Xứ Bắc tiếng nhạc tình quê

27/02/2015

Vẫn nhớ như in ngày còn bé xíu, lọt thỏm trong lòng bà nội, người bà rung rung, tay vỗ vào tôi nhịp nhịp, miệng nhẩm nha lảy Kiều. Biết bao câu ca đã đi vào tuổi thơ tôi và chúng bạn như thế.


Biểu diễn hát ca trù trong Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh
Bắc Giang. Ảnh: Giang Hương

Đầu lòng hai ả Tố Nga
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân

Bà là con gái khuê các gốc gác Kinh Bắc, những biến động thời cuộc đã đưa đẩy bà lên tận Cao Bằng xa xôi nhưng quê hương luôn đau đáu trong tim. Nhớ quê, mấy câu lảy Kiều, vài câu quan họ lại thơ thẩn tuôn ra từ tâm hồn bà. Bố cũng vì thế sốt ruột mà quyết tâm trở lại Kinh Bắc và gia đình tôi gắn bó với Bắc Giang từ đó cho đến hôm nay. Thế hệ của bà, ai cũng dùng những câu Kiều, ca dao, tục ngữ rất thành thạo trong giao tiếp. Nhưng đặc biệt ở chỗ, những câu thơ ấy không chỉ được nói mà là được hát. Chủ yếu là hát theo kiểu ngâm thơ. Bắc Giang là một trong những cái nôi của những câu lảy Kiều và các lối hát thơ. Nhưng ấn tượng nhất trong lối hát thơ của Bắc Giang không chỉ trong xứ Bắc mà danh đã vang rộng khắp cả nước mấy năm nay chính là lối hát ví - hát ống (ở xã Liên Chung, huyện Tân Yên).

Đây là truyền thống đẹp đã có từ xa xưa, vài ba năm lại đây được phục hồi nhờ những nỗ lực đáng ghi nhận của địa phương. Theo tôi, hát ống thực chất vẫn là hát ví, vốn phổ biến khắp vùng châu thổ Bắc Bộ cho tới xứ Nghệ. Tuy nhiên, cái đặc sắc của Bắc Giang ở chỗ, vẫn những lời thơ lục bát và giai điệu ngâm nga, nhưng hình thức đã được sáng tạo bằng cách trai gái đứng cách xa và hát truyền qua nhau bằng một sợi dây nối ở hai đầu có một cái ống (tre) cứ luân phiên, nếu bên đặt trước miệng hát thì bên áp vào tai để nghe. Sáng tạo thú vị này có lẽ được ra đời bởi sự nhanh trí có phần láu lỉnh của đám thanh niên trẻ ngày xưa vốn nghiêm ngặt trong giao tiếp, chẳng thế mà mới có chuyện “yêu nhau đứng ở đằng xa”. Cho nên dù vẫn không đứng gần thật đấy, nhưng với lối hát này vẫn nghe được những lời thủ thỉ tâm tình bằng nét nhạc cũng chính là tiếng lòng của nhau. Và nó phải xuất phát từ chính tâm hồn của người trong cuộc thì mới có sức sống âm ỉ mà mãnh liệt đến thế. Ca từ của hát ví - hát ống là những ước mơ khát khao về tình yêu đôi lứa, cuộc sống, những câu chuyện gắn liền với đời sống nông nghiệp… Tình yêu quê hương nhiều phần cũng xuất phát từ những lời ca giản dị như thế này:

Ngày xuân trảy hội đền Dành
Gặp nhau xa lạ trở thành thân quen
Hội Dành mười chín tháng Giêng
Tiếng đồn nức nở linh thiêng khắp vùng.

