Vai trò của hội nhạc sĩ Việt Nam trong  việc phổ biến âm nhạc dân tộc hiện nay

01/02/2019

Có lần, tham dự một chương trình đón tiếp các đại biểu trong một hội nghị khá quan trọng, tôi nghe có một vị trong thành phần phúc khảo chương trình nói mà như rên lên: "lại là Kể chuyện ngày mùa à? lại Ru con à? Người phụ trách chương trình đã trả lời rằng: "thì phải đem ra đãi khách những món ngon chứ! " 

Kể chuyện ngày mùa (sáng tác Thao Giang, viết cho đàn nhị độc tấu), Vũ khúc Tây nguyên (sáng tác Đỗ Nhuận), Ru con (Lưu Hữu Phước cải biên từ dân ca Nam Bộ)...  nằm trong số những tác phẩm viết cho độc tấu nhạc cụ dân tộc đã có đời sống rất dài, từ khi được sáng tác cho đến ngày nay. Dĩ nhiên, các tác phẩm này đã khẳng định được sức hấp dẫn lôi cuốn vượt qua thời gian để có thể đứng vững trên nhạc mục của các chương trình trong và ngoài nước. Thế nhưng, nếu các nhạc sĩ sáng tác những tác phẩm ấy đã là hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam từ những thời kỳ đầu tiên, thì sau 60 năm, có tác phẩm mới nào thay thế được những giai điệu vang lên từ thời gian trước ấy? Nhiều năm qua, khi hội nghị lần thứ V Ban Chấp Hành Trung ương Đảng đề cao khẩu hiệu "xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc" thì nhiều giải pháp đã được đặt ra nhằm giải quyết vấn đề trên.

1. Âm nhạc dân tộc trong tình hình hiện nay

Cho dù không nói ra nhưng có lẽ ai cũng nhìn thấy rằng âm nhạc dân tộc Việt Nam hiện nay đang chịu nhiều sức ép từ các loại hình nghệ thuật khác. Khán giả ngày càng có độ tuổi trẻ hơn và có nhiều sự chọn lựa khi thưởng thức nghệ thuật, có nhiều cơ hội để  nâng cao tâm hồn bằng các loại hình nghệ thuật đương đại. Các loại hình sân khấu truyền thống như: Chèo, Tuồng, Cải lương v.v... đang mất dần vị trí dẫn đầu như thời gian trước.

Dù vậy, trong các thể loại nhạc dân tộc còn tồn tại và lan tỏa đối với giới trẻ, thì những tác phẩm viết theo lối mới dành cho nhạc dân tộc vẫn còn có sức thu hút các bạn trẻ. Số lượng các tác phẩm được phát trên Youtube ngày càng nhiều, số người nghe tăng lên. Vì thế, cho dù có một số người phản đối vì sợ làm mất "chất" dân tộc nguyên gốc, thì sáng tác tác phẩm mới cho nhạc dân tộc vẫn là một xu hướng tất yếu, ngõ hầu thu hút các bạn trẻ tìm nghe rồi dần dần cảm nhận được cái hay cái đẹp của nhạc khí đó mà học hỏi.

2. Những kiến nghị và giải pháp.

Khi xu thế toàn cầu hóa diễn ra trên khắp thế giới thì các quốc gia đều nhận thấy việc bảo tồn bản sắc văn hóa riêng của mình là một sự sống còn, để có thể hòa nhập mà không hòa tan. Do vậy ở các nước tiên tiến chính phủ đã có những kế hoạch bảo tồn và quảng bá các giá trị văn hóa của nước họ trên toàn thế giới. Chúng ta có thể nhìn qua Trung quốc, Hàn quốc, Nhật Bản... những nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam để thấy họ đã có những chiến lược quảng bá văn hóa như thế nào khi mà "Văn hóa đi trước, kinh tế đi sau".

Đối với âm nhạc dân tộc Việt Nam, một bộ phận nằm trong văn hóa Việt Nam, rất cần có sự giúp sức của nhiều tổ chức, nhiều người, mà quan trọng nhất là các nhạc sĩ sáng tác. Không như sáng tác các ca khúc, sáng tác các tác phẩm khí nhạc, nhất là tác phẩm khí nhạc dân tộc đòi hỏi trình độ, khả năng và sự am hiểu âm nhạc dân tộc cùng tính năng nhạc cụ để có thể thổi hồn vào tác phẩm sáng tác, sao cho tác phẩm vừa mang tính dân tộc vừa mang tính hiện đại.

Tuy nhiên, lâu nay mảng sáng tác cho âm nhạc dân tộc chưa được đầu tư đúng mức. Hội nhạc sĩ chưa có những sự khuyến khích về mặt đào tạo , bồi dưỡng kiến thức về nhạc dân tộc cho các nhạc sĩ sáng tác, thiếu những giải thưởng hấp dẫn dành cho những tác phẩm khí nhạc dân tộc. Nói chung, Hội Nhạc sĩ còn chưa quan tâm đúng mức về mặt tinh thần và vật chất để góp phần khuyến khích các nhạc sĩ đi sâu vào con đường sáng tác âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Để có thể mang âm nhạc dân tộc đến gần với công chúng, với giới trẻ hơn, nhằm góp phần giữ gìn và tôn vinh những giá trị văn hóa dân tộc, hội nhạc sĩ Việt Nam cần có những chiến lược để khuyến khích phát triển những tác phẩm khí nhạc dân tộc, như mở những lớp bồi dưỡng kỹ năng viết tác phẩm khí nhạc dành cho các nhạc sĩ và cả những người nghệ sĩ đàn dân tộc.

Cần đầu tư tác phẩm bằng cách dàn dựng và tổ chức biểu diễn quảng bá trên các phương tiện truyền thông. Khuyến khích việc sáng tác bằng những giải thưởng tương xứng dành cho những người viết khí nhạc nói chung, khí nhạc dân tộc nói riêng.

Những việc làm này không chỉ góp phần khuyến khích những tác phẩm khí nhạc Việt Nam ra đời mà còn góp phần thu hút giới trẻ Việt Nam tìm hiểu và học hỏi các nhạc khí Việt Nam. Ngoài ra đây là niềm hãnh diện khi giới thiệu âm nhạc Việt Nam trong vườn hoa âm nhạc của thế giới.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...