Từ mạch nguồn folklore bình dân
Ngày 17-2-1934, Nguyễn Văn Huyên, người về sau sẽ trở thành một học giả lớn, lúc bấy giờ mới 29 tuổi, đã bảo vệ luận án tiến sĩ ở Đại học Sorbonne, xuất sắc đến mức được coi là một sự kiện đáng ghi nhớ trong lịch sử ngôi trường danh tiếng ấy.
Rất nhanh chóng, luận án của chàng trai Hà Nội được công bố thành sách, “Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam”, và giới khoa học châu Âu từ đây đã có thêm một tham khảo hữu ích khi tìm biết về xứ sở mà tri nhận chung của họ vẫn còn hời hợt.
Cùng thời điểm, ở trong nước, các hoạt động tìm về và thông hiểu văn học dân gian, folklore bình dân đang trở thành hướng đi quan trọng.
Tiếng gọi của truyền thống
Sưu tập và phân loại, tiếp cận tục ngữ, ca dao hay rộng hơn là folklore bình dân Việt Nam, trước hết, không thể không nhắc đến vai trò có tính chất tựu thành của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc (1890-1942). Trong khoảng thời gian không quá dài, giữa lúc ngọn sóng văn hóa phương Tây đã bắt đầu thấm sâu, vị túc nho nhưng thành thạo quốc ngữ và Pháp văn này đã dày công thu thập tục ngữ, ca dao, truyện cổ nước Nam với suy nghĩ “sở dĩ thành được nước Nam, nước Nam còn được đến ngày nay, thật gốc rễ ở như bọn dân đen cổ lỗ, chất phác, khố rách áo ôm ấy nhiều”.
Theo Ôn Như, sở dĩ có nền văn học viết (chữ Hán hoặc Nôm) phong phú cũng nhờ “những tiếng, những câu, những nhời, những truyện sản sinh từ những chốn quê mùa cục mịch, ngõ hẻm hang cùng của bọn cổ lỗ chất phác”.
Quan điểm đó, rõ ràng, không chỉ phản ánh chính xác tâm thế của bậc trí thức ưu thời, trọng vốn cổ dân tộc mà còn cho thấy tư duy khoa học hiện đại khi nhận ra sự giao thoa, tương tác lẫn nhau giữa văn chương bình dân và văn chương bác học.
Tục ngữ phong dao (1928), Truyện cổ nước Nam (1934), Ngụ ngôn (1935), các cuốn sách của Nguyễn Văn Ngọc mà giờ đây vẫn thường được tái bản, đã phần nào dựng lại một cách bài bản, hợp lí và lôi cuốn truyền thống sáng tác của người bình dân.
Chính từ cái hay, sự phong nhiêu của truyền thống đó, Nguyễn Văn Ngọc tin rằng, mỗi người dân Việt bấy giờ “phải nhớ ta là ta, không phải là ai”. “Là ta”, thực chất, là đòi hỏi và nỗ lực xác thực căn tính của cả cộng đồng, dân tộc.
Trở lại với công trình của Nguyễn Văn Huyên, tuy được hình thành trong môi trường học thuật phương Tây, vận dụng những phương pháp xã hội nhân văn hiện đại, nhưng âm hưởng chính của nó vẫn là sự trở về mạch nguồn folklore bình dân.
Nguyễn Văn Huyên chọn Lim, nơi luôn là một trung tâm hội hè lớn, để quan sát, ghi nhận và phân tích khả năng ứng đối, điệu hát, các nhóm từ, câu thơ và cả những tín ngưỡng, phong tục liên quan trong hát đối của từng nhóm trai gái đến từ làng này tổng kia.
Những bài hát đối đặc biệt xoay quanh chủ đề tình yêu bao giờ cũng đầy khiêu khích, thực sự tự do, tưởng như không còn bị vướng bận gì vào mớ giáo lý đạo đức nho gia mà vùng đất này đương nhiên đã chịu ảnh hưởng.
Chính khi hát đối, những người lao động chân tay, dân cày, đám thợ thủ công hay nhóm người buôn bán nhỏ đã hồn nhiên, chân chất và mạnh mẽ phá vỡ rào ngăn cự li trai gái từng rất khắc nghiệt mà tầng lớp quý tộc học hành đặt ra. Các cô thì đầy vẻ thách thức, ẩn giấu sự chủ động dưới vành nón lá cọ; các chàng trai thì hơi nhút nhát nhưng lại giỏi ứng khẩu, linh hoạt chuyển đổi chủ đề làm khó đối phương. Những chàng trai thắng cuộc sẽ mang tiếng thơm về làng, được gia đình người con gái thua cuộc mời sang nhà.
Nếu người thua là phụ nữ đã có chồng, thì chồng nàng rất muốn tiếp người thắng cuộc, vì trước mắt mình là một thi sĩ đích thực! Còn thi sĩ Paul Valéry, thành viên Viện Hàn lâm Pháp, sau khi đọc sách của Nguyễn Văn Huyên, vội biên thư cho tác giả công trình, biểu lộ niềm vui được đọc những điều mà ông tin là đúng với mọi thơ ca nhưng ở Pháp lại rất ít biết hoặc hiểu thấu.
Vẫn về những câu ca âm điệu quê mùa, từ rất sớm, năm 1929, Phạm Quỳnh đã không ngần ngại coi đó sự phóng chiếu tâm thái, tính cách dân tộc.
Tiểu luận Người nông dân Bắc Kỳ qua tiếng nói bình dân (viết bằng tiếng Pháp) của ông như một lời mời gọi giới trí thức bấy giờ xem lại vốn tài sản ngôn từ nước Nam đang có.
Bằng cách nhìn sâu vào nó, chúng ta biết được chúng ta là ai, như thế nào. Là người lao động thích trật tự và thanh bình, tôn trọng quyền lực của trần thế lẫn siêu nhiên; là những tâm hồn ưa vui vẻ, hóm hỉnh, nhạo đời, thiết thực và sẵn sàng tầm thường. Trong khó khăn và triền miên lo toan cuộc sống no đủ, chúng ta vẫn mơ mộng, muốn vươn tới hạnh phúc và công bằng.
Tiếng nói bình dân, như vậy, là thứ hộ chiếu để nước Nam trình diện với người Pháp. Khoan hãy bàn đúng sai, điều quan trọng ở đây chính là nhu cầu đối thoại văn hóa trong thời điểm kẻ xâm lược vẫn tự đắc về nền văn minh, sứ mệnh khai hóa của mình. Nếu không cất tiếng nói tri thức bản địa, không chấp nhận tính chất dị biệt, sẽ thật khó có được sự cộng sinh văn hóa khi mà cái nhìn phân chia, đối lập vẫn còn đeo bám.
Xác thực căn tính văn hóa dân tộc
Vấn đề “nhớ ta là ta, không phải là ai” mà Nguyễn Văn Ngọc đặt ra quan trọng đến mức, trong chiến lược tạo dựng tiếng nói Việt Nam bản địa đầu thế kỉ XX, các trí thức tân học đã, dường như rất chủ đích, cùng gặp gỡ trên đường tìm về văn hóa, văn học dân gian.
Lấy dữ liệu folklore để diễn giải một Việt Nam riêng khác, không những so với Trung Hoa mà còn với các quốc gia trong khu vực, dường như trở thành ưu tiên hàng đầu và cũng đạt hiệu quả nhất.
Dĩ nhiên, đằng sau lựa chọn này, ngoài động lực thoát khỏi ám ảnh văn hóa Hán và áp lực văn hóa Pháp, là nền tảng học vấn và phương pháp làm việc đã thay đổi theo hướng khoa học, hiện đại hơn.
Chẳng hạn, với Phạm Quỳnh, vì là trí thức Tây học và từng có quãng thời gian làm thông ngôn Viện Viễn Đông Bác cổ, ông đã tinh nhạy nắm được phương pháp nghiên cứu địa lí nhân văn để tìm hiểu lời ăn tiếng nói của người nông dân Bắc Kỳ, nơi, vào thời điểm đó, vẫn được coi là tiêu biểu cho tính cách Việt vì chưa bị văn hóa mới xâm thực.
Coi ca dao, tục ngữ, dân ca là dữ kiện văn học - xã hội, Phạm Quỳnh đã cắt nghĩa rất tài tình các luật tục, lễ hội, và nhất là "tâm hồn người dân quê".
Từ đó, chỉ ra sự khác biệt của văn học bình dân so với văn học viết của nhà nho: “Trong khi bằng những câu thơ bác học, các nhà nho ca ngợi những con người và những sự vật Trung Hoa, thì những bình dân lại tìm được những giọng điệu như vậy để biểu hiện hoài niệm tình yêu và nỗi buồn kỉ niệm”.
Cũng với cách làm tương tự nhưng thiên về phân tích khoa học, trong Kinh thi Việt Nam (1940), Trương Tửu đã dừng lại, với thái độ trân quý rất mực, trước những câu ca biểu thị “đàn bà Việt Nam đã lật úp hết tất cả các giường mối của luân lý phụ quyền, đi đến một nghịch điểm cực kỳ thái quá”, chẳng hạn: “Chồng đánh bạc, vợ đánh bài/ Chồng hai ba vợ, vợ hai ba chồng”.
Rõ ràng, trong cái nhìn của Trương Tửu, phá vỡ trật tự đạo đức Nho giáo là tính cách nổi bật của người dân lao động, kéo theo sự tồn tại tương đối biệt lập của văn hóa dân gian so với văn hóa bác học. Tựu chung, theo ông, phong dao, tục ngữ đã "chứng thực cái tinh thần cốt yếu của dân Việt Nam" là "sự chống đối Nho giáo, chống đối nạn Trung Quốc hóa".
Cùng với hoạt động bài Hoa mà Đào Trinh Nhất đã nhắc đến trong Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ (1924), việc bóc tách đâu mới đích thực là phạm vi ảnh hưởng của Nho giáo trong văn chương, xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX rõ ràng đang cố gắng thoát cái bóng Trung Hoa đã bao trùm cả ngàn năm.
Đấy có lẽ là sự vận động tất yếu khi mà ý thức quốc gia dân tộc đã trưởng thành không ngừng sau bao năm cập nhật phương Tây và đồng thời, dù chưa triệt để, đã bắt đầu tìm kiếm được nội lực của mình.
Nhìn chung, tiểu luận của Phạm Quỳnh và Kinh thi Việt Nam của Trương Tửu là những dẫn giải sắc sảo, thú vị và, điều này rất đáng lưu ý, cách tiếp cận này cho thấy dấu vết của dân tộc học văn học khi xử lí các mẫu hình ngôn ngữ/ lời nói phổ biến trong dân gian, nhờ đó, khái quát đặc trưng xã hội hay đúng hơn, căn tính (identity) dân tộc.
Cách tiếp cận đó cũng nằm trong xu hướng khảo sát xã hội Việt Nam từ văn hóa dân gian của các học giả Pháp bấy giờ, mà đại diện tiêu biểu là G. Dumoutier (1850-1904) với Những bài hát và truyền thống bình dân của người An Nam (1890) hoặc L. Cadière (1869-1955) với hàng chục tiểu luận đăng trên Tạp chí Viễn Đông Bác cổ, Tạp chí Đông Dương...
So với nghiên cứu folklore hiện nay, các nghiên cứu trên vẫn hết sức mới, hiện đại dù bị khuất lấp khá lâu.
Đương nhiên, với các khảo cứu đi tìm căn tính, tâm lí dân tộc thì vẫn có hạn chế riêng: quan điểm văn hóa như là sự phóng chiếu tâm lý, tính cách chỉ có thể sáng rõ và kiểm chứng thuyết phục ở những xã hội vẫn giữ ổn định các cấu trúc truyền thống nhưng sẽ khó thấu suốt ở những xã hội thường xuyên biến đổi, hoặc lai pha nhiều mẫu hình.
(Nguồn: http://antgct.cand.com.vn/)