Xin hãy dành vị trí xứng đáng cho âm nhạc cổ truyền dân tộc

16/02/2021

Tham luận Đại hội X Hội Nhạc sĩ Việt Nam

Là một người học tập, hoạt động âm nhạc 47 năm, ca trù 37 năm, chủ nhiệm CLB Ca trù Hà Nội 30 năm và là hội viên của Hội - tôi luôn luôn trăn trở, tha thiết mong muốn Đảng, Nhà nước, chính phủ, Bộ VH-TT và nhất là Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã, đang quan tâm đến âm nhạc cổ điển phương Tây – xin hãy giành cho âm nhạc truyền thống vị trí xứng đáng để bảo tồn như đàn bầu, ca trù v..v, phát triển nghe, học với nhiều hình thức khác nhau.


Ca trù là tinh hoa âm nhạc cổ truyền lâu đời, từ không gian dân gian bác học phát triển đến đỉnh cao, được giới nghiên cứu âm nhạc thế giới đánh giá nghệ thuật hàn lâm. Năm 2009, tổ chức UNESCO thế giới đã ghi danh “Hát ca trù là văn hóa phi vật thể nhưng cần phải bảo vệ khẩn cấp”. Cho tới hiện nay, hát ca trù vẫn chưa được đưa ra khỏi danh sách bảo vệ khẩn cấp!

Ca trù là di sản quý báu, hương hỏa của tiên tổ để lại với những khuôn khổ, giai điệu, âm luật chặt chẽ… nhưng rất phức tạp; đòi hỏi người hành nghề phải có thái độ nghiêm túc, được đào tạo bài bản, hệ thống, nắm được lòng bản do những nghệ nhân, nghệ sĩ có nghề, tâm huyết trao truyền, ngoài năng khiếu giọng hát, thẩm âm, gân tay trời ban…

Nếu dân ca thì chỉ ở  một vùng như ví dặm Nghệ - Tĩnh, Quan họ 49 làng gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, v.v, thì ca trù lại trải dài suốt từ Bắc Trung bộ, ven biển, đồng bằng, trung du Bắc bộ rồi vào tận Huế, Thành phố Hồ Chí Minh… Nhiều triều đại phong kiến Việt Nam trước đây rất trọng dụng ca trù. Ca trù là nghệ thuật chuyên nghiệp đầu tiên được Nhà nước trả lương (chuyên làm nghề ca xướng), hàng năm được thi tuyển chặt chẽ, chọn đào hay, kép giỏi vào “lai kinh, chúc hỗ” để phục vụ triều đình những dịp lễ trọng, tiếp đón sứ thần nước ngoài.

Do một số đánh giá sai lầm mà 60 năm có lẻ, ca trù đã chìm lắng, biến mất khỏi đời sống xã hội người Việt trải dài 19 tỉnh,thành phố.

Mặc dù vậy, chúng ta có quyền tự hào vì đã có những  nhạc sĩ tiên phong  nghiên cứu, học tập, viết bài, nói chuyện, sáng tác để tuyên truyền, góp phần bảo tồn, phát triển như Nguyễn Xuân Khoát – Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa đầu tiên, nhạc sĩ Phạm Duy, Gs Trần Văn Khê; các nhạc sĩ lấy chất liệu ca trù để có những ca khúc bất hủ, để đời, được công chúng - đặc biệt giới trẻ đón nhận hào hứng như Phó Đức Phương với “Một thoáng Tây Hồ”, “Phù Vân  - Yên Tử”,  nhạc sĩ Văn Thành Nho với “Đất nước - lời ru”, nhạc sĩ Huy Thục với “Đợi”, nhạc sĩ An Thuyên, Nguyễn Cường, Trương Ngọc  Ninh v.v.

Một lần nữa, kính mong BCH khóa tới cũng như các nhạc sĩ, các nhà lí luận, phê bình quan tâm hơn nữa để nghệ thuật ca trù cũng như một số nghệ thuật cổ truyền khác được bảo tồn, phát triển trường tồn cùng đất nước, để chúng ta khỏi hổ thẹn với tổ tiên!

Tác giả: Lê Thị Bạch Vân

Tin liên quan

18/02/2021
Các học viên được nghiên cứu, tiếp thu, trao đổi nhiều chuyên đề ý nghĩa trong hoạt động lý luận, phê bình văn học nghệ thuật tại lớp bồi dưỡng.
18/02/2021
Việt Nam đã tham gia công ước Berne và trong nước đang có nhiều tổ chức đứng ra đại diện bảo vệ quyền tác giả âm nhạc. Thế nhưng thực tế các chế tài xử phạt vấn nạn “đạo”, “ăn cắp”, dùng “chùa”... các tác phẩm âm nhạc vẫn còn ...
18/02/2021
Trong nền giáo dục tiên tiến của nhiều quốc gia trên thế giới, người ta đặc biệt quan tâm đến vai trò của giáo dục nghệ thuật (GDNT) nói chung, giáo dục âm nhạc nói riêng và sự tác động của nó đến sự hình thành nhân cách và phát triển ...
17/02/2021
Ca sỹ nhạc sỹ ra sao gọi là chuyên nghiệp? Theo tôi, có 3 trường hợp hình thành một tên tuổi ca sỹ, nhạc sỹ chuyên nghiệp: Một là trường hợp thiên tài: sinh ra đã bộc lộ năng khiếu dị biệt, chưa học nhạc đã biết sáng tác như ...