Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam: Quyền lợi hợp pháp của các tác giả âm nhạc tiếp tục được đảm bảo
Sáng 25 tháng 1 năm 2019, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam đã tổ chức Lễ tổng kết hoạt động năm 2018 và phương hướng công tác năm 2019.
Tới dự có nhạc sĩ Vũ Mão – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia; nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn – Tổng Giám đốc Trung tâm; nhạc sĩ Phó Đức Phương – Nguyên Giám đốc Trung tâm, Thường trực Hội đồng cố vấn.
Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội; Nhà LLPB Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Trần Nhật Dương – Trưởng Ban Kiểm tra; các nhạc sĩ trong Ban Chấp hành Hội, các nhạc sĩ lão thành: GS Chu Minh, Tiến sĩ Doãn Nho, nhạc sĩ Phạm Tuyên, đông đảo các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ khu vực Hà Nội, phóng viên các báo, đài Trung ương và Hà Nội.
Trong năm 2018, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã nhận được sự hỗ trợ, phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước như: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cục Bản quyền tác giả; các Sở Văn hóa, Thế thao và Du lịch/Văn hoá và Thể thao, Phòng Văn hóa và Thông tin tại các tỉnh/thành phố, sự quan tâm hỗ trợ của cơ quan chủ quản là Hội Nhạc sĩ Việt Nam. VCPMC đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, công tác quản lý và khai thác quyền tác giả âm nhạc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thành viên.
Nhiều tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đã tin tưởng ủy quyền cho VCPMC đại diện quản lý, khai thác và bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc, số lượng thành viên VCPMC tiếp tục tăng lên, đặc biệt là các tác giả trẻ. Bên cạnh đó, trong công tác xử lý vi phạm thời gian qua, VCPMC đã nhận được sự phối họp chặt chẽ của các tác giả để xác minh, xử lý vụ việc hiệu quả hơn, tạo sự tác động tích cực đến ý thức tuân thủ pháp luật của người sử dụng âm nhạc. Nhờ công tác phối họp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiên trì vận động, thuyết phục, đến nay nhận thức và ý thức của nhiều doanh nghiệp, nhiều tổ chức, cá nhân ngày càng được nâng cao, nhiều đơn vị đã nghiêm túc thực hiện quyền tác giả theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
VCPMC cũng nhận được sự quan tâm, đồng hành và hỗ trợ tích cực về mặt truyền thông của các cơ quan báo chí nhằm thông tin rộng rãi, đa chiều, khách quan. Sự hỗ trợ đầy thiện tình và trách nhiệm của các cơ quan báo chí đã kịp thời đưa tin giúp các tác giả, đồng thời đã đóng góp tích cực vào công tác tuyên truyền pháp luật cũng như hoạt động thực thi bảo hộ quyền tác giả theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế.
Năm 2018, VCPMC đã đạt được những kết quả tích cực như:
Về phát triển thành viên, tác giả ủy quyền tính đến hết tháng 12/2018, tổng số thành viên VCPMC cả nước đã ủy quyền là 3.988 tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả, tăng 239 tác giả so với năm 2017; hướng dẫn các tác giả ký hợp đồng ủy quyền để bảo vệ, quản lý, khai thác quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc, tìm hiểu quy định pháp luật có liên quan; thường xuyên phối hợp và hỗ trợ các tác giả thành viên trong việc xác nhận, xác minh tác phẩm, rà soát độc quyền, cập nhật tác phẩm vào phần mềm phân phối - lưu trữ tác phẩm; hỗ trợ các trường hợp tác giả có yêu cầu xác minh và điều chỉnh chính xác thông tin tên tác giả - tác phẩm để đảm bảo quyền nhân thân, quyền đứng tên tác phẩm, các hoạt động tư vấn và hỗ trợ pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả; duy trì hoạt động chăm sóc hội viên, thăm hỏi và hỗ trợ các nhạc sĩ bị bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho một số Hội, các hoạt động từ thiện, giúp đỡ người nghèo...
Về công tác đối ngoại, năm 2018 VCPMC đã đăng cai tổ chức Hội thảo của CISAC tại Hà Nội chuyên đề “Cấp phép quyền biểu diễn cho các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả khu vực Châu Á - Thái Bình Dương” với 12 nước thành viên CISAC tham dự; đến nay VCPMC đã ký hợp tác song phương với 73 tổ chức quản lý tập thể quyền và nhà xuất bản, đảm bảo thực hiện theo pháp luật Việt Nam và Công ước Berne, tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí của CISAC; thường xuyên trao đổi thông tin với các tổ chức quản lý tập thể quyền trong việc xác minh tác phẩm, hỗ trợ công tác cấp phép của các bên; gửi thông báo về việc thay đổi nhân sự lãnh đạo của VCPMC đến Liên minh CISAC và các tổ chức quốc tế hợp tác song phương.
