Xuân về lại nhớ chuyện "Tình bằng có cái trống cơm…"
Trống cơm ai vỗ nên vông
Một bầy con xít lội sông đi tìm
Nhớ thương đôi mắt lim dim
Một bầy con nhện đi tìm giăng tơ…
“Tình bằng có cái trống cơm” có lẽ là bài hát duy nhất về một loại nhạc cụ cổ truyền của dân tộc Việt Nam, thường thấy nhiều trong lễ hội mùa xuân.
Cũng như cây đàn bầu, cây sáo trúc…chiếc trống cơm đã góp phần tạo nên bản sắc của nhạc cụ cổ truyền Việt Nam. Đã bao lần những âm thanh kỳ diệu phát ra từ những nhạc cụ giản đơn ấy làm nức lòng bè bạn trên thế giới cũng như người Việt Nam đang sống ở nước ngoài tha thiết nhớ về cội nguồn mỗi khi tết đến xuân về.
Đã có từ rất lâu đời và được dùng phổ biến nhất trong dân tộc Kinh, trống cơm nay vẫn còn được sử dụng trong các dịp tế lễ, đám rước và nhất là dùng trong việc hiếu. Về cái nôi của nó, có nguồn tư liệu cho rằng từ chữ phạn cổ (phạn là cơm, cổ là trống trong tiếng Hán) mà thành tên trống cơm.
Nhưng, với cách hiểu trong dân gian, thì từ việc trước khi sử dụng, người điều khiển trống thường lấy hai nắm cơm nhỏ đã nghiền nát đắp vào giữa hai mặt trống mà thành tên gọi nôm na: trống cơm. Trong thơ ca dân gian còn truyền lại câu ca về nó:
Mình là gỗ, mặt là da
Lấy cơm mà mớn tiếng kêu xa.
Còn một cách lý giải khác về tên gọi của loại trống này, đó là một câu chuyện tình của đôi trai gái không kém phần bi thương. Tục truyền rằng ở một vùng nọ có một nho sinh nghèo nhưng ham học, thi mãi mà không đỗ khoa bảng.
Gần nhà chàng có cô con gái một phú hộ trong vùng, cảm thương trước chàng học trò nghèo, cô gái tìm cách giúp đỡ bằng cách hàng ngày sai đầy tớ đem cơm tới cho chàng và khuyên chàng tiếp tục theo đuổi việc học hành.
Rồi một ngày kia, cô gái trao cho chàng mấy nén bạc và những lời nhắn nhủ để mong sao chàng trai sau này công thành danh toại. Chàng nho sinh cảm kích trước tấm lòng bao dung và nhân hậu của cô gái mà đã quyết chí học học hành ở nơi xa. Trong ba năm, chàng đeo đuổi môn âm nhạc và đã thành tài, trở thành người đứng đầu một phường hát.
Lưu học sinh Việt Nam múa trống cơm
Nhớ tới cô gái và công lao của cô đã giúp mình trở thành người có ích, chàng trở về nơi xưa chốn cũ thì đau đớn thay, cô gái vừa xuôi tay nhắm mắt. Vừa muốn để trả ơn nàng và đưa tang nàng, chàng trai xin cha nàng cho được đem nhạc cụ đến để đưa vong linh người về nơi chín suối.
Nhưng để mọi người không biết được việc trả ơn xưa của chàng đối với người đã khuất, chỉ trong một đêm chàng sáng tạo ra một loại trống nhỏ và dài, hai mặt trống đính hai nắm cơm nhỏ gợi nhớ lại kỷ niệm sâu xa và cao đẹp là ngày xưa nàng đã cho cơm chàng ăn và giúp chàng trở thành danh tiếng.
Lúc đưa tang, chàng lấy vuông vải trắng buộc vào trống và đeo lên cổ như để tang và vỗ mười ngón tay lên mặt trống có đính cơm phát thành tiếng "bập bung". Tiếng bập bung nghe đục mà trầm ấy hòa với tiếng nhạc của phường nhạc bát âm tạo nên âm thanh bi ai và thảm thiết.
