Vị tướng mê piano và dân ca Việt
Không chỉ là một vị tướng tài, nhà quân sự lỗi lạc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn chơi piano khá điêu luyện và đặc biệt mê làn điệu dân ca Việt.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chăm chú luyện đàn dưới sự hướng dẫn của
cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hạnh khoảng năm 1964 - Ảnh: Bà Hạnh cung cấp
Chuyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp học chơi đàn, chúng tôi được nghe kể từ chính người đã dạy ông từ những phím, nốt piano đầu tiên - cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hạnh, vợ nhà văn Đào Vũ. Năm nay bà Hạnh đã 78 tuổi nhưng còn rất minh mẫn, mắt sáng, bàn tay vẫn thoăn thoắt lướt trên phím đàn, hồi tưởng lại lúc còn kèm đàn cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bà kể:
“Tôi không chọn cách gọi long trọng là Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà thường gọi anh Văn cho gần gũi, dù anh hơn tôi đến tận hai giáp. Với tôi, anh Văn là người anh đáng kính và cũng là một trong những học trò xuất sắc nhất mà tôi từng hướng dẫn chơi đàn piano.
Vào khoảng đầu thập niên 1960, tôi kèm đàn piano cho tướng Lê Liêm (Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam). Anh Văn chơi thân với anh Liêm, thấy vậy cũng ngỏ ý muốn học.
Chừng đầu 1963, tôi bắt đầu hướng dẫn piano cho anh Văn mỗi tuần 2 buổi. Dù chỉ học để thư giãn cho bớt căng thẳng vì công việc nhưng anh học rất nghiêm túc, chăm chỉ luyện tập. Trong những năm tháng đó, tôi cùng gia đình đi sơ tán ở tận Bắc Giang nhưng vẫn thu xếp về Hà Nội dạy đàn đều đặn cho anh mỗi tuần. Anh Văn thông minh lắm nên tiếp thu kỹ thuật piano nhanh, bận đến mấy anh cũng không bỏ học. Mỗi tháng tôi giao chừng 2 - 3 bài mới nhưng anh Văn đều thuộc hết. Nhiều kỹ thuật khá khó, nhất là đối với người nhiều tuổi mới bắt đầu học lại càng khó hơn nhưng bàn tay anh điêu luyện lạ thường trên phím đàn.
Tôi còn nhớ, anh Văn rất mê dân ca Việt Nam, đặc biệt là dân ca quan họ Bắc Ninh. Sau các bài luyện kỹ thuật, những bài đầu tiên anh yêu cầu dạy là làn điệu: trống cơm, qua cầu gió bay, cò lả hay những bài hát về Tây nguyên, chiến thắng Điện Biên… Hai năm sau, tức là năm 1965, tôi bắt đầu đi du học ở Liên Xô thì anh Văn cũng tạm ngừng học đàn. Lúc này, anh đã thạo rất nhiều bản nhạc trong nước, ngoài nước. Anh Văn đặc biệt mê piano. Tôi còn nhớ như in, trong thời gian du học, có lần nhân chuyến thăm Liên Xô, anh Văn còn tranh thủ nhờ tôi ôn bài. Dịp đó, nhiều bản nhạc dân ca Việt Nam đã vang lên ngay trên đất Liên Xô bên cạnh những bản Elise của Beethoven, Roudo của Mozart… qua những ngón đàn khá ngọt của anh. Đầu những năm 1970, tôi về nước và tiếp tục dạy đàn cho anh Văn. Sau này, khi đã thành thạo, anh rất thích chơi 4 tay (2 người cùng đánh một bản nhạc trên một đàn) với tôi.
Anh là một trong những học trò giỏi nhất tôi từng dạy đàn”.
(Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn)