Đánh dấu một sự trưởng thành vượt bậc…!
Liên hoan Âm nhạc khu vực phía bắc tổ chức tại thành phố Sơn La từ 11-13/4/2013 - sự kiện nổi bật về văn hóa của tỉnh Sơn La đầu năm 2013, đã khép lại với bao cảm xúc và kỷ niệm.
Liên hoan âm nhạc lần này Đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của chi hội nhạc sĩ và các nhạc sĩ của tỉnh Sơn La.
Lần đầu tiên Sơn La tham dự liên hoan với số lượng đông đảo
Gồm 5 nhạc sĩ với 5 ca khúc. Và kết quả cả 5 đều đoạt giải trong đó 3 tác phẩm đạt A. Đó là: “Khát vọng miền tây”, sáng tác Việt Cường; “Gọi mùa xuân đại ngàn” của Mè Hoàng Thanh; “Thành phố hoa Ban” của Bùi Khắc Bạo; Một giải B “Cô giáo vùng cao” của Triệu Tiến Phương và một khuyến khích “Bài ca đẹp nhất trên đời” của Mùi Hái.
Điều đáng ghi nhận là các tác phẩm của nhạc sĩ Sơn La tham gia liên hoan đợt này, thật sự có chất lượng cả về âm nhạc lẫn nội dung. Đó là những tác phẩm có cấu trúc âm nhạc rõ ràng, giai điệu đẹp, biết khai thác và phát triển sáng tạo các làn điệu âm nhạc dân gian các dân tộc Sơn La - Tây Bắc, vừa dễ hát, dễ nghe, dễ thuộc, dễ cảm nhận cùng với nội dung cụ thể ca ngợi quê hương, cuộc sống lao động sinh hoạt của nhân dân các dân tộc địa phương trong tỉnh.
Cũng cần nói thêm các nhạc sĩ, hầu hết là người dân tộc gốc Sơn La, cho nên chất dân gian tây bắc rất đậm trong tác phẩm. Các tác phẩm được phối khí, dàn dựng công phu thành những màn hát múa hoành tráng không khác gì những tiết mục tham gia hội diễn nghệ thuật của đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp hay quần chúng của tỉnh đã tạo thêm chất lượng nghệ thuật cho các tác phẩm tham dự liên hoan và làm phong phú thêm cho các buổi trình bày tác phẩm của các nhạc sĩ; Đặc biệt là đêm công diễn đã mang đến cho người xem nhiều cảm xúc về nghệ thuật.
Mọi việc đều được chuẩn bị chu đáo
Để có được thành công ấy, chi hội nhạc sĩ Sơn La cùng với Trung tâm văn hóa tỉnh, Đoàn ca múa nhạc dân tộc Sơn La, Hội Liên Hiệp VHNT tỉnh Sơn La đã phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo và triển khai nhều hoạt động hữu ích. Đã huy động số lượng đông đảo diễn viên của Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh, của Trung tâm văn hóa tỉnh, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch tỉnh, trường Cao đẳng Sơn La, tham gia tập luyện và biểu diễn tác phẩm giúp cho các nhạc sĩ của Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tại tỉnh Sơn La và cả một số tác phẩm của các chi hội tỉnh bạn.
Chi hội đã tổ chức 3 buổi, báo cáo tác phẩm cho hội đồng nghệ thuật của chi hội, của Sở văn hóa và của tỉnh với sự tham gia đánh giá, góp ý của các nhạc sĩ, nghệ sĩ trong đó có cả sự góp mặt của NSND Vũ Hoài - nguyên Phó chủ tịch Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam, NSUT Vương Thanh Hải, Hoàng Chiên - nguyên Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Sơn La, cùng các cán bộ lãnh đạo của tỉnh và của ngành văn hóa. Qua đó đóng góp nhiều ý kiến quí báu, giúp cho các nhạc sĩ chỉnh sửa hoàn thiện tác phẩm của mình.
Bên cạnh việc chỉ đạo, tạo điều kiện cho các nhạc sĩ dự thi, Chi hội còn tham gia đóng góp nhiều trong công tác tổ chức cuộc liên hoan. Chi hội đã phối hợp với Trung tâm văn hóa tỉnh, chuẩn bị chu đáo hội trường, sân khấu âm thanh cho các buổi biểu diễn, tư vấn, giúp đỡ Hội nhạc sĩ Việt Nam, bố trí nơi ăn nghỉ cho các đoàn nhạc sĩ của chi hội các tỉnh bạn đến Sơn La. Liên hệ, động viên Đoàn ca múa dân tộc tỉnh Sơn La xây dựng và biểu diễn hai chương trình phục vụ cho khai mạc và bế mạc.
Và kết quả, cuộc liên hoan đã thành công rực rỡ, buổi khai mạc và đêm bế mạc đã diễn ra rất trang trọng, hoành tráng rực rỡ sắc màu, chìm đắm trong những âm hưởng âm nhạc cùng sự say mê hoan hỉ của khán giả, đến chật ních hội trường; để lại cảm xúc lắng sâu, đẹp đẽ trong lòng các nhạc sĩ của 21 tỉnh, thành đối với Sơn La.
