Ý tưởng và mục đích trong đào tạo ngành sáng tác âm nhạc ở Việt Nam

06/01/2015

Nền âm nhạc chuyên nghiệp mới của nước ta trong suốt quá trình hình thành và phát triển từ sáng tạo đến đào tạo đều hướng tới tính tiên tiến và bản sắc dân tộc. Điều đó là hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển chung của lịch sử đương đại nghệ thuật âm nhạc thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng tự hào còn có nhiều vấn đề cần phải suy nghĩ, đầu tư tâm lực nhiều hơn nữa.


Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam (ảnh: Nguyễn Thị Minh Châu)

Là một nhạc sĩ được học một cách bài bản ngành sáng tác âm nhạc ở trong và nước ngoài, khi về nước, trải qua quá trình tham gia công tác đào tạo chuyên ngành sáng tác bậc đại học và cao học hơn hai mươi năm ở Việt Nam, tôi có một số nhận xét như sau:

Từ sau ngày giải phóng đến nay, chúng ta đã đào tạo được nhiều cán bộ, nhiều nghệ sĩ âm nhạc xuất sắc thuộc các chuyên ngành khác nhau. Riêng ngành sáng tác cũng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu xã hội, đào tạo được nhiều nhạc sĩ có kiến thức, có trình độ chuyên môn, tích cực góp phần phát triển nhiều phong trào âm nhạc trên cả nước. Tuy nhiên cũng cần phải tiếp tục củng cố, đổi mới và phát triển cho kịp với trào lưu “hội nhập toàn cầu”.

Sinh viên đại học, khi thi vào ngành sáng tác ở một số trường nhạc thường lấy số lượng làm đầu. Thật ra, số lượng đầu vào nhiều là điều đáng hoan nghênh, nhưng về chất lượng không phải lúc nào cũng đáng vui mừng. Nhiều em vốn kiến thức cơ bản âm nhạc quá yếu, không đủ điều kiện để phát triển và tiếp thu chuyên môn. Trong khi đó, chuyên ngành sáng tác thường đòi hỏi rất cao về kiến thức tổng hợp và kỹ năng sáng tạo. Những trường hợp như thế này, chẳng những chỉ gây khó khăn cho các em trong học tập mà còn gây trở ngại cho giảng viên hướng dẫn. Vấn đề là sau một thời gian học tập theo kiểu “năm ăn năm thua”, các sinh viên hầu hết đều tốt nghiệp khá, giỏi nhưng chất lượng tác phẩm tốt nghiệp không phải lúc nào cũng đáng được giới chuyên môn vui mừng. Đó là còn chưa kể đến một số trường hợp, bài tốt nghiệp của sinh viên được copy từ tác phẩm kinh điển. Bên cạnh đó lại có trường hợp, các em sau khi tốt nghiệp ra trường viết “không nổi” phần đệm bài hát của chính mình.

Bậc cao học, số lượng thí sinh thi vào ít hơn so với thí sinh thi vào đại học, trình độ thường cũng không đồng đều. Cũng có trường hợp, tác phẩm tốt nghiệp bậc cao học còn có phần yếu hơn của sinh viên bậc đại học. Chất lượng kém vì sao? Theo tôi, khâu tuyển sinh là rất quan trọng. Vì “có bột mới gột nên hồ”, nên từ khâu “đầu vào” phải sàng lọc sao cho thật kỹ, không chạy theo số lượng mà phải đề cao chất lượng, kiến thức của thí sinh. Khi tốt nghiệp, tác phẩm không những chỉ đủ tiêu chuẩn về hình thức để tốt nghiệp mà phải đạt tiêu chuẩn giá trị nghệ thuật đúng mức. Sinh viên - học viên ngành sáng tác ngoài học kỹ thuật sáng tạo, trau dồi kiến thức chuyên ngành, các em cần phải có sự đam mê và cần mẫn trong lao động nghệ thuật.

