Văn hóa âm nhạc Hàn Quốc - Làn sóng ngầm trong showbiz Việt

20/09/2013

Với sự phát triển đa chiều và sự du nhập của văn hóa âm nhạc ở các nước trên thế giới vào Việt Nam đã góp phần đáp ứng nhu cầu về thưởng thức của đông đảo công chúng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì những nguy cơ độc hại vẫn luôn tiềm ẩn. Có thể dẫn chứng cho các hiện tượng trên qua một số bài báo như: “Khi ma trận văn hóa 'bẩn' đầu độc giới trẻ” của tác giả Hà Nguyễn; “Nhạc Việt đương dại” của Nguyễn Bách; cùng nhiều bài báo, phóng sự trên Phát thanh và Truyền hình phản ánh về thực trạng đáng lo ngại về thị hiếu âm nhạc của giới trẻ hiện nay.

Trong bài viết này xin được giới hạn về những ảnh hưởng của văn hóa âm nhạc Hàn Quốc trong showbiz Việt hiện nay.

Thực tế đã cho thấy trong những năm qua, văn hóa Hàn Quốc đã du nhập vào Việt Nam một cách mạnh mẽ. Có thể kể đến những bộ phim truyền hình dài tập của Hàn Quốc, thời trang Hàn Quốc, các vật dụng phục vụ trong gia đình, rồi đến văn hóa ẩm thực, phong cách sống, giao tiếp, âm nhạc…của Hàn Quốc đã được hầu hết giới trẻ Việt Nam quan tâm. Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn quan niệm về sự thể hiện “đẳng cấp” bằng cách sự dụng, bắt chước, hưởng thụ mọi thứ liên quan đến văn hóa Hàn Quốc, đặc biệt là âm nhạc..

Nếu như đi ra đường, vào các tụ điểm ca nhạc, phòng trà, những trung tâm hoạt động văn hóa nghệ thuật… chúng ta có thể thấy những khuôn mặt đẹp trai, “dễ thương” và những gương mặt “công chúa” trong những bộ trang phục, cách giao tiếp, sử dụng mỹ phẩm, ẩm thực, gu thẩm mỹ về nghệ thuật… đều mang phong cách Hàn Quốc.

Điều đặc biệt là phong cách Hàn Quốc ngày càng trở thành những làn sóng ngầm có nguy cơ ảnh hưởng lớn tới thị hiếu, thẩm mỹ âm nhạc của giới trẻ và đang trờ thành tâm điểm của dư luận xã hội. Đây là câu hỏi lớn dành cho các nhà quản lý văn hóa và những người hoạt động âm nhạc nói chung.

1. Âm nhạc truyền thống, chuyên nghiệp và K-Pop của Hàn Quốc

1.1. Âm nhạc truyền thống và âm nhạc chuyên nghiệp Hàn Quốc

Đất nước Hàn Quốc có nền âm nhạc truyền thống phát triển với nhiều làn điệu dân ca, nhiều thể loại âm nhạc dân tộc và trong đó phải kể đến nghệ thuật Pansori. Thể loại âm nhạc này là một loại hình kể chuyện theo nhạc với sự tham gia của một nghệ sĩ hát kết hợp diễn xuất bằng những điệu bộ, cử chỉ và sự tham gia của một nghệ sĩ đánh trống. Nghệ thuật Pansori độc đáo này đã được chính phủ Hàn Quốc công nhận là Tài sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Hàn Quốc có một nền giáo dục âm nhạc truyền thống cơ bản và có sự tiếp thu tinh hoa âm nhạc của phương Tây. Những yếu tố về truyền thống luôn được kết hợp với ngôn ngữ âm nhạc hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển âm nhạc trên thế giới. Do đó Hàn Quốc đã có nhiều nhạc sĩ sử dụng những nhạc cụ dân tộc kết hợp với nhạc cụ phương Tây để tạo ra những làn gió mới về sáng tác và biểu diễn mang đặc trưng của văn hóa Hàn Quốc. Vì thế, Hàn Quốc đã có những nghệ sỹ chuyên nghiệp được thế giới biết đến như nghệ sĩ có giọng nữ cao Sumi Jo – một tên tuổi lớn trong lĩnh vực Opera. Nghệ sĩ Sumi Jo đã dành giải Gramy tại Hàn Quốc, ghi âm nhiều đĩa nhạc và tham gia nhiều chương trình biểu diễn trên thế giới. Bên cạnh đó có thể nhắc tới nghệ sĩ violin Sarah Chang đã ra album đầu tiên khi mới chín tuổi. Hiện nay cô đã có tới 20 album được thực hiện bởi Hãng ghi âm cổ điển EMI. Một nghệ sĩ đàn violon nổi tiếng nữa là Chung Kyung – wha đã có nhiều chuyến lưu diễn mang tầm cỡ quốc tế trong suốt 25 năm qua.


Nghệ sĩ violin Sarah Chang và Nghệ sĩ Soprano SuMi Jo

1.2. Trào lưu K – Pop tại Hàn Quốc

Hiện nay Hàn Quốc đã có một thị trường về K-Pop với nhiều ca sĩ, ban nhạc nổi tiếng. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì “K-pop là từ viết tắt tiếng Anh của nhạc pop Hàn Quốc (K – Korea, Pop là nhạc Pop – âm nhạc đại chúng) – Có thể hiểu là âm nhạc đại chúng của Hàn Quốc. Nhiều nghệ sĩ và nhóm nhạc đã xuất phát từ Hàn Quốc và đã trở nên nổi tiếng ở nhiều nước trên thế giới. Sự phổ biến của K-pop thường được xem là một phần của sự nổi lên của các Làn sóng Hàn Quốc, sự trỗi dậy mang tính phổ biến của văn hoá Hàn Quốc đương đại ở châu Á”.

Trong lĩnh vực K-pop, Hàn Quốc đã có những chiến lược đầu tư cho một số ca sĩ, nhóm nhạc để quảng bá sang nước ngoài. Ví dụ: ca sĩ Bi - Rain, ca sĩ BoA, hay nhóm Wonder Girls được thực hiện theo mô hình đào tạo của các nghệ sĩ quốc tế. Vì thế, các ca sĩ, nhóm nhạc đó còn hát tiếng Anh, hát những ca khúc đang thịnh hành. Nhóm Super Junior với mô hình ca sĩ kiêm vũ công, thay cho đoàn vũ công nên các ca sĩ vừa hát vừa kết hợp vũ đạo một cách tài tình...

3. Làn sóng ngầm K – Pop tại Việt Nam

3.1. Những tác động tích cực

Nghệ thuật luôn đòi hỏi sự sáng tạo, những yếu tố mới và cả sự kế thừa những thành tựu mang tính truyền thống. Từ trước đến nay những nền văn hóa, nghệ thuật ở các nước trên thế giới đều có sự giao thoa, ảnh hưởng và tác động đến nhau. Điều quan trọng là mỗi dân tộc luôn giữ được bản sắc văn hóa nghệ thuật đặc trưng riêng. Trở lại với trào lưu âm nhạc Hàn Quốc đã du nhập và đang phát triển tại Việt Nam và có ảnh hưởng lớn đến hoạt động âm nhạc của nhiều ca sĩ trẻ. Quả thật văn hóa Hàn Quốc và trong đó có âm nhạc đã có sự ảnh hưởng lớn tới cả khu vực Đông Nam Á, thậm chí giới trẻ ở một số nước phương Tây cũng biết đến và yêu mến một số ca sĩ, nhóm nhạc của Hàn Quốc. Do vậy mà văn hóa, âm nhạc của Hàn Quốc được các bạn trẻ Việt Nam đón nhận cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu như mỗi ca sĩ trẻ được trang bị tốt về thẩm mỹ âm nhạc và phông văn hóa cơ bản, biết kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam thì khi đứng trước bất kỳ sự du nhập của dòng văn hóa âm nhạc nào sẽ vẫn có sự tỉnh táo để nhận biết cái gì nên học hỏi và cái gì phải bỏ qua. Nếu đó là những giá trị, tinh hoa của các nước bạn thì có thể tiếp thu một cách sáng tạo với tinh thần “hòa nhập nhưng không hòa tan”. Điều này còn có thể khích lệ được sự sáng tạo của các ca sĩ trẻ. Nếu như thông qua trào lưu âm nhạc của Hàn Quốc mà các bạn trẻ của Việt Nam có góc nhìn mới hơn về thẩm mỹ văn hóa âm nhạc, thẩm mỹ về thời trang và phong cách làm việc nghiêm túc, hiệu quả, lối sống lành mạnh hướng tới cộng đồng, cách cư xử lịch sự, có văn hóa...đặc biệt là có những sáng tạo mới trong nghệ thuật biểu diễn, ca hát thì đó là điều tốt cần được phát huy.

