Xa Hà Nội

29/07/2013

Sau những cơn mưa rào, tiết trời Hà Nội gió về vừa đủ lạnh, con người ta bỗng thấy một cái gì là lạ… gợi nhớ mông lung. Trong đầu tôi bồng nhiên vang lên lời của của một bài hát với những âm điệu buồn buồn, da diết, nhớ thương, nồng nàn và sâu lắng…

Xa Hà Nội và tôi xa em
Xa những ngôi nhà mà tôi thân quen
Xa những con đường mùa thu lá rụng
Và tôi xa em, chiều tàn thu xa em

Lời ca từ thật giản dị mà sâu sắc, giai điệu quyện với lời thơ như một tự sự, vu vơ nào đó khiến cho con người ta cảm thấy cần có nhau, gần gũi nhau hơn. Rồi cứ thế bất chợt tôi hát thì thầm:

Tôi cứ nhớ Hà Nội xưa cũ
Nghèo mà sang
Tôi cứ nhớ người yêu xưa cũ
Buồn mà thương

Và tôi thấy nó rất hợp với tâm trạng của mình lúc này. Ngoài kia, trời vẫn mưa.

Rồi tôi cũng nhớ ngay ra tác giả của bài hát ấy. Đó là nhạc sĩ Phan Nhân.

Thời gian trôi quá nhanh. Ngày ấy vào những năm 90 của thế kỷ trước, tôi không nhớ rõ, tôi rất vinh dự được tiếp kiến nhạc sĩ Phan Nhân trong một chuyến ra Hà Nội công tác của ông. Đã mười mấy năm không được gặp lại ông nhưng chỉ qua một lần gặp tôi vẫn nhớ rõ. Hôm đó ngồi trên xe ôtô, ông đã ôm cây ghita vừa đàn vừa hát cho chúng tôi nghe ca khúc mà ông vừa sáng tác. Giọng ca trầm ấm của ông làm tất cả chúng tôi lặng đi vì xúc động. Riêng tôi những giai điệu và lời ca của bài hát ấn tượng mãi đến tận bây giờ. Bài hát ấy được ông đặt tên là Xa Hà Nội.

Tôi cứ phân vân không biết bài ca đó ông có cho dàn dựng và thu âm để đưa vào đời sống âm nhạc hay không? Hay rồi vì một lý do nào đó nó đã bị lãng quên, nhưng tôi vẫn hy vọng rằng bản gốc ca khúc này ông vẫn còn lưu giữ.

Và cũng thật tình cờ qua trang báo điện tử của Hội Nhạc sĩ Việt Nam tôi đọc được bài viết của nhạc sĩ Trương Quang Lục viết về ông, trong đó nhắc tên nhiều ca khúc, song tôi không thấy ca khúc này. Không biết ông có còn nhớ hay không ca khúc Xa Hà Nội - đứa con tinh thần mà ông đã cho ra đời ngày ấy. Tôi biết ông rất nặng lòng với Hà Nội.

Tôi cứ nhớ Hà Nội xưa cũ
Nghèo mà sang.

Đó là một trong những ca từ của bài hát mà tôi không thể quên. Còn những âm thanh, nhạc cảm, lời ca của toàn thể bài hát có đến được với thính giả hay không, mong rằng tác giả - nhạc sĩ Phan Nhân sẽ mang lại cho những người yêu nhạc.

Tôi đã tìm cách liên hệ với nhạc sĩ Phan Nhân, nhưng dường như vô vọng, không biết làm cách nào tôi chỉ biết gửi tâm trạng của mình qua bài viết này. Cầu chúc ông luôn mạnh khỏe, tâm hồn tươi trẻ mãi để mang đến cho công chúng những tình cảm nồng nàn, sâu lắng, lãng mạn đầy chất trữ tình qua những sáng tác của ông.

Hà Nội, cuối tháng 7 năm 2013

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.