Tham vọng hồi sinh đĩa than trong làng nhạc Việt

03/10/2013

Ba đĩa than đầu tiên, nằm trong một dự án sản xuất và phát hành dài hơi sản phẩm này, vừa ra mắt khán giả Việt Nam.

Đĩa than là một trong những phương tiện ghi âm khởi đầu của lịch sử âm nhạc. Loại đĩa này phát triển rực rỡ nhất trong kỷ nguyên nhạc rock and roll quốc tế, và từng rất phổ biến tại Việt Nam vào thập niên 60 của thế kỷ trước. Đĩa than truyền tải chất lượng âm thanh trung thực nhờ quá trình thu âm analog đảm bảo chiều sâu, độ trong sáng của âm thanh.


Bìa đĩa "Vinh quang Việt Nam" (trên) và "Mùa thu không trở lại".

Tuy vậy, khoa học kỹ thuật phát triển đã tác động lên quá trình phát triển của công nghệ ghi âm một cách mạnh mẽ. Sự tiện dụng và phổ thông của băng cassette, rồi CD và đến thời kỳ nhạc số, MP3... đẩy đĩa than vào lùi vào quá khứ. Máy quay đĩa, kim cân chỉnh nhạc và chiếc loa đậm chất cổ điển ngày nay được xem như những hình ảnh hoài niệm, cổ điển... Hoặc chúng chỉ còn được lưu hành trong bộ phận nhỏ những người yêu và thích chơi nhạc.

Sau thời gian dài chuẩn bị, nghiên cứu thị trường, công ty Giao hưởng xanh, MFC Star và Hãng phim trẻ vừa ra mắt bộ ba album đĩa than đầu tiên, trình làng âm nhạc trong nước, đó là: Vinh quang Việt Nam (Hồng Vy - Trần Mạnh Hùng và Dàn nhạc giao hưởng), Mùa thu không trở lại (tiếng hát Lê Dung) và Hà Nội mùa vắng những cơn mưa.

Album tiếng hát Lê Dung và Hà Nội mùa vắng những cơn mưa đều ra mắt khán giả khoảng 15 năm trước, nay được lấy từ kho lưu trữ của Hãng phim trẻ. Êkíp thực hiện đã chuyển đổi ba album - đều từng nằm ở định dạng như băng cassette, CD - sang hình thức thu âm analog và thành đĩa than. Còn đĩa Vinh quang Việt Nam của ca sĩ Hồng Vy thực hiện gần đây. Quá trình thực hiện diễn ra rất công phu, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chăm chút. Hoàn thành giai đoạn master trong nước, sản phẩm được chuyển sang nhà sản xuất ở Mỹ làm hậu kỳ, remaster, kiểm định chất lượng xem có phù hợp xuất sang đĩa than không.

Các khán giả từng nghe album cũ, khi thưởng thức các ca khúc ở định dạng mới đều cùng chung nhận xét: chất lượng âm thanh được cải tiến rõ rệt, âm nhạc có chiều sâu và chân thật thực, rõ nét hơn. "Nghe lại cố nghệ sĩ Lê Dung hát bài Dòng sông xanh, bản thu được thực hiện cách đây hơn 15 năm, với tôi rất thú vị. Chất giọng của nữ danh ca đã được tái hiện sống động, đầy hoài niệm như chị vẫn còn đây", nhà báo Minh Đức, một người sở hữu chiếc đĩa than Mùa thu không trở lại nói.

Sau ba sản phẩm nói trên, đơn vị tổ chức đang trong quá trình thực hiện tiếp khoảng bốn sản phẩm. Đó là các đĩa: Lệ Quyên Acoustic, Yêu - Những tình khúc vượt thời gian, Ngồi hát ca bềnh bồng (của bốn diva Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Thanh Lam và Hồng Nhung), Evergreen Thuyền viễn xứ... Trong tương lai, những người thực hiện còn nỗ lực tìm chọn những chủ đề và giọng ca phù hợp để thu live, sản xuất mới theo công nghệ analog.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, người thực hiện CD Vinh quang Việt Nam trước đây, bày tỏ sự thích thú và ngạc nhiên khi album nhạc của anh mang hình hài mới. "Trào lưu nghe nhạc hiện nay đang tập trung vào những thiết bị làm giảm chất lượng nghe nhạc xuống. Với CD (compact disct) sự trung thực của âm thanh đã giảm đi nhiều. Giờ đến nghe nhạc MP3 nén xuống nghe không còn chuẩn, chỉ khiến hỏng tai. Cuộc sống của mỗi người đang ngày càng đi lên, sống tốt hơn, giàu hơn nhưng thưởng thức âm nhạc lại dở đi. Tôi nghĩ dự án đĩa than Việt Nam là một trong những cách lấy lại phong độ cho nhạc Việt Nam", Trần Mạnh Hùng nhận định.

Tại buổi ra mắt ba album đĩa than vào ngày 19/9 ở TP HCM, câu chuyện "lấy lại phong độ" cho nhạc Việt cũng được nhiều nhạc sĩ, người làm việc trong làng nhạc đề cập đến với sự đau đáu. Anh Lê Thanh Hải, chuyên gia làm master cho dự án thẳng thừng nhận xét, nhạc ngày nay "nhảm" nhiều hơn là giá trị đích thực."Âm nhạc thực sự có giá trị khi nó gắn với ký ức của con người. Với tôi, nghe nhạc số, tiếp nhận âm nhạc dễ dãi trên mạng thì cảm xúc khó mà đi vào ký ức và tiềm thức", anh Thanh Hải nói.

