Âm nhạc Bắc miền Trung - truyền thống và hiện đại

12/12/2013

Trong những năm vừa qua, có lẽ chưa có nơi nào lại gặp phải sự khắc nghiệt của thời tiết, của sự biến đổi khí hậu như ở miền Trung thân yêu của chúng ta: Khi là những cái nắng đến cháy rát thịt da, khi là những trận bão, lũ liên tiếp tàn phá đồng ruộng, rừng cây, công trình, làng mạc…

Bão lũ đã trở thành vấn nạn thường xuyên. Vậy phải chăng, từ trong gian khó để chống chọi với thiên nhiên, từ trong sự tôi luyện của quá trình lao động sản xuất, từ trong đời sống xã hội đã hình thành nên con người miền Trung, chủ thể sáng tạo nên kho tàng Âm nhạc truyền thống miền trung đa dạng và phong phú, đậm đà bản sắc. Đó là những điệu hò sông Mã, là Tổ khúc Múa đèn, Thanh Hóa; Đó là những điệu Ví – Dặm Nghệ Tĩnh, Là Hò thuốc, Hò khoan Quảng Bình, Hò Hụi Quảng Trị, Hò mái nhì và những điệu lý của sông Hương, Núi Ngự…

Những năm qua, từ chất liệu phong phú của vốn âm nhạc truyền thống miền Trung, các nhạc sỹ đã chắt lọc, khai thác và sáng tạo nên những tác phẩm mới nhưng đậm đà màu sắc của âm nhạc quê hương, bởi đường lối văn hóa – văn nghệ của Đảng là Dân tộc – hiện đại, tiên tiến – Đậm đà bản sắc dân tộc đã thấm sâu vào máu thịt của người nhạc sỹ. Các nhạc sỹ đã lấy phương châm chỉ đạo ấy làm hướng đi cho hoạt động sáng tạo của mình, âm nhạc đó luôn bám rễ sâu, chắc vào cội nguồn dân tộc, coi đó là nguồn nuôi dưỡng, là chỗ dựa vững chắc để nâng mình lên gắn bó với thời đại.

Các tác phẩm của các nhạc sỹ luôn bám sát hiện thực cuộc sống của đất nước, lấy hiện thực hào hùng cuộc đấu tranh của dân tộc làm nguồn chủ đề, nguồn cảm hứng cho sáng tạo.

Xin được điểm lại những tác phẩm đã vận dụng thành công vốn âm nhạc truyền thống miền Trung vào sáng tác của mình, những tác phẩm đó đã đi cùng năm tháng với đất nước, với công chúng yêu nhạc miền Trung và cả nước.

Sự ra đời của ca khúc nghệ thuật Xa Khơi (1962) của Nguyễn Tài Tuệ có thể coi là một dấu mốc, một bước tiến của âm nhạc mới khai thác chất liệu âm nhạc truyền thống.

Xa Khơi đã sử dụng các quãng 4, quãng thường gặp trong các điệu Ví Nghệ Tĩnh, Xa Khơi là hiện tượng trong đời sống văn hóa âm nhạc miền Trung vào thập niên 60 của thế kỷ XX. Qua tác phẩm của mình, Nguyễn Tài Tuệ đã khẳng định được sức sống của truyền thống âm nhạc miền Trung, không những thế ông đã góp phần làm cho truyền thống đó sinh sôi và hòa điệu cùng với nền văn hóa âm nhạc Việt Nam đương đại. Cặp phạm trù truyền thống và hiện đại bắt đầu hòa hợp từ đây.

Bài Giận mà thương của Nguyễn Trung Phong sáng tác năm 1967, nó được rút từ một vở nhạc kịch dân gian, sau đó được phổ biến rộng rãi ở Nghệ An, Hà Tĩnh và lan truyền đến nhiều nơi khác. Câu đầu và câu cuối là mô phỏng Ví Đò Đưa. Phần giữa phát triển Hát Dặm. Đây là một kiểu lồng ghép từ Ví sang Dặm với các thủ pháp mô phỏng, mô tiến, điệp từ, nhấn âm hình chủ đạo, giữ âm sắc đặc trưng đậm đà chất dân gian. Có thể nói Giận mà thương là sáng tác thành công nhất của Nguyễn Trung Phong, được đông đảo công chúng yêu thích, được lưu truyền rộng rãi đến mức được coi là dân ca Nghệ Tĩnh.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, đế quốc Mỹ đã nhằm vào một mục tiêu quan trọng, nhất là triệt phá huyết mạch giao thông. Giao thông vận tải trở thành một mặt trận nóng bỏng. Những chiến công bảo vệ cầu Hàm Rồng trên dòng sông Mã của quân và dân Thanh Hóa được ngợi ca trong Chào Sông Mã anh hùng (1965) của Xuân Giao và Thanh Hóa anh hùng (1965) của Hoàng Đạm. Hai tác phẩm này đều khai thác chất liệu Hò Sông Mã cả về giai điệu và tiết tấu.