Nhân đây, tôi cũng muốn kể lại một kỷ niệm thời sinh viên của tôi để các bạn cùng tham khảo, bởi những kỷ niệm ấy đã gắn bó với đời tôi, đã ảnh hưởng đến sự nghiệp sáng tác của tôi sau này. Đó là vào một mùa hè, sau khi cùng phu nhân đi nghỉ ở thành phố Sochi thuộc miền Nam Cộng hòa Liên bang Nga về, giáo sư - nhạc sĩ Mstislav Rostropovitch, một danh cầm violoncelle nổi tiếng của thế giới, có ghé thăm Nhạc viện Leningrad. Buổi gặp gỡ giữa ông với sinh viên Nhạc viện, tôi cũng có mặt. Trong lúc mạn đàm với sinh viên, ông đã hỏi: “Học chuyên ngành biểu diễn nhạc cụ, mỗi ngày, các em tập đàn bao nhiêu giờ?” Sinh viên chúng tôi trả lời: “Chúng em bận phải học nhiều môn như thể dục thể thao, lịch sử… Có khi, những môn học đó hoàn toàn không dính dáng gì đến âm nhạc, nên không còn nhiều thời gian để tập đàn. Thậm chí, chúng em có ngày không tập đàn giờ nào.” Ông bật cười và kể: “Nhạc sĩ vĩ cầm xuất sắc của chúng ta - David Oistrakh vừa qua đi nghỉ hè cùng với tôi cũng mang theo cây đàn violon. Chẳng những ông mang theo mà còn tập đàn mỗi ngày từ 4-5 tiếng”. Sinh viên chúng tôi nhốn nháo: “Vậy David nghỉ ngơi vào lúc nào?” Giáo sư Mstislav Rostropovitch nói tiếp: “Richter nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng trên thế giới, mỗi ngày ông tập đàn 8 tiếng. Còn Liszt (nhạc sĩ sáng tác và biểu diễn dương cầm vĩ đại của thế kỷ XIX) trong nhà thường có hai cây đàn, một cây chỉ có búa mà không có dây để tập luyện các ngón tay cho nhanh, khỏe và một cây có dây hoàn chỉnh để luyện tập kỹ thuật và sáng tác tác phẩm. Nhạc sĩ Tchaikovsky mỗi sáng đều ngồi vào đàn để sáng tác”.

Tôi nghĩ không riêng gì ngành biểu diễn, đối với sinh viên ngành sáng tác cũng vậy, các em cần phải có sự say mê trong học tập và sáng tạo nghệ thuật. Các em phải thường xuyên nghe tác phẩm và kèm theo tổng phổ trên tay của các danh nhân âm nhạc thế giới qua mọi phương tiện: đài, mạng, băng đĩa; phải chịu khó đến nhà hát, xem và nghe trực tiếp nghệ sĩ biểu diễn; nghiên cứu những tác phẩm hay của các bậc tiền bối trong nước và dành tâm huyết, thời gian cho môn học chuyên ngành. Có được như thế, các em mới tạo thành một thói quen trong công việc của một nhạc sĩ sáng tác tương lai.

Người thầy dạy sáng tác rất quan trọng trong việc tìm kiếm và phát hiện tài năng của học trò. Người thầy trong nghệ thuật giống như những người trồng cây. Trước hết, chúng ta phải biết chọn hạt giống tốt để ươm mầm. Khi hạt giống đã nảy mầm, chúng ta lại phải biết cách chăm sóc, bảo vệ, trông nom, nuôi dưỡng để mầm non đó phát triển. Công tác đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng là rất khó khăn, đòi hỏi những thầy cô ngoài kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm giảng dạy còn phải có một tấm lòng nhân ái, kiên nhẫn, giàu tình yêu thương, tận tâm để phát triển những tài năng còn đang tiềm ẩn bên trong mỗi học trò của mình.

Về phía học trò, ngoài năng khiếu âm nhạc, họ còn phải siêng năng, lòng đam mê mãnh liệt, trau dồi không mệt mỏi chuyên ngành mà mình theo đuổi. Có một câu chuyện tôi đã nghe được và nó cứ theo suốt cuộc đời làm người thầy. Đó là khoảng thập niên 70 của thế kỷ XX, khi tôi còn là một cậu học trò sang Nga học sáng tác. Trong một buổi giảng bài trên lớp, giáo sư Oron Lovovitch Ostrovsky kể rằng khi Nhạc viện Leningrad mới thành lập (nhạc viện tôi đang theo học, nay là Nhạc viện Saint Peterbourg), Giám đốc đầu tiên của Nhạc viện là nhạc sĩ người Nga rất nổi tiếng tên Glazounov. Một hôm, chủ nhiệm khoa Lý luận - Sáng tác của Nhạc viên đến báo cáo với Giám đốc là đề nghị đuổi học cậu sinh viên đang theo học sáng tác tên là Dimitri Schostakovitch ra khỏi khoa Sáng tác, chỉ cho học piano. Giám đốc Glazounov hỏi vì sao? Chủ nhiệm khoa đáp: “Đây là đề nghị của thầy dạy sáng tác sinh viên Dimitri Schostakovitch, vì sinh viên này không có khả năng học sáng tác”. Giám đốc Nhạc viện đã ra quyết định đuổi ông thầy này ra khỏi khoa Lý luận - Sáng tác. Sau đó, Giám đốc Glazounov gọi sinh viên Dimitri Schostakovitch lên và nói: “Âm nhạc của anh không thuộc khẩu vị của tôi, nhưng tôi biết anh là một nhân tài về sáng tác, anh sẽ làm rạng danh cho nước Nga trong tương lai. Tôi đã gửi công hàm lên Bộ Đại học xin cho anh hai suất học bổng: sáng tác và biểu diễn piano”. Người học trò suýt bị đuổi khỏi khoa sáng tác lúc đó chính là nhạc sĩ lừng danh thế giới của thế kỷ XX, nhạc sĩ Dimitri Schostakovitch.