Còn theo nhạc sĩ Quốc Bảo, trong việc thưởng thức một tác phẩm, ngoài chuyện nhạc hay ra, nhiều khán giả còn muốn được nghe bằng phương tiện nào có thể gợi lên câu chuyện về lịch sử âm nhạc. Chiếc đĩa than có lịch sử lâu đời cộng với không khí nghe của một môi trường như trong phòng khách chẳng hạn, làm tăng cảm xúc.

"Trào lưu nhạc số gắn liền với sự di động của con người, khiến cho người ta gần như bỏ mất thói quen ngồi xuống và thưởng thức âm nhạc ở một nơi yên tĩnh. Nghe nhạc số là để phục vụ cho nhu cầu nghe nhạc hàng ngày. Trong khi đó đĩa than có vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp của vòng đĩa quay, của thiết bị hi-end, ánh sáng trong phòng khách, trong không gian. Tôi rất ủng hộ dự án đĩa than. Đây cũng là sự kích thích trở lại phong trào nghe nhạc đúng đắn và điều này khiến tôi rất xúc động", Quốc Bảo chia sẻ.

Tuy vậy, dự án sản xuất và phát hành quy mô đầu tiên về sản phẩm đĩa than trong nước được chính người trong cuộc đánh giá là "phiêu lưu mạo hiểm". Bởi hiện nay, khán giả đã quen nghe nhạc qua CD, DVD, MP3... Hơn nữa, tệ nạn băng đĩa lậu tràn lan, nhạc miễn phí đầy rẫy trên Internet... Những điều này tạo ra nhiều rào cản cho người yêu nhạc khi đến với một sản phẩm cao cấp như đĩa than.

Rào cản đầu tiên chính là số tiền mỗi người phải bỏ ra khi đến với thú chơi nhạc này. Lấy ví dụ về giá của ba sản phẩm vừa được rung ra. Đĩa Vinh quang Việt Nam, do được đầu tư nhiều thời gian và công sức, được ghi giá lên đến 1.240.000 đồng mỗi đĩa. Album Lê Dung và Hà Nội mùa vắng những cơn mưa có cùng giá bán 900.000 đồng mỗi đĩa. Dù đây đều là những sản phẩm được giới chuyên môn khẳng định về giá trị nghệ thuật, xét trên bình diện chung, mức giá này quá sức nhiều khán giả.


Người nghe đĩa than phải tậu những chiếc máy có khả năng đọc đĩa với giá cả dao động
từ hơn 10 triệu đồng trở lên.

Chưa hết, ngay cả khi mua được một đĩa than, người nghe còn phải tậu cho mình một dàn máy đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật. Với người mới bắt đầu đến với loại hình này, nếu chọn dàn máy cũ, đã qua sử dụng, thì chi phí ngót nghét cũng phải chừng 10-15 triệu đồng.

Rào cản thứ hai là phải thay đổi thói quen nghe nhạc của đại bộ phận khán giả. Động tác bỏ một chiếc đĩa than vào mâm đĩa, dùng kim cân chỉnh bản nhạc theo ý thích rồi ngồi thả hồn sâu lắng nghe cho đến hết bài hát rõ ràng có sự "xung đột" với cách nghe nhạc của thời đại di động. Ngày nay, người ta có thể nghe nhạc số khắp nơi, vào bất cứ lúc nào chỉ với một chiếc điện thoại hay thiết bị nghe nhạc nhỏ gọn nằm trong lòng bàn tay.

Trước rào cản về mặt tài chính, công ty Giao hưởng xanh, MFC Star... thử đưa ra các giải pháp như bán máy nghe đĩa than trả góp tùy theo nhu cầu. Còn việc thay đổi phong cách nghe nhạc là chuyện đòi hỏi sự đam mê và thị hiếu của từng người. Nếu đã chọn đến với đĩa than, người ta phải biết chuẩn bị cho mình một lượng kiến thức nhất định về loại hình này nói riêng và về âm nhạc nói chung.

Với những trở ngại này, ngay cả người trong cuộc cũng chưa tiên đoán được mức độ thành công và hiệu quả của dự án, nhất là với tham vọng phổ cập đĩa than đến nhiều tầng lớp khán giả. Tuy vậy, thú chơi, sưu tầm đĩa than vẫn đang âm ỉ chảy trong lòng đời sống nhạc Việt. Nhiều nghệ sĩ, bên cạnh việc ra CD, vẫn dồn sức thực hiện các đĩa than như: Lặng lẽ tiếng dương cầm của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, Tình ca Phạm Duy của Quang Dũng, Tóc ngắn Acoustic của Mỹ Linh... Với một bộ phận khán giả có điều kiện kinh tế nhất định, đến với đĩa than là tìm về không gian hoài niệm, về phong cách thưởng thức âm nhạc đậm chất nghệ thuật. Với người nghệ sĩ, đây là một cách để ghi dấu ấn nghề nghiệp.

(Nguồn: http://giaitri.vnexpress.net)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...