Từ dân ca, dân nhạc đến sáng tác mới trong đời sống âm nhạc Đồng bằng sông Cửu Long

29/03/2017

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất mới. Có thể nói là một vùng trũng hoang sơ được phù sa bồi dần trở thành một vùng đất màu mỡ của cực Nam Tổ quốc. Về lúa gạo có thể nói đây là vựa lúa của cả nước những cánh đồng mẫu lớn bạt ngàn. Về cây trái cũng phải nói đứng hàng đầu cả nước. Nhiều loại cây trái thơm ngon từ vùng đất phù sa này nổi tiếng như sầu riêng, măng cụt, xoài, vú sữa, cam quýt, chôm chôm, dừa, mãng cầu, mít, bưởi, bòn bon... nhiều lắm những thứ ngon.

Do cảnh quan địa lý sông rạch chằng chịt tạo nên vùng đất này trở thành vùng đa sinh thái, cho nên vùng đất này rất giàu thủy hải sản như: tôm, cua, rùa, rắn, nghêu, sò, ốc, hến, cá, lươn... tạo nên một nguồn  thực phẩm dồi dào cho cư dân miền sông nước chúng ta. Cá đồng nhiều chủng loại như: các lóc, cá trê, cá rô, cá thác lác, cá sặt... Cá sông như: cá bông lau, cá ba sa, cá mè vinh, cá ngát, cá linh... Cá nước lợ như cá kèo, cá đối, cá lăng...

ĐBSCL trước đây là vùng đất thấp mới được bồi đắp đầy rừng rậm, cọp beo thú dữ. Ông cha ta từ miền Bắc, miền Trung đã vào Nam khẩn hoang. Ngay những ngày đầu ông cha ta đã phải đối mặt với biết bao khó khăn, thử thách trên bước đường chinh phục thiên nhiên, thuần hóa đất đai, lập làng lập xóm, dựng nghiệp trên vùng đất mới này. Nơi đây ngày xưa đất rộng người thưa, cư dân sinh sống rất ít. Sau những giờ lao động mệt nhọc mới tụm năm, tụm ba lại bên chung trà, ly rượu giải khuây đàn ca hát xướng. Loại hình đờn ca tài tử được hình thành từ đây. Ở nông thôn có thể nói trong 10 gia đình, đã có 7  đến 8 gia đình biết chơi đờn ca tài tử. Có thể nói loại hình này rất thông dụng, dễ chơi, dễ học thời bấy giờ. Bốn nhạc cụ thông dụng của loại hình đờn ca tài tử là kìm, cò, tranh, độc (tứ tuyệt: đàn kìm, đàn cò, đàn tranh, đàn độc huyền). Đàn ghita phím lõm sau này mới có. Hai mươi bản tổ của đờn ca tài tử là Lưu thủy, Phú lục, Bình bản, Cổ bản, Xuân tình, Tây thi, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Tiểu khúc, Vạn giá, Xàng xê, Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung, Phụng hoàng, Phụng cầu, Giang nam, Tứ đại oán. Vọng cổ sau này từ bài “Dạ cổ hoài lang” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu mới hình thành và ra đời.

Nói đến ĐBSCL là phải nói đến loại hình nghệ thuật “Đàn ca tài tử” được cha ông ta mang vào từ miền Bắc, miền Trung, từ cung đình Huế khi vào Nam khai hoang lập ấp, những lúc rảnh rỗi ngồi lại ngâm nga đàn hát giải khuây, giải sầu. Từ ấy đến nay vẫn còn lưu truyền đến bây giờ thành một lọai hình nghệ thuật thông dụng của người dân miền sông nước đồng bằng. Và mới đây loại hình này đã được UNESCO công nhận là loại hình nghệ thuật phi vật thể di sản của thế giới.

ĐBSCL còn có thể nói ở đây là một kho tàng dân ca tìm ẩn trong dân gian. Trong lao động đã tạo cho con người ta nhu cầu thẩm mỹ và lao động cũng đem lại hình thức biểu hiện đầu tiên về nghệ thuật. Trong lao động giúp cho con người ta phát triển  khả năng tư duy và trí tưởng tượng phong phú giúp cho con người sáng tạo ra âm nhạc. Ở ĐBSCL từ thuở khai hoang mở cõi đã sản sinh ra một kho tàng dân ca vô giá bắt nguồn từ những câu hò, điệu lý, hát, kể cả nói thơ, nói vè,... Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang đã bỏ công sưu tầm về hò, lý ở ĐBSCL trên mấy trăm bài mà vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều.

Ngày xưa, nơi đây hoang sơ, đất rộng người thưa sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Trên các kênh rạch, đồng ruộng, mảnh vườn, trước sân nhà trong lao động âm vang những câu hò, điệu lý. Những giọng hát thể hiện tình cảm của người dân sống nơi miền sông nước. Những câu hò cho ta một làn điệu mênh mông, gợi nhớ những cánh đông bát ngát, những con sông dài dằng dặc. Những người dân lao động hăng say trong câu hò điệu lý, muốn gửi gắm trong tâm tư tình cảm của mình cũng như để than thân trách phận hẩm hiu và cũng để quên đi  những nhọc nhằn trong lao động. Câu hò còn trải dài trên sông trong những đêm khuya thanh vắng với mái chèo khua nước tạo nên một âm thanh sâu lắng ngọt ngào. Hay trên những đồng ruộng mênh mông vào mùa cấy, mùa gặt nam thanh nữ tú để giải khuây quên đi nỗi mệt nhọc, họ cất lên những giọng hò đối đáp và cũng là để bày tỏ nỗi lòng với người thương. Rồi bắt nguồn từ đó, họ yêu thương nhau, gắn bó với nhau rồi thành chồng thành vợ. Hoặc trên ghe tam bản trôi trên sông khách thương hồ giọng hò lại vang xa với niềm u uất trách duyên phận mình.