3.2. Những mặt hạn chế

Trào lưu K – Pop đã có ảnh hưởng lớn trong hoạt động âm nhạc của các ca sĩ Việt Nam hiện nay. Đó là hiện tượng một số ca sĩ, nhóm nhạc của Việt Nam đã coppy, bắt chước từ trang phục, phong cách biểu diễn, đầu tóc, kỹ năng giao tiếp, động tác vũ đạo… Đặc biệt là hiện tượng đạo nhạc, đạo MV và đạo các cách trình bày bìa, đĩa nhạc từ các ca sĩ, nhóm nhạc Hàn Quốc. Nếu như tìm kiếm thông tin trên mạng Internet, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy hàng loại các trang viết, hình ảnh và MV về hiện tượng này.

Ví dụ: Trong thời gian qua đã có nhiều thông tin về việc ca sĩ Ưng Hoàng Phúc hay ca sĩ Tim là một bản sao từ ca sĩ Bi Rain của Hàn Quốc. Nhiều dư luận khi Ưng Hoàng Phúc giới thiệu Clip với chiêu “khoe bụng 6 múi đẹp nhất Việt Nam” đã bị cho là giống hệt clip mang tên “Tættere På Himlen” của một ca sĩ Đan Mạch từ ý tưởng, góc quay, màu sắc… Trong album vol.1 của Trịnh Thăng Bình sẽ thấy bộ trang phục của ca sĩ này giống hệt trang phục của những diễn viên trong phim Boys over flower của hàn Quốc. Hình ảnh bìa Album của Trương Quỳnh Anh và Baggio cũng giống hệt poster phim Full House của Hàn Quốc...

Đó chỉ là một vài ví dụ nhỏ. Chắc chắn các khán giả sẽ có nhiều băn khoăn khi bắt gặp những hiện tượng này. Các khán giả sẽ nghĩ gì khi bỏ tiền ra mua vé đến những sân khấu ca nhạc hoặc mua những sản phẩm âm nhạc để thưởng thức giọng hát và hình ảnh ca sĩ mà mình yêu thích nhưng chỉ thấy những hình ảnh, phong cách quen thuộc của ca sĩ, nhóm nhạc Hàn Quốc?


Phong cách Hàn Quốc trong vũ đạo và biểu diễn của các ca sĩ Việt (ảnh minh họa).

Showbiz của Việt Nam đang trong thời gian phát triển nên có những mặt tích cực và chịu áp lực của những mặt hạn chế. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay thì dường như mặt hạn chế có phẩn nổi trội hơn là tích cực. Nếu như nhìn vào sự phát triển của một nền âm nhạc, người ta nhìn vào nền tảng âm nhạc dân tộc, truyền thống và âm nhạc chuyên nghiệp với những dàn nhạc giao hưởng. Bên cạnh đó là sự phát triển của dòng âm nhạc đại chúng, những ca khúc phổ thông dành cho đông đảo công chúng. Nhưng chính thể loại âm nhạc đại chúng mà còn bị pha tạp, hỗn loạn, lai căng, dị hợm, méo mó…thì khó có thể phát triển và phổ biến âm nhạc chuyên nghiệp. Nếu như đi đến các sân khấu ca nhạc chúng ta chỉ thấy ca sĩ, nhóm nhạc hát những bài hát na ná nhạc Hàn Quốc và nếu như họ không nói sõi tiếng Việt thì nhiều người sẽ tưởng nhầm đó là ca sĩ, nhóm nhạc Hàn Quốc. Thật sự những con sóng ngầm âm nhạc Hàn Quốc đã tạo ra những bản sao nhợt nhạt trong ca khúc mới của một số nhạc sĩ, ca sĩ trẻ ở Việt Nam. Điều đáng nói là phần đông giới trẻ thần tượng các ngôi sao của Hàn Quốc tới mức thái quá đến “phát điên”. Đặc biệt là khi có một vài ca sĩ, nhóm nhạc Hàn Quốc sang biểu diễn tại Việt Nam đã thổi bùng ngọn lửa cuồng nhiệt này và đã thực sự có tác động lớn tới tâm lý, tình cảm và gu thưởng thức nghệ thuật, tạo ra những phiên bản, những bản sao, những con rối bắt chước một cách thụ động các hành động trên sân khấu, những ma - nơ -canh di động bập bẹ nói tiếng Hàn.

