Nghệ sỹ nhân dân cũng phải dùng thẻ hành nghề?
Đề án cấp thẻ hành nghề cho nghệ sỹ, người mẫu hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn như một động thái mạnh mẽ nhằm siết chặt về mặt quản lý đối với các nghệ sỹ, người mẫu. Tuy nhiên, do những bất cập trong việc quản lý, đề án cho thấy, các cơ quan chức năng vẫn còn quá nhiều thiếu sót.
Sau những chấn chỉnh về hoạt động biểu diễn chưa thực sự hiệu quả, ngày 8/11/2013, cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD), bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã công khai đề án cấp thẻ hành nghề cho nghệ sỹ, người mẫu hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Đề án này như một động thái mạnh mẽ nhằm siết chặt về mặt quản lý đối với các nghệ sỹ, người mẫu. Tuy nhiên, do những bất cập trong việc quản lý, đề án cho thấy, các cơ quan chức năng vẫn còn quá nhiều thiếu sót.
Cá mè một lứa
Bất cập đầu tiên đó là việc cấp thẻ hành nghề sẽ được áp dụng cho mọi đối tượng, kể cả những nghệ sỹ gạo cội, lâu năm cả tuổi đời lẫn tuổi nghề. Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Đăng Chương khẳng định, Việt Nam hiện nay có khoảng 1.000 nghệ sỹ nhân dân và tất cả 1.000 người đó đều phải chấp hành việc sử dụng thẻ hành nghề mới được tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là ai, nhà quản lý nào sẽ là người đủ tài năng để thẩm định chuyên môn của những nghệ sỹ gạo cội đó ? Việc cấp thẻ hành nghề sẽ trở nên bất cập, thậm chí là vô lý đối với họ, bởi thẻ hành nghề thực sự mà họ có chính là một sự nghiệp vẻ vang với những đỉnh cao về nghệ thuật đã được bao thế hệ khán giả công nhận.
Họp báo Đề án cấp thẻ hành nghề cho nghệ sỹ, người mẫu.
Chiếu theo quy định của việc cấp thẻ hành nghề trong bản đề án của cục NTBD, những cái tên lớn trong làng nghệ thuật như nghệ sỹ nhân dân Thu Hiền, nghệ sỹ nhân dân Thanh Hoa, nghệ sỹ nhân dân Trần Hiếu, nhạc sỹ Trần Tiến, nhạc sỹ An Thuyên... sẽ được đặt bên cạnh những cái tên mới mẻ của những nghệ sỹ mới bước vào nghề. Tất cả cùng có chung một cửa ải cần phải bước qua, nếu muốn tham gia vào các hoạt động biểu diễn, đó là tấm thẻ hành nghề do cục NTBD của Bộ cấp phép. Nếu làm một phép so sánh giữa họ thì đó hẳn là một sự khập khiễng quá lớn.
Trao đổi về vấn đề này, một nữ nhạc sỹ nổi tiếng hiện nay cho biết, nếu điều đó có thật thì đây là một câu chuyện đau lòng. Bởi thực tế, liệu những nhà quản lý có đủ trình độ để thẩm định hết tài năng của các nghệ sỹ nhân dân. Họ đã là người giỏi nhất rồi thì ai đi thẩm định được họ? Hơn nữa, câu chuyện về tấm thẻ hành nghề đã được tranh luận, bàn cãi quá nhiều. Cách đây 10 năm, các cơ quan chức năng cũng đã đưa ra quy chế này, nhưng cuối cùng cũng phải giải tán. Đơn giản vì chúng ta không làm quyết liệt được. Bây giờ chúng ta khôi phục lại, nhưng vài tháng nữa không làm được thì lại bỏ đi à? Vậy thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Chúng ta có chế tài, nhưng đáng tiếc thay người thực hiện chế tài lại không nghiêm thì không thể quản lý tốt được.
Nhạc sỹ Quốc Trung cũng tỏ ra ngao ngán khi được hỏi về vấn đề này. Anh cho biết, việc cấp thẻ hành nghề cho nghệ sỹ là vấn đề đã được tranh cãi đến... nhàm chán. Có thẻ hay không có thẻ thì công việc của tôi vẫn thế. Cho nên, tôi muốn hoàn toàn đứng ngoài những câu chuyện mang tính hành chính, máy móc này.
Ai “xử” người phạt không đúng, không nghiêm?
Thẻ hành nghề cũng như công tác quản lý được nhắm đến hai đối tượng được cho là phức tạp nhất hiện nay trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, đó là ca sỹ và người mẫu. Theo ông Hồ Anh Tuấn, thứ trưởng bộ VH-TT&DL, một số nghệ sỹ, người mẫu hiện nay bất chấp quy định của pháp luật, coi thường chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp dẫn đến những hành vi vi phạm về thuần phong mỹ tục, đi ngược lại truyền thống văn hóa của dân tộc khi biểu diễn nghệ thuật. Những hành vi sai phạm của một bộ phận nghệ sỹ, người mẫu đã tác động xấu đến nhận thức về cuộc sống, con người, xã hội của một bộ phận khán giả, làm suy giảm các chức năng nhận thức, giáo dục thẩm mỹ của văn học nghệ thuật đối với đời sống xã hội. Rất nhiều nghệ sỹ không có trình độ, khả năng chuyên môn về biểu diễn nghệ thuật đã lợi dụng các trang mạng xã hội trực tuyến để phổ biến những sản phẩm kém chất lượng, trái với đạo lý, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Nhận định về một bộ phận tự xưng là nghệ sỹ như thứ trưởng Hồ Anh Tuấn nói là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, vấn đề khiến dư luận bức xúc hơn, đó là hành vi phi đạo đức của một vài cá nhân nghệ sỹ được xem là "ông hoàng, bà chúa" của âm nhạc Việt. Trường hợp của ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng là một minh chứng cụ thể. Sự dễ dãi của cơ quan chức năng đối với những hành động phản cảm của nam ca sỹ này là điều khó chối cãi. Phải chăng, cơ quan chức năng cũng e sợ trước một "ông sao " cho nên còn ngại ngần trong việc xử phạt.