Nhạc sỹ Ánh Dương đã vẽ lên bức tranh âm nhạc giàu sức cảm hóa về hình ảnh người lái xe vào chiến trường và tâm tình của anh với cô gái thanh niên xung phong đang ngày đêm phá bom, lấp đường để thông tuyến trong bài hát giàu âm hưởng dân ca xứ Nghệ: Chào em cô gái Lam Hồng.

Năm 1970, nhạc sỹ Doãn Nho viết Người con gái sông La (Lời Phương Thúy). Với đoạn ngâm ngợi mở đầu mang âm điệu hát Ví, phần giữa là những câu hát mang nhịp điệu chu kỳ giống với phong cách hát Dặm. Đến đoạn cuối lại vút lên những giai điệu ngân nga, phóng khoáng như hòa lẫn cả hai chất liệu Ví – Dặm lại với nhau để tạo sắc độ mới cho tác phẩm.

Trước đó chúng ta còn có Tiếng hò trên đất Nghệ An (1964) của Tân Huyền, Tiếng hát sông Lam (1965) của Đình Quang Hợp, Gái sông La của Lê Hàm… đều mang đậm màu sắc hát Ví Nghệ Tĩnh.

Sau này An Thuyên viết: Em chọn lối này mang chất liệu dân ca miền núi (Dân ca Thái – Nghệ An) nhưng vẫn gợi cho người nghe hình dung được hình ảnh những cô gái trẻ vùng cao tươi trẻ, yêu đời, hồn nhiên, trong sáng.

Việc khai thác tiết tấu cũng đã được các nhạc sỹ chú trọng: Du thuyền trên sông Lam (Nguyễn Đình Bảng), Áo cánh nâu non (Mai Cường), Đôi mắt đò ngang (Nguyễn Trọng Tạo), Ở rừng cuộc sống tôi yêu (Hồ Hữu Thới), Nón trắng đồng quê (An Thuyên)…

Bên cạnh đó, các nhạc sỹ Dân Huyền, Tân Khai, Bá Linh, Ngọc Lĩnh, Đào Việt Hưng, Thanh Liên, Vi Phong, Hoàng Thành, Ngô Trí Thẩm, Văn Thế, Trần Vương… cũng đã để lại những tác phẩm đượm chất.

Nhạc sỹ Đỗ Nhuận có một bài hát nổi tiếng là Vui mở đường (1968) đó là bức tranh khái quát về mặt trận giao thông vận tải thời chống Mỹ với hình ảnh của đoàn thanh niên xung phong tiêu điển là các cung đường ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, vừa là một bài hát khá tiêu biểu cho sự phát triển về bút pháp trong sáng tác của tác giả. Cấu trúc của Vui mở đường vừa có mở đầu, có thân bài, vừa có kết đuôi (Coda). Sự tương phản về phong cách giai điệu giữa ngân ngợi mở đầu và ca xướng ở phần thân bài có sự gần gũi với lối cấu trúc xướng – xô trong hò lao động miền Trung. Bên cạnh đó việc sử dụng tiết tấu trong bài hát là một sáng tạo thành công của Đỗ Nhuận.

Khi viết về mảnh đất và con người miền Trung, bên cạnh nội dung chủ đề, các nhạc sỹ thường chú trọng đến ngôn ngữ âm nhạc. Nói đến ngôn ngữ âm nhạc, trước hết cần nói đến sự đa dạng, phong phú của chất liệu âm nhạc. Ở đây chất liệu được khai thác từ nguồn âm nhạc truyền thống miền Trung ở nhiều góc độ khác nhau. Ở nhiều tác phẩm, ta thấy sự xen kẽ, pha trộn giữa nguyên mẫu và mô phỏng hoặc phát triển: Sóng Cửa Tùng (Doãn Nho); Người xây hồ Kẻ Gỗ, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh (Nguyễn Văn Tý)…Đào công sự (Nguyễn Đức Toàn…) Chất liệu âm nhạc truyền thống có nhiều trường hợp chắt lọc để chỉ giữ lại một vài đặc điểm về điệu thức, đường âm đặc trưng. Bài Tiếng đàn Ta Lư, Huy Thục đã mượn âm điệu của câu hát, điệu đàn của người Vân Kiều để tạo thành một giai điệu vui, sôi nổi. Trước đó ông còn viết Ơi dòng suối La La, Trên đường chiến thắng mang âm hưởng dân ca Quảng Trị; Lời ru trên nương (Nhạc Trần Hoàn – lời Nguyễn Khoa Điềm) là sự kết hợp nhuần nhuyễn bút pháp của nhạc mới có nguồn gốc Châu Âu với đặc điểm thang âm, điệu thức độc đáo của âm nhạc dân gian miền núi Trị Thiên. Thang 5 âm có bán âm, có khi mở rộng thành 6 âm có bán âm, gần với thang 5 âm có bán âm của âm nhạc dân gian miền núi Tây Nguyên).

Năm 1964, trong chuyến đi thực tế ở vùng tuyến lửa Quảng Bình, nhạc sỹ Hoàng Vân đã viết bài Quảng Bình quê ta ơi. Âm điệu và cấu trúc bài hát mang phong vị của điệu hò khoan Lệ Thủy mộc mạc mà duyên dáng. Nó cũng rất gần với bất cứ điệu hò nào ở vùng này. Tính chất kể chuyện của hò được thể hiện ở ba phần lời ca (trừ đoạn điệp khúc), còn tính chất đối đáp của hò được nhắc lại và xen kẻ nhiều lần qua câu xô khoan khoan hò khoan ở đoạn giữa. Khai thác chất liệu âm nhạc truyền thống Quảng Bình còn có Trên biển quê hương của Đức Minh, sử dụng chất liệu hò mái ba (Lệ Thủy); Lời cô gái Lệ Ninh của Trần Hoàn sử dụng chất liệu hò mái xắp (Lệ Thủy)…

Mảng bài hát viết về Bác Hồ khai thác chất liệu âm nhạc truyền thống miền Trung cũng đã để lại những ấn tượng lâu bền trong lòng công chúng.

Những tác phẩm viết về Bác Hồ là một bộ phận quan trọng của nền âm nhạc Việt Nam ra đời từ những năm 40 và nằm trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp nghệ thuật âm nhạc, có ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành phong cách đạo đức, tâm hồn con người Việt Nam trong thời đại mới. Riêng mảng bài hát về Bác Hồ khai thác và sử dụng vốn ngôn ngữ âm nhạc truyền thống miền Trung được thể hiện qua một số vấn đề sau:

1. Cải biên, phát triển dân ca:

Tiêu biểu là bài Trông cây lại nhớ đến người của Đỗ Nhuận. Bài hát có bố cục 2 phần, phần đầu phát triển chất liệu bài Ví đò đưa Sông Lam. Phần hai phát triển chất liệu hát Dặm với các quãng rộng (quãng 6 thứ và quãng 7 thứ) phù hợp với ngữ điệu giọng nói người miền Trung.

Bài hát Từ Làng Sen của Phạm Tuyên gồm 3 đoạn, với 3 nốt mở đầu của chủ đề ta có thể tìm thấy hạt nhân này có trong câu hát mở đầu của một bài Ví (Ví phường Vải, Ví đò đưa). Vấn đề đậm nét nhất của bài hát này là khai thác tổng hợp cùng một lúc cả hai chất liệu Ví và Dặm. Về lời ca, tác giả tiếp thu lối kết cấu ca từ của Dặm Vè Nghệ Tĩnh. Đó là thể thơ 5 chữ:

Chiếc áo vải mong manh
Khắp trời Âu giá lạnh
Xót thương người cùng cảnh
Càng chạnh lòng nước non

2. Thủ pháp mô phỏng tiết tấu:

Bài Từ làng Sen nối tiếp liên tục một nhóm tiết tấu rút ra từ bài hát Vè (một biến dạng của hát Dặm).

Bài Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác của An Thuyên sử dụng tiết tấu của hát Dặm.

3. Sử dụng âm hưởng dân ca:

Nghĩa là bài hát không hoàn toàn dựa vào một làn điệu dân ca cụ thể nào mà chỉ sử dụng một nét nào đó, hoặc một vài quãng đặc trưng của một vùng miền. một địa phương nào đó để khi tác phẩm vang lên, người nghe cảm nhận được một ân điệu gần gũi, thân quen, dễ nhớ và dễ hát.

Bài Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Ví Dặm Lời Bác dặn trước lúc đi xa của Trần Hoàn mang âm hưởng Ví Dặm Nghệ Tĩnh.
Bài Bác đang cùng chúng cháu hành quân của Huy Thục chỉ khai thác một phần nhỏ của làn điệu Lý ngựa ô, dân ca Huế để đưa vào đoạn kết của tác phẩm.

Âm hưởng dân ca miền Trung còn được thể hiện qua các tác phẩm: Hành hương về xứ Nghệ của Nguyễn Cường, Vầng trăng Ba Đình, Miền Trung nhớ Bác, Người về thăm quê của Thuận Yến…

Các nhạc sỹ đang sống và làm việc ở các địa phương cũng đã luôn bám sát thực tiễn cuộc sống của chính quê hương mình và để lại nhiều tác phẩm có sức sống trong công chúng:

Hà Tĩnh: Vấn vương Hương Sơn (Trịnh Ngọc Châu), Nơi ấy quê mình (Mạnh Chiến), Khúc tự tình Ngàn Phố (Sỹ Chinh), Tình Sông La (Trương Quốc Đính), Bâng khuâng đêm Hà Tĩnh (Tôn Huy), Nếp thơm quê mình (Nguyễn Tiến Liêm), Lẽ nào quên em (Quốc Nam), Bình minh nơi cửa biển (Đức Trí), Huyền thoại núi Hồng (Quốc Việt), Duyên nợ Nghi Xuân (Ngọc Thịnh);

Quảng Bình: Huyền thoại trăng Nhật Lệ (Hoàng Sông Hương), Tình sông Nhật Lệ (Dương Viết Chiến), Nhớ về một miền quê (Quách Mộng Lân), Với Phong Nha (Thân Trọng Phúc - Hải Kỳ);

Quảng Trị: Phố núi của tôi (Hoàng Anh), Gió mới Đông Hà (Hữu Dũng), Hát mừng bản làng đổi mới (Võ Đình Hùng), Nhớ về anh (Võ Thế Hùng), Bài ca lũy thép lũy hoa (Võ Đình Long), Mảnh đất này thương lắm người ơi (Hoàng Hữu Lộc), Ở đầu dòng sông (Lê Quang Nghệ), Nhịp chèo sông Hiếu (Trần Tích), Một thời để nhớ (Xuân Vũ – Xuân Đức)…

Xứ Huế có Sông Hương – Núi Ngự, cảnh vật Huế, thiên nhiên Huế, con người Huế .. đã được các nhạc sỹ phân tích, khắc họa với nhiều góc độ khác nhau qua các tác phẩm: Một mùa xuân nho nhỏ (Trần Hoàn – Thanh Hải); Dòng sông ai đã đặt tên (Trần Hữu Pháp), Ngẫu hứng Huế (Lê Anh), Thành Huế sáng nay (Hà Sâm), Thành phố bên bờ Sông Hương (Tân Huyền), Thành Huế chúng mình thương (Hoàng Sông Hương), Huế, tình yêu của tôi (Trương Tuyết Mai – Đỗ Thanh Bình), Ngược dòng Hương Giang (Đức Trịnh), Ngẫu hứng Lý qua đèo (Việt Đức), Em là mùa xuân thành phố (Trần Đức), Đợi chờ (Dương Bích Hà), Dạ Lan (Vĩnh Phúc), Lời ru dòng sông (Lê Phùng), Huế mãi trong tôi (Thái Quý), Huế Thương (An Thuyên) …

Trong những năm gần đây, các nhạc sỹ vẫn tiếp tục sáng tác về Huế, nhiều tác giả bám sát chất liệu Ca Huế, các điệu Lý Huế, Hò Huế… có tác giả tìm tòi sáng tạo cách thể hiện mới trong phát triển giai điệu, lại có tác giả khai thác tiết tấu dân tộc và cả tiết tấu hiện đại: Tìm em trong nét Huế (Khắc Yên), Mắt Huế (Vĩnh Phúc), Huế nhịp phách tiền (Việt Đức), Mùa đông xứ Huế (Trần Đức), Câu hò quê hương (Dương Bích Hà), Thương mãi câu hò (Lê Phùng), Huế và em (Quốc Anh)…

Một số tác phẩm được viết trong các chuyến đi thực tế, các Trại sáng tác với tiêu chí là tìm lại cái mới, vươn tới cái hay trong không gian cổ kính của Huế nhưng vẫn chuyển tải tầm cao mới, hơi thở mới của thời đại: Sông Hương và nổi nhớ (Quốc Anh), Nhịp chèo nghiêng (Hoàng Chiến), Huế, Thành phố mùa xuân (Trần Đức), Huế, thành phố tôi yêu (Việt Đức), Gọi tình ai (Dương Bích Hà), Ngập ngừng sang xuân (Đoàn Lan Hương), Đò đêm (Vĩnh Phúc), Khúc ru chiều (Lê Phùng), Ngẫu hứng Chăm (Nguyễn Việt), Mưa nắng chuông chiều (Khắc Yên)…


NGƯT. ThS Trần Đức phát biểu tại hội thảo Âm nhạc Bắc miền Trung

Còn rất nhiều tác phẩm khác của các nhạc sỹ mà không thể kể ra hết được ở đây.

Chặng đường vừa qua của âm nhạc Bắc miền Trung đã để lại một dấu ấn đáng tự hào. Song nghệ thuật là sáng tạo, nghệ thuật âm nhạc càng đòi hỏi sự sáng tạo của người nhạc sỹ. Hy vọng âm nhạc miền Trung sẽ đạt đến đỉnh cao.

Huế, 20/11/2013

 

D

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...