được một đầy đủ các thể loại dân ca của người Bahnar ở Gia Lai, từ hát ru, đồng giao, giao duyên, đến hát sinh hoạt, hát kể trường ca, hát khóc ... Đó là những khúc hát đã gắn liền với đời sống vật chất và tinh thần của người dân Bahnar từ thủa mới lọt lòng mẹ đến lúc về với ông bà tổ tiên nơi cõi vĩnh hằng. Theo tác giả: “Trải qua bao biết thiên của lịch sử, đến nay, âm nhạc cũng như văn hoá dân gian Bahnar vẫn còn giữ được vẻ mộc mạc, hồn nhiên, lắng đọng nhưng không kém phần tinh tế, bay bổng như chính bản chất các chủ thể đã sáng tạo ra nó”.
Đây là nguồn tư liệu có giá trị thực tiễn vừa phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy vốn âm nhạc truyền thống trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng âm nhạc vừa là nguồn tư liệu quý cho các nhạc sĩ sáng tác, biểu diễn âm nhạc, những người làm công tác văn hóa ở cở sở và người yêu nhạc trong cả nước. Đồng thời đây cũng là một việc làm thiết thực góp phần bảo tồn, phát huy vốn âm nhạc truyền thống của các dân tộc trong xu thế giao lưu và hội nhập quốc tế hiện nay.
Đây cũng là món quà tri ân của thạc sĩ Lê Xuân Hoan đối với đồng bào Bahnar nói riêng các dân tộc Tây Nguyên nói chung.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 2013 NHÀ XUẤT BẢN ÂM NHẠC |
CÙNG BẠN ĐỌC
Bahnar (Ba Na) là một dân tộc lớn ở Tây Nguyên thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ me, số dân hiện nay ước tính khoảng trên 25 vạn người, trải rộng từ Kon Tum, Gia Lai xuống một số huyện miền núi các tỉnh Bình Định và Phú Yên. Riêng ở tỉnh Gia Lai, theo Niên giám thống kê của Chi cục Thống kê tỉnh Gia Lai, năm 2010, người Bahnar có 155.484 người, sống tập trung tại thị xã An Khê và các huyện K’Bang, Đăk Pơ, Công Ch’ro, Mang Yang, Đăk Đoa, Chư Păh, một số ít sống rải rác ở các huyện Chư Sê, Ia Pa và thành phố Pleiku.
Cũng như nhiều dân tộc bản địa khác ở Tây Nguyên, do những đặc điểm về hoàn cảnh lịch sử cũng như địa lý, cho đến nay, người Bahnar vẫn sống trong một xã hội tiền giai cấp và được chia làm nhiều nhóm địa phương khác nhau. Theo điều tra của các nhà dân tộc học Việt Nam, người Bahnar hiện nay gồm có các nhóm sau: nhóm Bana Kon Tum ở xung quanh thị xã Kon Tum, nhóm Tơ Lô ở An Khê, Mang Yang (tỉnh Gia Lai), nhóm Rơngao ở quanh thị xã Kon Tum, Đắc Tô (tỉnh Kon Tum), nhóm Giơlơng ở huyện Kon Plông và thị xã Kon Tum tỉnh Kon Tum, nhóm Krem ở huyện Vĩnh Thạnh, nhóm Bahnar Chăm ở huyện Vân Canh thuộc tỉnh Bình Định. Ở Gia Lai, người Bahnar có 4 nhóm cơ bản sau đây:
- Bahnar Roh (người ở trên núi), địa bàn sinh sống chủ yếu của họ ở các huyện: Đăk Đoa, Mang Yang.
- Bahnar Bơhnâm, địa bàn sinh sống chủ yếu ở vùng rừng già thuộc xã Krong và xã Lơ Ku thuộc huyện K’Bang.
- Bahnar Tơlô hay còn gọi là Bahnar Glar, nhóm này sinh sống ven sông Ba thuộc thị xã An Khê và huyện Kông Ch’ro. Nhóm này có số lượng dân cư đông nhất và họ tự cho mình là nhóm Bahnar gốc. Trong sinh hoạt, nhóm này thường tiếp xúc nhiều với người Jrai Chor ở huyện Ia Pa, đặc biệt là các xã: xã Nam Yang, xã Bờ Tó…, nên văn hoá dân gian của họ ít nhiều chịu ảnh hưởng văn hoá dân gian của người Jrai.
- Bahnar Konkơđeh (người vùng giữa), nhóm này sống xen kẽ giữa nhóm Bahnar Bơnâm và Bahnar Tơlô. Về nguyên tắc, ở gần nhóm cư dân nào thì người Bahnar Kon Kơđeh chịu ảnh hưởng của nhóm cư dân đó.
Tuy được chia ra nhiều nhóm địa phương khác nhau, nhưng về cơ bản người Bahnar ở Gia Lai vẫn có một truyền thống văn hóa chung cho dân tộc mình, trong đó âm nhạc là một thành tố quan trọng.
Thế nào là dân ca? Hiện nay, ở nước ta, thật khó mà tìm ra một định nghĩa thỏa đáng về dân ca. Tùy theo góc độ tiếp cận mà mỗi nhà nghiên cứu nêu lên những quan niệm và cách diễn đạt khác nhau về dân ca. Trong cuốn sách Tục ngữ, Ca dao, Dân ca Việt Nam, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan viết: “Dân ca là những bài hát có nhạc điệu nhất định, nó ngả về nhạc nhiều ở mặt hình thức, nên ca hát người ta cũng gọi là thanh nhạc”. Đúng về góc độ âm nhạc, khi đề cập đến Dân ca nhiều nhà nghiên cứu đều thống nhất, cho rằng: Dân ca là những bài hát (musique vocale) do quần chúng nhân dân sáng tạo ra trong quá trình hoạt động thực tiễn, lịch sử. Đó là những bài hát đã đi vào kho tàng âm nhạc dân gian của các dân tộc, các vùng miền khác nhau thông qua con đường truyền khẩu. Vì vậy, Dân ca luôn được biến đổi và không thuộc bản quyền của một tác giả nào với tư cách là người sáng tạo đầu tiên. Quần chúng nhân dân vừa là người sáng ra dân ca vừa là lực lượng thưởng thức, giữ gìn, phát triển dân ca.
Nói đến dân ca là nói đến sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc và lời ca (ca từ). Lời ca trong các bài dân ca thông thường là những vần thơ dân tộc - những bài ca dao, tục ngữ được âm nhạc hóa thông qua các phương tiện diễn tả của nó. Tùy theo từng loại dân ca mà người ta thêm vào các tiếng đệm lót, tiếng láy, như: tình tính tang, ấy mấy, mà này, i a, ơi a, ê hê, lêu lêu... Những từ, cụm từ ấy nếu tách khỏi giai điệu âm nhạc thì hầu như không có nghĩa, do đó, giới âm nhạc gọi là hư từ. Đặc điểm của những tiếng đệm - hư từ ấy, cấu tạo nên những âm điệu riêng biệt của từng vùng miền và từng dân tộc, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của mỗi vùng miền, và mỗi dân tộc khác nhau.
Mỗi dân tộc, do điều kiện địa lý, lịch sử, ngôn ngữ, đặc biệt là ý thức thẩm mỹ khác nhau nên đã hình thành những truyền thống âm nhạc khác nhau. Trong đó, dân ca là một tín hiệu nhận biết đầu tiên của sự khác nhau ấy. Nói cách khác: Dân ca bao giờ cũng ra đời trong những hoàn cảnh nhất định, với những không gian nhất định, một dân tộc nhất định và mang dấu ấn của dân tộc ấy. Do đó, trong dân ca của các dân tộc, nếu tách lời ca (văn học) ra khỏi âm nhạc hoặc tách âm nhạc ra khỏi lời ca thì chúng ta sẽ không hiểu hết giá trị nghệ thuật của nó. Thực ra, trong dân ca không chỉ có văn học và âm nhạc mà còn có nhiều khía cạnh văn hóa khác nữa, như: phong tục tập quán, nhảy múa, văn hóa tâm linh, v.v...
Giống như nhiều dân tộc bản địa ở Tây Nguyên, từ ngàn đời nay, bằng trái tim, khối óc với khát vọng vươn tới những mục tiêu cao đẹp, đồng thời với việc bảo vệ, giữ gìn cuộc sống bình yên cho cả cộng đồng trước sự xâm lăng của kẻ thù, người Bahnar đã sản sinh ra một kho tàng văn hoá dân gian vừa phong phú vừa độc đáo, trong đó, âm nhạc là một thành tố quan trọng, thu hút nhiều nhà nghiên cứu, sáng tác trong và ngoài tỉnh quan tâm.
Dân ca, tiếng Bahnar gọi là Joh, tiếng Jrai gọi là Adôh hoặc Pơtưh. Joh là một loại hình diễn xướng dân gian của người Bahnar. Có thể nói, cho đến nay mặc dù đã phải trải qua biết bao khó khăn vất vả bởi điều kiện “thiên tai, địch họa”, sự tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường với những sản phẩm văn hóa ngoại nhập, cơm chưa đủ no, áo chưa đủ mặc, nhưng đồng bào Bahnar đang còn lữu giữ được một kho tàng dân ca vô cùng phong phú và độc đáo. Tiếc rằng, từ trước đến nay, do điều kiện chủ quan và khách quan nên việc sưu tầm, nghiên cứu, tuyên truyền, quảng bá dân ca Bahnar chưa được là bao so với tiềm năng của nó.
Qua khảo sát, nghiên cứu, chúng tôi thấy: Lịch sử nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên ít nhất đã trải qua một quãng thời gian hơn một trăm năm với tên tuổi của các học giả người Pháp, như: Douriboure P (Những người Ba Na dã man), Pari, 1853; Guerlach R.R.J.B (Cùng sống với những người dã man ở Đông Nam Kỳ); Ba Na Rơ Ngao, Xơ Đăng, (Công cán Thiên chúa giáo, tâp 26, 1894). Guillemine P. (Tục đâm trâu ở người Ba Na, BAVH, 1942); và (Bộ lạc Ba Na ở Kon Công Tum, BEFEO, 1952); Jouln B.Y (Cái chết và nấm mồ - Tục bỏ mả, Pari, 1949); Duornes J. (Âm nhạc của dân tộc Gia Rai, Pari, 1965); và (Văn hóa Gia Rai, Pari, 1972); Condominas G. (Chúng tôi ăn rừng, Pari, 1982) v.v.. với tên tuổi của các nhà dân tộc học Việt Nam, như Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi (Mọi Kon Tum, Huế, 1937)...- Nhiều tác giả: Bảo vệ không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên – Nhà Xuất bản Văn hóa Thông tin H, 2007, tr 235 ; Thế nhưng đến trước năm 1945, hầu như chưa có cá nhân, tổ chức nào nghiên cứu về âm nhạc dân gian Bahnar ở Gia Lai.
