Nên hiểu thế nào là âm nhạc thịnh hành?

23/10/2013

Kể từ sau Đại hội 8 của Hội Nhạc sỹ Việt Nam năm 2010 thì giới âm nhạc nghe được 4 từ Âm nhạc thịnh hành, cụm từ nầy đưa ra để bước đầu đánh giá xếp loại những bài hát được phổ biến rộng rãi, giới thưởng thức yêu thích, nhưng thế nào là một bài hát thịnh hành? thì còn trong vòng bàn luận nhiều của giới âm nhạc.

Để tìm hiểu thêm về thể loại nhạc nầy, ngày 13/3/2011 Đài TNVN đã thực hiện một diễn đàn Bàn tròn âm nhạc phỏng vấn các nhạc sỹ của Hội Nhạc sỹ Việt Nam (gồm ns Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch, Đức Trịnh, Cát Vận, Nguyễn Thị Minh Châu, Nguyễn Quốc Đông, Huỳnh Thiên Toàn) chủ đề về nhạc thịnh hành, đây là một đề tài lý thú mà giới âm nhạc đang theo dõi và còn nhiều vấn đề bàn luận.

Theo tôi, trước nhất ta thấy từ thịnh hành xưa nay cũng không có gì xa lạ hay khó hiểu, ta từng nói mode nầy, mode kia rất thịnh hành hiện nay (có nghĩa là cái áo nầy người ta thích, chiếc xe kia người ta khoái...). Vậy thịnh hành có nghĩa là được mọi người chấp nhận được lưu truyền lan tỏa ưa chuộng trong xã hội, được ăn khách…thế thôi. Nếu nghĩ vậy thì đề ra tiêu chí 4 không (không phải là nhạc thị trường, nhạc thể nghiệm, nhạc quần chúng, nhạc hiện đại) đâm ra lại khó hiểu lại không thống nhất nữa, vì có người sẽ hỏi thế nào là nhạc quần chúng? Thế nào là nhạc hiện đại? Lại càng rối rắm thêm, đơn cử như bài Chiếc khăn gió ấm của Nguyễn Văn Chung được dân mạng down nhiều, tiền tác quyền lên đến hàng tỉ đồng thì đây là nhạc thị trường hay thịnh hành? Theo tôi nhạc thịnh hành nên nghĩ theo hướng bài hát được phổ biến nhiều mang hơi hướm thời đại, mang tâm tình thời đại, trong một thời điểm nhất định được quần chúng chấp nhận. Ví dụ hiện nay các bài như Tiếng hát chim đa đa, Chim sáo xa rồi, Mẹ yêu, Còn thương rau đắng mọc sau hè, Hà Nội mùa vắng cơn mưa, Hà Nội phố và rất nhiều bài khác nữa…người ta cứ ca hoài, hát hoài, cứ thường xuyên trình diễn thì đó là nhạc thịnh hành vậy thôi!… (có thể thịnh hành từng vùng miền cũng không sao – vì đó là thị hiếu của quần chúng) và chúng ta không nên đưa các loại nhạc xưa nổi tiếng vào thịnh hành như các bài tiền chiến của Đặng Thế Phong, Văn Cao, Dương Thiệu Tước…chẳng hạn, vì đó là những bài hát bất tử sống mãi với thời gian hoặc các bài hát truyền thống, được lưu truyền lâu đời trong dân gian như Người Hà Nội, Việt Nam quê hương tôi, Năm anh em trên một chiếc xe tăng, Tiếng chày trên sóc Bom Bo…những bài hát nầy khỏi phải bàn, ta nên để riêng theo dòng nhạc của nó (nhạc tiền chiến, nhạc truyền thống, nhạc bác học…thì hay hơn). Trước năm 1975 tại Sài Gòn có nhạc thời trang là loại nhạc được quần chúng ái mộ, được trình diễn nhiều, hợp thời trang, Đài phát thanh Sài Gòn có hẳn một Chương trình Thời trang Nhạc tuyển, tất nhiên giá trị nghệ thuật của nó ở mức tương đối nhưng điều quan trọng là nó làm sinh động trẻ trung nền âm nhạc và thỏa mãn tâm tình quần chúng.

Còn thuật ngữ nhạc thịnh hành hiện nay đừng nghĩ là gì cao siêu nghệ thuật chỉ trong mức độ nghe được, cảm nhận được và mức sống vài ba năm, ca nhiều là có sinh lợi, ăn thua chúng ta làm tốt về khâu bản quyền tác giả mà thôi.

Nghệ thuật cũng cần có chút trình độ để cảm nhận miễn sao nghe được, cảm thụ được có sức lan tỏa trong quần chúng là có thể chấp nhận, thế thôi. Ta cũng không thể đưa ban nầy, bộ phận kia xếp loại được vì máy móc, vì chủ quan (mang tính chất tham khảo thì được). Ví như chương trình Làn sóng xanh chỉ là Top bài hát được xếp loại trong tháng mà thôi, còn Bài hát Việt là Bài Hát Việt, có bài nghe được, bài không thì không thể đại diện tiêu biểu cho dòng nhạc nào, nếu hay nếu nghe được thì sức lan tỏa mạnh thôi. Hữu xạ tự nhiên hương.

Có những bài hát chiếm giải cao nhưng không được phổ biến, tuổi thọ không cao, không ai biết thì thịnh hành sao được? Nếu vậy thì chúng ta tạm nhìn ra vấn đề, ví dụ như hiện nay Uyên Linh là ca sỹ trẻ trung tươi tắn, ca hay, được giới trẻ yêu thích vậy có thể gọi ca sỹ thịnh hành được rồi, Hồng Nhung, Mỹ Tâm, Quang Dũng… là thịnh hành (tất nhiên còn rất nhiều ca sỹ khác nữa). Và ngược lại cũng có thể những ca sỹ tài danh cũng không phải là ca sỹ thịnh hành vì họ ít hát, ít trình diễn nhưng họ vẫn là một ca sỹ lừng danh một thời, nếu hiểu như thế chúng ta mới phân rõ ranh giới hạn định của nhạc thịnh hành là như thế nào được.

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam 31)

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...