Truyền hình trẻ em, hát bài người lớn: Có đáng lo?
"Nếu phải hát những bài như ‘Ba thương con, vì con giống mẹ’ thì không thể nào đủ tầm cho các bé", Lam Trường nhấn mạnh.
Ngay thời điểm các chương trình truyền hình thực tế có sự tham gia của trẻ em được khai thác trên sóng truyền hình, không ít lần những ý kiến trái chiều xung quanh việc các ca khúc được sử dụng có thật sự phù hợp với lứa tuổi đã đem ra để bàn tán và phân tích. Nhiều câu hỏi, thắc mắc được đặt ra, “Vì sao trẻ em lại hát nhạc người lớn?”, “Các bé có hiểu hết ý nghĩa của những ca khúc mình hát”, “Kho tàng nhạc thiếu nhi đã đến hồi cạn kiệt?”… Tuy nhiên, với những người trong cuộc, điều này không có gì đáng phải tranh luận và lo ngại.
Khi trẻ con hát nhạc quá tuổi
Ngay trong mùa đầu tiên của Giọng hát Việt, khán giả đã được chứng kiến những cô cậu bé cất cao giọng với I will always love you (Thu Hà), Tomorrow (Kiều Vy), Biển nhớ (Vũ Song Vũ), Thu cạn (Tùng Hiếu). Đến vòng liveshow, thí sinh Cao Khánh được khán giả đánh giá là phải mặc chiếc áo quá khổ với Vết chân tròn trên cát. Theo đó, cậu bé trong trang phục bộ đội gần như chới với khi cố gồng để thể hiện một sáng tác quá sức về mọi phương diện. Tương tự, một vài thí sinh khác cũng được huấn luyện viên giao cho những ca khúc vốn được sáng tác dành cho nhu cầu và suy nghĩ của các khán giả trưởng thành cho người lớn.
Trong The Voice Kids mùa 1, Cao Khánh chới với khi cố gồng để thể hiện một sáng tác quá sức về mọi phương diện là Vết chân tròn trên cát.
Để tránh trường hợp này tái diễn, trước khi mùa thứ 2 của The Voice Kids khởi động, ban tổ chức đã tổ chức cuộc vận động sáng tác để làm phong phú thêm kho tàng ca khúc để phục vụ riêng cho chương trình. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại không được như mọng đợi. Lý giải về điều này, Ban tổ chức cho biết các ca khúc được tác giả gửi về không phù hợp với tiêu chí chất lượng của chương trình, nhiều tác phẩm có ca từ chỉ phù hợp với các bé từ 5-7 tuổi.
Đến khi tập đầu tiên được lên sóng cho đến hiện tại, khi chương trình gần kết thúc, những ca khúc khó về nội dung lẫn cách thể hiện liên tục được vang lên. Khán giả không khỏi ngạc nhiên khi cô bé 9 tuổi Cao Lê Hà Trang phải hát ca khúc Độc huyền cầm với ca từ được nhận xét là thậm chí ngay cả người lớn cũng chưa thể hiểu trọn vẹn:“Lơ lửng cùng nàng đang nức nở. Chốn ra hoa chỉ là cõi mơ hồ. Người với người sao không nhân ái để mang chi cả tiếng cười bi ai”.
Hà Trang được giao thể hiện ca khúc vừa khó về nội dung lẫn cách thể hiện là Độc huyền cầm.
Video Độc huyền cầm - Hà Trang Độc huyền cầm - Hà Trang.
Ru lại câu hò của Thiên Nhâm cũng được nhận xét là mang nội dung bi lụy trong chuyện tình cảm nam nữ với “Nhung nhớ cũng đành ru lại câu lại hò thủy chung. Nhung nhớ cũng đành như một con đò lẻ loi”.
Không riêng với The Voice Kids, Đồ Rê Mí qua nhiều mùa tổ chức vẫn giữ lập trường trung thành với các ca khúc cho thiếu nhi, nhưng trong mùa thi vừa kết thúc, các thí sinh nhí đã dần được thử sức với Bóng cây K’nia, Và tôi cũng yêu em, Đêm Trường Sơn nhớ bác, Nobody của nhóm nhạc Hàn Quốc Wonder Girls … khiến các bậc phụ huynh có con nhỏ theo dõi chương trình không khỏi ngỡ ngàng.
Bài hát thiếu nhi nếu có chỉ để phù hợp chủ đề
Trao đổi về quá trình chọn ca khúc cho các thí sinh, nhạc sĩ Lưu Thiên Hương – giám đốc âm nhạc cho biết đây là một trong những khâu vất vả và khó khăn nhất cho cô và các huấn luyện viên. Lưu Thiên Hương nói: “Càng vào sâu, lượng bài càng hiếm, tôi cũng muốn tránh lập lại bài của năm trước nên vốn càng hạn hẹp. Mỗi khi quyết định đưa ra một bài, tôi và các huấn luyện viên đều chú ý đến việc phải giúp các bé khoe được quãng giọng, đúng với chất, nội dung phù hợp, có cơ sở đề hòa âm, phối khí mới cũng như dàn dựng ý tưởng sân khấu… Còn những bài thiếu nhi, nếu có cũng chỉ phù hợp về chủ đề chứ chưa đáp ứng được điều này”.
Theo giám đốc âm nhạc Lưu Thiên Hương, những bài thiếu nhi, nếu có cũng chỉ phù hợp về chủ đề chứ chưa đáp ứng được những yêu cầm về yếu tố chuyên môn.
Trước ý kiến cho rằng các ca khúc xuất hiện trong Giọng hát Việt nhí 2014 không phù hợp với độ tuổi cũng như khả năng thí sinh, cô thẳng thắn cho biết: “Tôi nghĩ những ca khúc này hoàn toàn vừa sức. Trong quá trình làm việc khoảng nửa năm nay, tôi hiểu và nắm bắt được khả năng, sở trường và biết các em sẽ làm được đến đâu. Tuy nhiên khi lên sân khấu, do tâm lý nên không thể hiện tốt bằng lúc tập. Điều này đôi khi dẫn đến những sạn nhỏ khiến khán giả nghĩ rằng các em phải hát những ca khúc vượt quá tầm. Bên cạnh đó, ở lứa tuổi trăng tròn khoảng 14 - 15 cũng có thể hát những ca khúc có chủ đề tình yêu trong sáng, nhẹ nhàng”.
Đồng tình với chia sẻ trên, nhạc sĩ Minh Vy - người phía sau hỗ trợ cho team Cẩm Ly cho biết: “Có thể vốn các ca khúc thiếu nhi đang khá thiếu hụt, nhưng với Đồ Rê Mí thì có phần dễ dàng. Còn với giọng hát Việt nhí, đa số các bé nằm ở độ tuổi từ 12 - 14. Đây là thời điểm đã vượt qua ngưỡng được xem là con nít, thậm chí nếu cho hát những bài của trẻ em, các bé cũng không chịu”.
Huấn luyện viên Lam Trường cũng không nằm ngoài trăn trở trên: “Nếu phải hát những bài như ‘Ba thương con, vì con giống mẹ’ thì không thể nào đủ tầm các bé. Nếu ép phải trình diễn những bài thế này thì rất tội nghiệp bởi không không tài nào có đất để thể hiện nội lực được. Khả năng các bé bây giờ rất giỏi, có thể hát nhiều thể loại nhạc, và thậm chí là hát tốt”.
Lam Trường luyện tập cho thí sinh.
Khán giả không nên áp đặt suy nghĩ nặng nề
Chịu không ít nghi ngại và định kiến từ khán giả, với Lam Trường, điều khiến anh cũng như các huấn luyện viên gặp nhiều khó khăn: “Có những bài dù chủ đề rất phù hợp như tình cảm gia đình, tình bạn, tình yêu quê hương đất nước, nhưng nếu các ca khúc này đã được các ca sĩ lớn hát quá nhiều thì ngay lập tức, khán giả sẽ có định kiến và mặc định đây là những bài quá già, quá lớn so với tuổi các em”.
"Như trong Ru lại câu hò của Thiên Nhâm, các bé cũng cần biết đây “thủy chung” là một từ rất tốt đẹp. Nói thẳng ra nếu thời điểm hiện tại, nếu không có sự quản lý của gia đình, nhà trường, các em lên mạng còn nghe bao nhiêu từ khủng khiếp hơn nữa. Trong khi đây là ca khúc đã được chấp nhận trong lòng khán giả. Mong khán giả đừng áp đặt suy nghĩ của mình quá nặng nề”, anh Hai nói.
Video Ru lại câu hò - Thiên Nhâm Ru lại câu hò - Thiên Nhâm.
Nhạc sĩ Minh Vy cũng cho biết yếu tố dàn dựng cũng là một trong những lý do khiến khán giả cảm thấy tiết mục không phù hợp với các thí sinh của The Voice Kids. Anh nói: “Nhiều trường hợp các ca khúc không quá khó cảm nhận, nhưng do cách thể hiện, ý tưởng sân khấu khiến màn trình diễn trở nên quá nặng nề, trừu tượng. Từ đó người nghe cũng sẽ bị chi phối cảm xúc.
Để tránh việc các ca từ quá tuổi so với các thí sinh, các huấn luyện viên đã nghĩ đến việc thay đổi lời như Sóng tình thành Sóng tình bạn của team Thanh Bùi hay Thương nhau lý tơ hồng đã được Cẩm Ly sửa lại thành một ca khúc nói về tình yêu đôi lứa trở thành tình cảm giữa người dân hai miền đất nước. Tuy nhiên, việc này không diễn ra thường xuyên và chỉ áp dụng với những ca khúc có ý tứ “người lớn” quá rõ ràng.
Thương nhau lý tơ hồng của Thiện Nhân và Mai Chí Công được đổi lời và dàn dựng để khán giả cảm nhận đây là một đêm hội Trung thu của những đứa trẻ, chứ không phải chuyện tình cảm nam nữ.
Nói về màn song ca Thương nhau lý tơ hồng được Thiện Nhân và Mai Chí Công thể hiện trong đêm bán kết 1 vừa qua, ông xã huấn luyện viên Cẩm Ly cho biết ngay khi vừa công bố sẽ trình diễn ca khúc này, nhiều ý kiến không hài lòng cũng như tỏ ý nghi ngờ vì nội dung không phù hợp.
Xác định được điều này từ những ngày đầu, nên anh và Cẩm Ly phải nghĩ ngay đến việc đổi lời bài hát thật khéo léo sao cho không nằm ngoài thông điệp của bài hát nhưng khán giả và thí sinh vẫn phải chấp nhận được. Bên cạnh đó, việc dàn dựng để khán giả cảm nhận đây là một đêm hội Trung thu của những đứa trẻ, chứ không phải chuyện tình cảm nam nữ. Từ đó người xem chắc chắn có cảm nhận nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Anh nói thêm: “Huấn luyện viên nên tìm cách để có thể quy định ý nghĩa của từng tiết mục cho khán giả, chứ đừng để khán giả tự áp đặt suy nghĩ cho mình”.
(Nguồn: http://www.baomoi.com)