Trên thế giới để đánh giá trình độ phát triển âm nhạc chuyên nghiệp của một nước, người ta thường nhìn vào trình độ phát triển thể loại nhạc khí - nhạc giao hưởng và thính phòng của nước đó. Một thực tế khách quan, lịch sử nhạc giao hưởng thính phòng nước ta còn quá non trẻ so với các nước có nền âm nhạc tiên tiến trên thế giới. Số lượng tác phẩm có chất lượng ở nước ta chưa nhiều, số lượng tác phẩm Việt Nam được đưa vào chương trình biểu diễn chính thức hãy còn quá hiếm hoi.

Trong công tác đào tạo hiện nay, tôi rất mong mỏi người thầy dạy sáng tác, tốt nhất là phải được học qua ngành sáng tác và phải là nhạc sĩ sáng tác chuyên nghiệp. Nhà trường cũng nên tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên, học viên ngành sáng tác ngay từ đầu, các em cần phải thấm nhuần “cái hồn Việt Nam” trong mỗi tác phẩm.

Người nhạc sĩ sáng tác, đặc biệt thế hệ trẻ phải luôn kiên trì trao dồi hai mặt: “cái trí” và “cái cảm”. Cái trí thức là học hỏi kỹ thuật tiên tiến của thế giới, kể cả của ta để làm phương tiện diễn đạt cái cảm và cái cảm phải là chính. Vì có “trí - kỹ thuật” mà không có “cảm - cảm xúc” thì tác phẩm sẽ trở thành máy móc, khô khan, không có sức thuyết phục. Ngược lại, có cảm xúc dồi dào mà thiếu kỹ thuật điêu luyện thì cũng không làm sao thể hiện, diễn đạt tốt được tác phẩm. Do đó, để có thể sáng tạo được những tác phẩm khí nhạc có sức thuyết phục lớn, người học trò sắp bước chân vào sự nghiệp sáng tác phải luôn trau dồi nâng cao “cái trí” mở rộng, “cái cảm” thấm sâu. Có như vậy mới tạo nên sức bật mạnh mẽ, làm nền tảng vững chắc để cho ra đời những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.

Ngày nay, chúng ta đã bước vào đầu thế kỷ XXI, sự phát triển tuyệt vời của phương tiện truyền thông hiện đại đã giúp cho sự giao lưu văn hóa, trong đó có âm nhạc được mở rộng hơn bao giờ hết. Những nhạc sĩ trẻ Việt Nam phải luôn biết giữ gìn những truyền thống tinh hoa về âm nhạc, những nét độc đáo, đặc sắc riêng của dân tộc mình, đồng thời biết kết hợp một cách sáng tạo với các dòng nhạc, các trào lưu âm nhạc tiến bộ của nhân loại. Có lẽ, chúng ta sẽ rất dễ dàng đồng ý với nhau rằng: âm nhạc là thứ ngôn ngữ không có biên giới sắc tộc, nó có chức năng thiêng liêng tuyệt vời luôn nối nhịp cầu thân ái, tình hữu nghị bè bạn khắp năm châu. Nó là tiếng nói của tình yêu, của lòng nhân hậu, của sự thủy chung, luôn tạo nên mối đồng cảm sâu sắc gắn bó mọi con tim biết rung động yêu thương. Cho dù là người phương Đông hay người phương Tây, khi nghe một bài hát hay, một giai điệu gợi cảm, đều cảm thấy trong lòng xúc động. Nếu đó là một tác phẩm giao hưởng quy mô lớn, có sự kết hợp giữa giai điệu, tiết tấu, hòa âm, phức điệu, sự hài hòa giữa các âm sắc nhạc cụ… tạo nên những đợt sóng âm thanh trầm bổng, giàu hình tượng nghệ thuật, mang kịch tính mạnh mẽ và sâu sắc thì chắc rằng sự rung động con tim người nghe sẽ còn mãnh liệt hơn nữa.