- Sau Hiệp định Gơnevơ 1954, một số nhà nghiên cứu ở miền Bắc đã dựa vào con em đồng bào các dân tộc Tây Nguyên ra tập kết để sưu tầm và giới thiệu được một số bài dân ca Tây Nguyên (trong đó có một số bài dân ca Bahnar) trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam.
- Năm 1960, Nhà xuất bản Mỹ thuật - Âm nhạc thuộc Bộ Văn hóa có giới thiệu một số bài dân ca Bahnar trong cuốn: Dân ca Tây Nguyên, do tác giả Lê Toàn Hùng và Lê Huy ghi âm và tuyển chọn. Tuy nhiên, những bài dân ca Bahnar trong cuốn sách này không có xuất xứ, không có địa chỉ của người hát và lời ca phần lớn là lời mới - tiếng Kinh.
- Sau ngày miền Nam được giải phóng (1975), cụ thể cuối những năm 70 đầu năm 80 của thể kỷ XX, Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam đã phối hợp với Sở Văn hóa Thông tin Gia Lai – Kon Tum tổ chức nhiều đợt nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian các dân tộc trong tỉnh. Sau đó, Sở Văn hóa Thông tin Gia Lai - Kon Tum đã tổ chức một cuộc Hội thảo khoa học báo cáo kết quả của các đợt sưu tầm, nghiên cứu nói trên. Kết quả, kỷ yếu “Giữ gìn. phát huy vốn văn hóa truyền thống các dân tộc” được xuất bản tại Pleiku, năm 1981. Trong cuốn sách này, ông ANay Nhoan đã giới thiệu khái lược một số nhạc cụ truyền thống của người Bahnar, ông Măng Ngọc và bà H’ben là hai người con của dân tộc Bahnar có giới thiệu một số bài dân ca (Avơng - Avao) giai điệu của những bài ca được ghi lại sơ sài, lời ca cũng chủ yếu là lời mới và cũng không có xuất xứ, nên chúng tôi cũng xem là tài liệu tham khảo. Năm 1988, Sở Văn hóa Thông tin Gia Lai - Kon Tum xuất bản cuốn “Fônclore Bahnar”, do ông Tô Ngọc Thanh - chủ biên. Cuốn sách tập hợp những khảo cứu ban đầu về Múa, Lễ hội, Âm nhạc, Văn học dân gian... của dân tộc Bahnar tại xã YơMa, huyện An Khê (cũ), nay là huyện Kông Ch’ro, tỉnh Gia Lai. Đáng chú ý, khi nghiên cứu âm nhạc dân gian tại xã này, tác giả Tô Ngọc Thanh đã trình bày khá tập trung vào các vấn đề: giới thiệu một số nhạc cụ (musique instrumentale), một số “làn điệu” dân ca (musique vocale) và một số phương tiện biểu hiện âm nhạc, như: giai điệu, nhịp điệu, các loại hàng âm v.v... Với một chuyên khảo như thế, chưa thể nào nói hết được những giá trị âm nhạc độc đáo của người Bahnar ở Gia Lai. Thực tế, trước lúc đi sâu tìm hiểu âm nhạc fôn-clo Bahnar ở An Khê, tác giả Tô Ngọc Thanh cũng đã bày tỏ: “Chúng tôi chưa thể nói đầy đủ và sâu sắc về các thể loại dân ca Bahnar An Khê và các đặc điểm của chúng. Lý do đơn giản là chưa có được những tư liệu đáng tin cậy. Trong những chuyến đi sưu tầm tại các địa phương, do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là không tìm được nghệ nhân, tư liệu về dân ca thu thập được quá ít, không đủ để nghiên cứu cho sâu và toàn diện” - Tô Ngọc Thanh (chủ biên): fôlclo Bâhna. Sở VHTT Gia Lai - Kon Tum, Pleiku, 1988. tr, 203. Tuy nhiên, phương pháp tiếp cận cũng như những tư liệu mà tác giả Tô Ngọc Thanh đã thông tin trong cuốn sách trên rất đáng được trân trọng và chắc chắn chúng tôi sẽ tham khảo, học tập, tiếp thụ.
- Năm 1985, Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Gia Lai - Kon Tum, tổ chức Liên hoan và Hội thảo khoa học về cồng chiêng toàn quốc, tại thị xã Pleiku. Cuộc liên hoan đã thu hút 25 đoàn cồng chiêng các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Hòa Bình tham gia. Năm 1986, Sở Văn hóa Thông tin Gia Lai - Kon Tum và Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam, xuất bản cuốn kỷ yếu “Nghệ thuật cồng chiêng” - sách được tập hợp 19 bản tham luận tại cuộc hội thảo khoa học nói trên của các nhà nghiên cứu âm nhạc, các nhà quản lý văn hóa trong và ngoài tỉnh. Đáng chú ý là những bài viết của các tác giả chuyên nghiên cứu về âm nhạc, như: Tô Vũ, Lều Kim Thanh, Phạm Cao Đạt. Đặc biệt là những tư liệu nghiên cứu về cồng chiêng (nói đúng hơn là nhạc chiêng) của người Bahnar ở khu vực xã Nam huyện An Khê (cũ) của tác giả Lều Kim Thanh.
