Tuổi thơ sơ tán cùng cây đàn
Kỷ niệm 60 năm Trường Âm nhạc Việt Nam
Tôi ngồi sau xe mobillette tay ôm chặt cái túi đựng sách vở. Hà nội lùi lại phía sau lưng cứ xa dần, xa dần...
Đó là vào một ngày cuối tháng 10 năm 1967, anh trai tôi (anh Vũ Triệu Anh) đã chở tôi đến nơi sơ tán của Trường Âm nhạc Việt Nam (Giang Soi - Hà Tây). Trên đường đi anh chẳng nói câu nào, vốn ít nói nay gặp cảnh gia đình tôi trong cơn khốn quẫn anh trở nên trầm lặng, duy nhất một lần anh ngoái đầu lại và hỏi "em có lạnh không?", “có ạ” - tôi đáp lí nhí. Thỉnh thoảng gặp phải ổ gà xe lại nhảy lên khiến tôi phải nắm chặt áo anh để khỏi ngã.
Vậy là còn gần 1 tuần nữa là sinh nhật tôi tròn 10 tuổi để bước sang tuổi thứ 11, sẽ không có gia đình, không có bố đã đành, giờ thì xa cả mẹ và các anh chị của mình đến một nơi xa lạ. Người bạn quen duy nhất là Bích Nhi (violon), nhà Nhi tầng dưới còn tôi học piano với chị Diễm Hương ở tầng trên (chị là con gái nhà bác Đôn).
Tôi nhận được giấy báo nhập học của Trường Âm nhạc Việt Nam thì đã muộn mất 2 tuần. Từ ngày họ bắt cha tôi (18/10/1967) thì cổng chính nhà tôi nằm trên đường Hai Bà Trưng hầu như không dùng mà chỉ đi cổng phụ bên đường Phan Chu Trinh. Giấy báo phủ một lớp bụi khi tôi ra quét phụ mẹ. Nói thêm là khi tôi thi vào trường thì thi piano, chị Diễm đứng bên ngoài chờ. Lúc đó thi ở đường Nguyễn Thái Học, ra ngoài gặp ngay chị đứng ở cửa, chị hỏi "sao đánh 3 bài vậy?", tôi xấu hổ không trả lời bởi chị đã dặn chỉ chơi 2 bài nhưng cái con bé là tôi khi đó lại cao hứng chơi thêm bài nữa. Chị rất thương tôi và mãi về sau này cũng vẫn vậy...
Chuyện bố và anh cả đều đi tù vì vụ án "Xét lại chống Đảng" khiến không ai trong gia đình quan tâm đến việc tôi thi vào Trường Nhạc. Khi mở giấy báo ra mới biết họ xếp tôi học violoncelle (cello). Chị Diễm nói nếu "công chúa út" (bác Đôn - bố của chị Diễm hay gọi tôi như vậy) thích học piano thì sẽ nộp đơn thi ở Trường Nghệ thuật Hà Nội vậy! Sau một lúc suy nghĩ tôi quyết định theo Trường Âm nhạc Việt Nam vì ở đó có bạn Nhi, bạn Huyền (con bác Tạ Phước). Có lẽ tôi chọn học violoncelle chỉ vì nơi đó tôi có bạn - giống như định mệnh đã "dàn xếp" cuộc chơi đầy khó khăn này!
Hai anh em đến Giang Soi - Hà Tây thì đã xế chiều. Anh giao tôi cho cô giáo Minh rồi cô đưa tôi đến nhà bác Thềm là gia đình nhận cho ba đứa trẻ vào ở nhà bác (gồm có Anh Thư piano, Anh Thái đàn thập lục và tôi). Thời đó đi sơ tán khỏi thành phố là vậy - mỗi nhà nhận vài đứa và Hệ Sơ cấp Trường Nhạc, tôi không nhớ là bao nhiêu gia đình đã nhận bọn nhóc chúng tôi.
- Anh về đây kẻo trời tối không đi được, em cố học cho giỏi nhé!
Anh để cái valy da cũ kỹ vào chỗ tôi ngủ và một túi lỉnh kính bát, thìa, đũa,ca-men"... rồi lên xe về Hà Nội.
