Tản mạn nghề… hát rong
Không biết từ bao giờ, khất thực (ăn xin) nghiễm nhiên trở thành một “nghề”. Nghề ấy không thuộc ngành “chủ quản” nào, không ai quản lý. Và cũng chưa từng có một cuộc điều tra xã hội học nào tìm thấy “biên chế” chính thức của đội ngũ những người ăn xin.
Biên chế người ăn xin nhiều hay ít không hề phụ thuộc vào bước thăng trầm của đời sống xã hội, lại càng không phải là hệ quả tất yếu của một xã hội tha hóa. Cứ vậy, nghề ấy tồn tại mà không bị nhà nước coi là trái pháp luật, là một tệ nạn xã hội. Nhà chức trách cũng chưa từng quản chế người ăn xin (dù họ không có giấy phép hành nghề), còn tệ nạn xã hội thì điều này ai cũng biết, không cứ chỉ nảy sinh từ những người khất thực đáng thương kia.
Thực ra, “xã hội” người khất thực không thuần túy như người ta tưởng. Có người ăn xin “chuyên nghiệp” - đa số họ là những người tàn tật, những cụ ông, cụ bà mỏng phận, những trẻ thơ lang thang không gia đình… Có người ăn xin “bán chuyên nghiệp” - như kẻ thị thành khi lỡ vận, người thôn quê lúc thất bát vụ mùa… Lại cũng có người ăn xin đột “xuất”, không phải tại nghèo mà vì “ngặt” - như khi lỡ độ đoạn đường, lỡ mất tiền của, cả khi lỡ cháy túi trong những canh bạc “còm”. Ấy là chưa kể khối người khất thực đài các, khối kẻ ăn… giả dạng ăn mày. Một nhà báo đã nói với tôi: không phải mọi người ăn xin đều nghèo, có người còn “giàu” hơn một người lao động chân chính. Quả điều đó có thật, tôi từng được nghe kể lại và từng gặp họ trong đời.
Thời Tây, trước khi tập kết ra Bắc, ba tôi làm thơ ký cho Tòa Khâm Sứ Huế. Một chiều ông cùng mấy bạn trai ghé Thượng Tứ ăn bánh khoái, vừa lúc mọi người cầm đũa, một lão niên tráng kiện bước vào. Người ấy khăn xếp, áo dài, tay cầm cây gậy (Les Bâtons), dáng vẻ quyền uy, quý phái như một ông quan huyện: “chà, mấy chú dùng chi mà vui vẻ rứa, cho cậu góp vui với hý”. Đám bạn sững sờ, ba tui ngỡ ngàng, không biết “cậu” là quan trên hay thứ bậc họ hàng gì đây. Cũng đành như gặp người quen, ba tôi mời “cậu” dùng bữa. Ông huyện múa “baton” một vòng, lên giọng kẻ cả: “Cậu ăn nem công, chả phượng chớ có khi mô lại dùng ba thứ làng nhàng đó”. Đám bạn sượng sùng: “Dạ, mời cậu dùng tạm”. Bấy giờ, ông huyện mới hạ cố: “Thôi cũng được, dùng tạm với mấy đứa tui bây cho vui”. Về nhà, ba tôi kể chuyện, ông nội tôi cười ngất: “Cậu chi mà cậu, cậu ăn xin thì có”.
Mẹ tôi người tỉnh lẻ vào làm dâu xứ Huế. Một sáng, bà xách giỏ đi chợ Đông Ba. Vừa tới cổng chợ, cạnh chỗ mấy sọt gánh thanh trà của dân Thủy Biều, bỗng đâu một người đàn bà lại hoắc chào hỏi đon đả: “Chà, thím bây độ ni béo trắng ra, đẹp hơn trước nhiều, chắc thầy ký trúng quả viết thuê đơn kiện phải không?”. Mẹ tôi ngớ người: “Dạ, dì là…”. Người đàn bà làm mặt giận: “Mới đám cưới bữa trước, thím bây mau quên dữ, mợ chớ không phải là dì”. Mẹ tôi hoảng hồn, không biết mợ dây mơ, rể má thế nào, mới vào làm dâu ai mà biết hết được. Nhưng bà mợ đã dịu giọng: “Thôi, chắc dâu mới chưa biết hết cũng phải, đưa mợ mấy đồng để mợ lấy nốt chỗ thanh trà ni cho rẻ”. Vậy là có mất đồng hào trong túi, mẹ tui vội vàng móc hết đưa cho “mợ”, lại còn lo rằng về nhà thể nào “mợ” cũng trách. Rút cuộc, mẹ tôi đi chợ mà xách giỏ về không. Biết chuyện, ba tôi cười dài: “Mợ gì mà mợ, mợ ăn xin thì có”.