- Năm 1992, trong cuộc Liên hoan Hát ru toàn quốc lần thứ nhất do Bộ Văn hóa tổ chức tại thành phố Huế, chúng tôi cũng đã sưu tầm và giới thiệu 2 bài hát ru của người Bahnar: Ru em (Pơlung oh tep), Ru cháu (Pơlung sâu), đạt 2 Huy chương Vàng và đã được Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh, phát rất nhiều lần trên làn sóng của Đài, đông đảo bạn nghe đài, đặc biệt là đồng bào Bahnar đón nhận một cách trân trọng.
- Năm 1993, được sự bảo trợ của Sở Khoa học Công nghệ & Môi trường Gia Lai, tác giả Đào Huy Quyền đã thực hiện đề tài: “Phân loại dân ca Jrai - Bahnar”. Công trình này được Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản với tên sách “Tìm hiểu đặc trưng trong dân ca JRAI - BAHNAR”. H, 2005. Qua 35 bài dân ca mà tác giả Đào Huy Quyền sưu tầm, sưu tập, giới thiệu (8 bài không xuất xứ, không ghi danh người sưu tầm, kí âm, đầu bài được ghi bằng ngôn ngữ phổ thông, 18 bài do Đào Huy Quyền sưu tầm, ghi âm, 01 bài do Tô Ngọc Thanh sưu tầm và ghi âm, 02 bài do Lê Toàn Hùng ghi âm và phỏng dịch). Tuy nhiên, những tư liệu mà tác giả Đào Huy Quyền sưu tầm, sưu tập cũng không có xuất xứ và phần lớn các bài dân ca đều được đặt tên bài bằng lời phổ thông (Kinh).
- Năm 2003, tại Pleiku, Trung tâm Văn hóa - Thông tin Gia Lai xuất bản cuốn “Tập ca khúc dân ca Bahnar - Jrai” do tác giả Đào Xuân Thành, Nguyễn Thị An Lành, Thảo Giang và Y Tư - là những người đã và đang sinh sống tại Gia Lai sưu tầm, tuyển chọn. Tuy nhiên, hầu hết các bài hát đều không có xuất xứ, không có địa chỉ của người hát, có ghi tên người sưu tầm mà không ghi tên người kí âm và việc kí âm còn sơ sài và thiếu chính xác (vấn đề này khi giới thiệu những bài dân ca cụ thể chúng tôi sẽ ghi rõ hơn).
- Năm 2005, Sở Văn hóa Thông tin Gia Lai xuất bản cuốn “Dân ca Bahnar”, do tác giả Nguyễn Quang Tuệ sưu tầm và biên soạn với sự cộng tác của Nhà giáo Sui Pêt, Nghệ sĩ H’Ben và Nhà báo Lê Kim Tương. Tuy nhiên, do được sưu tầm, biên soạn dưới góc độ văn học dân gian, nên phần nhạc điệu trong các bài hát không được ghi chép. Vì vậy, tác giả Nguyễn Quang Tuệ cũng đã bày tỏ: “Do chưa đủ điều kiện tìm hiểu một cách toàn diện hoạt động ca hát của người Bahnar, chúng tôi mới có thể mang đến cho bạn đọc phần ngôn ngữ của những bài hát ấy”.
- Năm 2010, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch và Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai xuất bản CD. Dân ca Bahnar, gồm 19 bài, do nhạc sĩ Lê Xuân Hoan sưu tầm, tuyển chọn từ những giọng ca của các nghệ nhân Bahnar ở Gia Lai.
- Năm 2011, trên cơ sở CD. Dân ca Bahnar xuất bản năm 2010, với Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Gia Lai xuất bản DVD. Dân ca Bahnar, gồm 10 bài, do nhạc sĩ Lê Xuân Hoan làm cố vấn nội dung.
Như vậy, rõ ràng Dân ca Bahnar đã được nhiều nhà nghiên cứu, sưu tầm giới thiệu rải rác trong các tập sách, các công trình nghiên cứu và trên các phương tiện thông tin đại chúng ở nước ta từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, như trên đã nói, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên số lượng bài bản được sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa nhiều so với tiềm năng vốn có của kho tàng dân ca Bahnar ở Gia Lai.
Lần này, với tư cách là một người làm công tác âm nhạc, đã sống ở Gia Lai gần 30 năm nay, được học tập kinh nghiệm của những người đi trước, với tỉnh cảm yêu quý, trân trọng những khúc hát dân ca của các dân tộc, chúng tôi cố gắng khắc phục những thiếu sót trên để sưu tầm, tuyển chọn những bài Dân ca Bahnar ở Gia Lai một cách khách quan, trung thực. Tuy nhiên, mọi sự cố gắng của chúng tôi cũng chỉ mới dừng lại ở mức độ “sưu tầm, biên soạn”, nhằm giới thiệu với bạn đọc gần xa biết rằng, có một kho tàng dân ca của một tộc người thiểu số đã và đang hiện hữu giữa đất trời Cao nguyên miền Tây của Tổ quốc.
Mặc dù cuốn sách nhỏ này không trình bày theo kiểu “chương đoạn”, song căn cứ vào đối tượng thể hiện cũng như chức năng xã hội của dân ca, đồng thời nhằm giúp cho bạn đọc dễ theo dõi, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu các làn điệu dân ca Bahnar theo trình tự sau đây: Hát ru (Pơlung), Đồng dao (Avơng avao/ Kơvơng kovao), Giao duyên (Joh h’ri/ Joh adruh tơdăm), Sinh hoạt nói chung (Joh), Hát khóc (Joh hmach)... Hình thức thức phân loại này cũng hoàn toàn mang tính tương đối, bởi trong thực tế, có nhiều bài dân ca được vang lên trong nhiều không gian và thời gian khác nhau và cũng có không ít điệu nhạc lại chở tải nhiều nội dung ca từ khác nhau. Đây là một hiện tượng khá phỏ biến trong dân ca Bahnar, Jrai nói riêng, các dân tộc Tây Nguyên nói chung.