Dàn nhạc giao hưởng châu Âu, tự thân nó đã trải qua quá trình hình thành và phát triển từ nhiều thế kỷ qua. Cho đến nay, nó đã hoàn thiện về mặt cấu trúc một cách toàn mỹ. Nó có thể diễn đạt mọi tình huống từ hỷ, nộ, ái, ố đến hình tượng êm dịu, sâu lắng, trữ tình của cuộc đời, từ tình cảm thấm thiết da diết đến hoành tráng vĩ đại, kịch tính cao, mang nội dung phản ánh tính nhân văn sâu sắc. Những tác phẩm thể loại giao hưởng của các nhạc sĩ thiên tài trong lịch sử phát triển âm nhạc thế giới như Bach, Handel, Haydn, Mozart, Beethoven, Schubert, Brahms, Tchaikovsky, Grieg, Vagner, Malher, Stravinsky, Prokoiev, Bartok, Schostakovitch… đã trở thành tài sản văn hóa bất tử. Dàn nhạc giao hưởng ngày nay đã trở thành phương tiện để diễn đạt tác phẩm chuyên nghiệp thể loại giao hưởng phổ cập trên khắp thế giới.

Thông thường trên thế giới ngày nay, người ta nhìn vào các tác phẩm để đánh giá nền âm nhạc chuyên nghiệp của một nước. Người nhạc sĩ sáng tác khí nhạc, đặc biệt thể loại giao hưởng buộc phải nắm vững kiến thức âm nhạc chuyên nghiệp phương Tây qua các thời đại: tiền cổ điển, cổ điển, lãng mạn, cận đại, hiện đại… của thế giới. Tầm tay ta có thể với tới đâu, ta phải tìm hiểu tới đó. Tất nhiên không ai có thể thấu hiểu hết mọi điều. Song, dù sự thấu hiểu ấy sâu rộng đến chừng nào thì "Ta" cũng khó mà so nổi với người "Tây" nói "tiếng Tây". Để có được tác phẩm của "Ta", "Ta" nghe của "Ta" thấy gần gũi thích thú, và "Tây" nghe của "Ta" cũng phải thấu hiểu cảm phục. Chẳng có gì hơn là phải tìm cách đưa vào tác phẩm khí nhạc "cái hồn" của dân tộc mình. Nói bằng tiếng nói, cảm nghĩ của mình. Ta có thể sử dụng những phương tiện: những nhạc cụ với tính năng, thủ pháp diễn tấu phong phú của nó, áp dụng hình thức cấu trúc chặt chẽ, logic cao trong phát triển chủ đề âm nhạc theo nguyên tắc truyền thống phương Tây. Nhưng sự tiếp thu phải có sáng tạo, biến cái của "người" thành của "mình", biến nó thành phương tiện diễn đạt nội dung, hình tượng nghệ thuật mà mình muốn miêu tả.

Tuy nhiên, tác phẩm nghệ thuật nói chung, âm nhạc là những công trình vừa tinh tế, vừa mang tính khoa học, vừa cụ thể, vừa mang tính trừu tượng. Do đó, chúng ta không thể đặt để đưa ra một kiểu cách "tạo bịa" nào đó cụ thể như kê thực đơn hoặc dựa vào sự cảm nhận cá nhân mà phán quyết số phận các tác phẩm vừa mới xuất hiện được. Trong lịch sử âm nhạc thế giới, có những tác phẩm vừa xuất hiện đã được hoan nghênh nhiệt liệt, nhưng cũng có những tác phẩm phải chờ thời gian, trải qua thử thách kiểm nghiệm mới được chấp nhận. Sự sáng tạo nghệ thuật, phải là sự tìm tòi sáng tạo của nhiều người, nhiều thế hệ nối tiếp nhau, cùng nhau làm nên cái đẹp, cái hay. Trong vườn hoa âm nhạc của chúng ta, phải có sự đua chen của ngàn hoa thơm cỏ lạ mới tạo nên muôn ngàn màu sắc rực rỡ, thắm tươi. Thiết nghĩ trong sáng tạo nghệ thuật nói chung, trong đó có âm nhạc, chúng ta hoàn toàn không nên bảo thủ, cố chấp, nhưng đồng thời cũng không nên vội vã tiếp thu những nhân tố còn quá xa lạ một cách thiếu chọn lọc.

Xuất phát từ cuộc sống muôn màu, tạo nên nguồn cảm xúc bất tận, chúng ta có cơ sở để tin tưởng các sinh viên, những nhạc sĩ sáng tạo thể loại khí nhạc tương lại của chúng ta sẽ tích cực đóng góp phần mình làm giàu thêm mãi kho tàng tác phẩm âm nhạc có giá trị cho đất nước.

N

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...