Đó là chuyện thời Tây, nhưng thời Ta cũng không thiếu. Ngón nghề của người ăn xin cứ thiên biến vạn không biết thực hư thế nào. Khi thì một thiếu phụ ẵm trên tay đứa bé còm nhom, sài đẹn, khi lại một trung niên ăn bận kiểu công nhân, ba lô lép kẹp, còn dắt díu hai đứa trẻ nít gầy gò, rách rưới. Lại cũng có khi là một thanh niên sung sức, không có vẻ gì là kẻ ăn mày - tất cả họ đều có chung một điểp khúc: hoàn cảnh! Chỉ khác là là mỗi người “tấu” mỗi khúc ai oán khác nhau. Có người cho họ tiền vì động lòng trắc ẩn (vì lòng hảo tâm vốn dĩ truyền thống). Lại cũng có người bố thí cho rảnh, dây dưa thêm phiền. Số người khác nhiếc móc, chì chiết trước khi ban cho họ hai tờ năm trăm đồng.
Tôi cứ nghĩ, ngày nay khi nhà nước đang phải lo toan việc “xóa đói giảm nghèo” cho những người lao động chân chính, vậy thì trong số những người ăn xin, ai còn có thể lao động được, ai là người đáng thương, đáng để xã hội cưu mang, đùm bọc, nếu như tất cả những người ăn xin vẫn không có “giấy phép hành nghề”.
Tháng trước, tôi vào công tác tại TP. HCM, ở nhờ nhà một người quen. Buổi sáng, tôi ra phố mua thuốc hút, một chú “choai choai” (cỡ 16 - 17 tuổi) vui vẻ chào tôi: “Anh hai chắc mới ở ngoài Bắc vô phải không? Cho em xin điếu thuốc”. Tôi đưa thuốc cho nó, không nghĩ gì, chuyện thường. Tôi đi trên tàu thỉnh thoảng vẫn có người xin thuốc và tôi cũng đã có lần xin thuốc một hành khách đi tàu. Tôi bật lửa châm thuốc, chú “choai choai” ghé vào châm nhờ, nó thản nhiên: “Anh hai cho em năm chục ăn sáng”. Bấy giờ tôi mới hiểu, tui mở cặp lấy tiền, lại nghe nó nói: “Anh hai là thầy giáo phải không?. Tôi sửng sốt: “Sao chú mày biết”. Nó cười: “Thì ngó tướng bộ anh hai là biết ngay hà. Thôi em chỉ xin ba chục ăn tạm tô bún chả cá cũng được, hì… hì”. Vừa bực bội, lại vừa buồn cười vì kiểu cách “xin ăn” láu cá của nó, tôi rút tờ năm chục đưa cho chú “choai choai” và cầu mong nó xéo đi cho mau. Chú “choai choai” tức thì giật lấy tờ năm chục ngàn trên tay tôi, còn tay kia nó đập tờ hai chục ngàn (của nó) dính lên chiếc cặp giấy của tôi, đúng ngay vào dòng chữ: Học viện Âm nhạc Huế. À, thì ra thế, thật “quái chiêu”, ngẫm cho cùng: nghề xin cũng lắm công phu!.
