Tự hào “Làng Chăm ơn Bác”

18/09/2015

Cách đây 30 năm, nhạc sĩ Amư Nhân đã sáng tác ca khúc“Làng Chăm ơn Bác” để thể hiện tấm lòng của ông và đồng bào Chăm đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

30 năm trước, nhạc sĩ Amư Nhân (ở làng Chăm Phú Nhuận, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) đã sáng tác ca khúc “Làng Chăm ơn Bác” để thể hiện tấm lòng của ông và đồng bào Chăm đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đây là ca khúc hay của người Chăm về Bác trong các buổi sinh hoạt chính trị và sinh hoạt cộng đồng, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhân dịp Tết Độc lập, Việt Quốc, phóng viên Cơ quan thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh có bài viết “Tự hào Làng Chăm ơn Bác” nói về tình cảm của người dân làng Chăm Phú Nhuận với Bác Hồ kính yêu.


Ca khúc Làng Chăm ơn Bác của nhạc sĩ Amư Nhân.

Bài hát “Làng Chăm ơn Bác” được nhạc sĩ Amư Nhân sáng tác vào năm 1985 - năm ông được ra thăm quê Bác. Sau khi trở về, với tình cảm dạt dào trong tận đáy lòng, nhìn thấy những đổi thay tích cực trong đời sống của đồng bào trên quê hương, ông đã viết nên ca khúc này. “Làng Chăm ơn Bác” mang âm hưởng dân ca Chăm, vừa da diết vừa dồn dập theo phong cách anh hùng ca, dễ đi vào lòng người. Giai điệu và ca từ toát lên được tình cảm đồng bào Chăm với Bác.

Nhạc sĩ Amư Nhân chia sẻ: "Ngay cả cái tựa đề bài hát rất là mộc mạc. Nó nói lên dân làng Chăm đang đi lên, vì nhờ có Bác Hồ của chúng ta đem lại độc lập tự do cho đất nước. Riêng bản thân tôi là người nhạc sĩ, tôi đã cảm nhận được điều đó và sáng tác để thể hiện tấm lòng của người Chăm đối với Bác Hồ kính yêu".


Nhạc sĩ Amư Nhân - tác giả ca khúc "Làng Chăm ơn Bác"

Làng Chăm Phú Nhuận, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận là bối cảnh ra đời bài hát “Làng Chăm ơn Bác”. Từ đây, bài hát đã vang xa hơn đến các làng Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận và các tỉnh phía Nam. Không riêng gì nhạc sĩ Amư Nhân, mà người Chăm ở làng Phú Nhuận cũng cảm thấy vinh dự về điều này.

Ông Trần Văn Vính, trưởng thôn Phú Nhuận, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước cho biết: "Bài hát này đi rất xa, mà cũng rất gần gũi với làng Chăm chúng tôi. Khi bài hát Làng Chăm ơn Bác cất lên, dân làng Phú Nhuận chúng tôi rất tự hào".


Người dân làng Chăm, ai cũng biết hát "Làng Chăm ơn Bác" của Amư Nhân


Học sinh Trường Tiểu học Phú Nhuận đang hát bài "Làng Chăm ơn Bác".

Niềm tự hào đó được thể hiện qua việc người dân yêu mến và thuộc lòng ca khúc này, cả tiếng Việt lẫn tiếng Chăm. Năm nay ở độ tuổi ngoài 60, thuộc rất nhiều bài dân ca và ca khúc mang âm hưởng dân ca Chăm, bà Lộ Thị Hương cho biết, “Làng Chăm ơn Bác” là một trong những bài hát bà yêu thích, đã mấy chục năm nay, mỗi lần hát là mỗi lần cảm xúc dâng trào.

Đến nay, trong làng hầu như ai cũng thuộc bài hát này. Ông Đổng Hộ, Chủ tịch Hội người cao tuổi thôn Phú Nhuận cho biết: "Con cháu ai cũng noi theo hết. Trong làng này từ người già tới trẻ nhỏ đều biết hát bài đó hết. Hát để tưởng nhớ cái công lao của Bác đã xây dựng đất nước. Và cho đến thế hệ hôm nay, cho dù Bác có mất đi, nhưng Bác vẫn còn trong trái tim chúng tôi".

Thế hệ sau nối tiếp thế hệ đi trước. Niềm tin vào Chủ tịch Hồ Chí Minh cứ thế sống mãi với thời gian, trong nhịp đập trái tim của người dân làng Chăm Phú Nhuận, Ninh Thuận nói riêng và đồng bào Chăm cả nước. Tình cảm ấy vang vọng mãi suốt chiều dài lịch sử dân tộc./.

(Nguồn: http://vov.vn)

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.