Vết chân tròn trên cát: Thông điệp của cuộc chiến bi hùng

02/10/2017

Bước vào tuổi thất thập - người nhạc sĩ, cha đẻ của hàng trăm ca khúc, rất nhiều trong số ấy đã trở nên quen thuộc với khán thính giả - vẫn cho người đối diện thấy sự phong độ, dù sức khỏe của ông luôn cần phải chăm sóc, tĩnh dưỡng.

Gặp ông trong buổi họp báo một chương trình truyền hình, vẫn giọng cười và tiếng nói vang, ấm, hóm hỉnh, ông chia sẻ những kỷ niệm của mình về ca khúc nổi tiếng Vết chân tròn trên cát và những suy nghĩ về cuộc sống hiện nay. 


Nhạc sĩ Trần Tiến

PHÓNG VIÊN: Cứ mỗi năm đến kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ, khán giả đều không thể không nhắc đến bài hát “Vết chân tròn trên cát”. Sức sống bền lâu của ca khúc là do sự chân thành, độc đáo của cảm xúc cùng với một kỹ thuật âm nhạc đầy ngẫu hứng, sáng tạo. Sau 35 năm, vẫn khó có ca khúc nào viết về thương binh vượt qua được “Vết chân tròn trên cát”

Nhạc sĩ TRẦN TIẾN: Có lẽ đó là một thông điệp của cuộc chiến bi hùng ngày ấy mà thời đại đã trao cho tôi, một kẻ mới tốt nghiệp nhạc viện, bước chân vào cuộc sống còn đầy khao khát. Bây giờ có muốn cũng không thể viết lại được…

Xin ông kể lại hoàn cảnh ra đời đặc biệt của ca khúc? 

Một đêm đầu những năm 80 của thế kỷ trước, dưới ngọn đèn dầu trong căn nhà lá ven biển Thái Bình, bà cụ chủ nhà đón chúng tôi, nhóm nhạc sĩ đi thực tế qua đây, với một rổ khoai lang nóng hổi và những câu chuyện của ngư dân. Hình ảnh anh thương binh ôm đàn dạy trẻ tình cờ xuất hiện trong câu chuyện, làm tôi chú ý.

Sáng hôm sau theo lời bà, tôi dậy sớm ra biển tìm anh chàng này. Đúng như chỉ dẫn, tôi lần theo con đường cát chưa có vết chân người, còn đẫm sương đêm và chợt thấy dấu những vết nạng tròn bên những vạch dài của chiếc chân còn lại, những dấu vết kỳ lạ đó đưa tôi đến ngôi trường làng nhỏ. Sân trường còn có thêm những gót chân son, quanh dấu chân tròn kia.

Người tôi tìm trông khắc khổ, nhưng vẫn còn trẻ, đang ôm đàn dạy trẻ. Họ cùng nghêu ngao những bài hát về một làng quê nghèo, về một trận chiến trên ngọn núi không tên nào đó…

Giọng anh không vang nhưng rất ấm và cảm xúc. Rồi trống trường điểm giờ đám trẻ vào học, còn anh thì quay đi với chiếc nạng gỗ và cây đàn cà tàng của mình. Anh chỉ muốn vậy, chứ anh đâu phải thầy giáo ăn lương. Bóng anh trên cát trở về, dáng khập khiễng. Toàn bộ nhìn xa như một cây bút vẽ trên cát  những dòng nhạc nguệch ngoạc. Một bài hát gì đó về hạnh phúc, về một niềm dâng hiến, về một số phận người lính để lại bờ cát trắng.

Nếu như bầu trời xanh kia có những ngôi sao đang tỏa sáng, dù thực ra đã tắt và nguội lạnh từ lâu, thì ở nơi tôi gặp người thương binh bình dị kia, có một ngôi sao sống bên ta mà mấy ai nhìn thấy vầng sáng dịu dàng, không chói lóa. Những ngôi sao âm thầm không phát sáng. Rất lâu sau, nhạc sĩ Cát Vận nhờ tôi viết cho Đài Tiếng nói Việt Nam một bài hát nhân Ngày Thương binh Liệt sĩ năm đó.

