Xin ép chặt chiếc lá đỏ trong trái tim mình
Sáng nay, ngày 27/7, mưa tầm tã, mưa suốt từ đêm qua... Và trong lúc trời đang mưa như thế, bỗng một giai điệu ngân lên từ 1 chương trình trên ti vi:
“Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ…”
Ồ, “Lá đỏ”! Chiếc lá đỏ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã bay lên trong giai điệu của nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Tôi bỗng thấy cả một không gian tràn nắng, ngay trong lúc mưa rơi…
Lá Đỏ
Tác giả: Nguyễn Đình Thi
Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ
Em đứng bên đường như quê hương
Vai áo bạc quàng súng trường.
Ðoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhoà trời lửa.
Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhau nhé giữa Sài Gòn.
Em vẫy cười đôi mắt trong.
(Trường Sơn, 12/1974)
Bài ca này đã làm hiện lên hình ảnh những người con gái thanh niên xung phong đẹp vô cùng giữa chiến trường khói lửa. Chỉ là một khoảnh khắc rất ngắn ngủi gặp “người con gái tiền phương” trên đường hành quân mà phút thăng hoa kì diệu đã giúp nhà thơ tạo nên một bài ca đi cùng năm tháng! Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã tâm sự về hoàn cảnh sáng tác bài thơ:
“Mùa thu năm 1974 tôi cùng các anh Tế Hanh, Đinh Đăng Định, Phạm Tiến Duật đi trên một chiếc xe vào Trường Sơn. Đang đi trên đường bỗng thấy một anh bộ đội cứ giơ hai tay ra hiệu cho xe dừng lại và chỉ lên trời. Chúng tôi vội xuống xe và nhảy ra ngoài, lăn xuống một hẻm núi, Một tiếng nổ vang trời, chiếc xe tan tành...
Thật không ngờ tất cả chúng tôi đều sống sót. Sau đó chúng tôi lại tiếp tục đi bộ. Trên đường thấy nhiều bộ đội kéo pháo, xe tải người đi nườm nượp vội vã hối hả. Tôi hiểu sắp có một trận đánh lớn. Vậy mà tôi thấy có rất nhiều phụ nữ, nhiều những em gái trẻ trung mảnh mai đứng ở những nơi nguy hiểm, dẫn đường cho xe qua suối, hoặc qua những quãng đường khó.
Ở nơi bom đạn chiến trường ác liệt ấy tôi không thể nghĩ lại có nhiều phụ nữ tham gia như vậy. Tôi nhớ hồi chống Pháp cũng thế, dân công trở gạo, trở vũ khí, đạn dược rồi y tá, đa phần là phụ nữ. Họ ra tận chiến hào cùng bộ đội đánh giặc. Có lẽ tôi chưa thấy ở đâu trong cuộc chiến tranh ái quốc, người phụ nữ lại tham gia đông đảo, hồn nhiên, dũng cảm và lạc quan như ở Việt Nam. Đó là cảm xúc lớn nhất tạo nên thi hứng sáng tạo của bài thơ, tôi đã viết:
Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ
Em đứng bên đường như quê hương
Vai áo bạc quàng súng trường.
Vượt qua nhiều chặng đường nguy hiểm, chúng tôi đến những cánh rừng giáp Lào, tôi thấy rừng mùa thu ở đây toàn lá đỏ. Rất lạ và rất đẹp. Tôi nhặt một chiếc lá ép vào cuốn sổ và tối đó tôi viết bài thơ Lá đỏ. Bài thơ được đọc lần đầu ở Cục Chính trị Tây Nguyên.”
Như thế, nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã có mặt ở chiến trường vào những ngày tháng khốc liệt nhất chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chính vì thế, bài thơ như một tấm ảnh được chụp nhanh rất sống động bởi tính hiện thực và sự lãng mạn hiếm có! Rừng Trường Sơn mùa trở gió, ngàn vạn chiếc lá đỏ rực trút xuống ào ạt. Và trên nền cảnh ấy, đoàn quân điệp trùng ra trận, bước hành quân mạnh mẽ như rung chuyển núi rừng, bụi đỏ bốc lên mờ mịt. Giữa khung cảnh kì vĩ ấy, người con gái xuất hiện, làm cho những người lính hành quân xiết bao mừng rỡ, bởi họ được “gặp em” như gặp một người quen giữa nơi “rừng lạ” :
“Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ
Em đứng bên đường như quê hương
Vai áo bạc quàng súng trường.”
Hai câu mở đầu được viết 6 chữ, với nhịp 2/2/2, tạo ấn tượng về nhịp bước quân hành. Đến 2 câu tiếp theo thì nhịp thơ hoàn toàn thay đổi, câu thơ 7 chữ trải dài với nhịp 4/3, câu 6 chữ nhịp 3/3, rất linh hoạt. Tự nhiên một cảm giác thanh thoát, nhẹ nhõm đến lạ lùng làm dịu đi tất cả! Vì sao vậy? Vì “em” đang ở đó, “đứng” ở ngay cung đường ác liệt nhất, chỉ dẫn cho đoàn xe vượt qua bom đạn quân thù! Từ “đứng” đã phác họa nên một tư thế hiên ngang, kiêu hãnh của người con gái tiền phương, và cách so sánh em “như quê hương” lại mở ra cả một khung trời bình yên mơ ước! Ở em có nét hiền dịu thân thương lắm, em gợi ra sự gần gụi đầy thương mến!