Một khi ca sĩ trẻ Việt Nam bị ảnh hưởng lớn từ văn hóa, âm nhạc Hàn Quốc một cách thái quá thì chính điều này sẽ làm mất đi sự sáng tạo và bản sắc cá nhân của mỗi ca sĩ. Tại sao các ca sĩ trẻ của Việt Nam không tự đặt ra câu hỏi là khi bắt chước một người khác thì liệu mình có bao giờ bằng người ta thật hay không? Câu trả lời là không. Bởi vì khi đã đi bắt chước thì chỉ có thể copp và tái hiện lại hình ảnh mang tính hình thức. Một ca sĩ trẻ của Việt Nam có thể bắt chước ca sĩ Hàn Quốc về hình thức còn khi ca sĩ đó cất lên giọng hát thật của mình thì khán giả sẽ nhận biết khả năng của ca sĩ đó chỉ dừng lại ở đâu. Vì vậy, nếu ca sĩ khi bước lên sân khấu mà không có khả năng thực về ca hát và sự đầu tư, lao động thì chắc chắn không bao giờ có thể thành công trên con đường nghệ thuật. Nếu như hiện tượng này được nhân rộng thì sẽ tạo ra những cộng đồng trong giới trẻ chỉ biết học đòi, lai căng từ nước ngoài mà quên mất mỗi cá nhân chúng ta đều có khả năng sáng tạo và những nét đẹp tiềm ẩn riêng – đó là nét đẹp của người Việt Nam.

4. Những câu hỏi lớn được đặt ra

Qua những hiện tượng trên chúng ta đã thấy có những câu hỏi lớn được đặt ra dành cho những người làm công tác quản lý về văn hóa nghệ thuật và đặc biệt là dành cho những người hoạt động âm nhạc, trách nhiệm của các ca sĩ - những người trực tiếp biểu diễn trên các sân khấu âm nhạc hiện nay.

Tại sao showbiz Việt lại bị ảnh hưởng và chịu sự chi phối của các dòng âm nhạc du nhập từ nước ngoài? Tại sao các nhà quản lý về văn hóa chưa có những chiến lược dài hơi trong việc gìn giữ, phát huy và quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam một cách đồng bộ? Tại sao những nhà hoạt động âm nhạc không tạo ra những trào lưu âm nhạc nhạc Việt Nam để hấp dẫn các bạn trẻ? Tại sao một số ca sĩ trẻ của Việt Nam lại thụ động và không có sáng tạo trong ca hát biểu diễn mà phải bắt chước từ những ca sĩ của Hàn Quốc?....

Trên thực tế việc một số ca sĩ, nhạc sĩ và các bạn trẻ có hiện tượng học đòi một cách máy móc và trở thành những bản sao của các ca sĩ Hàn Quốc thuộc về trách nhiệm của những người làm công tác quản lý văn hóa nghệ thuật, những người hoạt động âm nhạc và nền giáo dục về nghệ thuật không đồng bộ. Bởi trước làn sóng ngầm của văn hóa âm nhạc Hàn Quốc du nhập vào Việt Nam một cách mạnh mẽ thì các nhà quản lý về văn hóa, về nghệ thuật cần tạo ra những làm gió mới, những hơi thở mới để đáp ứng cho thị hiếu của giới trẻ của Việt Nam. Những nhà chuyên môn về văn hóa, âm nhạc cần tạo ra những sân chơi bổ ích, sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị để hấp dẫn bạn trẻ. Các nhà quản lý, tổ chức biểu diễn cần thấy được nhu cầu trong giới trẻ đối với văn hóa âm nhạc để từ đó có những kế hoạch cụ thể, đầu tư thích đáng cho các hoạt động văn hóa, âm nhạc, tạo mọi điều kiện tốt cho các ca sĩ, nhạc sĩ sáng tạo nghệ thuật và nâng cao thẩm mỹ cho công chúng...Bên cạnh đó cần phổ biến về kiến thức âm nhạc, đào tạo về thẩm mỹ âm nhạc và luôn đề cao vốn âm nhạc dân tộc là điều cần được quan tâm hàng đầu. Để làm được điều này chúng ta cần có sự chung tay, góp sức của các cơ quan, ban, ngành, từ môi trường trong gia đình đến nhà trường, cho tới xã hội. Điều này sẽ cho giới trẻ được trang bị một kiến thức về văn hóa vững vàng, thẩm mỹ âm nhạc đúng đắn. Như vậy, các bạn trẻ sẽ có sự đề kháng và tiếp thu những luồng văn hóa âm nhạc của các nước bạn một cách chọn lọc, sáng tạo, phù hợp với văn hóa truyền thống của người Việt Nam…

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...