Có thể nói, đối với người Bahnar, ca hát nói riêng, âm nhạc nói chung đã vang lên khắp mọi nẻo của cuộc sống con người. Hoặc nói khác đi, âm nhạc hầu như có mặt trong tất cả các sinh hoạt đời sống của người Bahnar: âm nhạc gắn liền với lao động, sản xuất, sinh hoạt lễ hội, văn học, phong tục tập quán và là linh hồn của nhảy múa... Trải qua bao biết thiên của lịch sử, đến nay, âm nhạc cũng như văn hoá dân gian Bahnar vẫn còn giữ được vẻ mộc mạc, hồn nhiên, lắng đọng nhưng không kém phần tinh tế, bay bổng như chính bản chất các chủ thể đã sáng tạo ra nó. Sự mềm mại, uyển chuyển trong giai điệu, tiết tấu; âm hưởng đượm buồn, lắng đọng nhưng lại tinh tế vang xa. Tất cả những điều đó đã tạo cho âm nhạc dân gian Bahnar một phong cách độc đáo, vừa gần gũi, hồn nhiên, trầm hùng, chững chạc vừa linh thiêng, xa xăm huyền thoại; đặc biệt là lối sử dụng quãng 4 tăng trong tiến hành giai điệu và lối kết lửng - một kiểu kết câu, kết đoạn, kết bài hết sức độc đáo.
1. Về lời ca - ca từ (nơr): Nội dung lời ca trong các làn điệu dân ca Bahnar đã diễn đạt được cơ bản các trạng thái tình cảm của con người trong từng thời gian và không gian nhất định với các mối quan hệ đa chiều của con người với con người, con người với thiên nhiên, trong đó, có mối quan hệ của con người thực tại với quá khứ. Đó là những lời hát ru (Pơ lung): ru con, ru cháu, ru em của người mẹ, người bà, người chị; là lời hát Đồng dao (Avơng avao) vui đùa, vừa chơi vừa hát của các cháu thiếu niên; là lời bày tỏ tình cảm yêu đương (Joh h’ri), hẹn hò của những chàng trai cô gái trong những đêm trăng sáng, hay trong mùa lễ hội; là lời khuyên nhủ, dạy bảo của ông bà, cha mẹ đối với con cháu và người thân; là cảm xúc của con người trước vẻ đẹp của Cao nguyên hùng vĩ, là vẻ đẹp của những loài chim, là dòng sông, bến nước; là những câu chuyện thần kỳ trong những đêm trường ca (hơ amon) huyền thoại;... là tất cả những gì đã gắn bó với cuộc sống con người từ thủa mới lọt lòng mẹ đến lúc về với ông bà, tổ tiên nơi cõi vĩnh hằng (Măng Lung). Có thể nói, đến với người Bahnar, trong bất cứ thời gian và không gian nào ta cũng bắt gặp lời ca, tiếng hát. Tiếng hát cất lên lúc mờ sáng, trên đường lên rẫy, lúc ban trưa, chiều về, lúc đi săn, đặc biệt là những đêm nông nhàn bên ché rượu có ảnh lửa bập bùng và những ngày buôn làng mở hội.
Hình thức - nghệ thuật ngắn gọn, súc tích, mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế. Đó là sự vận dụng một cách tài tình các thủ pháp nghệ thuật so sánh, ví von, ẩn dụ, giàu hình ảnh với lối gieo vần độc đáo. Chẳng hạn trong bài Ai sẽ nuôi con cái có lời ca như sau:
Phỏng dịch: Ai sẽ nuôi con vẹt
Ai sẽ giữ gìn con nhồng
Ai sẽ cho con én ăn.
Hoặc trong bài Đừng để mất tình yêu
Phỏng dịch: Đừng để mất bông tai anh đã tặng
Đừng quên vòng bạc mình đã trao nhau
Đừng mê say người khác em ơi!
Đồng thời với các thủ pháp nghệ thuật trên là lối nhắc lại nguyên câu (điệp câu), đảo câu trên một âm hình tiết tấu nhất định nhưng lại ở các cao độ khác nhau, tạo cho câu nhạc tròn trĩnh và có sức cuốn hút người nghe. Chẳng hạn như trong các bài Chờ mẹ dệt vải, Uống rượu chờ đêm, Cô Chênh, Ngày nắng...
2. Về mặt âm nhạc: Phần lớn các bài dân ca Bahnar đều được xây dựng trên một hệ thống thang 5 âm (Ngũ cung phổ biến - pentatonique), phổ biến cho cả khu vực Đông Nam Á và nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, do điều kiện địa lý và những yếu tố khách quan khác đã tạo nên sự khác biệt về thổ ngữ, tâm lý xã hội..., nên thang 5 âm của người Bahnar có cấu tạo khá đặc biệt. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy:
Cũng giống như âm nhạc dân gian Jrai - một tộc người sống gần gũi và gắn bó với người Bahnar ngàn đời nay ở Tây Nguyên, trong quá trình tồn tại và phát triển của mình, mặc dù chưa xây dựng được một hệ thống kí tự âm nhạc hoàn chỉnh nhưng người Bahnar cũng đã tạo cho dân tộc mình một số thang âm đặc trưng, đó là thang 5 âm có 2 bán âm và thang 5 âm có 1 bán âm. Nếu thang 5 âm có 2 bán âm được cho là thang 5 âm đặc trưng của âm nhạc dân gian Jrai thì thang 5 âm có 1 bán âm được coi là “đặc sản” của âm nhạc dân gian Bahnar.