Đó là tiếng khóc của chàng với người là ân nhân. Đó là tiếng nức nở ở cõi lòng của một người nghệ sĩ về mối tình đẹp mà tan vỡ. Chàng đã mượn tiếng trống để tiễn đưa vong hồn người yêu dấu. Câu chuyện dân gian này là một cách giải thích nguồn gốc và tên gọi của trống.
Cho dù có nhiều lý giải khác nhau về tên gọi nhưng trống cơm vẫn là một nhạc cụ độc đáo của dân tộc Việt Nam và đã được sử dụng cách đây khá lâu. Có tài liệu cho rằng trống được sử dụng từ thế kỷ XI (đời Lý).
Nhưng có ý kiến khác lại cho rằng ở đời Lê (vua Lê Thánh Tông) niên hiệu Hồng Đức (1470), trống cơm mới xuất hiện trong những dàn nhạc giáo phường của tư nhân, lúc đó mỗi phường nhạc cũng gồm tám loại nhạc cụ: một dùi tre, một ống sáo, một cây nhị quyền, một trống cơm, một đàn đáy do năm người điều khiển với một phách, một sinh tiền, một trống con một mặt, do ba nữ nhạc công vừa hát vừa giữ nhịp.
Trống cơm chỉ có mặt ở trong dàn nhạc của dân chúng, còn trong nhã nhạc thì ta chỉ thấy nhạc cụ gồm: một trống lớn, một kèn, một long sinh, một long phách, một sáo trúc, một trống mảnh, một sinh tiền và một đàn (có thể từ ba, bốn đến nhiều dây).
Các cháu thiếu nhi múa trống cơm
Về hình dáng, trống cơm có hình ống tròn, hơi thu lại ở hai đầu, giữa tang trống hơi phình ra. Cũng như các loại trống khác, trống cơm cũng làm bằng gỗ mít, từ khúc gỗ mít đã được đục khoét ở giữa để làm thành tang trống.
Hai mặt trống có đường kính khoảng 15cm, mặt làm bằng da trâu hay da bò được căng và ghim vào tang trống bằng đinh tre. Vòng quanh phía ngoài mặt trống có vòng đai bằng mây hoặc da căng kéo từ mặt trống bên này sang mặt trống bên kia, dây này có tác dụng điều chỉnh độ căng chùng của mặt trống. Chiều dài của trống cơm khoảng 60 - 70cm.
Tính chất độc đáo của trống cơm là ở chỗ tuy thuộc bộ gõ nhưng không phải dùng dùi trần hay dùi bọc để gõ từ đó phát ra âm thanh, mà dùng tay để điều khiển, vỗ lên mặt trống (chỗ có cơm dính vào).
Tuy nhiên, ở một vài nơi như Đình Bảng, Tiên Sơn (Bắc Ninh) hay Phù Đổng, Gia Lâm (Hà Nội) có khi nhạc công sử dụng lại không đính cơm lên mặt trống. Vì mặt trống có đính cơm do vậy mà âm thanh của trống phát ra hơi đục trầm, khi cơm còn dẻo mềm thì âm vang hơn, khi cơm khô cứng thì giảm vang.
Trong cuốn “Nhạc cụ gỗ cổ truyền Việt Nam” của Lê Ngọc Canh và Tô Đông Hải thì "Người ta dùng lòng tay vỗ vào mặt trống. Người đánh vỗ hai tay vào núm cơm để tạo âm thanh "bập bung". Bập là vỗ tay vào núm, bung là khi nhấc bật ra khỏi núm cơm thì tạo ra âm thanh bung”.
Là một loại nhạc cụ cổ truyền của dân tộc, cho đến nay, chiếc trống cơm vẫn được sử dụng trong các phường bát âm, các buổi lễ, đám rước, nó còn được dùng trong dàn nhạc hát chèo cổ truyền. Không chỉ người lớn mà các em thiếu nhi cũng thích và biết sử dụng.
Với tính chất độc đáo từ hình dáng, âm thanh đến cách biểu diễn, trống cơm thật sự góp phần vào việc bảo tồn và phát triển bản sắc của dân tộc trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của nước nhà./.
(Nguồn: http://vov.vn)