Tôi không khóc cũng không đòi theo anh để về với mẹ dù rất muốn. Giờ đây nhớ lại tôi cũng không hiểu sao mình lại cứng cỏi được như vậy, và cả mẹ tôi - người cũng thật can đảm để xa tôi - đứa con bé nhất nhà. Phải chăng gánh nặng trên vai mẹ đã quá sức chịu đựng?
Đêm hôm đó nước mắt tôi ướt gối, tôi nhớ bố mẹ, nhớ ngôi nhà rộng lớn thân quen của mình... Một cuộc đời mới bắt đầu !
***
Chỗ ngủ của tôi với Thư và Thái là hai cánh phản gỗ ghép lại, tiết tháng 10 se lạnh, lạnh cả ngoài lẫn bên trong. Chúng tôi nhanh chóng làm quen với nhau. Thư hơn tôi 1 tuổi và Thái thì kém 3 tuổi. Những đêm đầu ở nhà bác Thềm mỗi đứa đắp một chăn của mình, sau thì tôi và Thư đắp chung vì Thái hay đái dầm, nó bé quá mới lớp 2 thôi, mấy chục năm sau nghe nó thú nhận "vì sợ ma nên nếu không đi tiểu trước khi ngủ thì thế nào đêm em cũng mơ là mình đang đi...!". Bác Thềm tách hai cái phản xa nhau chừng 5cm, đêm đêm chúng tôi còn nghe "róc rách" và cứ sáng ra là thấy chăn của Thái phơi nắng ở ngoài sân!
- Hồng Ánh đi theo cô nào !
Cô Minh - cô giáo dạy văn hoá qua nhà bác Thềm đưa tôi đến gặp bác Quỹ, người thầy đầu tiên của tôi, bác cũng ở trong một nhà dân như bọn tôi nhưng nhỏ hơn, bác Quỹ và người em trai là bác Kỳ dạy violon là hai người Việt Nam duy nhất vào thời điểm đó du học từ Paris về. Tôi qua bé nên không đoán được là bác bao nhiêu tuổi nhưng với tôi bác là người già...
Cũng cần nói thêm ở Trường Nhạc hầu như đều gọi thầy cô là "cô - chú - bác" giống như trong gia đình vậy, ví dụ như cô Minh dạy văn hoá, chú Tiến dạy xướng âm, cô Nguyệt Anh dạy dân ca, cô Thuý dạy thập lục, cô Tấn dạy văn hoá, bác Tòng dạy violon…
Tôi nhận từ bác Quỹ cây cello 1/4, là loại nhỏ nhất đôi khi mấy thầy violon còn đùa đưa lên vai giả làm violon.
Thú thật tôi không mấy hứng thú với violoncelle lắm, chỉ cần kéo cho giây này không chạm giây kia đã mất vài tuần kèm theo ngón bấm thế 1, và học kỳ đầu tiên tôi chơi bản "Inh lả ơi "- rế là đô rế đô đô la sòn.... Còn nhớ tôi đã hỏi chị Diễm "đàn violoncelle là như thế nào?". Chị bảo "đó là đàn mà em thấy anh Huấn nhà bác Tạ Phước hay ngồi kéo ở của sổ đó". Tôi thoáng nghĩ không lẽ mình chơi cái đàn to đùng vậy sao?
Chỉ rất lâu sau này tôi mới thực sự yêu quý cây đàn của mình bởi tiếng trầm ấm của nó gần với giọng nói con người và bởi chính tôi khi đi qua những mất mát để đọng lại trong từng câu mà tôi "nắn nót "...
***
Giang Soi là một thôn có thế nói là giàu có của miền Bắc với đường lát gạch và những nhà ngói có sân rộng, mọi gia đình hầu như theo Đạo Thiên Chúa. Nhà bác Thềm cũng vậy - ngôi nhà ba gian thì gian giữa là nơi Thờ Chúa Giê Su và cũng là nơi mỗi chiều cả nhà bác ngồi đọc kinh.Một gian để cây đàn piano với ba cái bàn dành làm lớp học xướng âm và một gian là ba đứa chúng tôi ở,gọi là gian vậy nhưng chỉ ngăn bằng một cái cột gỗ thôi,vì thế tôi vẫn có điều kiện để tập thêm piano và rồi tôi cũng thuộc cả Kinh "Kính Mừng" và Kinh "Lạy Cha" ở đó!
