Văn hóa ma

24/01/2017

Cho đến thời điểm hiện tại, ma vẫn là “vùng cấm địa” của tri thức loài người. Mặc dù nền văn minh nhân loại đã có những bước tiến vượt bậc về khoa học, công nghệ, có thể nhân bản vô tính, nhưng đứng trước “thế lực vô hình”, con người chưa biết được bao nhiêu, ngoài khẳng định rằng: ma có hoặc không có trên đời!

Có thể thấy rằng, ma trường tồn trên thế giới xét ở khía cạnh văn hóa. Theo quan niệm tinh linh hay linh hồn bất diệt, ma ám ảnh như một tiên đề bất khả tư nghị. Thông qua hàng loạt tập tục, thói quen văn hóa lưu truyền bao đời nay đều chứng tỏ, góp phần khẳng định sự hiện diện của thế giới âm hồn vào cuộc sống này. Niềm tin vào cõi âm, linh hồn tổ tiên, ông bà quá cố… thể hiện ở nhiều cạnh tín ngưỡng, đối tượng thờ tự cùng nghi thức hành lễ... Sự hiện diện của ban thờ tổ tiên, rộng hơn là nhà thờ tổ, từ đường, tập tục cúng cô hồn… đều chứng tỏ thuyết linh hồn bất diệt. Theo đó, dấu vết của ma để lại khắp các phương diện trên đời sống, từ tín ngưỡng, tôn giáo cho đến nhiều tập tục khó thể lý giải. Trên cơ tầng của tín ngưỡng vạn vật hữu linh phổ biến trong dân gian, ma càng có cơ sở tồn tại, thâm nhập vào đời sống.


Điện Sâm La tại Khánh Vân Nam Viện, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh

Ma cũng là một trong những địa hạt thường gây tranh cãi. Dù có hay không chứng cứ khoa học, kết luận vẫn chưa thể thống nhất trên quan điểm của tất cả mọi người. Ma không chỉ mang giá trị phổ quát dựa trên nền tảng của những trải nghiệm hết sức cá nhân, mà còn không thể tìm ra căn cứ để phủ nhận một cách thích đáng. Người tin, từng trông thấy ma thì xác tín rằng có ma. Người bạo gan, chưa thấy bao giờ cứ một mực khẳng định ma không có trên đời. Rốt cuộc ma tồn tại vĩnh hằng suốt chiều dài lịch sử như ánh phản của thế giới thực tại cùng nỗi sợ hãi vĩnh hằng, muôn thuở …

Triết học Siêu hình, Thần học dành khá nhiều nội dung đề cập, thậm chí chứng minh cho sự tồn tại của thế giới siêu hình. Song, triết học nói chung đều né tránh nội dung có liên quan. Ông tổ của Nho giáo, Không Tử không trực tiếp đối diện trước câu hỏi của học trò mà chỉ lấp lửng đáp: “Quỷ thần chi sự, kính nhi viễn chi”. Chính sự dùng dằng, nửa vời trong tri thức mà ma ẩn náu nơi sâu thẳm, kiên cố nhất là nỗi sợ hãi của con người. Phải chăng sự trường tồn này phản ánh những khiếm khuyết mang đặc điểm nhân tính? Môn Thần học đề ra nhiệm vụ, sứ mệnh cao cả giải thích sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, trên thực tế lại chưa từng có môn Ma học nhằm lý giải cho sự tồn tại của ma, ngoài những trải nghiệm phong phú cùng trí tưởng tượng của con người làm sâu sắc thêm cho đối tượng. Tất cả ngành khoa học đều tránh va chạm với mệnh đề hóc búa trên. Gần đây, nhiều nhà ngoại cảm đua nhau nói về người âm. Cũng giống như hiện tượng lên đồng trong tín ngưỡng Saman cổ xưa được phục hưng trở lại dưới nhiều hình thức khác nhau. Morgan và Tylor từng coi “đồng bóng là khái niệm chung của toàn nhân loại”.


Xua đuổi cô hồn bằng âm thanh não bạt

Quan niệm Vạn vật hữu linh xuất phát từ tín ngưỡng Saman giáo phổ biến trong các nền văn hóa trên thế giới. Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, ma như bóng phản của thực tại trần thế. Con người nói chung chưa hẳn đã trở thành ma sau khi chết, nhưng có xu hướng hóa ma ngay từ lúc còn sống. Và tâm lý nhát ma phổ biến nơi thế tục cũng có những giá trị nhất định, chí ít dạy cho con người biết sợ hãi, né tránh những điều mình chưa biết!

