Vùng ngộ nhận ở những cuốn sách mang tên: “Tự học…”
Trên thị trường văn hóa phẩm thuộc lĩnh vực âm nhạc xuất hiện khá thường xuyên những ấn phẩm mang tựa đề “Tự học” đi kèm với nhiều nội dung phong phú, như: “Tự học đàn piano modern” của Norman Monarth, bản dịch tiếng Việt của Lưu Giang, Phương Uyên; “Tự học đàn guitar theo phương pháp F.Carulli” của Nguyễn Hạnh; “Tự học đàn guitar solo” của Frederick M.Noad, bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Văn Vĩnh; “Tự học thổi sáo” của Song Minh, “Tự học Harmonica” của Nguyễn Hạnh; “Tự học chơi đàn classical guitar” của Lê Xuân Tùng, Nhất Phương; “Tự học đánh trống” của Ron Savage – Casey Scheuerell… Nói chung, các giáo trình này đều có tựa đề “Tự học” gắn liền với những nội dung khác nhau và hướng tới một mục tiêu chung. Chúng có thực sự dùng để “tự học” hay không, đó là vấn đề cần bàn tới ở đây.
Trước hết, bên cạnh những ấn phẩm mang tên “Tự học” căn cứ trên “Giấy khai sinh” của tác giả Việt Nam, đại bộ phận giáo trình nước ngoài chuyển ngữ sang tiếng Việt đều cố ý dán thêm mác “Tự học”. Đó là kết quả của quá trình chuyển ngữ, nói rộng ra là dịch chuyển không gian văn hóa, vùng nhận thức, từ đó dẫn đến những sai lạc về ý nghĩa sơ khởi của việc học và tự học.
Trong hoạt động thực tiễn, tất cả giáo trình phục vụ công tác giảng dạy đều liệt vào loại sách công cụ, hiểu là sách sử dụng vì mục đích giáo dục. Đối với loại sách này, việc sử dụng như thế nào mới quyết định giá trị của chúng. Nói cách khác, giá trị sử dụng của sách công cụ phụ thuộc vào cách thức vận dụng của người sử dụng mà chủ thể là người truyền thụ. “Tự học” chỉ là một “tiêu đề” đặt ra theo thói quen văn hóa, chứ không hề có chức năng tương ứng. Sách công cụ không giống như sách khoa học thường thức hay tác phẩm văn học. Chẳng ai mua cuốn: “Tự học đàn guitar theo phương pháp F. Carulli” về gối đầu giường để ru mình vào giấc ngủ cả. Song, việc cố ý thêm hai chữ “Tự học” vào sau quá trình chuyển ngữ khiến cho nội dung và cách thức tiếp cận giáo trình dễ bị hiểu lầm, thậm chí gây hậu quả tai hại cho người học. Những cuốn giáo trình này có khả năng lừa phỉnh người học, hỗ trợ “ru ngủ” người đọc. Bởi vậy, người học nên hết sức tỉnh táo, thận trọng. Việc tiếp nhận kỹ thuật sai lệch sẽ để lại hậu quả trên thói quen lỳ lợm, rất khó sửa chữa. Trong lĩnh vực giáo dục, học thêm kỹ năng mới có khi còn dễ dàng hơn sửa chữa lỗi lầm cũ. Đối với lĩnh vực nghệ thuật, tiếp nhận sai sẽ dẫn tới lỗi về định hướng thẩm mỹ.