Tôi còn nhớ cánh cổng bằng gỗ của nhà bác Thềm, thời đó chẳng ai khoá cửa và cũng không nhà nào bị mất trộm, chúng tôi chỉ lấy ngón nay đẩy một chút là mở được. Ngay chỗ lớp xướng âm treo bức tranh “Cá chép đớp trăng", bọn nhóc chúng tôi không ai để ý, mãi sau này mới biết phía sau bức tranh đó là cái cửa sổ để "trốn" đi bộ đội! Bác Thềm gái lúc nào cũng thấp thỏm mỗi khi trên huyện về tuyển quân, bác trai thì bình tĩnh như không có chuyện gì dù anh con trai ở nhà hay "đi vắng"- với bác Thềm thì sinh con ra không phải để "đưa nó vào chỗ chết!", chỉ đơn giản vậy thôi.
Hàng ngày cứ đều đặn hai bữa trưa chiều bọn tôi mang ca-men đi lấy cơm, có ngày hai bữa cơm, có ngày bữa trưa cơm và bữa chiều bánh bao hoặc bánh rán. Chị Hoà còn gái bác Thềm thích bán bao và cả bánh rán, chị bảo "Đổi không?" rồi cùng lúc chìa ra hai củ khoai lang ứa mật... Và rồi từ đó chúng tôi thường đưa bánh cho cả nhà bác. Bác gái dạy bọn tôi tết rơm (như tết tóc) thành những đoạn dài để cuốn quanh ba cái chõ mà bên trong để những củ khoai lang, sau đó bác đổ trấu lên trên cùng rồi châm lửa ở dưới. Cả đêm rơm và trấu âm ỉ cháy và đến trưa hôm sau khi đã tàn tro cả bọn nhóc hồi hộp xem bác gạt tro lộ ra ba cái chõ đen thui...
- Khoai thơm quá chị Thư chị Ánh ơi - Con Thái reo lên má nó ửng hồng rất xinh vì nó chờ đợi bên bếp lâu nhất!
Bác gái mở cái vung được làm bằng đất nung lên, một làn hơi trắng trào ra đem theo hương thơm ngọt ngào từ mật của khoai...
Thời gian trôi nhanh cũng nhanh như bọn nhóc làm quen nơi ở mới quen và mến hai bác chủ nhà và các con của bác ấy, việc quét nhà quét sân còn là niềm vui vì... cùng quét!
Kể chuyện nhà bác Thềm còn phải nhắc đến đàn ngỗng to, bọn chúng hay đuổi theo lũ nhóc và mổ vào đít đau điếng, chúng không khác gì đội quân giữ nhà tuyệt hảo vì để vào được trong nhà phải đi qua cái sân gạch rất rộng,mỗi khi đi học đều mang theo cái gậy để khua chúng rồi mới ra khỏi nhà ngược lại. Có ngày bác phải đích thân ra cửa đón khách với cây gậy trong tay...
Hầu như tuần nào cũng có xe trên Bộ Văn hóa chở quà tiếp tế đến, các vị phụ huynh chỉ việc mang đến để gửi cho con mình, hãn hữu lắm cũng có vị lên thăm con mình, bọn nhóc đứng chờ đợi ở sân Nhà Thờ để chờ quà của gia đình. Minh Thanh piano (con chú HMC) lúc nào bọc quà của nó vẫn to nhất đám! Kế đến là chị em Ngọc Hương cello và Anh Thơ violon... Tôi mở to mắt chờ đọc gọi tên mình...
- Hồng Ánh đâu?
Tiếng bác Thành bố bạn Lép Zíc gọi.
- Dạ cháu đây ạ.
Ôm bọc quà trong tay việc đầu tiên là tôi hít một hơi... Mùi giấy gói chứ ko có mùi nào khác mà sao thân thương đến vậy, chỉ có mẹ làm việc này và mẹ vẫn lo lắng cho tôi bên cạnh lo cho các anh chị và tiếp tế cho bố và anh... Trong tâm tri tôi hình ảnh mẹ đang giã ruốc thịt nạc, một gói ruốc nhỏ xíu thôi nhưng là mẹ nhớ tôi và chắc là sẻ bớt từ đồ tiếp tế..." Mẹ ơi! Con chỉ cần mẹ, con không học đàn nữa, con muốn về...!".
Còn tiếp