Tương lai ảm đạm của các nhà sản xuất violin

29/07/2020

Thành phố Cremona, Italy, từ lâu đã được biết đến là nơi sản xuất violin đẳng cấp thế giới. Nhưng bây giờ, sau khi trở thành điểm nóng về Covid-19, các thợ làm đàn thủ công ở đây phải đối mặt với thời kỳ khó khăn. Xưởng làm đàn violin của ông Pablo Farias không còn mùi gỗ. 

Ngồi ở bàn làm việc, Pablo đang chăm chút cho cây violin mới nhất của mình. Ông mỉm cười cay đắng: “Xưởng đã sẵn sàng mở cửa vào tháng 3, nhưng sau đó đại dịch nổ ra và Chính phủ Italy phong tỏa, buộc tôi phải hủy bỏ kế hoạch”.

Xưởng làm đàn violin của ông Pablo Farias

Pablo Farias sinh ra ở Argentina, một trong số hơn 160 nghệ nhân (hầu hết tốt nghiệp trường quốc tế về làm đàn violin ở Cremona) hiện đang sống và làm việc trong các con hẻm rải rác của thành phố. Xưởng của ông Pablo định hình những tấm gỗ phong thô và từ đó tạo thành những nhạc cụ trị giá hàng ngàn EUR. Giá cả đàn violin khác nhau tùy thuộc vào tên của thợ làm đàn và thị trường mà họ bán. Trung bình là khoảng 10.000 EUR/chiếc, nhưng một số loại có giá lên tới 20.000 EUR.

Theo BBC, thành phố Cremona có 73.000 cư dân, nằm ở phía Bắc Italy, nơi bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên ở châu Âu. Theo dữ liệu chính thức, Covid-19 đã gây ra hơn 1.000 trường hợp tử vong và 6.600 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận tại tỉnh Cremona (gồm thành phố Cremona và các thị trấn lân cận) và hiện đang tiếp tục gây căng thẳng cho nền kinh tế.

Đặc biệt, dịch bệnh đang đe dọa nghệ thuật chế tạo violin, ngành công nghiệp đưa tên tuổi Cremona nổi tiếng trên khắp thế giới. Nhạc cụ này đã được làm thủ công từ thế kỷ 16 tại Cremona, cũng là quê hương của Antonio Stradivari (người có thể coi là nhà sản xuất violin vĩ đại nhất trong lịch sử). Trường học, giường ngủ, trung tâm thể thao, nhà hàng, quán cà phê và cả bữa ăn sáng cũng được đặt theo tên của ông. Suốt cuộc đời mình, ước tính Stradivari đã làm ra 960 cây violin. 

Việc chế tạo violin ở Cremona cũng nằm trong danh sách di sản văn hóa của UNESCO. Các nghệ nhân của thành phố nổi tiếng trên toàn thế giới với quy trình độc đáo để tạo ra violin, violoncelle và violin bass mà  không sử dụng bất kỳ vật liệu công nghiệp nào. Truyền thống vô song của thành phố từ lâu đã thu hút các nhà sản xuất đàn violin từ khắp nơi trên thế giới đến học hỏi.

Theo dữ liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới, xuất khẩu nhạc cụ dây hàng năm của Italy trị giá 6,6 triệu USD, chủ yếu xuất sang Nhật Bản, Mỹ, Hồng Công. Chỉ riêng Cremona đã đóng góp khoảng 80%, tương đương hơn 6,2 triệu USD mỗi năm.

Các nhà sản xuất đàn violin của Cremona dựa vào đơn đặt hàng từ 2 loại khách hàng: cá nhân và đại lý, những nơi này thường bán lại trong các cửa hàng với giá gấp đôi cho các nhạc viện và nhạc sĩ trên toàn thế giới. Một cây violin được chế tác tại Cremona có thể là một “Stradivarius”, lấy cảm hứng từ thiết kế của Stradivari. 

Kể từ khi Italy phong tỏa do Covid-19, nhiều đường phố cổ ở Cremona vẫn không có khách du lịch. “Trong thời gian này, bầu không khí gần như không thể chịu đựng được”, ông Farias nói.

“Tất cả những gì tôi có thể nghe là tiếng còi của xe cứu thương, lặp đi lặp lại”. Farias đã phải ngừng làm đàn violin và bắt đầu làm bánh mì. Đây là một giai đoạn khó khăn cho Cremona.

Ngoài ảnh hưởng của Covid-19, ngành công nghiệp Cremona phải đối phó với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ bên ngoài. Do sự bão hòa của thị trường, nhiều nghệ nhân nước ngoài tốt nghiệp tại Cremona quyết định trở về nước, mang theo chuyên môn của họ. Do đó, nghệ thuật chế tạo đàn violin đang phát triển vượt ra ngoài Cremona như Mirecourt ở Pháp và Mittenwald ở Đức. Ở Trung Quốc, đang nổi lên trường hợp Gao Tong Tong, một cựu sinh viên và người học việc ở Cremona, nay trở về Bắc Kinh để mở xưởng riêng. 

(Nguồn: https://www.sggp.org.vn/)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...