Về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thường xuyên phối họp với các Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh/thành phố, Phòng VH-TT các quận/huyện/thị xã/thành phố nhằm triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền tác giả; tổ chức các đợt công tác thu tác quyền tại từng địa bàn các tỉnh/thành phố và một số huyện nằm xa trung tâm thành phố Hồ Chí Minh nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ về quyền tác giả, kết hợp với tuyên truyền các quy định về quyền tác giả đến các tác giả, hội viên tại một số hội nghị do Hội Nhạc sĩ, Hội Âm nhạc, Hội Văn học - Nghệ thuật... tổ chức nhằm giúp các tác giả tìm hiểu quy định pháp luật và nâng cao ý thức tự bảo vệ quyền.
Về hoạt động cấp phép, thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc, số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc đã thu trong năm 2018 (đã trừ thuế VAT) là: 103,957,379,648 đồng, tăng 25% so với năm 2017.
Tình hình cấp phép một số lĩnh vực: Về lĩnh vực phát thanh, truyền hình: VCPMC đang nỗ lực đàm phán, thỏa thuận với các Đài phát thanh, truyền hình địa phương về mức nhuận bút phù hợp với tần suất sử dụng, lượt phát sóng cũng như đặc thù hoạt động của mỗi Đài. Trong năm 2018, VCPMC đã đàm phán thành công với VTVcab và VTC; về lĩnh vực biểu diễn: vừa qua, nhiều chương trình biểu diễn, sự kiện còn chậm trễ hoặc né tránh thực hiện. Nghị định số 142/2018/NĐ-CP được ban hành trong đó đã bãi bỏ điều kiện thực hiện quyền tác giả tại thủ tục cấp phép tổ chức biểu diễn là chính sách pháp luật gây bất lợi đối với tác giả cũng như gây khó khăn cho công tác bảo vệ quyền tác giả của VCPMC; về kinh doanh dịch vụ (sử dụng nhạc nền - background music): lĩnh vực này bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng do tác động vi phạm từ một số đơn vị kinh doanh dịch vụ giải pháp phát nhạc (bản ghi), ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu quyền tác giả, quấy rối, gây khó khăn đối hoạt động cấp phép của VCPMC; về Website, App (ứng dụng): tiếp tục đàm phán với các website và các ứng dụng kinh doanh nhạc để thực hiện quyền tác giả, đảm bảo quyền lợi cho các tác giả thành viên. Hiện nay, ngoài các website nhạc, VCPMC cũng đã ký kết hợp đồng với các đơn vị lớn: Youtube, Facebook, tăng cường đối soát tác phẩm, tuyên bố quyền của thành viên để làm căn cứ cho các đơn vị này chi trả, phân phối tác quyền.
Về phân phối, chi trả, trong năm 2018, VCPMC đã tiến hành phân phối, chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả là: 56.927.753.528 đồng. Hiện nay VCPMC đang khẩn trương nhập liệu cho kỳ phân phối quý IV/2018, chi trả vào cuối tháng 01/2019, dự kiến số tiền của kỳ phân phối này là 27 tỷ đồng.
Đối với các hợp đồng chưa đủ điều kiện phân phối (hợp đồng chưa hết hạn hoặc còn chờ đơn vị bổ sung danh mục, hợp đồng đã xuất hóa đơn nhưng đơn vị chưa thanh toán tiền hoặc thanh toán chưa đầy đủ, hợp đồng đã thu đủ tiền nhưng đơn vị chưa kê khai danh sách bài hát sử dụng)... sẽ tiếp tục được đối soát và phân phối vào quý tiếp theo.
Về pháp chế, xử lý vi phạm, hỗ trợ và tư vấn pháp lý, giải quyết khiếu nại của các tác giả thành viên nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định; khảo sát thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ công tác xử lý hành vi xâm phạm ở các lĩnh vực sử dụng âm nhạc theo quy định của pháp luật; thực hiện các bước cảnh báo vi phạm, báo cáo vi phạm, yêu cầu cơ quan nhà nước xử lý hành chính đối với hành vi xâm phạm; tiến hành khởi kiện nhiều vụ việc xâm phạm quyền tác giả và các vụ việc tranh chấp hợp đồng, chậm thanh toán theo hợp đồng ra Tòa án có thẩm quyền để giải quyết; hỗ trợ pháp lý đối với hoạt động cấp phép sử dụng tác phẩm; giải thích các vấn đề pháp luật có liên quan đối vói các đơn vị sử dụng; hỗ trợ đốc thúc các đơn vị thanh toán nợ, công nợ theo hợp đồng hoặc tiến hành khởi kiện tranh chấp hợp đồng ra Tòa án có thẩm quyền; trong năm 2018, VCPMC đã gửi cảnh báo và báo cáo vi phạm về quyền tác giả đối với nhiều website, app, các link vi phạm quyền tác giả, đã xử lý trên 2.000 trường hợp vi phạm trên các website, app.