Chỉ với 10 thành viên mà đa số đều đang công tác tại các cơ quan nhà nước, song chi hội đã hoàn thành hai nhiệm vụ quan trọng: đó là thành công đáng ghi nhận của Chi hội nhạc sĩ tỉnh Sơn La hay nói rằng cuộc liên hoan âm nhạc lần này đã tạo ra bước nhảy, Đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc đáng ghi nhận của Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Sơn La.
Đã tạo ra môi trường âm nhạc chân chính, sinh động
Liên hoan âm nhạc lần này đã tác động vào nhận thức tình cảm, của công chúng khán giả là cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc Sơn La. Trong khi xã hội nước ta hiện nay, nhất là các thành phố lớn, đang bị ảnh hưởng trầm trọng vì dòng âm nhạc thị trường, làm vẩn đục nhận thức tình cảm của con người với âm nhạc, thì tại Sơn La vẫn vang lên những nét nhạc trong sáng, ca ngợi tình yêu quê hương, cuộc sống con người, rất thực tế và gần gũi.
Không chỉ thể hiện trong việc các buổi trình diễn tác phẩm lúc nào cũng đông chật người xem mà còn thông qua việc tuyên truyền bằng báo chí, phát thanh đặc biệt là truyền hình trực tiếp lễ bế mạc cuộc Liên hoan, đã giúp công chúng tỉnh Sơn La tiếp xúc với nhiều tác phẩm âm nhạc của nhiều vùng miền trong cả nước phong phú đa dạng hấp dẫn, rất khó có dịp được thưởng thức như vậy.
Qua các buổi biểu diễn đã giúp người xem có cảm nhận rộng rãi về văn hóa cả nước thông qua tác phẩm của các nhạc sĩ về dự dự liên hoan âm nhạc tại Sơn La lần này. Không phải do Sơn La là tỉnh miền núi xa xôi mà công chúng khán giả Sơn La hạn chế về nhận thức âm nhạc mà ngược lại, người dân Sơn La rất yêu thích, đam mê các hoạt động văn hóa nhất là âm nhạc. Và được tiếp xúc với nghệ thuật biểu diễn khá nhiều, đặc biệt là Ca – Múa - Nhạc.
Năm nào cũng có hàng chục đoàn nghệ thuật lên biểu diễn tại Sơn La, với nhiều ca sĩ tên tuổi được “Tung hô” rất kêu, đã trình diễn khá nhiều tác phẩm âm nhạc mới trẻ trung, sôi nổi. song rất ít bài hát mới đọng lại.
Thế nhưng nếu thâm nhập vào các bản, ta sẽ bắt gặp một điều rất đặc biệt là bản nào cũng có đội văn nghệ, họ hát múa say sưa các bài hát, điệu múa do hầu hết của các nhạc sĩ Sơn La sáng tác. Đến bất cứ đội văn nghệ nào của bản, hầu như đội nào cũng có ít nhất 2 đĩa nhạc một là đĩa nhạc múa của Nhạc sĩ Mùi Hái (chi hội nhạc sĩ Sơn La). Chỉ với cây đàn ocgan, anh tự sáng tác phối âmthành nhạc múa cho nhiều điệu múa dân gian đặc trưng cho từng dân tộc trong tỉnh Sơn La. Và đĩa nhạc của huyện mà mọi người vui gọi là “Huyện ca”. Là các bài hát do các nhạc sĩ Sơn La sáng tác về địa phương, rồi ghi âm thu hình phát hành thành VCD hoặc DVD âm nhạc. Nhân dân các địa phương Sơn La rất yêu thích hai đĩa nhạc này, bởi các bài hát điệu múa ấy rất gần gũi với chất dân ca, vũ điệu dân gian địa phương, kèm theo nội dung ca ngợi quê hương, tình yêu, cuộc sống lao động sinh hoạt của tỉnh nhà.
Đấy quả là phần thưởng lớn nhất cao quí nhất mà nhân dân các dân tộc ban tặng cho các nhạc sĩ tỉnh Sơn La. Và đó cũng chính là một tiêu chí được Hội đồng thẩm định âm nhạc đánh giá rất tinh, rất sắc giành cho các sáng tác của nhạc sĩ Sơn La trong Liên hoan âm nhạc này.
Nên chăng đó cũng chính là một trong những nội dung hoạt động âm nhạc mà Hội nhạc sĩ Việt Nam cần quan tâm, đánh giá, khuyến khích các nhạc sĩ địa phương trong cả nước, phát huy nhiều hơn nữa, tính dân gian- địa phương trong sáng tác âm nhạc của mình.