Giáo trình vốn là công cụ được vận dụng một cách linh hoạt trong tay người thầy, nhưng lại tồn tại bất biến trước người đọc. Trên thực tế, nghệ thuật nằm ở những gì chưa được viết ra. Tất cả nội dung đề cập ở sách giáo khoa dù kèm theo lời chỉ dẫn tỉ mỉ vẫn cần được kiểm chứng bởi người dạy và người học. Vì, đằng sau kỹ thuật chơi đàn có thể học được là những gì thuộc về nghệ thuật không thể chuyển tải gián tiếp qua sách (mà chuyển giao trực tiếp bằng con đường tương tác thực tế). Nhiều người lầm tưởng giữa kỹ thuật đánh đàn và nghệ thuật diễn tấu. Đối với người mới học, ngoài những lỗi thực hiện không đúng động tác, kỹ thuật, còn xảy ra nhiều phản ứng tâm lý hết sức phổ biến, như căng cơ, lên gân, có lẽ chỉ trừ trẻ nhỏ ít mắc lỗi này, nhưng đối tượng ấy lại không tự tìm đến những giáo trình mang tên “Tự học”. Đối tượng của những cuốn “Tự học” nằm ở thành phần đã ý thức rõ về mục đích. Đây cũng là nhóm đối tượng “khó bảo”, “khó dạy” trong quá trình uốn nắn, chỉnh sửa, đồng thời từng bước lay chuyển thị hiếu thẩm mỹ vốn đã bị đánh cắp bởi “thói quen”. Nghệ thuật không được hướng dẫn cẩn thận, tỉ mỉ từ ban đầu rất có nguy cơ gây nhiễu loạn thẩm mỹ sau khi di chuyển vào trú sở tâm hồn để lại hậu quả tai hại. Bởi vậy, không hiếm người học với tinh thần dấn thân cao độ, nhưng vì đặt lòng tin sai lạc vào những cuốn giáo trình mang tên “Tự học”, nên tự tìm đến những khuyết tật khó sửa chữa, như xử lý tác phẩm âm nhạc một cách rời rạc, chắp vá, tiếng đàn bẩn, nhòe nhoẹt… Tất nhiên, đương sự hồn nhiên như không hề có sự hiện diện của tạp âm. Người mới học khó thể nhận biết được sự hiện diện của những “dư thanh” còn sót sau động tác kích âm. Họ thường nghĩ mình đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử đối với âm thanh sau khi chấm dứt động tác, vì thế dễ dàng ăn bớt dấu lặng, ăn gian nốt ngân… đặc biệt là không quan tâm tới việc rèn luyện tiếng đàn. Tác phẩm âm nhạc, xét về đại thể khá giống nhau, nghệ sĩ giỏi biết tận dụng cơ hội nằm ở những chi tiết nhỏ để sáng tạo, tạo nên sự tinh tế. Nhiều chi tiết nhỏ gom lại tạo thành phong cách cá nhân. Còn người đàn dở thường bỏ qua chi tiết. Xử lý âm thanh cẩu thả, lấp liếm, đàn theo tinh thần “trả nợ quỷ thần” khiến cho tác phẩm chắp vá, rời rạc, vỡ vụn... Kỹ thuật dù đã thực hiện đúng thì trên chặng đường dài tiếp theo vẫn phải không ngừng tìm kiếm hình hài thẩm mỹ cho những âm thanh nhằm xây dựng nên thành trì tác phẩm. Quá trình này đòi hỏi sự khổ công, khổ luyện, đồng thời phải đặt dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo tường minh của người thầy. Âm nhạc vốn vô hình và người học phải biết cách tìm kiếm giá trị hữu hình để “khoác” lên nó. Trong quá trình tiếp xúc, người học phải rèn luyện được khả năng nhận biết thực trạng, cũng như theo đuổi hình hài thẩm mỹ cho âm thanh và nghệ thuật âm nhạc.
Rất nhiều người “Tự học” thiếu định hướng thẩm mỹ, giống như người bệnh, bất kể bạn bè hay ai mách bảo cũng làm theo một cách mù quáng, thiếu chọn lọc. Không hiếm học trò sau thời gian mắc nhiều chứng bệnh “nan y” bất trị, khó chữa tìm đến thầy sửa lỗi thì khi ấy, tình hình đã khá muộn màng. Nhiều bằng chứng cho thấy, những kỹ năng, kỹ thuật tiếp thu nhờ quá trình tự học không thể hiện đặc tính kế thừa, nên chúng trở thành gánh nặng, rào cản gây trở ngại trên con đường học tập thênh thang. Như đã nói, giáo trình chỉ là công cụ trong tay người sử dụng, không thể làm thay công việc người thầy. Nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, truyền thống chẳng hề có giáo trình, nhưng nhờ các thế hệ tiền bối mà sản sinh ra nhiều lớp học trò thừa kế. Giáo trình có thể đổi mới thường xuyên, nhưng đối với nội dung căn bản vẫn bảo lưu, duy trì tính kế thừa. Đây là một đặc điểm thể hiện rõ rệt ở lĩnh vực nghệ thuật. Tính kế thừa không chỉ bộc lộ trên giáo trình, mà còn thể hiện trong suốt quá trình học tập, theo đuổi bộ môn nghệ thuật. Không có kế thừa, người học không thể tiến xa, nghệ thuật cũng không thể vươn cao. Vì, tất cả những gì đã học phải được sử dụng trong thực tế mới trở nên hữu ích. Người ta có thể học giỏi không cần giáo trình, nhưng hiếm có nghệ sĩ giỏi trưởng thành mà không cần đến thầy, chỉ dựa dẫm vào sách “Tự học”.
