Ứng dụng nhạc cổ điển gửi chương trình tới điện thoại theo thời gian thực

18/09/2017

Các dàn nhạc đang nỗ lực tìm cách "lôi kéo" khán giả trẻ đến với âm nhạc cổ điển bằng những công nghệ hiện đại. Royal Philharmonic Orchestra là dàn nhạc đầu tiên của Anh đón nhận xu thế mới này.


Ứng dụng Octava chuyển thông tin tới khán giả ăn khớp với phần biểu diễn của dàn nhạc

Những người yêu nhạc cổ điển thường rất khó chịu vì sự thiếu tập trung của nhiều khán giả trong các buổi hòa nhạc.

Vì thế, bất cứ ai từng sột soạt giở tờ chương trình cũng có thể tạm vui mừng trước tin mới về công nghệ: một ứng dụng cho phép chuyển thẳng nội dung chương trình vào điện thoại của họ. 

Nhờ ứng dụng trên điện thoại di động này mà những dòng chữ trong tờ giới thiệu chương trình được chuyển trực tiếp tới điện thoại của khán giả bằng wifi, điều đặc biệt là nó hoàn toàn ăn khớp với phần biểu diễn của dàn nhạc trên sân khấu, đồng thời cho phép các khán giả tò mò có thể theo dõi nó dưới ánh sáng của màn hình điện thoại. Từng phần nội dung mới sẽ sáng lên trên màn hình một cách vừa phải để người sử dụng có thể nắm bắt thật nhanh. Nếu muốn đọc lại những phần giới thiệu cũ, có thể chạm vào một thanh hướng dẫn ở phía cuối màn hình.

Ứng dụng mang tên Octava đã được áp dụng lần đầu tại trường đại học Maryland (Mỹ) và sau đó được dàn nhạc giao hưởng Baltimore áp dụng.

Royal Philharmonic Orchestra là dàn nhạc đầu tiên của Anh đón nhận ứng dụng mới này, và đã thử nghiệm tại khán phòng Cadogan Hall vào đầu năm nay và sẵn sàng chuẩn bị cho mùa diễn mới "Những huyền thoại và những câu chuyện thần tiên" bằng việc dành riêng cho các vị khách ở khu vực đặc biệt.

Octava được thiết kế để "đưa những khán giả trải qua một cuộc du hành âm nhạc" như cách nói của Chris Evans, giám đốc truyền thông và marketing của dàn nhạc RPO, mục đích của nó là “thu hút các khán giả mới, trẻ trung và tiềm năng".

Sau khi tạp chí BBC Music đăng tải một bài bình luận về ứng dụng mới này, ngay lập tức nhận được sự quan tâm của cộng đồng yêu nhạc cổ điển.

Một độc giả phàn nàn, “Tôi đã hết sức ngạc nhiên khi thấy các anh chấp thuận Octava, ứng dụng cho phép gửi thông tin chương trình đến điện thoại trong một buổi trình diễn. Vậy tại sao lại không đọc chương trình trước lúc biểu diễn rồi sau đó đơn giản là thưởng thức âm nhạc và không làm ảnh hưởng đến xung quanh?”

Tạp chí đã phản hồi: "Chúng ta phải đồng ý với nhau về điểm này – nội dung chương trình hòa nhạc quả thực là cần thiết và không nên chiếu sáng trong khán phòng.

"Nhưng chúng ta đang sống trong một thế giới liên tục thay đổi, và âm nhạc cần phải cố gắng nhiều hơn và thu hút thêm nhiều khán giả mới".

Sự đối mới sáng tạo này là nhằm đem hứng thú về các buổi hòa nhạc cổ điển cho những khán giả mới: một vấn đề lớn cho nền nghệ thuật Anh thế kỷ 21. 

Được phát triển ở Mỹ, EnCue by Octava được miêu tả là "một ứng dụng cải tiến có khả năng truyền tải phần giới thiệu chương trình theo thời gian thực tới điện thoại và các thiết bị máy tính bảng sử dụng hệ điều hành Android của khán giả". Nó được thiết kế để có thể gửi thông tin về một buổi trình diễn ở cùng thời điểm với những gì đang diễn ra trên sân khấu mà không cần phải đọc lướt qua tờ giới thiệu chương trình để biết về lịch sử tác phẩm hay biết một cách chi tiết về một tác phẩm âm nhạc.

Theo những thông tin quảng cáo thì ứng dụng này dùng “công nghệ màn hình đen” nhằm tránh gây chú ý của những người ngồi xung quanh người sử dụng phần mềm. “Sau 45 giây, màn hình sẽ tự động tối lại”, Linda Dusman, giáo sư âm nhạc trường đại học Maryland (Mỹ) và là đồng tác giả ứng dụng Octava, giải thích.  

Royal Philharmonic Orchestra cho biết đã nhận được những phản hồi tích cực từ các đợt thử nghiệm và các buổi hòa nhạc mùa xuân vừa qua, công việc bây giờ của họ là áp dụng trong khu vực được khoanh vùng, dự kiến trong "Các huyền thoại và các câu chuyện thần tiên", loạt chương trình khám phá những vùng đất kỳ diệu được khắc họa trong những tác phẩm đã làm say lòng người của I. Tchaikovsky, E. Grieg, Rimsky-Korsakov và các nhà soạn nhạc khác từ ngày 7/11 tới.

Việc áp dụng những công nghệ khác, trong đó có cả những trải nghiệm thực tế ảo, của dàn nhạc cũng nhằm mục tiêu thu hút thêm những khán giả mới đến với nhạc cổ điển. Năm ngoái, dàn nhạc đã mở một chương trình thực tế số cho phép người nghe đeo những bộ tai nghe để có thể "bước vào trung tâm dàn nhạc giao hưởng" và thưởng thức màn trình diễn bản giao hưởng số năm của nhà soạn nhạc J. Sibelius.

Hiện dàn nhạc cũng có ứng dụng dành riêng cho trải  nghiệm thực tế số, với camera 3600 có khả năng bao quát các màn trình diễn và để khán giả có thể bình luận qua lại, cùng số hóa phòng hòa nhạc Royal Festival Hall. Nhờ vậy, khán giả có thể “đi quanh” dàn nhạc và giả bộ chỉ huy dàn nhạc biểu diễn tác phẩm Các hành tinh của nhà soạn nhạc G. Holst.

Nguồn: http://www.telegraph.co.uk/news/2017/06/26/classical-music-app-send-prog...

(Nguồn: http://tiasang.com.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...