Mâu thuẫn khá lý thú là, những người càng sợ ma bao nhiêu, càng thích nghe chuyện ma bấy nhiêu. Chuyện ma phổ biến toàn cầu. Đối với nhiều dân tộc, sở thích đọc, nghe chuyện ma trở thành văn hóa, như người Trung Quốc chẳng hạn. Truyện “Liêu trai chí dị” là một trong Lục tài tử, sáu tác phẩm nổi tiếng có giá trị cao về nghệ thuật, tư tưởng thực chất là những câu chuyện ly kỳ về yêu ma quỷ mỵ. Truyện “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ ở nước ta cũng lấy cảm hứng từ những câu chuyện ma lưu truyền trong dân gian. Tết cô hồn ở tiếng Trung Quốc gọi là “Tết ma” có ý nghĩa quan trọng sánh ngang với tết Nguyên đán, Nguyên tiêu. Người phương Tây có ngày hội Halloween, nếu như không phải tôn vinh giá trị văn hóa ma, quỷ… thì cũng góp phần khẳng định tầm quan trọng của thế lực này. Halloween du nhập nước ta cùng với phong trào học tiếng Anh rầm rộ ở các đô thị lớn, khiến cho nó trở thành thứ văn hóa thời thượng, được nhiệt liệt đón nhận.

Tết cô hồn theo phong tục truyền thống diễn ra vào tháng 7. Một ngày hội khá giống với tết cô hồn, đó là tiết Thanh minh. Nếu như tết Nguyên đán chỉ diễn ra trong vòng một tuần, tính từ ngày 23 tháng chạp, tết Nguyên tiêu, ngày sinh của Thiên Quan diễn ra vào trung tuần tháng giêng thì tết cô hồn kéo dài hết tháng 7 âm lịch, tiết “Thanh minh trong suốt tháng ba”. Đối với cộng đồng người Hoa, tháng 7 (âm lịch) vô cùng quan trọng, khắp các cơ sở tín ngưỡng đều tổ chức rầm rộ, kéo dài, có nơi diễn ra suốt 10 ngày đầu tháng 7 (theo lệ cũ chia một tháng ra làm 3 tuần: thượng tuần, trung tuần, hạ tuần) như cơ sở tín ngưỡng Đạo giáo Khánh Vân Nam Viện của người Quảng Đông, quận 11. Người Triều Châu ở Tịnh xá Sư Trúc Hiên, quận 5 tổ chức ba ngày cuối tháng. Và ngoại trừ những sinh hoạt diễn ra trong không gian khép kín tại tư gia, còn đại bộ phận các nghi thức tổ chức nơi đền miếu, Tự viện, Đạo quan, Tịnh xá… đều tổ chức tết Cô hồn một cách long trọng với sự tham gia của hoạt đồng trình diễn âm nhạc. Âm nhạc đóng vai trò thực hành nghi lễ ở hầu hết các nghi thức, từ Chẩn tế cô hồn với nghệ thuật Ứng phú, Qua cầu tiên, Tẩu kim sơn mang tính chất sân khấu hóa, Phóng đại tam Thanh, Mông Sơn thí thực kết hợp các loại hình diễn xướng, tán, tụng, niệm, chú, bạch, xướng Sám…  cho đến lễ Vu Lan… huy động lực lượng tăng chúng đông đảo. Nơi bá tánh thì tổ chức rải rác vào những ngày trung tuần tháng 7. Vàng mã, hương nhang nghi ngút, cúng kiếng linh đình... là những hình ảnh thường thấy trong tháng này. Đi kèm với nó có những tập tục kiêng cữ, như kiêng mua sắm, cưới hỏi, kiêng quyết định chuyện hệ trọng, có người không dám cho con đi bơi… Vì, theo quan niệm dân gian, tháng 7 là tháng trực phá, các vị Minh vương cõi âm phủ thả âm hồn về cõi nhân gian. Tháng này Hà Bá, Diêm Vương nơi Thủy phủ, Địa phủ tuyển sinh, con nhà ai xui xẻo trúng tuyển coi như mất mạng!