Âm nhạc là loại hình nghệ thuật sắp xếp âm thanh nhằm vươn tới sự hài hòa, nốt nhạc chẳng có ý nghĩa gì khi tồn tại riêng lẻ, để có thể sắp xếp chúng một cách có nghệ thuật phải thông qua việc rèn luyện chăm chỉ, cẩn thận với sự hướng dẫn nghiêm túc của người thầy. Trên thực tế “thật” và “ảo” hiện nay xuất hiện rất nhiều những “ông thầy” theo kiểu “xứ mù thằng chột làm vua”, lắm người mới học ti toe vài ngón đàn đã quay Clip tung lên mạng chỉ bảo người khác. Tình cảnh này đã đưa đẩy người học tới chỗ sai lầm, mắc phải nhiều tật khó chữa. Ngoài ra, truyền dạy trên môi trường mạng thường dừng lại ở giai đoạn Mô phỏng – Bắt chước. Điều này nếu không cẩn trọng sẽ triệt tiêu mầm mống sáng tạo ngay từ lúc bắt đầu. Học đàn nói riêng, nghệ thuật nói chung không giống như học văn hóa. Thầy, cô giáo dạy chương trình văn hóa chia phân khúc rõ ràng trong nhiệm vụ của mình. Người dạy cấp I, II có thể chẳng cần thiết quan tâm tới chương trình cấp III hay Đại học. Nhưng, trình độ nghệ thuật hình thành nhờ quá trình tích lũy liên tục. Ở các trường học ngoài ngành nghệ thuật, hiếm có người thầy, cô nào đảm trách công việc kéo dài từ cấp Tiểu học đến Đại học. Nhưng, trong môi trường nghệ thuật, không hiếm người trở thành thầy cô giáo suốt quá trình học tập của học trò kéo dài 16 năm, chưa kể chuỗi thời gian ấy có thể đẩy lùi ra xa, bắt đầu sớm và kết thúc muộn hơn. Bởi vậy, tình cảm thầy trò ở những ngôi trường nghệ thuật gắn bó thủy chung nhờ hun đúc trong suốt khoảng thời gian dài.
Tiếp xúc với nghệ thuật đòi hỏi một tầm nhìn xa về phía trước. Không ít người học do tiếp nhận sai từ ban đầu, nêu tự cản trở con đường tiến của mình. Học tập hiệu quả là một sự tiết kiệm nhằm tránh rơi vào “vết xe đổ” trên con đường nghệ thuật. Lắm khi, người thầy giúp trò thắp lên ngọn lửa đam mê để vượt qua chướng ngại chán nản, mệt mỏi về thẩm mỹ. Dù chuyên nghiệp hay nghiệp dư, đối tượng nghệ thuật đều giống nhau. Tất cả người học đều cùng nhìn về một phía, chỉ khác nhau ở khoảng cách và phương tiện mà thôi.
Âm nhạc không phải một lĩnh vực có thể dễ dàng tự học. Những cuốn giáo trình mang tên “Tự học” có thể gây nhiễu loạn, hiểu lầm cho người tiếp xúc. Chất liệu âm thanh sử dụng trong nghệ thuật âm nhạc dù có sẵn trong tự nhiên thì việc lựa chọn những âm thanh mang thuộc tính thẩm mỹ tự thân cần trải qua sự thỏa thuận của văn hóa. Quá trình tổ hợp các âm nhằm tạo nên tác phẩm lại diễn ra theo quy luật trừu tượng. Vì thế, việc kiến tạo âm thanh mang thuộc tính thẩm mỹ không hề được định dạng sau động tác kỹ thuật, mà hình thành trong quá trình tìm kiếm miệt mài. Những cuốn sách “Tự học” dễ dàng đưa người sử dụng vào vùng ngộ nhận của một cái bẫy đặt giữa kỹ thuật và nghệ thuật. Mối quan hệ này nếu không bóc tách rõ ràng có thể đưa người học tới tình trạng nhập nhằng, hỗn loạn thẩm mỹ. Và khi thói xấu hình thành sẽ gây trở ngại cho quá trình xâm nhập sâu vào địa hạt nghệ thuật.
Việc rèn luyện kỹ năng đàn đã khó, nâng cao khả năng nghe còn khó hơn. Rèn luyện thói quen “Tự học” vô cùng cần thiết, nó giúp cho người học tiêu hóa nhiều kỹ năng, kỹ thuật hóc búa, nhưng quá trình này cần đặt dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo có trách nhiệm của người thầy. Khổng Tử từng nói: “Học mà không nghĩ thì mông lung. Nghĩ mà không học thì nguy hiểm”. Cả hai tình trạng mông lung và nguy hiểm đều phổ biến ở những người học đàn đặt lòng tin vào những cuốn giáo trình mang tên “Tự học”. Âm thanh không nhìn thấy bằng mắt, tai nghe lại bị giới hạn bởi khả năng, nên người thầy đóng vai trò vô cùng quan trọng nhằm tạo nên chiếc cầu nối bắc ngang qua giáo trình và nghệ thuật để hướng người học đi tới bến bờ sáng tạo vô biên.