Ví dụ: Thang 5 âm đặc trưng của âm nhạc dân gian Jrai như sau:
Thang 5 âm đặc trưng của âm nhạc dân gian Bahnar, như sau:
Đó là một dạng thang âm rất phổ biến trong âm nhạc dân gian Bhanar ở Gia Lai. Cho đến nay, chúng tôi chưa tìm thấy bất cứ một bài dân ca, dân nhạc nào của các dân tộc Tây Nguyên ngoài dân tộc Bahnar có ứng dụng loại thang 5 âm trên. Cơ cấu của thang 5 âm trên gồm: một quãng 2 trưởng, một quãng 3 trưởng, một quãng 2 thứ và một quãng 2 trưởng; từ âm gốc đến âm ngọn là một quãng 6 trưởng, từ âm gốc đến âm 3 là một quãng 4 tăng/già.
Trong kho tàng âm nhạc dân gian Bahnar ở Gia Lai, với những tư liệu sưu tầm được, chúng tôi thấy phần lớn các bài dân ca, dân nhạc đều ứng dụng loại thang 5 âm trên một cách rất nhuần nhuyễn. Trong 145 bài dân ca, 25 bài dân nhạc Bahnar do chúng tôi sưu tầm, kí âm và hơn 20 bài dân ca do Lê Toàn Hùng và Lê Huy sưu tầm kí âm thì có đến 130 bài ứng dụng loại thang 5 âm trên và các dạng kết hợp thang 5 âm cùng “dạng thức khác chủ âm”, thang 5 âm kết hợp với thang 3 âm và thang 5 âm kết hợp với thang 4 âm.
Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy giai điệu của các bài dân ca, dân nhạc chỉ vận động trong giới hạn của một quãng 6 trưởng (từ âm gốc đến âm ngọn). Chức năng của mỗi âm trong thang âm thể hiện rõ ràng, trong đó, các âm Rê1, Sol1 và La1 giữ vai trò trục âm (âm chính), đặc biệt vai trò của âm Rê1 được nhấn mạnh hơn cả. Âm Fa1 thăng là âm thêu, âm lướt, âm vệ tinh, nó thường bị hút về âm Sol1 và trước hoặc sau âm La1; đặc biệt là xu hướng nhảy xuống âm Đô1 tạo ra một quãng 4 tăng rất đặc trưng, hiếm thấy trong âm nhạc dân gian của các dân tộc Tây Nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung. Còn âm Đô1 là âm “vệ tinh” thường vận động xung quanh âm Rê1, âm Fa1 thăng và thường giữ vai trò âm kết câu hoặc kết đoạn, kết bài. Tuy vậy, nó vẫn không phải là âm chủ. Âm Đô1 và âm Fa1 thăng là 2 âm kết hợp với nhau tạo nên một quãng 4 tăng, do đó, chúng được coi là những âm màu sắc, những âm khẳng định tính chất đặc trưng của thang âm điệu thức Bahnar ở Gia Lai. Trong sự vận động của giai điệu, nếu thiếu một trong 2 âm này thì âm hưởng của các bài dân ca, dân nhạc sẽ thiếu “sắc màu” âm nhạc dân gian Bahnar. Giai điệu của các bài dân ca và dân nhạc Bahnar thường chuyển động trong một âm vực hẹp (quãng 6) với mô hình làn sóng. Nhận xét về giai điệu của nhạc chiêng trong lễ, hội Bahnar khu vực xã Nam, huyện An Khê (cũ) nay là huyện K’Bang, nhà nghiên cứu Lều Kim Thanh cũng đã viết: “Giai điệu xây dựng trên cơ sở điệu thức 5 âm dàn trải trong một âm vực quãng 6, trong đó âm rê là âm dựa”- Nhiều tác giả (1986): Nghệ thuật cồng chiêng, Sở VHTT Gia Lai – Kon Tum. Pleiku, 1986, tr, 173.
Trở lại chức năng của các âm trong giai điệu của các làn điệu dân ca, dân nhạc Bahnar, nhà nghiên cứu Tô Ngọc Thanh cũng đã viết: “Các bài bản dân ca và nhạc đàn Bahnar đều cho thấy rõ những âm rê1 – sol1 – la1 là những âm chính, trong đó, vai trò của âm rê1 được nhấn mạnh hơn cả. Trong thực tế, đó là âm đóng vai trò âm chủ. Nó được khẳng định bởi âm đô1 phía dưới nó một quãng hai trưởng, thường xuất hiện trước nó như một âm trước kết.” – Tô Ngọc Thanh (chủ biên): fôlclo Bâhna. Sở VHTT Gia Lai – Kon Tum, Pleiku, 1988. tr, 226-227.
Thực ra, âm đô1 không chỉ thường xuất hiện trước âm rê1 mà còn là âm kết câu, kết đoạn, kết bài rất phổ biến trong âm nhạc dân gian Bahnar ở Gia Lai, như trên chúng tôi vừa trình bày.
