Xẩm của phố phường

01/02/2017

Xẩm – thứ nghệ thuật có thể gọi tên như một thú chơi đặc trưng của người Hà thành đã một thời bị lùi xa, nhưng khiến người ta phải thèm và thấy nhớ da diết.

Thế nên giờ xẩm lại hồi sinh, đang dần lan tỏa khắp phố phường Hà Nội, trong chính mỗi người nghe khắp mọi nơi trên thế giới...

Từ trong tâm hồn nghệ sĩ

Ca sĩ Thu Phương đã khiến khán giả bất ngờ khi trong đêm “Mùa thu của Phương” kỷ niệm 30 năm ca hát khi cất giọng bài “Xẩm Phố Thu” của tác giả Nguyễn Quang Long viết riêng cho chị. Khán giả bất ngờ vì một ca sĩ nhạc nhẹ hát xẩm, và xao xuyến hơn nữa vì điệu Xẩm tàu điện vốn được các nghệ nhân xẩm hát rong trên khắp các nẻo đường của 36 phố phường. Xẩm ấy không quá chua chát, đau buồn, không quá ồn ào, chọc cười cũng không quá, chỉ trữ tình, nhẹ nhàng, có thể pha chút dí dỏm kiểu như người vợ tần tảo chăm chồng đi thi và treo phần thưởng: “Anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng”.


Ca sĩ Thu Phương hát Xẩm Phố thu trong đêm “Mùa thu của Phương”.ảnh: Ngô Đại

Chẳng phải ngẫu nhiên mà Thu Phương chọn xẩm tàu điện. Phương quyết định hát sau khi đã có chừng 3 năm theo dõi các hoạt động của nhóm Xẩm Hà thành. Đặc biệt là sau khi xem toàn bộ chương trình “Xẩm và đời” được nhóm thực hiện tại Nhà hát Lớn Hà Nội hồi tháng 1/2015, Phương đã chủ động liên hệ với Nguyễn Quang Long và nói về ý định sẽ học hát một bài Xẩm Hà Nội. Chừng ấy thời gian để rồi Thu Phương mới có quyết định tương đối mạo hiểm: Hát xẩm trong đêm đặc biệt của sự nghiệp ca hát. Chính giọng ca của sân khấu hiện đại cũng thừa nhận, có những thứ tưởng rất bình thường nhưng vô cùng quý giá và Phương đã rất xúc động khi xem toàn bộ chương trình “Xẩm và Đời”, Phương thấy Hà Nội, thấy những gì thân thương của mình ở trong đó, và thấy cả cái thú hát và thưởng thức nghệ thuật xẩm của người Hà thành. 

Cái thú thưởng xẩm cũng lan đến nhiều khán giả Việt ở khắp nơi trên thế giới. Trên trang mạng xã hội của nhóm Xẩm Hà thành và trang Xẩm Việt có rất nhiều khán giả là Việt kiều đang định cư tại Pháp, Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới. Họ theo dõi thường xuyên các hoạt động và thường gửi tin nhắn nhắc nhở nếu quá lâu không thấy các hoạt động của xẩm được đăng tải trên các trang. 

Đến phố phường thân quen

Khi Hà Nội đưa tuyến phố đi bộ xung quanh Hồ Gươm vào hoạt động, nhóm Xẩm Hà Thành được giao kết hợp tổ chức một chiếu xẩm và âm nhạc dân gian tại khu vực Tượng đài vua Lê và đình Nam Hương nằm trên đường Lê Thái Tổ. Dẫu chỉ là thời gian thí điểm, nhưng sức lan tỏa của xẩm lại mạnh mẽ đến không ngờ. Kể từ tháng 9 cho tới hiện nay, không đêm diễn nào, khán giả bỏ mặc những câu hát đời người gắn với tầng lớp bình dân ấy. Điều khiến các nghệ sĩ trân trọng và muốn cống hiến hơn nữa là nhiều cụ lớn tuổi chỉ đợi đến cuối tuần đến chiếu xẩm thưởng thức những câu nỉ non trong phách nhịp.


Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa. 

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa không thể quên hình ảnh 3 thế hệ trong một gia đình tới dự một đêm diễn lúc chừng 21 giờ - thời điểm chương trình đã chuyển sang trình diễn nghệ thuật dân gian khác. Người con dâu sau khi tìm được chỗ ngồi cho cụ ông, đã lại gần các nghệ sĩ và hỏi có còn hát xẩm nữa không? Cô nói trong vẻ tiếc nuối: “Ông nhà tôi năm nay đã 85 tuổi rồi, ở tận dưới Hoàng Mai cách đây hơn 10km, nhất định đòi lên để nghe chỉ đúng một bài hát xẩm thôi cũng được”. Mai Tuyết Hoa không ngại ngần hát câu xẩm tàu điện dành tặng ông. Chỉ thế thôi, gia đình ba thế hệ ấy đã thỏa lòng, đứng dậy cảm ơn trước khi đưa cụ ông về. 

Nhưng giới trẻ bao giờ cũng là lực lượng đông đảo nhất trong mọi hoạt động. Ở chiếu xẩm và âm nhạc dân gian này cũng vậy, khán giả trẻ luôn là những người đến xem đông nhất, hưởng ứng nhiệt tình nhất. Nhiều bạn trẻ sau vài lần tới dự đã trở thành những khán giả quen thuộc của nhóm. Như thầy giáo trẻ Đào Đức - một giảng viên đại học tại Hà Nội, giờ đây đã là người thường xuyên chụp và cung cấp những tấm ảnh về các đêm diễn tại sân khấu này cho nhóm… 

Rất nhiều, rất nhiều những tấm lòng yêu thương như vậy đã chia sẻ cùng các nghệ sĩ xẩm, để thể hiện sự trân trọng, nâng niu một thú chơi, thú thưởng thức nghệ thuật của người Hà thành. Điều đó cũng cho ta thêm phần tự tin khi nói rằng, Xẩm Hà Nội đang ngày càng lan tỏa trong lòng công chúng.

(Nguồn: http://kinhtedothi.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...