Em chính là quê hương! Hồn quê theo em ra chiến trường, để các anh cảm nhận, sau mỗi bước hành quân là quê hương dõi theo với cả tấm lòng.
Nét đặc tả hình ảnh người con gái được vẽ bởi một câu thơ rất đẹp “Vai áo bạc quàng súng trường”. Hình ảnh “vai áo bạc” đã gợi ra biết bao tháng ngày mưa dầm nắng lửa ở núi rừng. Thế mà những người con gái mảnh mai ấy vẫn vượt qua tất cả để có mặt chính tại đây, với súng trường quàng trên vai!
Một câu thơ giản dị mà tiềm ẩn sức mạnh không ngờ của người con gái quê hương. Đọc và ngẫm, bỗng thấy cảm động, xót xa và tự hào vô cùng! Có lẽ trên thế giới này, trong những cuộc trường chinh khói lửa, chỉ có người con gái Việt Nam mới đẹp đẽ, phi thường đến thế!
Một khoảnh khắc rất ngắn ngủi thôi, để rồi, đoàn quân lại tiếp tục lên đường:
“Ðoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhoà trời lửa.
Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhau nhé giữa Sài Gòn.
Em vẫy cười đôi mắt trong”
Giai điệu của thơ lúc này vút cao trong sáng, đối lập hoàn toàn với sự ác liệt chiến trường “bụi Trường Sơn nhòa trời lửa”. Cái “lửa” ở đây đâu chỉ là bụi đỏ của đất, mà chủ yếu là khói lửa đạn bom, là cái chết, là sự hủy diệt! Nhưng đoàn quân “vẫn đi”, và em vẫn đứng đó! Từ “vẫn” như một sự thách thức tất cả! Dẫu bom đạn quân thù tàn bạo hơn thế, thì bước quân hành cũng không bao giờ dừng lại, và em sẽ còn tiếp tục có mặt nơi tuyến đường ác liệt nhất để giúp cho các đoàn xe đi tới! Câu thơ là lời chào của người chiến sĩ gửi đến em, nghe tha thiết, nồng nhiệt và lạc quan:
“Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhau nhé giữa Sài Gòn”
Thoáng gặp nhau, kịp trao nhau ánh mắt, nụ cười, và vẫy tay tạm biệt, hẹn ngày gặp nhau giữa Sài Gòn giải phóng. Mỗi người có một nhiệm vụ khác nhau, người chiến sĩ tiếp tục ra trận, người con gái thanh niên xung phong ở lại tuyến đường, nhưng họ cùng chung một điểm hẹn là Sài Gòn! Những con người trẻ tuổi ấy có sự đồng tâm tình nguyện ra đi theo tiếng gọi của Tổ quốc thiêng liêng. Họ mang trong mình niềm tin tất thắng! Vì thế, điểm hẹn không phải là quê hương, mà là Sài Gòn – là lý tưởng thống nhất non sông!
Bài thơ ngắn có cấu trúc hết sức độc đáo: cả bài có 4 khổ thơ, chỉ có khổ 3 miêu tả đoàn quân, còn khổ 1, 2 và 4 là để nói về “Em”, với việc “gặp em”, và cuối cùng là “chào em” với lời hẹn gặp! Trong đó, hình ảnh chiếc lá đỏ chỉ xuất hiện duy nhất một lần: “Rừng lạ ào ào lá đỏ”! Thế mà nó lại được nhà thơ chọn để đặt làm nhan đề bài thơ! Vì sao vậy? Bởi, chiếc lá đỏ ấy là vừa một phần của hiện thực chiến trường ác liệt, lại vừa phác họa được nét đẹp nên thơ của rừng núi trong mùa lá rụng! Nét đối lập này tạo nên sự thách thức bom đạn kẻ thù: dẫu chúng cố tình hủy diệt sự sống, thì rừng núi Việt Nam vẫn không bao giờ mất đi vẻ đẹp mộng mơ!
Hơn thế nữa, chiếc lá đỏ nổi bật giữa rừng Trường Sơn, cùng với “em” đứng bên đường, đẹp như quê hương yêu dấu, phải chăng đó là một sự kết hợp kì diệu để tạo nên một nốt son trong bản tráng ca ra trận: “Em” chính là một chiếc lá đỏ trong trong muôn ngàn lá đỏ của đại ngàn, làm dịu đi những gian khổ, làm nguôi bớt thương đau chiến trường.
Màu đỏ rực rỡ là sức sống mãnh liệt tiềm tàng trong mỗi trái tim tràn đầy sức trẻ và nhiệt huyết yêu nước, cứ cháy lên, cháy lên mãi mãi! Lá đỏ - Đó là hiện thực Trường Sơn hào hùng, cũng là máu đã đổ thấm đẫm từng thước đất quê hương…
Đất nước trọn vẹn niềm vui. Có bao nhiêu người con gái, con trai đã gặp được nhau giữa Sài Gòn như lời ước hẹn? Và bao nhiêu người lỗi hẹn với Sài Gòn?
Có biết bao con người đã cống hiến, đã hy sinh như thế cho đất nước. Có những chiếc “lá đỏ” đã từng cháy lên như thế trong quá khứ, để hôm nay, là một món nợ đối với những người còn sống!
Và bài ca “Lá đỏ”, xin được ép chặt lại trong trái tim mình, tri ân!...
27/7/2013
Tác giả: Quỳnh Trâm