VTV – HTV và những vùng sáng, tối trong đời sống âm nhạc hiện nay
Trong đời sống âm nhạc Việt Nam hiện nay, hai đài truyền hình VTV, HTV là nơi truyền đi những chương trình âm nhạc có tác động rất mạnh đến đời sống âm nhạc của công chúng.
Hội Nhạc sĩ Việt Nam hiện nay có 1.356 người trong đó có 794 hội viên ngành sáng tác (số liệu mới nhất trong văn kiện của hội) Mỗi năm , người viết nhiều bù cho người không viết, chỉ tính mỗi hội viên sáng tác được 1 ca khúc thôi, ta đã phải có 794 bài hát mới . Đấy là chưa kể đến con số hàng ngàn các nhạc sĩ ,ca sĩ kiêm sáng tác, nhạc công kiêm sáng tác của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các hội VHNT địa phương .Với số nhạc sĩ được hội nghề nghiệp công nhận là chính thức và chưa chính thức này, hai đài truyền hình VTV và HTV có muốn cũng không thể nào làm nổi việc giới thiệu các sáng tác của họ.Nhẽ ra bên cạnh các đài truyền hình trung ương các đài truyền hình của các địa phương phải có các chương trình giới thiệu các sáng tác mới nhưng xem ra rất ít, rất ít các đài làm được việc này.Các đài truyền hình địa phương nghe nói là không có kinh phí nên có vẻ không mặn mà lắm trong việc sản xuất các chương trình giới thiệu các sáng tác ca khúc mà thường chỉ chuyển tiếp các chương trình ca nhạc của hai đài VTV, HTV ( Làm kiểu này là tiện nhất, đài địa phương vẫn có các chương trình ca nhạc đều đều mà không phải tốn công, tốn tiền)
Hàng năm, tổ chức các cuộc giao lưu nhạc sĩ ở các vùng miền, trong chương trình làm việc, hội Nhạc sĩ Việt Nam đã rất cố gắng có ý giải quyết chuyện bức bách đầu vào đầu ra các sáng tác ca khúc , nhưng cũng chẳng được bao nhiêu. Giới thiệu với nhau, hát cho nhau nghe, vui là chính, còn đưa được đến công chúng, tạo được những hiệu ứng xã hội là việc xem ra cũng chưa làm được. Tôi không có ý nói chuyện không giới thiệu nổi các sáng tác ca khúc ( chưa kể đến cácsáng tác khí nhạc) là vùng tối của hai đài truyền hình VTV,HTV vì đây là chuyện lực bất tòng tâm của các đài mà trong bài này muốn nói đến các vùng “sáng tối” khác trong các chương trình âm nhạc của đài.
Vùng sáng mà tôi muốn nói là trong những năm vừa qua, trong đời sống âm nhạc, hai đài VTV và HTV đã tạo ra được những khoảng rất sáng , nếu ví von có thể coi như đã cung cấp cho đời sống tinh thần của nhân dân những món ăn rất bổ dưỡng.Chưa thể liệt kê được đầy đủ, nhưng chỉ kể thí dụ vài chương trình thôi ta cũng thấy “biết ơn” các nhà đài. Chương trình “Đô,Rê,Mi”(xin đừng nhầm với chương trình “Giọng hát Việt nhí”), nhằm phát hiện và khuyến khích các tài năng trẻ con”, đã làm nức lòng bao em bé và các bậc phụ huynh. Chương trình “Tiếng hát mãi xanh” đã làm cho bao nhiêu người già được khuyến khích sống vui sống khỏe, sống có ích. Chương trình “Tiếng hát truyền hình”, “Sao mai điểm hẹn” ( Xin đừng nhầm với một vài chương trình mua format của nước ngoài về) đã cung cấp cho xã hội bao nhiêu ngôi sao ca nhạc. Bao nhiêu giọng hát quý của đất nước.Chương trình “Tôi là chiến sĩ” đã tạo bao nhiêu là niềm vui, động viên bộ đội rèn luyện .Chương trình “Giai điệu tự hào “ đã làm cho công chúng rất sung sướng khi nghe lại các khúc hát ngày xưa , những bài hát là những kỷ niệm ,là một phần máu thịt trong đời sống chiến đấu hào hùng và lao động vinh quang của họ.
Trong những năm gần đây, chương trình “Liên hoan dân ca Việt Nam” của VTV 9, đã phát hiện bao nhiêu bài dân ca cổ, đã làm nức lòng, tự tin . tự hào, cho biết bao nhiêu tộc người trong cộng đồng dân tộc Việt Nam , đã vinh danh cho đất nước Việt Nam đóng góp nhiều di sản phi vật thể cho nhân loại.
Trong một bài viết ngắn tôi xin lỗi chưa kể ra được đầy đủ những vùng sáng âm nhạc mà hai nhà đài đã góp phần làm cho đời sống âm nhạc Việt Nam ngày một sáng sủa,rực rỡ hơn.
Nhưng trong đầu đề của bài viết, cạnh chữ Sáng có chữ Tối.
Cái vùng tối ở đây tuy không nhiều lắm nhưng có đấy. Có một vài chương trình âm nhạc (hình như nhà đài mua format ở nước ngoài về) , khi xem, nghe các chương trình này, công chúng thấy hét là chính, hát là phụ, nhìn là chính nghe là phụ, khoe quần khoe áo, làm xiếc ( ca sĩ hát và nghệ sĩ múa rơi từ trên… nóc nhà hát xuống sân khấu ) là chính , giám khảo ngoài khả năng chuyên môn phải có khả năng ăn nói tếu táo, diễn, làm trò chọc cười là chính. Giải thưởng thì vì có nhà tài trợ nên cao ngất ngưởng, nếu so với các chương trình gọi là vùng sáng đáng khen ở trên thì cao hơn hàng trăm lần. Giải thưởng nghịch lý với giá trị nghệ thuật Một bộ phận công chúng thấy giải thưởng cao thì lầm nghĩ là giá trị nghệ thuật cũng phải cao như thế..Tôi chả thấy cái nghệ thuật sáng tác kiểu này, biểu diễn kiểu này của Việt Nam được thế giới vinh danh và trao cho giải gì dù là giải nhỏ nhất.Sáng tác và biểu diễn kiểu này nếu được coi như là âm nhạc thịnh hành thì không hiểu tại sao lại được gọi là âm nhạc thịnh hành. Thế thì âm nhạc nào là loại âm nhạc không thịnh hành?. Sáng tác kiểu này mà gọi là SÁNG TÁC VIỆT thì chả thấy Việt Nam tí nào. Bài hát kiểu này mà gọi là BÀI HÁT YÊU THÍCH thì số đông chả có ai yêu thích cả. Hội nhạc sĩ thử bàn lại ,thử có ý kiến lại vấn đề này xem sao.?
Bài viết này mong góp một ý kiến nhỏ, mong hai nhà đài VTV và HTV trong bữa tiệc âm nhạc đã cho công chúng ăn, xem lại trong 10 món ăn âm nhạc đã cung cấp cho nhân dân , ngoài 9 món rất ngon miệng, rất bổ dưỡng có món nào độc hại không?
Chỉ cần một món ăn độc cũng nguy hiểm lắm đấy!
(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam)