Từ “Chiếc khăn rơi” đến “Chiếc khăn Piêu”

27/02/2015

Bài hát “Chiếc khăn Piêu” đã góp phần ngợi ca và giới thiệu với cộng đồng về chiếc khăn Piêu của người phụ nữ Thái.

Trong các chương trình ca nhạc vài năm trở lại đây, bài hát “Chiếc khăn Piêu” (tên gọi cũ Chiếc khăn rơi) của nhạc sĩ Doãn Nho sáng tác dựa trên chất liệu dân ca, qua giọng hát ca sĩ Tùng Dương đã chiếm được cảm tình của khán thính giả. Đây là bài hát nói về tình yêu thông qua chiếc khăn Piêu mà một số dân tộc thiểu số ở Tây Bắc thường dùng. Đặc biệt được sử dụng nhiều nhất là dân tộc Thái.

“Em xe sợi thành vóc hoa dâu/Em dệt cửi thành gấm vân chéo/Em dệt tơ thành đóa hoa vàng/Người các bản đều ước ao được em thêu khăn” (Dân ca Thái).

Khăn Piêu của phụ nữ Thái mang một nét riêng thật hấp dẫn, độc đáo. Piêu có nhiều loại khác nhau, có loại được thêu hoa văn bằng chỉ màu sặc sỡ, có loại chỉ là một tấm vải bông nhuộm chàm, tùy từng vùng, từng địa phương mà Piêu có những sắc thái riêng của nó. Piêu có tác dụng che đầu khi nắng gió, làm ấm đầu khi mùa đông giá lạnh... Piêu còn là vật trang sức quan trọng của các cô gái Thái trong sinh hoạt hằng ngày, nhất là trong lúc đi chơi hay dự lễ hội.


Từ niềm đam mê âm nhạc truyền thống, nghệ nhân Rơ Chăm Tih
đã tạo ra công ăn việc làm với thu nhập ổn định cho nhiều người
(Ảnh: VnExpress)

Để có một chiếc Piêu hoàn chỉnh, người phụ nữ Thái phải mất thời gian từ hai đến bốn tuần. Trước khi thêu, miếng vải được chọn làm khăn đội đều phải nhuộm chàm. Chàm là màu nền để trên đó người phụ nữ Thái thêu lên các họa tiết, hoa văn bằng các loại chỉ màu (xanh, đỏ, tím, vàng, da cam....) ở hai đầu khăn. Trước khi thêu các hình trang trí, phụ nữ Thái ghép mảnh vải đỏ làm viền. Đường viền vải đỏ bọc ở ba mép đầu khăn rộng trên dưới 1 cm.

Phụ nữ Thái có cách khâu luồn rất khéo léo để hạn chế tới mức tối đa đường chỉ lộ ra ngoài tạo cho đường viền màu đỏ và nền chàm của khăn liền làm một. Sau khi ghép viền, chị em làm những chiếc cút để đính vào Piêu. Cút Piêu được làm từ một mảnh vải đỏ rộng khoảng 1 cm, bên trong bọc lõi chỉ rồi cuộn tròn lại. Cuộn vải tròn được khâu vắt thành một hình tròn rồi quấn dây vải lại theo hình trôn ốc, sau đó được quấn thêm các loại chỉ màu. Đối với các cút Piêu đòi hỏi kỹ thuật rất cầu kỳ, chỉ có những người thành thạo mới biết làm.

Các cút Piêu được đặt trên ba đoạn thẳng của mỗi đầu khăn. Còn chính bốn góc của khăn, chị em dùng dây làm cút còn dư tết thành hình bông hoa cách điệu. Cút Piêu thường được sắp xếp thành từng chùm lẻ (3, 5, 7 cái) trên các vị trí cách đều nhau ở hai đầu khăn, bởi vậy cút ở trên Piêu bao giờ cũng là cút chùm. Bình thường phụ nữ Thái thường đội Piêu có cút chùm ba, nhưng khi tặng Piêu cho người bậc trên, người mình quý trọng, kính yêu thì tặng loại Piêu có cút chùm năm trở lên...

Sau khi bọc viền và ghép cút Piêu xong, phụ nữ Thái bắt đầu công việc thêu. Khi thêu những họa tiết hoa văn lên hai đầu khăn, họ nhìn theo mẫu, song không rập khuôn một cách máy móc. Trong quá trình thêu, họ có thể sáng tạo theo ý muốn chủ quan của mình.

Nét đặc biệt là phụ nữ Thái không thêu Piêu ở mặt phải (như lối thêu thông thường) mà lại thêu từ mặt trái, các hoa văn với màu sắc phức tạp lại hiện lên ở mặt phải, đó là lối thêu truyền thống với trí tưởng tượng của kỹ thuật và mỹ thuật dân gian tài tình.

Piêu được tạo theo lối luồn chỉ hay đan chỉ màu vào vải, nhưng cái khó là phải tính toán theo một nguyên tắc nhất định để luồn chỉ vào mặt trái và hoa văn lại hiện lên chính xác ở mặt phải. Hoa văn Piêu không đơn giản, điểm xuyết mà là một hệ thống có bố cục nội dung phức tạp, đòi hỏi người phụ nữ Thái phải nắm chắc nguyên tắc kỹ thuật, phải thuộc các kiểu hoa văn với hai mặt phải, trái của nó.

Con gái Thái từ 6,7 tuổi phải làm quen với bông, sợi, dệt vải; 12, 13 tuổi bắt đầu làm quen với công việc thêu thùa. Việc học dệt vải và học thêu khăn Piêu là bài học phổ thông, tất yếu của mọi thành viên nữ trong nếp sống của cộng đồng dân tộc Thái, bởi vậy Piêu còn là một tiêu chuẩn xã hội để đánh giá một phụ nữ. Qua chiếc Piêu có thể biết được tài năng chủ nhân của nó. Cùng với váy, áo, nón đội, thắt lưng, khăn Piêu góp phần tạo nên một nét đẹp, một sắc thái riêng, hấp dẫn về trang phục truyền thống của dân tộc Thái.

Trong đời sống tình cảm của người Thái, trai gái yêu nhau còn nhờ chiếc khăn Piêu nói hộ lòng mình. Lúc xa nhau, các cô gái thường tặng chàng trai mình yêu mến chiếc khăn Piêu đẹp nhất. Chiếc Piêu từ giây phút đó trở thành cầu nối tình yêu của họ. Đối với chàng trai, khăn Piêu ghi dấu tài hoa, hơi ấm bàn tay cô gái mình yêu.


Ca khúc: Chiếc khăn Piêu - Thể hiện: Tùng Dương

Bài hát “Chiếc khăn Piêu” là một cách nhìn về tình yêu của người Thái đầy kịch tính mà nhạc sĩ Doãn Nho đã khéo vận dụng: “Nghe con chim cúc cu kìa nó hát lên một câu rằng/ Có một nàng ở trong rừng tìm trong rừng, kiếm trong rừng chiếc khăn Piêu/ Chiếc khăn Piêu thêu chỉ hồng để gió quốn bay về đâu/ Chiếc khăn Piêu thêu chỉ hồng để gió cuốn bay về đây, vương trên cây/ Thôi này đừng tìm trong rừng, lạc trong rừng, nát hoa rừng, khăn Piêu đây/ Có phải thắm thiết duyên nhau, chiếc khăn để làm mối nối duyên nhau, thời tôi chờ/ Nhắn tin theo cùng gió khăn còn đây đợi người…”

Đã gần 60 năm tồn tại, bài hát “Chiếc khăn Piêu” với nhiều giọng hát khác nhau đã đi vào lòng người và nó đã đứng vững trên sân khấu chuyên nghiệp và trong phong trào nghệ thuật quần chúng. Nó còn góp phần ngợi ca và giới thiệu với cộng đồng về chiếc khăn Piêu đáng trân trọng và đang được lưu giữ./

(Nguồn: http://vov.vn)

H

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.