Và chính điều đó đã được đề cập đến trong hội thảo với tiêu đề “Kế thừa và phát huy âm nhạc dân gian trong quá trình hội nhập”
Một hoạt động quan trọng phải kể đến trong khuôn khổ Liên hoan là Hội thảo khoa học với chủ đề “Kế thừa và phát huy âm nhạc dân gian trong quá trình hội nhập” đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Chủ đề của Hội thảo đang là vấn đề nóng, rất đáng quan tâm trong giai đoạn hiện nay, khi thực tế đời sống âm nhạc trong cả nước có quá nhiều điều phải bàn luận, tranh cãi …Nhạc sĩ Phạm Hồng Thu - Chi hội phó phụ trácChi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Sơn La - Trưởng đoàn, chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Sơn La đã có bài tham luận với nội dung: “Trao đổi một số vấn đề qua việc bảo tồn, phát huy và phát triển Âm nhạc truyền thống dân gian các dân tộc tỉnh Sơn La”. Bản tham luận đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của các đại biểu tham gia Hội thảo với những đúc rút từ chính thực tế sinh động.
Một sự “ưu ái” đáng trân trọng của các cơ quan, ban ngành của tỉnh
Thành công của “Liên hoan âm nhạc khu vực phía bắc” lần này không thể không kể đến sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sơn La, Sở Văn hóa thông tin thể thao và du lịch tỉnh và của Hội nhạc sĩ Việt Nam. Đích thân chủ tịch hội nhạc sĩ Việt Nam - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cùng Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Ngọc Toa làm Trưởng ban chỉ đạo. Và Phó chủ tịch hội nhạc sĩ Việt Nam Phạm Đình Khôi cùng Thạc sĩ văn học, giám đốc Sở VHTT & DL tỉnh Sơn La Mai Thu Hương làm Trưởng ban tổ chức. Các Đồng chí lãnh đạo Tỉnh và các Sở, ngành đã quan tâm chỉ đạo rất sát sao, Từ việc trực tiếp tham gia hội đồng thẩm định tác phẩm, cho đến tạo điều kiện về cơ sở vật chất để các nhạc sĩ xây dựng, biểu diễn tác phẩm, trực tiếp tham gia các hoạt động của liên hoan. Từ khai mạc, bế mạc cho đến hội thảo về âm nhạc. . . Sự quan tâm ấy đã tạo động lực và giá trị thực tiễn vào sự thành công của Liên hoan âm nhạc tổ chức tại tỉnh Sơn La lần này.
Với Hội nhạc sĩ Việt Nam thì việc chọn Sơn La làm địa điểm đăng cai liên hoan âm nhạc lần này rất ý nghĩa và phù hợp về nhiều mặt. Sơn La miền đất hứa. Là một trong những tỉnh miền núi giàu tiềm năng đang phát triển mạnh mẽ cả về kinh tế và xã hội. Sơn La mảnh đất sơn thủy hữutình có nền văn hóa, âm nhạc đa dạng, giàu bản sắc dân tộc miền núi, con người giàu tình cảm, thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa phong phú gợi tình làm cho ai đặt chân đến Sơn la đều lưu lại trong mình nhiều tình cảm tốt đẹp, quyến luyến, khó quên.
Tuy nhiên, còn những điều trăn trở!
Liên hoan âm nhạc lần này chưa có nhiều tác phẩm hay, các tác phẩm tham dự, kể được giải A, ít chất mới, chưa đáp ứng, hòa nhập với thị hiếu âm nhạc của tuổi trẻ hiện nay. hầu hết các tác phẩm còn thiếu có sức sống lâu bền và sức lan tỏa rông rãi.
Một số tác phẩm tham gia chưa có sự chuẩn bị công phu đầu tư thích đáng cho xứng tầm của Liên hoan do hội nhạc sĩ quốc gia tổ chức thể hiện rõ nét trong các khâu phối khí, dàn dựng và trình bày tác phẩm.
Một số nhạc sĩ tự trình bày tác phẩm của mình, bởi kết quả của một tác phẩm âm nhạc khi đã trình diễn phải là tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó việc thể hiện là khâu rất quan trọng giúp nâng tác phẩm lên rất nhiều. Vả lại còn phải quan tâm đến quần chúng tham dự. Nếu để cho chính tác giả hát với một cây đàn ocgan đệm bằng tiết tấu có sẵn, thì thà rằng đưa bản nhạc cho hội đồng tự đọc và đánh giá, việc gì phải trình bày nữa! Mặc dù rất biết rằng đó cũng là “nỗi niềm” của nhiều nhạc sĩ các tỉnh liên quan đến vấn đề kinh phí, những có lẽ cũng không nên khuyến khích điều này.
Có một đề nghị nhỏ
Mong được Hội nhạc sĩ Việt Nam lưu tâm: nên in ấn đĩa CD một số ca khúc đạt giải cao của Giải thưởng hàng năm của Hội để gửi cho các chi hội âm nhạc địa phương, ngoài việc quảng bá đây chính là cơ hội giúp các nhạc sĩ tại các chi hội địa phương được học tập đồng nghiệp; Sẽ tác dụng nhiều hơn khi chỉ được đăng bản nhạc trên Tạp chí âm nhạc Việt Nam. (Không cần đầu tư tốn kém, chỉ sao lại đĩa CD của nhạc sĩ gửi dự thi là được, vì đa số các nhạc sĩ dự thi đều làm đĩa CD).
(Tạp chí Âm nhạc VN)