Một trong những thế lực gây ảnh hưởng đến sinh hoạt thế gian đó là Cô hồn. Cô hồn hiểu là những linh hồn vất vưởng, không nơi nương tựa, không người cúng kiếng, sống ngoài vòng pháp luật của Địa phủ, nên thường quậy phá, gây họa… Theo quan niệm Luân hồi của đạo Phật, chúng sanh có bốn loài: đẻ thai (con người, mèo, khỉ…); đẻ trứng (gà, chim, vịt…); chuyển kiếp (như bướm, tằm…) và nhuyễn thể (các loài thủy tộc máu lạnh, như mực, bạch tuộc…) luân hồi về sáu con đường (Lục đạo): Thiên đạo, Nhân đạo, A Tu La, Địa ngục, Ngọa quỷ, Súc sinh. Thập loại cô hồn bao gồm tất thảy bốn loài chuyển kiếp qua sáu con đường. Đối với những người làm ăn buôn bán, đặc biệt có liên quan tới ngành nghề nguy hiểm, như sông nước, giao thông đường bộ… muốn được yên thân phải “hối lộ”, “thí thực” cho cô hồn. Ngoài ra, theo quan niệm dân gian, cô hồn là linh hồn của những người chết chưa hết tuổi trời, chết bất đắc kỳ tử. Nên, sau khi chết, linh hồn không được siêu thoát, chỉ vất vưởng nơi bỏ xác, dễ quậy phá, hại người. Đối với loại cô hồn chết vì sông nước, nội trong 100 ngày không làm lễ Vớt vong, mà hồn nạn nhân không muốn trở thành Ma Da vĩnh viễn se bắt người khác thế mạng. Cô hồn nói chung thuộc phần tử không có hộ tịch, hồ khẩu thường trú nơi địa phủ, cũng chẳng có KT3, KT4 để đặt trong vòng quản lý của Thập điện Diêm vương, nên dễ gây phạm pháp. Dân thường chỉ biết sống chung với cô hồn bằng những hoạt động bày tỏ lòng thương hại xen lẫn sợ hãi. Tết cô hồn có ý nghĩa quan trọng thể hiện lòng tín ngưỡng cộng đồng. Những ngôi miếu cô hồn mọc lên nhan nhản một cách tự phát hai bên đường quốc lộ cùng với vấn nạn giao thông liên tục bổ sung thêm nhiều cô hồn mới cũng cho thấy bằng chứng không thể chối cãi về tâm thức tin chuyện ma quỷ trong dân gian. Văn hóa ma tồn tại từ xưa tới nay, ở mỗi vùng văn hóa có tính chất thịnh suy theo từng thời kỳ, nhưng chưa bao giờ biến mất khỏi thế giới loài người. Nó như một hiện tượng vĩnh hằng, có giá trị phổ quát, cần được xem xét dưới nhiều góc độ, trắc diện, chứ không chỉ thuần túy coi ma là Mê tín dị đoan hay đại loại một điều gì đó kiêng kỵ cần phải né tránh, cũng như từ chối tìm hiểu. Ở Trung Quốc, một quốc gia có truyền thống văn hóa ma từng tổ chức, biên soạn cuốn: “Đại từ điển văn hóa ma” nhằm cung cấp những dữ liệu trên cơ sở tập hợp nhiều giả thuyết liên quan tới ma phổ biến khắp nơi trên thế giới. Trong cuốn Từ điển tập hợp bao la vạn tượng này, ma được nhìn dưới nhiều góc độ.

Thứ nhất, ma được coi là những Tinh linh bất diệt. Trong cuốn “Từ hải” giải thích: “Người mê tín cho rằng những tinh linh bất diệt sau khi con người chết đi được gọi là ma”. Vào thời cổ đại tinh linh nhằm chỉ thế lực Thần tiên, ngày nay có thể là những biến thể của động, thực vật, có khả năng nhạy bén, linh hoạt, thậm chí có năng lực như siêu nhân. Trong truyện thần thoại thường thấy xuất hiện loại tiểu tinh linh này, tuy nhiên, chúng không giống như ma theo quan niệm phổ biến ở phương Đông. 

Quan điểm thứ hai cho ma là những linh hồn. Cuốn “Từ nguyên” giải thích: “Người mê tín gọi linh hồn người chết là ma”. Ở mục “Tế nghĩa – Lễ” viết: “Chúng sinh đều phải chết, chết sẽ về với đất, khi đó gọi là ma”.

Từ quan niệm tinh linh bất diệt cho đến linh hồn là ma đã có những bước tiến về mặt tư duy, song, thuyết này mới dừng lại ở tầng biểu ý, trực quan sinh động phổ biến của đại đa số người dân xưa kia.

Quan điểm thứ ba cho rằng linh hồn chính là ma. Theo “Từ điển tôn giáo” (Nxb Thượng Hải Từ Thư, năm 1981, trang 787): “ma là một trong những quan niệm tôn giáo cho rằng con người sau khi chết, cơ thể rục rã, linh hồn biến thành ma; trong đó có những linh hồn chưa vào được cõi âm vẫn tiếp tục vất vưởng nơi dương thế hoặc ban đêm rời khỏi cõi âm lẩn vào cõi dương, có khả năng báo mộng, cũng có khi làm hại người sống.”