Nhưng có một nghề xin, tôi thực sự xúc động và chợt gợn chút hổ thẹn với chính mình - đó là khi xem gánh hát của những người tàn tật. Gọi là gánh hát, nhưng nhiều nhất chỉ độ vài ba người (có khi chỉ một người). Tuần trước, vào ngày chủ nhật, tôi đang say sưa đi tìm “Gương mặt thân quen” (tất nhiên qua màn hình VTV3, phát lại chương trình đã phát tối thứ bảy). Cuộc chơi đang đến hồi thú vị, buồn cười nhất là tay Kyo York (người Mỹ) vào vai ca sĩ Hồ Ngọc Hà, tôi đang hồi hộp chờ xem Kyo sẽ được xếp thứ mấy trong bảng tổng sắp tuần này. Chợt nghe văng vẳng ngoài kia một câu ca vọng cổ: “Nổi lửa lên em, nổi lửa lên cho đời ta trong sáng lại…”. Giọng ca mùi mẫn, hòa quyện với tiếng đàn bầu của ai đó cứ nỉ non, nức nở, nhưng rồi sau cái khúc sầu bi, thương cảm đó, bản tân ca dào dạt “Nổi lửa lên em” (của NS Huy Du) bỗng vút lên. Tôi vội vàng “bứt” ra khỏi cuộc chơi tìm những “Gương mặt thân quen”, xô cửa chạy ra ngõ, bươn bả chen vào đám đông đang đứng xây lớp quanh một người hát rong. Người ấy nhỏ bé, gầy guộc, đi đứng bằng đôi nạng gỗ với chiếc chân còn lại. Khuôn mặt người hát rong thực khó đoán tuổi, chỉ thấy những nếp nhăn hằn in kiếp sống nhục nhằn của kẻ thương phế lâu ngày. Vượt lên số phận thiệt thòi, người hát rong đang hát. Chiếc đàn bầu có dây đeo qua cổ, thành đàn tựa vào đôi nạng gỗ thay cho giá đàn, cứ rung lên bần bật theo nhịp nhấn nhá, run rẩy của mỗi cung đàn.
Có người yêu cầu anh chơi một bản nhạc Pop (nhạc phổ thông), lập tức người hát rong chuyển ngón đàn, dạo một vũ điệu sôi động, hào hứng khác thường. Anh hát, rồi anh nhảy, tất nhiên chỉ bằng chiếc chân còn lại đưa lên, đưa xuống. Người hát rong còn biểu diễn nhiều bài tân ca cổ nhạc khác mà ngay đến cả dân hát chuyên nghiệp cũng có khi không tài nào một lúc có thể thuộc lời để trình bày từng bấy nhiêu bài.
Một thằng nhỏ cầm chiếc mũ cói đi quanh một vòng khán giả để nhận tiền “thù lao”. Tôi đứng ở vòng ngoài cùng nên cũng gần như là khán giả “mua vé” sau cùng. Thử liếc nhìn vào chiếc mũ cói, tôi thấy một mớ tiền giấy loại một, hai ngàn, lẫn vài tờ năm trăm đồng, lấp ló hiếm hoi đôi tờ năm ngàn, mười ngàn đồng. Tôi nhẩm tính thử, chắc nhiều lắm cũng chỉ độ vài chục ngàn. Bấy giờ, tôi trộm nghĩ: giá chót của mỗi suất hát chuyên nghiệp chí ít cũng cũng được 3 - 5 triệu đồng/suất diễn tỉnh lẻ (dù chỉ hát 2- 3 bài). Có nơi như ở các thành phố lớn, giá chạy “sô” (show) còn lên tới 10 - 20 triệu đồng, có khi còn hơn thế nữa. Tuy so sánh có khập khiểng (vì không có cơ sở, không thể và không nên so sánh), nhưng với nỗ lực “lao động nghệ thuật” của người hát rong kia, cái giá mà họ được bố thí quả quá bọt bèo…
Cuộc sống muôn mầu “hoa trái quanh ta”. Nếu như mai ngày, không còn có những người hát rong kia thử hỏi có còn là cuộc sống? Tôi suy nghĩ miên man và chợt nhớ tới niềm mơ ước thật giản dị mà cao quý của thầy tôi (GS Minh Khang) vẫn còn chưa thực hiện được: “Liên hoan hát rong toàn quốc”. Nhưng điều ta có thể còn thấy được bây giờ là một ngày như mọi ngày nào đó, nếu bạn muốn nghe (và xem) một buổi hát rong theo yêu cầu, bạn chẳng cần phải tìm kiếm đâu xa. Hãy chịu khó rảo qua mọi ngõ ngách đời thường, đâu đó nơi đầu đường, cuối chợ, bạn có thể sẽ gặp một người hát rong. Và bấy giờ bạn cũng sẽ nghĩ như tôi: Ôi! Cuộc sống muôn mầu “hoa trái quanh ta”./.