Về đoạn nhạc trong phim "Tịnh đường huyễn dạ"

06/05/2020

Cảnh trong phim “Thịnh Đường Huyễn Dạ”

Mấy ngày qua, dư luận cư dân mạng dậy sóng xoay quanh câu chuyện phim cổ trang Trung Quốc “Thịnh Đường Huyễn Dạ” sử dụng “nhã nhạc cung đình Huế” làm nhạc nền trong một cảnh phim. Đến nay, khá nhiều người tỏ ra rất bức xúc và cũng đã có những ý kiến trái chiều phát sinh. Mấy tuần cách ly xã hội đến nay, tôi dành toàn bộ thời gian và sức lực hiệu chỉnh/ bổ sung những nghiên cứu mới cho công trình Khổ phách/ khổ đàn Ả đào. Đầu óc toàn những “tùng tang tếnh tùng, tếnh dếnh”, chả có thời giờ và mấy hột sức để tham gia vào những chuyện lùm xùm rắc rối. Nhưng vì gần đây, anh em bạn bè phóng viên và những bạn nghề thân thiết ngày càng “tăng nhiệt” như cái nóng đầu hè nên cực chẳng đã, đành phải tạm gác Ả đào sang bên để làm những việc tỉ mẩn của “bác sĩ phẫu thuật/ phân tích ADN cổ nhạc” cho dư luận “hạ nhiệt” chút!

1- Trước hết, về lịch sử và các vấn đề âm nhạc dân tộc học của nhạc cung đình Việt Nam, các bậc sư phụ như GS Trần Văn Khê, GS Tô Ngọc Thanh đã có những nghiên cứu chi tiết, sâu sắc, xin không nhắc lại. Ở đây, chỉ nêu rõ đôi điều để bạn đọc hiểu sơ bộ. Đại thể Nhã nhạc triều Nguyễn chia làm 2 hệ thống là Đại nhạc và Tiểu nhạc. Trong đó, bài bản Tiểu nhạc bao gồm Mười bài ngự và Năm bài ngự. Liên khúc Năm bài Ngự là: Ngũ đối thượng - Ngũ đối hạ - Long đăng - Long ngâm - Tiểu khúc. Liên khúc Mười bài ngự là: Phẩm tuyế t- Nguyên tiêu - Hồ quảng - Liên hoàn - Bình bản - Tây mai - Kim tiền - Xuân phong - Long hổ - Tẩu mã. Mười bài Ngự còn có những tên gọi khác như Mười bản Ngự, Thập thủ liên hoàn hay Mười bản Tàu. Vì sự hấp dẫn của Mười bài Ngự mà các dàn nhạc lễ dân gian, dàn nhạc thính phòng Huế đã lấy phần sau của liên khúc, ghép nối với bài Lưu thủy trong dân gian thành liên khúc Lưu thủy - Kim tiền - Xuân phong - Long hổ, được sử dụng khá phổ biến. Đây cũng được xem như “bài tủ” của các dàn nhạc dân tộc cải biên ở hệ thống nhạc viện Việt Nam. Như thế, bài Lưu thủy không thuộc biểu mục Nhã nhạc cung đình Huế, đây là điều khá nhiều người nhầm lẫn khi phát ngôn trên báo chí!

2- Với bất cứ ai yêu nhạc Huế, hẳn đều dễ dàng nhận ra âm điệu đoạn nhạc trong phim “Thịnh Đường Huyễn Dạ” đúng là có nguồn gốc từ nhạc cung đình Huế. Nhưng ở mức độ sâu hơn, với một tai nghe cổ nhạc nhà nghề cẩn trọng, sẽ thấy những tiếng đàn tranh, đàn bầu điện, tỳ bà cải tiến, dàn trống da cải tiến, đàn bass điện tử... là cơ cấu của dàn nhạc dân tộc cải biên - phổ biến ở hệ thống các nhạc viện trong cả nước. Biên chế dàn Tiểu nhạc cung đình không hề có những nhạc cụ này. Vì thế, gọi sản phẩm đó là “Nhã nhạc cung đình Huế” thì chỉ đúng về mặt âm điệu!

3- Tôi đã download đoạn video trích trong phim, dùng phần mềm tách nhạc rồi phân tích âm điệu, cuối cùng xác định đoạn nhạc phim đó chỉ là sự ghép nối từng phần của 2 bài Kim tiền và Long hổ. Cụ thể, tính theo chỉ số nhịp 2/4, bài Kim tiền được trích từ nửa nhịp số 11 - nhịp số 34, dứt ở chữ Xang (chữ nhạc cổ) làm điểm kết nối với bài Long hổ từ nhịp số 4 - nhịp số 14 (nhịp độ Long hổ nhanh gấp đôi so với Kim Tiền). Như thế, đoạn nhạc trích trong phim “Thịnh Đường Huyễn Dạ” đơn giản là sự lắp ghép từng phần âm điệu của Kim tiền và Long hổ - tức có chất liệu/ âm điệu của Nhã nhạc cung đình Huế. Và, đây hoàn toàn không phải là bài “Lưu thủy - Kim tiền” như nhiều người phát ngôn trên báo giới vừa qua!

4- Với tai nghe nhà nghề, người trong giới đương nhiên có thể dễ dàng xác định được nguồn gốc đoạn nhạc như đã trình bày. Nhưng vì gần đây có giả thuyết cho rằng rất có thể “nhã nhạc” Trung Quốc cũng có bản nhạc tương đồng với Kim tiền và Long hổ của ta, và đoạn nhạc trong phim có thể là của họ?! Bởi vậy, để giúp độc giả ngoài nghề có thể hiểu rõ vấn đề, việc tiếp theo là phải tiến hành truy tìm nguồn âm thanh trong phim, những mong có thêm bằng chứng/ vật chứng.

5- Từ file nhạc gốc trong phim “Thịnh Đường Huyễn Dạ” (00:00:27:615), tôi cắt riêng phần trích đoạn bài Kim tiền rồi up lên những trang mạng chuyên dò tìm âm thanh hiện đại nhất. Và, đây là đường dẫn manh mối đầu tiên:

Trang web midomi.com chuyên dò tìm âm thanh

Lần theo dấu vết, dễ dàng tìm ra nguồn âm thanh gốc trên trang Amazon.com- chuyên rao bán đủ thứ thập cẩm hầm bà lằng trên đời:

https://www.amazon.com/s?k=APM+Music+The+Court+of+Hue&i=digital-music&t=iliketosing-20&x=0&y=0&ref=nb_ss_dmusic

Từ đó, nhanh chóng tìm ra bản nhạc nguyên gốc Lưu thủy- Kim tiền- Xuân phong- Long hổ được chơi bằng dàn nhạc dân tộc cải biên trên trang nhaccuatui.com. Trong liên khúc, cụm 2 bài Xuân phong- Long hổ được dàn nhạc chơi lại 2 lần, lần 2 gấp gáp hơn lần 1, đây cũng là nét cải biên mới.

https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/court-of-hue-west-one-music.V35Q3u2KOB.html

6- Tiếp đến, tôi download bản Lưu thủy- Kim tiền- Xuân phong- Long hổ nguyên gốc về rồi tiến hành các thao tác kỹ thuật từng phần giống hệt các nhà làm phim Trung Quốc: Kim tiền (00:00:22:724) + Long hổ (00:00:04:891) = nhạc phim “Thịnh Đường Huyễn Dạ” (00:00:27:615). Kết quả, đây đúng là một sự copy nguyên xi rồi cắt ghép, kể cả những nốt nhạc dàn dân tộc cải biên của ta đánh phô như thế nào!!! Xin xem đồ hình âm thanh so sánh đoạn nhạc trong phim (hình trên) và đoạn nhạc tôi cắt ghép giống hệt họ từ file nhạc gốc Lưu thủy- Kim tiền- Xuân phong- Long hổ (hình dưới). Ai hiểu về biểu đồ cường độ sóng âm thì chẳng cần nghe, chỉ cần nhìn cũng nhận ra sự trùng khớp 100% giữa 2 đoạn nhạc.

Đồ hình so sánh âm thanh đoạn nhạc trong phim và đoạn nhạc nguyên gốc của Việt Nam

Như vậy, đoạn nhạc trong phim “Thịnh Đường Huyễn Dạ” đúng là lấy từ nhạc của Việt Nam. Nhưng với những gì đã phân tích trình bày, hoàn toàn không thể gọi đó là “Nhã nhạc cung đình Huế” nguyên bản.

7- Vấn đề sau cùng là cuối phim, các nhà làm phim Trung Quốc có ghi rõ nguồn trích nhạc hay không? Ta chỉ có thể bắt bẻ nếu họ ghi nhạc phim là của họ, thế thôi! Còn chuyện vi phạm bản quyền âm nhạc vốn là điều diễn ra “rất thường tình” ở các nước “đang phát triển”- chưa ý thức được luật bản quyền quốc tế âm nhạc, trong đó có cả Việt Nam ta nữa đấy! Chỉ có thể nói thế này về mặt nghệ thuật, HỌ thấy nhạc TA hay, mới lạ, thích thú dùng luôn. Khi TA xem thì thấy buồn cười kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”! Và, ở chiều cạnh ngược lại, TA làm phim thấy nhạc HỌ hay, mới lạ, cũng thích thú dùng luôn. Hãy tưởng tượng khi HỌ xem có thấy buồn cười không, nhể!?

Rất mong các bạn hạ nhiệt!

Bùi Trọng Hiền
Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...