Có thể nói trong lao động dễ phát sinh những sáng tạo ra âm nhạc của những cư dân thuở ấy. Nhìn cái gì cũng có thể hò được, lý được... Thí dụ như: Hò mái dài, Hò mái đoản, Hò cấy, Hò xay lúa, Hò gặt, Hò huê tình, Hò đối đáp… Lý thì có Lý cây chanh, Lý cây bưởi, Lý qua cầu, Lý thương nhau, Lý đương đệm, Lý ba sa kéo chỉ, Lý con khỉ,... Nói thơ thì có: Nói thơ Vân Tiên, Nói thơ Sáu Trọng, Nói thơ Thầy Thông Chánh, Nói thơ Bạc Liêu...

Ở ĐBSCL khoảng năm 1946 có lệnh cấm bài ca vọng cổ vì cho là bài vọng ướt át, lâm li sẽ làm mềm lòng chiến sĩ. Chủ trương của chính quyền cách mạng là phải tìm một loại hình nào đó  thay thế vọng cổ. Lúc đó ở Bạc Liêu có ông Thái Đắc Hàng đã thành công trong việc làm này. Ông lấy bài thơ “Mười thương” của Phi Bằng mà chế tác ra “Nói thơ Bạc Liêu”. Ông kế thừa và phát triển từ “Nói thơ Vân Tiên”, Sáu Trọng mà ra. Nói thơ có nhạc đệm bằng nhạc cụ cổ nhạc, sau này phát triển bằng đàn guitar tân nhạc.

ĐBSCL là chiếc nôi của loại hình đàn ca tài tử và là kho tàng dân ca của cư dân miền sông nước. Chính sông ngòi chằng chịt ở vùng đất này dã tạo nên cho con người ở đây tâm hồn phóng khoáng, cởi mở, luôn hăng say lao động cần cù. Nhưng cũng biết nghỉ ngơi thưởng thức đàn ca, hát xướng. Cũng chính những làn điệu dân ca, những câu hò điệu lý đã có từ bao giờ luôn ăn sâu vào tâm hồn người dân ở đây vốn mộc mạc, chân tình nhưng cũng đầy nghĩa khí đã khắc họa hình ảnh nhân cách của người dân nơi đây trải qua bao thế hệ làm nên mảnh đất ĐBSCL trù phú và giàu đẹp như hôm nay.

Từ những câu dân ca đậm chất miền sông nước và loại hình “Đàn ca tài tử” đã tạo nên những giai điệu tuyệt vời, không nhầm lẫn vào đâu được với những sáng tác mới của các nhạc sĩ trong đời sống âm nhạc ở ĐBSCL. Có thể nói bắt đầu từ:

  • Lên đàng của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (Ô Môn, TP. Cần Thơ).
  • Nam bộ kháng chiến của Tạ Thanh Sơn (Vĩnh Long).
  • Kỵ binh Việt Nam của Nguyễn Minh Triết (Vĩnh Long).
  • Tiểu đoàn 307 của Nguyễn Hữu Trí (Bạc Liêu).
  • Tầm vu của Đức Nhẫn (Ô Môn, TP. Cần Thơ).

Đây là những sang tác nổi tiếngcủa các nhạc sĩ ở ĐBSCL trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Sang thời kỳ chống Mỹ một số sáng tác tiêu biểu như:

  • Trăng về Cần Thơ của Thế Phương (Bạc Liêu).
  • Khi thành phố của chúng ta xuống đường của Thanh Trần (Cà Mau).
  • Chiếc ba lô xanh của Lý Cảnh (Hậu Giang).
  • Gởi anh trên lộ Vòng cung của Minh Viễn (An Giang) và Huỳnh Anh Dũng (Kiên Giang).
  • Hồ Thị Kỷ tên gọi tự hào của Phan Thao (Cà Mau).
  • Hợp xướng 4 chương Cửu Long Giang của Phan Miêng.
  • Ánh lửa đêm của Quang Phong (Cà Mau).
  • Đại thắng chà là của Lê Lương (Bạc Liêu).

Những nhạc sĩ xuất thân ĐBSCL đã cho ra đời nhiều tác phẩm giá trị như:

  • Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người của Trần Kiết Tường (Ô Môn, TP. Cần Thơ).
  • Trở về dòng sông tuổi thơ của Hoàng Hiệp (An Giang).
  • Cần Thơ mến yêu của Đắc Nhẫn (TP. Cần Thơ).
  • Chiều về trên sông Ô Môn của Triều Dâng (Ô Môn, TP. Cần Thơ).
  • Lá xanh của Hoàng Việt (Tiền Giang).
  • Vở opéra Người giữ cồn của giáo sư Ca Lê Thuần (Bến Tre).
  • Trường làng tôi của Phạm Trọng Cầu (Vĩnh Long).

Từ những làn điệu dân ca miền sông nước, các nhạc sĩ đã sáng tác những tác phẩm giá trị để lại cho muôn đời sau. Tôi tin rằng các nhạc sĩ kế thừa của chúng ta hôm nay sẽ cho ra đời nhiều tác phẩm giá trị hơn nữa, đóng góp vào đời sống âm nhạc ĐBSCL cùng với các thế hệ đi trước tạo thành một dòng chảy âm nhạc rộn ràng trên mảnh đất này. ĐBSCL vùng đất mới tin rằng âm nhạc chúng ta sẽ có nhiều cái mới xuất hiện.

N

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...