“Trường Sa ơi” – lời nhắn giữ trọn biển đảo bằng âm nhạc

23/05/2014

Ca khúc mới “Trường Sa ơi” của NS Phạm Ngọc Khôi như lời nhắn gửi gìn giữ trọn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhạc sĩ - NSƯT Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam, Giám đốc Dàn nhạc dân tộc Việt Nam vừa hoàn thành ca khúc “Trường Sa ơi”, lời thơ của tác giả Phan Hữu Tuấn.

Ca khúc không chỉ là lời nhắn gửi về việc gìn giữ chủ quyền biển đảo quê hương mà còn là một món quà ý nghĩa dành tặng cho công chúng yêu nhạc cả nước. Phóng viên VOV đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi về ca khúc mới “Trường Sa ơi”.


Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi

PV: Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi và tác giả Phan Hữu Tuấn đã có dịp đặt chân đến Trường Sa lần nào chưa, thưa ông?

NS Phạm Ngọc Khôi: Chúng tôi đã từng đến Trường Sa nhưng vào hai thời điểm khác nhau. Tôi đến Trường Sa cách đây lâu lắm rồi, lúc đó tôi chưa được lên đảo lớn như bây giờ. Ngày xưa Trường Sa khó khăn nhiều lắm, lại chưa có cả nước ngọt.

Tuy là hai thời điểm ra Trường Sa khác nhau nhưng chúng tôi có chung một suy nghĩ rằng: tình cảm giữa Trường Sa với đất liền, giữa quân với dân vẫn mãi vẹn nguyên như thế. Đất liền luôn là hậu phương vững chắc, là điểm tựa, là động lực cho anh em chiến sĩ. Nhân dân và các chiến sĩ nơi đảo xa là những người phải hy sinh rất lớn, phải chịu nhiều gian khổ. Chúng tôi - những người con đất Việt ai cũng mong muốn được sẻ chia, được góp một phần tấm lòng, trách nhiệm đối với biển đảo quê hương.

PV: Chính vì lẽ đó mà nhạc sĩ đã viết ca khúc “Trường Sa ơi”?

NS Phạm Ngọc Khôi: Viết về Trường Sa, biển đảo Việt Nam cũng là một trong những đề tài mà tôi hướng đến. Tôi nghĩ rằng, đây cũng là mong muốn chung của tất cả các nhạc sĩ, những người làm công tác nghệ thuật.


Nghe ca khúc "Trường Sa ơi"

Khi đọc những câu thơ đầy cảm xúc trong bài “Trường Sa ơi” của tác giả Phan Hữu Tuấn, tôi đã được gợi mở rất nhiều. Trường Sa không chỉ có sự hùng vĩ của biển và trời mà ở đó còn có sự sẻ chia, đồng cảm với các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Đó không phải là hiện tại mà còn là truyền thống, lớp cha anh của chúng ta đã hy sinh để bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền của đất nước. Mỗi tấc đất, tấc biển là gia tài của cha ông để lại và việc bảo vệ chính là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi chiến sĩ, mỗi công dân.

Âm nhạc cũng là một bộ phận luôn đồng hành cùng đất nước, cùng lịch sử, cùng dân tộc trong đời sống văn hoá, chính trị và xã hội. Viết ca khúc “Trường Sa ơi”, tôi đã phần nào thể hiện được tấm lòng, trách nhiệm với biển đảo quê hương.

PV: Nhạc sĩ đã mất bao lâu để phổ nhạc xong ca khúc này?

NS Phạm Ngọc Khôi: Tôi phổ nhạc ca khúc này trong khoảng 1 tuần lễ. Ý thơ rất đồng điệu với phần âm nhạc. Trong bài thơ, tác giả đã viết những câu thơ đầy cảm xúc như: “Ôi đất mẹ Việt Nam yêu dấu. Các anh - những chiến sĩ Hải quân sinh ra từ đất mẹ, giờ đây đứng canh thềm lục địa. Nơi của chủ quyền, cờ của Tổ quốc tung bay”… Tất cả những yếu tố đó gợi mở cho những nốt nhạc đầu tiên để từ đó phát triển đến cao trào và kết.

Với ca khúc “Trường Sa ơi”, tôi chọn một ngôn ngữ âm nhạc rất Việt Nam, mộc mạc, gần gũi và thân thương cụ thể chứ không xa vời.. Âm nhạc cũng giống như cuộc sống, nó có tính quy luật và phải đồng hành cùng từng giai đoạn lịch sử. Đây là ca khúc mà tôi rất tâm huyết. Cả thơ và nhạc đều toát lên sự chia sẻ với đồng chí, đồng đội, đồng bào mình. Chính vì điều giản dị, mộc mạc đó mà tôi tin rằng, ca khúc sẽ có được sự sẻ chia, sự cộng hưởng mạnh mẽ.

PV: Hình tượng nghệ thuật chủ đạo của ca khúc “Trường Sa ơi” là gì, thưa nhạc sĩ?

NS Phạm Ngọc Khôi: Hình tượng của ca khúc chính là Tổ quốc. Đó không phải là hình tượng mới nhưng mỗi người có một cảm xúc khác nhau, tình cảm khác nhau và cách khai thác khác nhau. Tôi nghĩ, chúng ta được nuôi dưỡng bằng dòng sữa mẹ, mang trong mình dòng máu đỏ của đất mẹ. Đất mẹ rất thiêng liêng và rất hiền hoà.

Giá trị nhân văn của đất nước, con người Việt Nam trải dài qua bao thế kỷ và bây giờ vẫn vậy, dù thời chiến hay thời bình. Đất mẹ bao giờ cũng là nguồn sống: “Có ý chí ngàn năm hun đúc. Có yêu thương của mẹ anh hùng”. Đó chính là nguồn lực cho chúng ta xây dựng, đóng góp cho đất nước. Chúng ta - những con người hôm nay phải có trách nhiệm bảo vệ thành quả của cha ông để lại từ văn hoá đến lãnh thổ, lãnh hải. Từng tấc đất, tấc biển là tài sản, là máu thịt thuộc về người Việt Nam của chúng ta.

PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ./.

(Nguồn: http://vov.vn)

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.