Xử lý đạo văn - cần có một thể chế rõ ràng
Tác phẩm từ luận văn của TS Trần Phương Nguyên bị tố đạo văn của GS-TS Nguyễn Văn Khang. Ảnh: T.L
Xử lý vấn nạn đạo văn không thể nói suông, mà cần có một thể chế rõ ràng, ví dụ, nếu một thầy giáo đạo văn thì luật xử sao? Có thể không cho thầy tiếp tục giảng dạy; tiếp đó thu hồi bằng cấp... Áp dụng những quy định rõ ràng như vậy, người đạo văn mới biết sợ...
Chặn cách “giúp nhau” để qua được “cái ải” bị tố đạo văn
Lâu nay, người ta dùng các học hàm, học vị để củng cố địa vị, quyền lực còn về thực chất, đóng góp của công trình khoa học ra sao, không nhiều người chú trọng. Thế cho nên mới có việc xào đi xào lại công trình của chính mình và của người khác, dẫn đến hậu quả khôn lường về mặt nghiên cứu và học thuật.
Như vậy, vô hình trung luận văn, luận án chỉ còn là phương tiện phục vụ cho việc thăng quan, tiến chức của một bộ phận không nhỏ giáo sư, tiến sĩ “hữu danh vô thực” mà không có chút đóng góp nào mới cho nền khoa học nước nhà.
Cũng chính vì thế mà khi bị phát giác, người ta tìm mọi cách “giúp nhau” để qua được “cái ải” bị tố đạo văn, để giữ được cái ghế mà không quan tâm đến uy tín của chính mình, của ngành mình bị tổn hại; còn nếu không, thì đành về hưu hoặc làm đơn từ chối xét duyệt các chức danh, là “thoát”.
Cái cách mà các hội đồng giáo sư “du di” để nếu lần này người bị tố đạo văn không được xét học hàm giáo sư, thì đợi vài năm sau sẽ có đợt mới thông qua hồ sơ trên tinh thần nhân văn, đoàn kết liệu có ổn không?
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng, đạo văn đã tạo thành một “cái nếp” trong suy nghĩ của nhiều bậc học thuật. “Con ơi học lấy nghề cha, một năm ăn trộm bằng ba năm làm” - phương châm đó đã trở thành “thời thượng”. “Những vụ đạo văn lâu nay của các “ông thầy” tôi đều biết hết. Thậm chí, ai ăn cắp khúc nào của ai, hay của tôi, tôi cũng biết.
Có cả vị giáo sư nổi tiếng làm chủ biên một cuốn sách nhiều tác giả đã “ăn cắp” công trình của hai cha con tôi mà nếu viết ra, có thể viết hơn 1.000 trang, còn dài hơn cả cuốn sách của họ” - ông chia sẻ.
Theo ông Trảng, hiện nay, không có giải pháp nào cho việc hạn chế nạn đạo văn, chỉ là phải “chấp nhận thương đau” mà thôi. Là bởi đây là bệnh nan y chưa có thuốc đặc trị. Tuy nhiên, khi truyền thông mạnh, mạng xã hội lên tiếng, nhiều giáo sư, tiến sĩ chuyên “đạo văn” cũng bắt đầu chùn tay. Nhưng khổ là truyền thông cũng có sự phân hóa và tha hóa. Thành thử rất khó.
“Thế nên, rất nhiều sách nghiên cứu của tôi bị đạo mà tôi không hơi sức đi tranh cãi. Nếu chúng tôi phải đi thực địa, ghi chép, tìm hiểu tỉ mỉ tận nơi tận chốn văn hóa từng vùng đất, thì người ta chỉ cần sao chép, sửa chữa câu chữ, cách hành văn, sau đó “bịa” hoặc thêm thắt (vì không nắm bản chất vấn đề) cho thành sản phẩm của mình. Nhiều khi vô lý đến mức, mình đi mua sách của người ta, về giật mình vì “soi gương” thấy chính mình” - ông Trảng chua xót.
Gây hại cho nghiên cứu khoa học
Theo Giáo sư Vũ Hà Văn - nhà toán học nổi tiếng đang làm việc ở Mỹ - cái nguy hiểm thật sự của đạo văn trong khoa học, thật ra là đạo ý tưởng.
“Ý tưởng mới hay phương pháp mới chính là phần quan trọng và tinh túy nhất trong nghiên cứu nhưng nó cũng là thứ khó đóng khung nhất. Tác giả lấy ý tưởng người khác, xào nấu theo một cách khác, hoặc thay đổi một vài chi tiết và lấy đó làm ý tưởng chủ đạo của mình, cái này mới thật sự là vấn đề lớn trong khoa học, gây ra vô số tranh cãi.
Học trò thầy giáo nhiều khi không nhìn mặt nhau là thường. Trong khi đó, các bài báo của họ không có câu nào trùng nhau hết” - ông lý giải trong bài phân tích công phu về đạo văn trên blog của mình.
Theo ông Huỳnh Ngọc Trảng, về đạo đức mỗi người theo đuổi những giá trị khác nhau. Khi không xây dựng được nền tảng đạo đức chung thì chuyện danh lợi được đặt lên hàng đầu, trở nên thống trị trong một xã hội khiến người ta sẵn sàng làm mọi thứ, không từ mọi thủ đoạn để đạt được.
Nhiều người ăn cắp mà nghĩ rằng không ai biết nhưng họ không hiểu rằng, dù họ có che giấu cỡ nào, chỉnh sửa cỡ nào thì người viết sách chính thống - nạn nhân bị ăn cắp - cũng có thể phát hiện ra. Từ văn phong, từ vựng, ý tưởng, đặc biệt là ý tưởng vàng ngọc, tâm huyết mà cả đời họ theo đuổi, bỏ thời gian, công sức để thực hiện thì không phải ai cũng nghĩ ra được nên đọc là nhận ra tác phẩm của mình bị đạo ngay.
“Theo tôi, cần có một thể chế rõ ràng: Nếu một thầy giáo đạo văn thì luật xử sao? Thứ nhất, không cho tiếp tục giảng dạy; thứ hai, thu hồi bằng cấp. Có quy định rõ ràng như vậy thì người ta mới sợ. Chứ bây giờ cứ nói suông không. Cách làm ăn đó nguy hiểm ở chỗ, cái đúng thì không nói, mà cái mới thì không đúng.
Chép của người khác thì có gì mới, mà muốn nói theo kiểu khác thì lại trật lấc. Vì không có chuyên môn hoặc không đi thực địa, không đầu tư về mặt thời gian và công sức nghiên cứu thì lấy đâu ra công trình thực chất” - ông Huỳnh Ngọc Trảng góp ý.
(Nguồn: https://laodong.vn)