Ngoài ra, trong kho tàng âm nhạc dân gian Bahnar ở Gia Lai, chúng tôi thấy có một số bài dân ca không những ứng dụng dạng Thang 5 âm trên mà còn được tăng cường thêm một đến hai âm ở phía trên, trong đó có một biến âm (altération), đó là âm cách âm gốc của thang âm một quãng 8 tăng. Sự chuyển động giai điệu của một số bài chỉ xoay quanh Thang 5 âm trên và một biến âm, hoặc là thể hiện sự kết hợp đan xen như trên chúng tôi vừa nói, đó là sự thay đổi tầm âm, từ âm khu cao xuống âm khu thấp. Điều khá lý thú là, mặc dù được mở rộng phía trên thang âm một đến hai âm, thậm chí ba âm nhưng giai điệu của các bài dân ca và dân nhạc không bao giờ ngắt mạch - kết câu, kết đoạn, kết bài ở âm khu cao, mà thường kết ở âm khu thấp. Điều đó chứng tỏ tư duy sáng tạo nghệ thuật của người Bahnar rất phong phú và đa dạng. Giai điệu của các bài dân ca, dân nhạc có thể chuyển động phóng khoáng để tạo cảm xúc, màu sắc nhưng cuối cùng cũng phải quay về âm khu thấp, hoặc là kết ở Đô1, hoặc là kết ở Rê1.
Với tư liệu khảo sát, chúng tôi thấy: Dân ca Bahnar có sự ứng dụng khéo léo các dạng thang 3 âm, 4 âm, 5 âm, 6 âm cùng các thủ pháp kết hợp dạng thức của nó. Sự hiện hữu của hệ thống thang 3 âm, 4 âm, 5 âm, 6 âm và các thủ pháp kết hợp dạng thức của nó là những bằng chứng khẳng định sự tồn tại khách quan một kho tàng âm nhạc thực sự phong phú và độc đáo của dân tộc Bahnar sống lâu đời trên mảnh đất Cao nguyên miền Tây Tổ quốc. Kho tàng âm nhạc ấy đã gắn bó với người dân Bahnar, cùng người dân Bahnar vượt qua bao biến thiên lịch sử và sự tác động của thời gian để tồn tại và phát triển cho đến ngày nay với một sức sống mãnh liệt (Xem thêm Tìm hiểu thang âm điệu thức trong âm nhạc dân gian Bahnar ở Gia Lai – Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh năm 2009 của thạc sĩ Lê Xuân Hoan).
Mặt khác, phần lớn các bài hát dân ca Bahnar cũng thường bắt đầu bằng một âm bậc 5 hoặc 6 của hàng âm có giá trị trường độ bằng 1,5 đến 4 phách, thậm chí 5 phách. Âm này vừa có tác dụng thu hút sự chú ý của người thưởng thức vừa tạo cho người thể hiện một trạng thái tâm lý ổn định, tự tin. Chúng tôi đã nhiều lần được nghe nghệ nhân H’Blơng thể hiện bài Mẹ không cho, bố không ưng- một bài dân ca quen thuộc của người Bahnar, nhưng hầu như không lần nào giống lần nào về trường độ của âm “Ê” mở đầu. Nói như vậy không có nghĩa nghệ nhân tùy tiện muốn ngân dài bao nhiêu cũng được, mà đây là lối thể hiện giống như kí hiệu mắt ngỗng (Fermata) trong âm nhạc châu Âu, nghĩa là nốt ngân dài trong khuôn khổ nhất định. Trong hát kể - trường ca - sử thi (hơ amon), giai điệu thường được tiến hành trên những nốt đồng âm, thỉnh thoảng dừng lại ngắt câu, ngắt đoạn ở một âm trước chủ âm. Nếu nghệ nhân hát ở tông D thì âm ngưng nghỉ phần nhiều dừng lại ở âm C, từ chủ âm đến âm kết bao giờ cũng cách nhau một quãng 2 trưởng (100 cent). Điều đặc biệt trong thang âm của người Bahnar ở Gia Lai là không phải quãng tám nào cũng giống nhau về cung bậc (6 cung). Nghĩa là trong một thang âm chưa hẳn đã xác định được điệu thức cùng tên. Chẳng hạn, bài Nôk inh có hàng âm sau C 1 - D 1 - F#1 - G 1 - A 1 - C# 2 - D 2. Như vậy, từ C 1 đến C# 2 là một quãng 8 tăng (6,5 cung). Ở đây chúng ta thấy, thang âm Bahnar có âm cùng tên nhưng không cùng giá trị cao độ ở những quãng 8 khác nhau, đó là âm Đô1 và Đô2 thăng. Vấn đề này, khi tìm hiểu âm nhạc fôn-clo Bahnar ở An Khê, tác giả Tô Ngọc Thanh cũng đã nhận xét: “Do chỗ cấu tạo theo cách dịch lên một quãng năm đúng, hàng âm thanh Bahnar chứa những âm cùng tên nhưng không cùng giá trị cao độ ở các quãng tám khác nhau như các âm đô1 và đô2 thăng ¼ cung, sol1 và sol2 thăng ¼ cung. Độ cao của các âm này chỉ có giá trị trong một quãng tám nó có mặt mà thôi” - Tô Ngọc Thanh (chủ biên): fôlclo Bâhna. Sở VHTT Gia Lai – Kon Tum. Pleiku, 1988, tr,226.
