Ấn tượng Festival Piano Quốc Tế 2013

30/12/2013

Sau thành công của Festival Piano Quốc Tế 2011 (lần đầu tiên), Nhạc viện TP.HCM tổ chức chương trình Festival Piano Quốc tế 2013 lần thứ hai từ ngày 2 đến ngày 7 tháng 12 năm 2013.

Trong suốt tuần lễ diễn ra Festival, rất nhiều hoạt động thú vị và bổ ích như: lớp học “Nâng cao về kỹ năng biểu diễn dành cho các học sinh, sinh viên piano xuất sắc” do NSND Đặng Thái Sơn hướng dẫn; “Khái quát về Âm nhạc cho đàn phím vào thế kỷ 18 và Âm nhạc cho piano thời kỳ Lãng mạn” do TS. Ernest Lim(Singapore) thuyết trình dưới sự trợ giảng của Th.S Nguyễn Nhật Quỳ; tọa đàm với Nghệ sĩ Nguyễn Bích Trà về chủ đề “Kinh nghiệm học tập và biểu diễn - Từ lý thuyết đến thực hành” và buổi thuyết trình có biểu diễn của cặp song tấu piano Hirsch-Pinkar (Mỹ) về “Những thử thách và thành quả trong nghệ thuật song tấu piano”


NS.Evan Hirsch

Các chương trình biểu diễn có sự tham gia của các nghệ sĩ Piano: Đặng Thái Sơn, Olivier Chauzu(Pháp), Alexander Strukov (Nga), Nguyễn Bích Trà, Nguyễn Minh Anh (La Thương), Lê Hồ Hải, Nguyễn Thùy Yên… và nhiều HS-SV đoạt giải trong và ngoài nước như: Lưu Hồng Quang; Seraphin Maurice Lutz; Trần Diệu Linh, Trần Diệu Ân; Phan Thiên Bạch Anh, Bùi Vũ Nguyệt Minh…


NS.Olivier Chauzu


NS.Strukov

Nội dung của các hoạt động khác nhau đã cung cấp những kiến thức thật sự quí giá, chuẩn mực, bổ ích phục vụ nghiên cứu khoa học, sư phạm và biểu diễn piano, đồng thời nâng cao trình độ, thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng.

Có thể nói, Festival Piano Quốc tế 2013 đã mời được các giáo sư, nghệ sĩ đẳng cấp thế giới đến từ nhiều nước tham gia vào các hoạt động chất lượng cao của Festival. Sáu đêm Hòa nhạc với khán phòng luôn chật kín, ước tính khoảng 2200 khán giả đến xem. Đặc biệt, đêm ngày 8/12 là chương trình biểu diễn của những gương mặt “Tài năng trẻ” được tổ chức ngoài trời tại Sân khấu Sen Hồng phục vụ hàng ngàn thiếu nhi Thành phố.

Điểm nổi bật của Festival Piano lần này là nội dung phong phú đựợc biên tập đa dạng qua các thời kỳ âm nhạc, các quốc gia và có các tác phẩm đương đại của Việt nam. Festival Piano Quốc tế 2013 đã thu hút đựợc rất nhiều học sinh, sinh viên, giảng viên piano, giới hoạt động nghệ thuật và là một “đại tiệc âm nhạc” phục vụ công chúng yêu âm nhạc tại TP.HCM.

Là khán giả của chương trình này, người viết đã có được cơ hội tiếp xúc, thu thập những ý kiến phản hồi từ những nghệ sĩ khách mời và một vài khán giả tham dự các đêm diễn trong quá trình diễn ra Festival Piano Quốc tế 2013 như sau:

• TS. Ernest Lim (Phó hiệu trưởng Trường Âm nhạc thuộc Học viện Nghệ thuật Nanyang, Singapore): Với tư cách là một nghệ sĩ khách mời tham gia Festival Piano năm nay, tôi rất vui khi thấy BTC đã rất chu đáo trong các khâu từ khâu biên tập nội dung các hoạt động phong phú, có sự kết hợp giữa độc tấu và hòa tấu trong các chương trình hòa nhạc, các lớp masterclass, các buổi thuyết trình đến khâu hậu cần, quảng bá… Điều này cho thấy công chúng và giới hoạt động âm nhạc đã chú ý đến sự kiện này. Chương trình biểu diễn có sự đa dạng về các thời kỳ từ các quốc gia khác nhau…Tôi đặc biệt thú vị với những tác phẩm đương đại của nhạc sĩ Việt Nam.

• Hai nghệ sĩ song tấu Piano Hirsch – Pinkas: Đối với chúng tôi, đó là một trải nghiệm tuyệt vời. Các buổi hòa nhạc mà chúng tôi đến dự được tổ chức chu đáo, rất thú vị và đều ở trình độ cao. Chúng tôi cảm thấy rất thích khi trình bày nội dung của buổi Thuyết trình - Biểu diễn trước rất nhiều sinh viên ham học hỏi. Thêm vào đó, tôi rất tự hào và được ủng hộ khi các bạn sinh viện đặt những câu hỏi cụ thể về nghệ thuật biểu diễn song tấu.Trong buổi hòa nhạc chúng tôi đã biểu diễn với một niềm vui, đúng như mong đợi của chúng tôi. Kinh nghiệm trước đây của chúng tôi ở Nhạc viện TP.HCM là rất thú vị và lần này cũng không kém. Ngoài ra, được làm việc với các giảng viên trẻ Anh Vũ và Nghệ sĩ Thu Lê thật là tuyệt vời.

• Sinh viên Dương Tuấn Nam ( Khán giả. sinh viên năm III, Khoa Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM): Tôi đã tham gia 4 buổi thuyết trình và 2 buổi biểu diễn. Đây cũng là lần đầu tiên tôi làm khán giả của một buổi biểu diễn nhạc cổ điển chuyên nghiệp tại phòng hòa nhạc của Nhạc viện TP.HCM. Qua những buổi dự khán này, tôi hiểu hơn về âm nhạc cổ điển nói chung và âm nhạc Piano nói riêng. Tôi cũng nhận thấy rõ hơn sự khác nhau giữa nghe trên file audio và nghe trực tiếp tại phòng hòa nhạc. Theo tôi, nghe trong phòng hòa nhạc, khán giả sẽ cảm nhận chính xác hơn về kỹ thuật và cảm xúc của nghệ sĩ muốn truyền đạt. Tôi thật sự rất ấn tượng tiết mục cuối cùng trong buổi bế mạc! Chương trình giúp tôi biết thêm kiến thức về âm nhạc cổ điển phương Tây nói chung, về âm nhạc cho piano nói riêng và giúp tôi có hai buổi thưởng thức âm nhạc rất tuyệt vời. Đặc biệt, nhờ tham gia chương trình này, tôi đã có cơ hội làm quen với vài người bạn có cùng sở thích yêu nhạc cổ điển như tôi. Xin cảm ơn Ban tổ chức, các nghệ sĩ biểu diễn, các giảng viên và các bạn sinh viên Nhạc viện TP.HCM.

• Bác sĩ Kamal Nguyễn Tuấn (Khán giả ): Tôi là người rất say mê âm nhạc cổ điển Âu châu, mặc dù từ nhỏ, không có may mắn được học hỏi về âm nhạc. Từ khi sang Pháp du học, tôi đã có cơ hội tiếp cận với dòng nhạc này, khi có thể, tôi đã không bỏ qua một cơ hội nào để dự hầu như các buổi trình diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia của Thành phố Lille, nơi mà tôi đã sống hơn bốn mươi năm. Tôi đã về sinh sống hẳn ở Việt Nam từ gần mười năm nay và vẫn tiếp tục đi nghe nhạc mỗi khi về Pháp. Gần mười năm nay, Lille đã có một Festival Piano Quốc tế tổ chức hàng năm và ngày càng nổi tiếng thu hút nhiều người đến nghe,có rất nhiều pianiste nổi tiếng đến trình diễn.Tôi từng ao ước có một Festival Piano như vậy ở TP HCM và nay giấc mộng của tôi đã thành hiện thực “The Dream comes True”.

Festival Piano Quốc Tế 2013 , lần thứ hai này, đã đạt được kết quả, theo tôi, rất mỹ mãn: Chương trình biểu diễn rất đa dạng, từ cổ điển, qua lãng mạn, đến đương đại. Các sinh viên, các giảng viên đàn rất hay, một số đã tốt nghiệp ở nước ngoài: Đông Âu, Âu Mỹ. Các lớp masterclass, tọa đàm với nghệ sĩ, thuyết trình - biểu diễn đảm nhiệm bởi các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới. Các buổi này được diễn ra miễn phí đã đem đến cho tôi (một người ngoại đạo) thêm nhiều kiến thức về âm nhạc, giúp cho tôi hiểu hơn và có thể nói là cảm xúc hơn với những tinh tế của nhạc cổ điển Tây phương.

Khi một sinh viên đàn, tôi nghe đã thấy hay rồi, nhưng khi nghe những lời giảng dạy, chỉ dẫn của Nghệ sĩ Nhân Dân Đặng Thái Sơn, hoặc khi nghe những nghệ sĩ khách mời khác thuyết trình và biểu diễn thì thật là quí báu, đã giúp cho tôi, kể từ nay, nghe và khám phá ra cái hay của âm nhạc một cách am tường hơn. Festival này cũng là dịp cho tôi được mắt thấy tai nghe và biết đến những tài năng trẻ của Việt Nam ngoài Đặng Thái Sơn đã có những nghệ sĩ piano nổi tiếng ở nước ngoài như Bích Trà ở Anh, các em Lưu Hồng Quang ở Úc, Trần Diệu Linh, Diệu Ân ở Nga, v.v.. và các em học sinh được đào tạo trong nước cũng rất xuất sắc. Tôi thấy rất hãnh diện vì điều này!

Tuy nhiên, cũng có nhiều khán thính giả khác ngoài những lời khen như trên đã có đôi điều muốn chia sẻ và gửi gắm đến các đối tượng khán giả đôi điều như: Trình độ của thính giả đã khá hơn trước nhiều, chỉ tiếc là trong đêm diễn vẫn còn không ít người chụp ảnh có flash hay nhắn tin bằng điện thoại di động, ra vào liên tục làm ảnh hưởng đến những khán thính giả khác. Cách vỗ tay của khán giả Việt Nam cũng không được nồng nhiệt như ở nước ngoài.

Tóm lại, với sự quan tâm đặc biệt của các cấp lãnh đạo và các cơ quan ban ngành tại TP.HCM, Festival Piano Quốc tê 2013 đã kết thúc thành công tốt đẹp, điều này cũng góp phần tạo nên một trong những sự kiện đặc biệt, có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống văn hóa nghệ thuật của Việt Nam nói chung và đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...