Quan điểm thứ tư cho rằng, tinh linh của vạn vật đều là ma. “Từ điển phong tục Trung Quốc” (Nxb Thượng Hải Từ Thư, năm 1990, trang 741) viết: “ma là tinh linh của vạn vật. Xuất phát từ niềm tin vạn vật hữu linh, tinh linh bất diệt, nên có ma núi, quỷ nước, mị cây, yêu hoa… Trong đó, ma còn nhằm chỉ những linh hồn của con người sau khi chết”.

Ngoài ra, bên cạnh những giả thuyết có liên quan trên đây, ma có thêm đặc điểm liên hệ trực tiếp tới con người, như: nhập hồn vào người sống, chi phối thể xác, ý thức, ý chí của người sống, cũng như hiển linh như một lực lượng vật chất… Nhiều người từng cho rằng, ma hình thành vào giai đoạn thấp về tư tưởng phát triển của loài người. Thế nhưng, sau ba cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, bước vào thời đại Hậu công nghiệp, Hậu hiện đại… với sự phát triển cao về công nghệ, con người vẫn chưa thoát khỏi cơn ác mộng có liên quan tới ma. Nỗi ám ảnh về ma, như bóng phản của thế giới thực tại vẫn ẩn nấp trong cuộc sống với biết bao đổi thay. Xưa nay, mọi lúc mọi nơi luôn có người tham gia vào đội quân sợ ma, tin ma. Căn cứ vào tâm lý nhát ma, bản thân nỗi sợ hãi không hề hình thành từ bên ngoài có ý nghĩa khởi phát mà xuất phát từ nỗi sợ hãi bên trong, rất riêng tư. Bởi thế, ma tồn tại vất vưởng nơi góc khuất bí hiểm của con người.

Tôi từng có ý tưởng thành lập ngôi trường chuyên đào tạo những người sợ ma. Ngôi trường này chắc hẳn sẽ khó thể lập thành tích 100% tỷ lệ đậu tốt nghiệp như nhiều trường phổ thông thời gian qua. Ngược lại, tỉ lệ đậu tốt nghiệp ở đây sẽ rất thấp, vì nỗi sợ hãi đối với ma dường như luôn ám ảnh miên trường, khó xóa đi dấu vết, kể cả khi đã được trang bị đầy đủ hệ lý thuyết. Có một ni sư từng phát tâm huấn luyện những người sợ ma trở nên can đảm. Phương pháp giáo dục áp dụng biện pháp học đi đôi với hành. Bên cạnh những bài giảng về giáo lý nhằm “phá chấp”, ni sư còn cho học viên vào bệnh viện, quan sát, tiếp xúc trực tiếp với xác chết, máu me… rùng rợn. Kết quả, từ đó trở đi tất cả học viên không ai thấy sợ xác chết, máu mê kinh dị nữa mà chỉ còn mỗi sợ ma. Cuối cùng, ni sư nhấn mạnh, khẳng định dứt khoát: ma không có trên đời, việc gì phải sợ! Ấy mới là vấn đề.

Thất bại trong phương pháp tiếp cận với đối tượng là xác chết, nhiều người tiến hành phương pháp tự học. Sau một thời gian dài chuẩn bị từ lý thuyết cho đến rèn luyện kỹ năng võ công nhằm nâng cao bản lĩnh, bài học kiểm chứng lòng can đảm sẽ diễn ra ở nghĩa trang vào ban đêm, kết quả chẳng ai gặp được yêu ma quỷ mị mà chỉ có bản thân cùng với nỗi sợ hãi.

Chúng ta một mặt không đủ căn cứ khẳng định sự tồn tại của ma, một mặt không thể phủ nhận được. Ma vẫn tồn tại, đặc biệt in đậm dấu vết cá nhân, vươn tới mức phổ biến trở thành hiện tượng văn hóa mang tính bản chất. Ma sở trú nơi biên viễn cao vời mà tri thức loài người chưa thể vươn tới. Quan sát muôn loài, dường như chỉ có loài người biết sợ ma! Các tín ngưỡng cổ xưa từ Nguyên thủy, Saman cho đến tôn giáo hiện đại vẫn dành những nghi lễ trang trọng cho việc xác nhận sự tồn tại của ma. Dù khoa học, công nghệ đã phát triển, vươn xa, trở lại bản thể của nhân tính, con người chưa hiểu mình bao nhiêu. Trong cuộc hành trình trên viễn tượng xa xôi, chúng ta trở về với một nỗi sợ hãi vĩnh hằng, muôn thuở giữa chốn hồng trần ấy là sợ ma.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...