Những hình ảnh tôi gặp ở Thái Bình bỗng hiện về trong một chiều ngoài sân Thư viện Quốc gia và tôi hoàn thành xong gần như toàn bài ở đây. Tuy vậy, cũng phải một tháng sau, câu hát cuối Bài hát có người lính biên cương thương mẹ… mới ra đời. Có lính biên cương nào đâu, chính là anh ruột tôi, NSND Trần Hiếu đang hát cho người lính ngoài biên giới.

Rồi bài hát cũng rơi vào quên lãng, dù vẫn được nhuận bút 17.000 đồng, tôi thay anh gửi mẹ. Vài năm sau, nhạc sĩ Dương Thụ vô tình được nghe và thắc mắc sao tôi không đưa bài hát hay thế cho mọi người cùng nghe. Nghe lời anh, nhân Đài Truyền hình TPHCM yêu cầu, tôi đã cạo bộ râu của mình, lên sóng  hát Vết chân tròn trên cát và mọi người biết đến bài hát này từ năm đó - năm 1982.

Xin nhạc sĩ kể thêm về những ca khúc mà nhạc sĩ sáng tác thuộc đề tài người lính và những phẩm chất tốt đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ?

Chiếc vòng cầu hôn là ca khúc viết về mối tình của những người lính cao nguyên yên nghỉ, còn mang theo chiếc vòng, như một lời cầu hôn còn lại mặt đất. Người thích tình ca kể chuyện một chàng trai Hà Nội, cũng ra đi chiến trận rồi hy sinh, lặng lẽ để lại bên cửa sổ nhà mình: mùi thuốc lá, một chậu hoa và một đĩa nhạc tình đêm về anh thường nghe. Chuyện tình thảo nguyên lại kể chuyện anh thương binh trở về ngọn núi với tiếng đàn Goong nỉ non của mình, cuối cùng chàng cũng được một cô gái yêu mình và Đường rừng chiều in bóng dáng hai người bên nhau/ Năm tháng đi qua êm ấm/ Trong căn nhà nhỏ chênh vênh/ Đôi khi tình yêu vẫn thế/ Yêu nhau chỉ vì… yêu nhau.

Cũng đã lâu không được nghe những sáng tác mới của ông, có cảm giác như ông và lớp nhạc sĩ thế hệ ông không còn mặn mà với việc sáng tác nữa?

Không biết bạn bè thế nào, chứ tôi viết còn nhiều hơn trước, viết cứ như cái chết đến không kịp viết hết sẽ hối tiếc. Nhưng việc đưa bài hát ra đời sống lại là một chuyện khác… Cả một thế hệ khán giả yêu tự do và hy sinh vì độc lập, yêu thi - ca - nhạc - họa và trân trọng những giá trị nghệ thuật sâu sắc sinh ra từ máu lửa tàn khốc của cuộc chiến. Họ đã già hoặc sang thế giới khác cả rồi. Còn lại là một cuộc sống với nhiều người trong chúng tôi, nó thật xa lạ và không dễ thích nghi.

Nhiều ca khúc bây giờ sáng tác quá dễ dàng, nhanh chóng, hời hợt; hầu như toàn về tình tay ba, tình tan vỡ…, hiếm những ca khúc nói về thân phận con người, về nỗi trăn trở với cuộc sống; thậm chí có những ca khúc còn thể hiện bằng ngôn ngữ Việt - Anh lẫn lộn… Ông nghĩ gì về điều này?

Chúng ta, những người lớn không nên và cũng không có quyền lo ngại cho con cháu mình. Thế giới của con cháu, của tuổi trẻ, họ tự thu xếp và hạnh phúc với cuộc sống của họ mà không cần những người lớn suốt ngày lo lắng, răn đe và chỉ bảo… Nhạc họ tự làm ra, nếu không hay thì chính họ tự đào thải. Chúng ta nên âu lo những điều lớn hơn âm nhạc. Tổ quốc thương yêu đang cần chúng ta, những người đã đổ máu, mồ hôi, công sức và cả tuổi trẻ của mình cho việc giành lại độc lập cho Tổ quốc.

(Nguồn: http://www.sggp.org.vn)

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.