Viết tiếp Ca nhạc xốc lại đội hình: Bứng gốc tai họa

05/08/2014

Khi kêu gọi người nghe nên “nghe có ý thức” thì chúng ta cũng cần quan tâm đến phần đối trọng của nghe là “sáng tác có ý thức”. Có như vậy Ca nhạc mới thực sự "xốc lại đội hình".

Cứ sau một số thảm họa của nhạc Việt, chúng ta lại lên dây cót tinh thần, lại rộn ràng những phương án “giải cứu” nhạc Việt. Điều này cũng cho thấy cái tâm của những người trong nghề nhưng xem ra cách nghĩ còn quá nông cạn, chỉ quanh quẩn phần ngọn của vấn đề còn cái gốc tai họa thì trơ lì và ăn sâu bén rễ cùng năm tháng.


Hương Tràm - giọng ca triển vọng của thị trường ca nhạc Việt
Ảnh: KHÔI NGUYÊN

Chúng ta hẳn còn nhớ sau đại án đạo nhạc năm 2004, nhiều kế hoạch âm nhạc cũng “xốc lại đội hình” như thế với tham vọng đưa nhạc Việt lên “tầm cao mới” mà tiêu biểu là sự ra đời của chương trình Bài hát Việt một năm sau đó và một số dự án tiếp theo nữa được hy vọng sẽ là “cứu tinh” cho nhạc Việt. Nhưng thực tế cho thấy sau một thập niên, thảm họa nhạc Việt vẫn nối tiếp bởi tất cả được đặt trên một bệ phóng có tầm nhìn quá hạn hẹp và quá chuộng hình thức cũng như cách làm chỉ mang tính bộc phát đầy cảm tính, không dựa trên một nghiên cứu khoa học về bản chất của sự việc; không có một kế hoạch tổng thể, đồng bộ và thống nhất cho những giai đoạn phát triển tầm ngắn và tầm xa, bề rộng lẫn chiều sâu; cách xử lý tiêu cực lại nửa vời... Trong khi đó, cái gốc của vấn đề là dân trí và đạo đức lại không được quan tâm đúng mực. Nếu 10 năm trước, vấn đề này được mổ xẻ và giải quyết tổng lực tận gốc bằng con đường giáo dục dân trí thì hôm nay, chúng ta sắp có một thế hệ mới tinh hoa hơn và ưu tú hơn trong thưởng thức và sáng tạo âm nhạc nói riêng, nghệ thuật nói chung.

Khi kêu gọi người nghe nên “nghe có ý thức” thì chúng ta cũng cần quan tâm đến phần đối trọng của nghe là “sáng tác có ý thức”. Nghĩa là làm sao cho giới sáng tác phải từ bỏ tận gốc kiểu sáng tác dễ dãi: vay mượn, sao chép thô thiển đến ăn sẵn và ăn cắp cố tình lẫn… vô tình.

Một số dự án âm nhạc mang tiếng là giáo dục và định hướng cho thị hiếu người nghe để “giải cứu” thị trường nhạc Việt khỏi hố thẳm, cái tên gọi của chương trình không thôi, như: In the spotlight, Young hit young beat… đã vô tình “giáo dục” cho công chúng tâm lý chuộng ngoại, cần phải được “giải cứu” trước tiên!

Với một tình trạng dân trí, thị hiếu thấp mang tính chắp vá của người nghe lẫn người sáng tác và tổ chức thực hiện, mọi việc làm như các chương trình hay dự án âm nhạc đang nói nhằm lôi kéo người nghe đến với âm nhạc đích thực hay giải trí tử tế chỉ là hớt rác trên mặt nước, không thể giải quyết sự ô nhiễm của cả dòng sông. Sự nhiệt huyết hay tâm huyết nào đối với nền nhạc Việt cũng đều đáng được ghi nhận nhưng với nhiệt huyết thôi chưa đủ mà còn cần tầm nhìn xa và đúng đắn lẫn tài năng và đức độ. Nếu không, mọi việc chỉ mang tính chất “chữa cháy” một cách bị động và đối phó hơn là phá bỏ gốc rễ của nó.

Do đó, những việc làm như trên chỉ đạt được hiệu quả mong muốn trên một nền dân trí tốt và một hệ hình văn hóa đúng đắn của người nghe lẫn giới sáng tác.

(Nguồn: http://nld.com.vn)

 

P

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...