Ông Nguyễn Đăng Chương bày tỏ quan niệm: "Đánh người chạy đi, chứ không đánh người chạy lại: Ngay khi nhận được công văn nhắc nhở của cục NTBD, ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng đã có ngay thư hồi âm tỏ ra ăn năn, tiếc nuối. Cục cũng nhận thấy nên mở lòng một lần để nghệ sỹ có cơ hội được sửa chữa sai lầm".
Tuy nhiên, với một chuỗi liên tiếp các hành động phản cảm cả trên sân khấu lẫn ngoài đời, Đàm Vĩnh Hưng thực sự đã trở thành một "thảm họa" về văn hóa ứng xử. Một nữ ca sỹ bày tỏ: "Hôn môi nhà sư là một hành động quá kinh khủng, nhưng chỉ bị phạt hành chính năm triệu đồng. Phạt như thế thì làm sao có tính răn đe được. Người bị phạt cũng không thấy sợ. Bằng chứng là sau đó họ lại liên tục lặp lại những hành động phản cảm khác. Đối với Đàm Vĩnh Hưng, cơ quan chức năng không thể phạt tiền được. Vì tiền đối với anh ta không là vấn đề gì. Cái cần phạt là phải đánh vào danh dự, đạo đức nghề nghiệp. Chúng ta có chế tài, nhưng nếu động thái chỉ yếu ớt, manh mún, giơ cao đánh khẽ thì sẽ rất khó để thiết lập một hệ thống quản lý tốt. Hơn nữa, trong trường hợp chính cơ quan chức năng vi phạm quy chế xử phạt (phạt không đúng tội, không nghiêm minh) thì ai sẽ chịu trách nhiệm và xử lý họ?".
Không phạt vì Đàm Vĩnh Hưng có tinh thần... cầu tiến
Trao đổi về câu chuyện giả danh bác sỹ Cát Tường của ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng, ông Nguyễn Thành Nhân, phó trưởng phòng Quản lý nghệ thuật biểu diễn, cục NTBD cho biết: "Trong trường hợp này, thực tế cục NTBD đã có những động thái kịp thời, đúng đắn. Vì sao chúng tôi mới chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở, bởi vì chúng tôi tôn trọng cái tôi tự do của nghệ sỹ. Hơn nữa thái độ cầu tiến, khẩn thiết của Đàm Vĩnh Hưng cho thấy nam ca sỹ thực sự nhận thức được hành động đáng lên án của mình. Đàm Vĩnh Hưng đã sai khi cho rằng bộ trang phục bác sỹ có gắn chữ bác sỹ Cát Tường kia là trang phục Halowen. Hoàn toàn không phải, vì trang phục Halowen phải mang tính ước lệ, tượng trưng".
Tuy nhiên, người ta có thể nhầm lẫn trang phục Halowen, nhưng làm sao có thể nhầm lẫn đám tang với đám cưới? Ấy vậy mà người ta vẫn thấy Đàm Vĩnh Hưng mỉm cười chụp hình cùng người hâm mộ giữa dòng người đi viếng Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, một con người kiệt xuất của đất nước. Khoác lên mình chiếc áo giả danh kẻ giết người đang bị dư luận lên án để tươi cười, ngả ngớn, trêu đùa, "ông hoàng" nhạc Việt nghĩ gì? Sau những ồn ào thị phi liên tục một cách có hệ thống, không ít người tự hỏi, có phải Đàm Vĩnh Hưng đang tự tạo scandal để hâm nóng hình ảnh, khi mà tên tuổi và những dự án âm nhạc thiếu chuyên môn của anh đang trở nên nhàm chán trong mắt nhiều người.
Xét đến cùng, đề án cấp thẻ hành nghề là động thái quyết tâm nhằm thiết lập một chế tài quản lý hiệu quả các hoạt động nghệ thuật biểu diễn của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, để làm được điều này, các nhà quản lý cần mạnh tay, chặt chẽ và quyết liệt hơn nữa trong việc xử phạt các vi phạm quy chế biểu diễn, lối sống của nghệ sỹ.
Theo đề án cấp thẻ hành nghề cho nghệ sỹ, người mẫu lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, thẻ hành nghề sẽ không có thời hạn. Tất cả các nghệ sỹ là người Việt Nam, đang thường trú trong nước, có phẩm chất đạo đức tốt, không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, được cơ quan quản lý Nhà nước về nghệ thuật biểu diễn xác nhận đủ điều kiện cấp thẻ hành nghề đều phải thực hiện việc đăng ký để sử dụng thẻ hành nghề. Cũng theo đề án này, dự kiến đến hết năm 2014 sẽ hoàn thành việc cấp thẻ hành nghề cho các nghệ sỹ, người mẫu. |
(Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn)