Về âm nhạc trong trường mầm non hiện nay

11/06/2015

Hoạt động âm nhạc là hoạt động nghệ thuật có tác dụng giáo dục thẩm mỹ, tạo nên đời sống văn hóa lành mạnh, góp phần phát triển trí tuệ và thể chất cho trẻ. Hoạt động này chiếm một thời lượng khá lớn của trẻ trong trường mầm non.

Ngoài giờ hoạt động học trên lớp, trẻ có thể hoạt động mọi lúc, mọi nơi; lồng ghép với các hoạt động khác; làm hoạt động kết nối giữa hoạt động này với hoạt động khác.

Vừa xay lúa, vừa ẵm em

Trên thực tế, quá trình tổ chức hoạt động âm nhạc trong các cơ sở giáo dục mầm non chủ yếu là các giáo viên mầm non đảm nhiệm. Đa số giáo viên có tinh thần tự giác, tìm tòi, học hỏi, có khả năng tổ chức hoạt động và biết múa, hát.

Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT thường tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về kiến thức, phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động âm nhạc trong nhà trường, tổ chức cho giáo viên tham gia các hội thi văn nghệ, tiếng hát dân ca, giáo viên dạy giỏi...

Các địa phương đã có những chương trình riêng để nâng cao trình độ, kỹ năng tổ chức hoạt động âm nhạc cho đội ngũ giáo viên mầm non.

Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên mầm non khi được đào tạo ở trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học sư phạm mầm non chỉ được học một số kiến thức khá đơn giản về âm nhạc và thời lượng học các kỹ năng âm nhạc (đàn, hát, xướng âm v.v…), kỹ năng, phương pháp tổ chức hoạt động âm nhạc còn rất khiêm tốn. Từ đó giáo viên chưa có kiến thức sâu về âm nhạc, nhiều giáo viên không thể xướng âm, vỡ bài mới, thiếu kỹ năng ca hát, hát sai nhạc; đa số giáo viên mầm non không biết chơi đàn hoặc ngại sử dụng nhạc cụ nên việc khai thác sử dụng đàn còn lúng túng, chưa hiệu quả.

Có những giáo viên lớn tuổi còn bị hạn chế trong các hoạt động giáo dục âm nhạc như: phương pháp tổ chức thực hiện các nội dung chưa linh hoạt, cứng nhắc theo một khuôn mẫu gò bó; thiếu sự hấp dẫn trong khi làm mẫu hay cùng múa, hát với trẻ. Đối với một số giáo viên mới vào nghề, việc thiết kế các hoạt động âm nhạc còn lúng túng, chưa biết cách xác định mục tiêu, hình thứcnội dung hoạt động; tổ chức hoạt động chưa phong phú, chưa chủ động, chưa mang tính nghệ thuật.

Ai sẽ chơi đàn?

Để giúp trẻ tham gia một cách hứng thú, tích cực và sáng tạo vào các hoạt động âm nhạc, các cơ sở giáo dục đã tạo môi trường âm nhạc như: Trang trí phòng chức năng với những hình ảnh dí dỏm; trang bị âm thanh, đài, băng cát sét, đĩa hình, video, vi tính, đàn organ, guitare…; các dụng cụ gõ đệm: trống con, trống lắc, phách tre, chũm chọe, song loan…; Trang phục biểu diễn: quần áo, mũ, nơ, cờ, hoa…. cho trẻ sử dụng trong các hoạt động âm nhạc.

Do giáo viên chuyên âm nhạc ít, những giáo viên tổ chức hoạt động âm nhạc còn hạn chế trong việc sử dụng đàn nên những phòng âm nhạc này ít được các đơn vị đưa vào sử dụng. Chủ yếu phục vụ cho việc tập luyện chuẩn bị các lễ, hội.

Hiện tại, một trong những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả việc tổ chức các hoạt động âm nhạc trong trường mầm non, là rà soát và kiểm tra về khả năng, năng lực tổ chức hoạt động âm nhạc của đội ngũ giáo viên hiện có; để bồi dưỡng chuyên sâu về âm nhạc giúp họ đảm nhiệm việc tổ chức các hoạt động âm nhạc trong và ngoài giờ học.

Trước mắt, cần có giải pháp đào tạo giáo viên mầm non phụ trách âm nhạc hoặc giáo viên âm nhạc mầm non để họ có thể vừa đảm nhiệm việc chăm sóc, giáo dục trẻ theo chương trình giáo dục mầm non, vừa có thể tổ chức các hoạt động âm nhạc một cách bài bản và có hiệu quả hơn.

Hiện nay, một số trường sư phạm đã bắt đầu triển khai mô hình đào tạo theo hướng song ngành Giáo dục Mầm non – Sư phạm Âm nhạc là một chủ trương đúng đắn với xu thế phát triển của xã hội và phần nào cung cấp được nguồn nhân lực đáp ứng với nhu cầu thực tiễn.

Cải thiện phương pháp, hình thức tổ chức

Tiếp cận âm nhạc, cảm thụ âm nhạc tuyệt đối không thụ động, máy móc. Do vậy, áp dụng phương pháp dạy học tích cực trong tổ chức hoạt động âm nhạc cho trẻ là rất cần thiết.

Phương pháp dạy học tích cực coi trọng việc tăng cường tổ chức các hoạt động của trẻ. Trẻ phát triển tốt khi được tham gia hoạt động. Trẻ em hoạt động càng tích cực thì sự phát triển của trẻ càng nhanh. Phương pháp dạy học tích cực trước hết là thông qua việc tổ chức các hoạt động cho trẻ. Trẻ được cuốn hút vào các hoạt động, được tự tìm tòi, khám phá, trải nghiệm để chiếm lĩnh các tri thức, kỹ năng của cuộc sống. Để làm được điều này, giáo viên không “làm hộ trẻ”, không “bắt” trẻ phải thích bài hát này, điệu bộ kia. Khi cho trẻ tiếp cận với ngôn ngữ âm nhạc, giáo viên cho trẻ hoạt động càng nhiều càng tốt thông qua trò chơi, câu đố, biểu diễn v.v… Việc trải nghiệm thực tiễn sẽ giúp trẻ tiếp cận với âm thanh âm nhạc một cách nhẹ nhàng, tự nhiên hơn.

Hiện nay, các cơ sở giáo dục mầm non đang triển khai Chuyên đề “Phát triển vận động”. Đây là hoạt động phát triển thể chất cho trẻ nhằm tăng cường thời lượng vận động, tăng cường các bài tập vận động giúp trẻ khỏe mạnh, mạnh dạn, tự tin, nhanh nhẹn và khéo léo. Việc mở rộng đa dạng các hình thức tổ chức hoạt động phát triển vận động góp phần tăng cường tính độc lập của trẻ. Âm nhạc sẽ là phương tiện hỗ trợ rất hữu hiệu để giúp trẻ vừa vận động, vừa cảm nhận được âm thanh, nhịp điệu, tiết tấu của bài hát, bản nhạc.

Hình thức tổ chức hoạt động linh hoạt, không bị lặp đi lặp lại nhàm chán sẽ góp phần tạo hứng thú, gây tò mò cho trẻ. Bên cạnh đó, cần chú ý luôn cải thiện, thay đổi môi trường, cảnh quan trong lớp và các khu vực xung quanh cũng tăng thêm hứng thú cho trẻ.

Giáo viên có thể vừa chơi đàn vừa hát; sử dụng các âm thanh mô phỏng của đàn organ để xây dựng các trò chơi âm nhạc với trẻ. Giáo viên có khả năng chơi đàn, biết khai thác tối đa tính năng của nhạc cụ sẽ giúp cho cá hoạt động âm nhạc trở lên sôi động, hiệu quả hơn và sẽ có sức hút đáng kể đối với trẻ.

Âm thanh vốn dĩ trừu tượng, các thiết bị nghe, nhìn sẽ giúp trẻ tiếp cận với âm nhạc một cách cụ thể hơn. Các bài hát, bản nhạc được thu từ các ca sỹ chuyên nghiệp, từ những bé có năng khiếu nổi trội sẽ hỗ trợ cho giáo viên cho trẻ nghe được chính xác hơn, hấp dẫn hơn. Bài hát có nội dung khó, thông qua hình ảnh trẻ sẽ hình dung dễ hơn.

Và tài liệu, học liệu phong phú sẽ giúp giáo viên tăng cường kiến thức âm nhạc và có thêm nhiều lựa chọn để đưa vào giờ hoạt động của mình.

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...