Xét về mặt cấu tạo: các làn điệu dân ca Bahnar đã xác lập được tính ổn định của giai điệu với nội dung lời ca. Về bố cục cấu trúc làn điệu khúc chiết vuông vắn, thường chỉ 2 câu hoặc 4 câu nhạc trong một “lòng bản”- làn điệu. Mỗi câu lại được tạo bởi 2 tiết nhạc mang tính chất hỏi đáp, chuyển động theo 2 hướng khác nhau hoặc nhắc lại nguyên câu. Đặc biệt rất ít thấy làn điệu có số tiết nhạc, câu nhạc lẻ. Giai điệu thường được tiến hành bình ổn với các bước nhảy quãng hẹp, rất ít thấy các bước nhảy quãng rộng. Do đó, tạo cho âm điệu các bài ca mang tính chất nhẹ nhàng, du dương, uyển chuyển. Nhịp điệu - tiết tấu bình ổn, khoan thai, được thể hiện ở loại nhịp 2/4 hoặc 4/4; nhịp độ (tempo) chậm vừa (Andantino) và chậm (Andante). Nói như vậy không có nghĩa là, âm nhạc dân gian Bahnar không có những bài bản nhanh vui rộn ràng, song, tính chất nhanh vui không phổ biến như âm nhạc dân gian âm nhạc dân gian Ê đê và Xê đăng. Mặt khác, chúng tôi thấy, tất cả các bài dân ca Bahnar bao giờ cũng vào nhịp (atempo) ngay từ đầu cho đến lúc kết thúc. Nghĩa là người hát luôn luôn giữ đúng nhịp độ của bài hát từ đầu cho đến lúc kết thúc. Không thấy có trường hợp “dạo đầu láy đuôi” như người Thái ở Tây Bắc, hay “ à ơi ” dạo đầu hát ru, các loại Hò của người Việt ở dưới xuôi. Đó cũng là một trong những điều kiện tạo cho người Bahnar có một khả năng âm nhạc nổi trội. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi chỉ thấy thể loại Hát kể - Trường ca - Sử thi (Hơ amon) được thể hiện ở dưới dạng ngâm vịnh (Récitatif). Phần lớn các làn điệu đã trở thành những bài hát độc lập. Tuy nhiên, do đặc điểm của các thể loại dân ca mang tính ngẫu hứng, thường là những sáng tác tại chỗ, nên giai điệu của các bài dân ca hay có những thay đổi chút ít theo lời ca.
Nhờ sự phát triển của khoa học và công nghệ, những hình ảnh và âm thanh (tiếng hát) của các nghệ nhân thể hiện các bài dân ca trong cuốn sách nhỏ này đã được chúng tôi chuyển từ băng ghi âm, ghi hình sang máy vi tính. Và, như trên đã nói, nhiều bài dân ca Bahnar, Jrai đã được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam cũng như Đài Phát thanh và Truyền hình Gia Lai thu và phát liên tục trên sóng từ nhiều năm qua.
Điều đáng mừng đối với chúng tôi là, nhiều bài dân ca vốn chỉ vang lên ở các buôn làng xa xôi hẻo lánh, thì nay, đã được vang lên trên nhiều sân khấu hoành tráng trong nước và quốc tế. Vì thế, nó thực sự trở thành tài sản của dân tộc và được mọi người đón nhận như một món quà của tổ tiên để lại.
Xin chân thành cảm ơn GS. TSKH. Tô Ngọc Thanh, GS.TS.NGND. Phạm Minh Khang, GS.TS. Thế Bảo, NSND Y Brơm, Nghệ sỹ H’ Ben, Nghệ sĩ Y Tư, Nhà báo Siu Hương cùng tập thể lãnh đạo, nhân viên Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai, Ban Giám hiệu, sinh viên, học sinh Trường Cao đẳng Sư phạm, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật, Phòng Văn hóa Thông tin, Phòng Giáo dục - Đào tạo các huyện thị trong tỉnh Gia Lai... đã động viên, khích lệ và tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi hoàn thành cuốn sách nhỏ này.
Chúng tôi cũng không thể quên những tháng ngày rong ruổi khắp các buôn xa, làng gần, trong sự dạy dỗ, đùm bọc, chở che của đồng bào các dân tộc tỉnh gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung. Trong đó, có sự giúp đỡ hết sức tận tình, quý báu của các nghệ nhân, mà nhiều người đã ra đi không hẹn ngày trở lại. Xin được thắp nén nhang lòng để bày tỏ sự kính trọng, tiếc thương của chúng tôi đối với các nghệ nhân: Đinh Leo, Đinh Mơ - làng Roh, xã Đông, huyện K'Bang; Đinh Pưh - làng Kon Brung, xã Yun, huyện Măng Yang; Đinh Nheng - làng Piơm, thị trấn Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa, Y Bây - làng Tơ đe Đak, xã H’Ra, huyện Măng Yang, tỉnh Gia Lai, Trương Thanh Bình - xã Vình Kim, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định... đã về với ông bà nơi thế giới Atâu. Hy vọng, những bài ca mà các nghệ nhân đã hát cho chúng tôi, ghi chép, thu âm sẽ còn vang mãi giữa đất trời Tây Nguyên thân yêu của chúng ta.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác điền dã, nghiên cứu, tham khảo tài liệu của những người đi trước cũng như việc học tập ngôn ngữ Bahnar, đặc biệt là sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình của các nghệ nhân, các cộng tác viên là những tri thức người Bahnar, các vị lãnh đạo, các bạn đồng nghiệp,... song, chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót nhất định, nhất là vấn đề ca từ trong các bài hát dân ca.
Để sách có chất lượng hơn trong lần in sau, chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý, phê bình của bạn đọc gần xa.
Gia Lai, tháng 8 năm 2013 Thạc sĩ Lê Xuân Hoan |