Tôi còn nhớ mãi, ngày nhỏ, bố vẫn thường đưa tôi tới nhà nữ nghệ sĩ Thanh Hiếu, một giọng hát quan họ hàng đầu đất Kinh Bắc, được cô dạy cho những câu hát đầu tiên tạo đà cho con đường âm nhạc sau này. Trong số những người bạn văn nghệ của bố còn phải kể tới giọng ca Xuân Trường, Khánh Hội... Thị xã nhỏ bé ở một tỉnh bình yên cách đây trên dưới ba thập kỷ như Bắc Giang mà có được chừng ấy cái tên quả thực hết sức quý giá. Nhưng truyền thống quan họ ở Bắc Giang thì nằm ở nhiều làng cổ ven sông Cầu.

Chính địa hình phong phú, vừa có đồng bằng, vừa có trung du và cả miền núi; là một phần của Kinh Bắc, lại là phên dậu phía Bắc kinh thành Thăng Long - Hà Nội đã tạo nên một Bắc Giang đa dạng trong một tổng thể thống nhất của bức tranh âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Thống kê của Ty Văn hóa Hà Bắc những năm cuối thập niên 60 đầu 70 thì Bắc Giang còn 5 làng cổ giữ truyền thống quan họ; tôi tin còn nhiều làng nữa nhưng do điều kiện riêng mà không còn giữ được. Đó chính là lý do để những năm lại đây, quan họ đã xuất hiện thêm ở hàng chục làng cổ khác trên đất Bắc Giang, đặc biệt là khu vực Việt Yên. Không chỉ tăng về số lượng, hiện Bắc Giang vẫn có những giọng ca quan họ cổ được đánh giá cao trong toàn vùng Kinh Bắc, chẳng hạn như đôi liền anh Nam - Hiệp ở Thổ Hà (xã Vân Hà).

Chắc một thời, Bắc Giang cũng chính là cái nôi cổ của nghệ thuật ca trù, một lối chơi tao nhã đầy chất bác học. Điều này vẫn còn hiện hữu trên những chạm khắc gỗ có tuổi đời từ 3 - 4 thế kỷ ở đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hòa) và đình Thổ Hà (Việt Yên). Không một nghiên cứu lịch sử ca trù nào có thể bỏ qua chi tiết này vì nó là bằng chứng quan trọng nhận định thời điểm ca trù ra đời và thịnh hành. Đối với hát xẩm, Bắc Giang đã góp một giọng hát từng được đánh giá nằm trong top số một Hà Thành giữa thế kỷ XX là cụ Thân Đức Chinh người gốc Việt Yên. Còn có một gia tài âm nhạc hết sức thú vị nhưng hiện nay hầu như không được nhắc tới trên bình diện rộng đó là tục hát đưa linh với trò Mục Liên Thanh Đề ở các đám hiếu. Một thời, đây là nét âm nhạc kèm theo tích trò không thể thiếu trong nghi lễ kết thúc vòng đời của một con người, nhưng nét văn hóa này gần như không còn hiện hữu ở nhiều làng quê khác, song nó lại vẫn đang tồn tại ở nhiều địa phương thuộc Hiệp Hòa, Lạng Giang, Yên Thế và có thể còn nhiều nơi nữa mà trong sự hiểu biết hạn chế tác giả không bao quát được hết.

Ở Bắc Giang còn có một kho tàng âm nhạc dân gian vô cùng phong phú của các tộc người anh em. Những câu Soong hao của người Nùng, hát đối đáp của người Sán Chí, hay những câu then của người Tày… trải khắp các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động cũng dễ chinh phục lòng người. Chính địa hình phong phú, vừa có đồng bằng, vừa có trung du và cả miền núi; là một phần của Kinh Bắc, lại là phên dậu phía Bắc kinh thành Thăng Long - Hà Nội đã tạo nên một Bắc Giang đa dạng trong một tổng thể thống nhất của bức tranh âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ở đó có rất nhiều nét tương đồng, song cũng tạo được những điểm nhấn riêng biệt của một vùng đất giàu truyền thống văn hóa.

(Nguồn: http://baobacgiang.com.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...