Giới thiệu tác phẩm mới: Hương rừng Thái Nguyên
PHẠM TUẤN KHOA
Thưa quý vị và các bạn!
Nhạc sĩ Phạm Tuấn Khoa quê ở Tứ Kỳ Hải Dương. Năm 1967, cậu học sinh lớp 10 Phạm Tuấn Khoa viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Từ điểm luyện quân ở Thanh Hóa, anh cùng đơn vị hành quân ròng suốt 6 tháng trời, vượt Trường Sơn vào thẳng chiến trường khu 6. Tại đây, anh được phân công làm nhiệm vụ trinh sát bảo vệ bệnh viện K79C. Chẳng bao lâu, anh được phát hiện có năng khiếu văn nghệ nên được điều về Đoàn văn công Cục Hậu cần quân giải phóng.
(Nhạc sĩ Phạm Tuấn Khoa)
Là chiến sĩ của một đoàn văn công quân đội phục vụ chiến trường. Phạm Tuấn Khoa đã trở thành diễn viên trẻ tuổi nhất, có thể biểu diễn các bộ môn như: múa, đóng kịch, ngâm thơ, hát…Tuy vậy, niềm yêu thích lớn nhất đối với anh vẫn là sáng tác âm nhạc. Với một chút vốn liếng âm nhạc ít ởi của thời học sinh và bằng sự tìm tòi, học hỏi ở các đồng đội trong đoàn văn công, để từ đó có được sáng tác đầu tay: Tiểu đoàn 49 anh hùng , ra đời năm 1969. Bài hát lập tức trở thành tiết mục hợp ca kết thúc mỗi đêm diễn của Đoàn văn công Cục Hậu cần, sau đó còn được Đài Phát thanh Giải phóng phát sóng và được Đoàn văn công Nhân dân miền Nam dàn dựng thành tiết mục biểu diễn thường xuyên của đoàn ở các vùng giải phóng.
Từ thành công của tác phẩm đầu tay, dù không được đào tạo bài bản về âm nhạc, nhưng năng khiếu bẩm sinh cộng với không khí sinh hoạt văn nghệ đặc biệt nơi chiến trường, lại được sự động viên, cổ vũ kịp thời của các nhạc sĩ trong quân đội, đã giúp anh tự tin trên con đường sáng tác. Một loạt các ca khúc của anh đã ra đời sau đó, vừa sôi nổi, hào hùng, mang khí thế chiến thắng của chiến trường miền Đông gian lao vừa ngọt ngào, đậm đà âm hưởng dân ca Nam bộ: Gửi anh chiếc mũ tai bèo; Màu xanh vùng ven; Hát mừng chiến thắng Bình Long; Lộc Ninh trong nắng hòa bình, Đường vào Sê pôn…Trong đó bài Gửi anh chiếc mũ tai bèo được nhạc sĩ Trần Kiết Tường dàn dựng cho Đài Phát thanh Giải phóng phát sóng nhiều lần từ đầu năm 1970. Ngoài ra, bài hát còn được nhiều nhạc sĩ dàn dựng cho các tiết mục biểu diễn đơn ca, tốp ca, múa…trở thành ca khúc được nhiều người yêu thích. Bên cạnh đó Phạm Tuấn Khoa còn viết khí nhạc, sáng tác nhạc cho các tiết mục múa, hợp xướng…trong đó tổ khúc: Hậu cần tiến quân được dàn dựng cho đoàn biểu diễn nhiều lần.
Năm 1978, Phạm Tuấn Khoa tốt nghiệp ngành ngữ văn, Đại Học Tổng hợp Hà Nội (bây giờ là Đại Học Khoa học Xã hội Nhân văn) và được giữ lại trường làm giảng viên khoa Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam cho sinh viên nước ngoài.
Trong quá trình công tác trên giảng đường Phạm Tuấn Khoa còn viết rất nhiều ca khúc về mái trường, về tình thầy trò: Biết ơn người trồng cây, Người thầy với hai niềm đam mê; Tâm tình cô giáo mầm non…
Năm 2005,Phạm Tuấn Khoa chính thức là Hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam.
Thưa quý vị và các bạn!
Trong số những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuấn Khoa còn có bài Hương rừng Thái Nguyên do nhạc sĩ Phạm Tuấn Khoa phổ nhạc cho bài thơ cùng tên của nhà thơ Cẩm Dung - phu nhân của nhạc sĩ Phạm Tuấn Khoa, chúng tôi đã có ít phút được gặp gỡ các tác giả của bài hát để tìm hiểu về sự ra đời của ca khúc này.
Mời quý vị và các bạn cùng nghe!