Về công tác hành chính, Hội Nhạc sĩ Việt Nam bổ nhiệm nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn giữ chức vụ Tổng Giám đốc VCPMC theo Quyết định sổ 15/QĐ-HNS ngày 24/5/2018 (kiêm Giám đốc Chi nhánh phía Nam); thực hiện các công việc theo nội dung cơ chế làm việc do Hội Nhạc sĩ Việt Nam ban hành, báo cáo về tình hình nhân sự của VCPMC, sắp xếp nhân sự, phân công công việc tại trụ sở Hà Nội, chi nhánh phía Nam, VPĐD Đà Nằng; rà soát, điều chỉnh và bổ sung Biểu mức tiền nhuận bút sử dụng quyền tác giả âm nhạc theo Nghị định số 22/2018/NĐ-CP, làm căn cứ và cơ sở để đàm phán, cấp phép cho các đơn vị sử dụng; gửi báo cáo cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chủ quản về việc ban hành Biểu mức tiền nhuận bút sử dụng quyền tác giả theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định số 22/2018/NĐ-CP; cập nhật trên website để các đơn vị sử dụng tiện theo dõi; Báo cáo Hội Nhạc sĩ Việt Nam và gửi văn bản đóng góp ý kiến đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xây dựng Nghị định quy định về hoạt động biểu diễn có liên quan đến các quy định về quyền tác giả; dự thảo Điều lệ sửa đổi, bổ sung, rà soát, điều chỉnh theo ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chủ quản, báo cáo các cơ quan về Điều lệ sửa đổi, bổ sung sau khi đã được Hội Nhạc sĩ Việt Nam phê duyệt (đăng website VCPMC).
Về kế toán tài vụ, thực hiện các công việc kế toán, tài chính, nghĩa vụ thuế, báo cáo thuế, kiểm toán theo đúng quy định của pháp luật; định kỳ thực hiện chi trả tiền nhuận bút cho các tác giả thành viên theo các kỳ phân phối; nộp hộ thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tác quyền của tác giả theo ủy quyền của tác giả. Thưc hiên quy đinh về lao đông, bảo hiểm xã hội, у tế cho cán bộ, nhân viên VCPMC.
Về công nghệ thông tin, hệ thống lưu trữ - phân phối, thường xuyên cập nhật dữ liệu tác giả - tác phẩm trên hệ thông lưu trữ quôc tế phục vụ công tác lưu trữ, đối soát và phân phối đối với các tác phẩm âm nhạc Việt Nam và nước ngoài; cập nhật dữ liệu mục tra cứu thông tin tác giả - tác phẩm trên website của VCPMC. Hiện VCPMC đang thiết kế lại trang web nhằm đáp ứng yêu cầu về thông tin cũng như từng bước rà soát, thiết lập thông tin quản lý về quyền tác giả theo quy định tại Điều 46 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP.
Những tồn tại, trong quá trình triển khai thực thi quyền tác giả âm nhạc, VCPMC còn gặp những khó khăn, bên cạnh các đơn vị đã nghiêm túc thực hiện quyền tác giả, vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân chưa có ý thức và nhận thức đầy đủ trong việc thực hiện nghĩa vụ về quyền tác giả, không thực hiện hoặc đối phó, chờ nếu có kiểm tra, xử phạt mới thực hiện, hoặc tìm cách để không phải trả tiền bản quyền; một số tác giả vẫn chưa chú trọng đúng mức trong việc bảo vệ cũng như khai thác quyền tài sản đối với các tác phẩm do mình sáng tác. Một số trường hợp tác giả tuy đã chính thức ký hợp đồng ủy thác với VCPMC để khai thác quyền tác giả ở tất cả các lĩnh vực nhưng lại vẫn tiếp tục ký hợp đồng với các đơn vị, tổ chức, cá nhân khác trong khi không thể tự kiểm soát hết các hình thức sử dụng tác phẩm âm nhạc và việc hợp tác kinh doanh quyền tác giả của các đơn vị này trên thị trường, gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích của chính các tác giả, đồng thời gây khó khăn cho VCPMC trong quá trình cấp phép, làm việc, đàm phán với các đơn vị sử dụng âm nhạc.
Thực tế đã cho thấy rất rõ về tình trạng xâm phạm quyền tác giả tràn lan trong suốt thời gian qua ở nhiều lĩnh vực sử dụng âm nhạc, điển hình là lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, đã gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả. Hàng trăm chương trình biểu diễn đã né tránh thực hiện nghĩa vụ xin phép và trả tiền sử dụng quyền tác giả theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Công ước Berne. Bên cạnh đó, VCPMC còn gặp phải khó khăn từ một số đơn vị sử dụng âm nhạc đã trực tiếp gây ảnh hưởng và thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của tác giả, quấy rối hoạt động của VCPMC cũng như công tác phối hợp thực thi bảo hộ quyền tác giả giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan theo Chỉ thị số 36/2008/CT-TTg, Đề án 88/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể tháo và Du lịch.
Phát huy những thành tích đã đạt được, Ban lãnh đạo VCPMC đã đề ra định hướng hoạt động năm 2019 như sau:
Trọng tâm công tác cấp phép, mở rộng địa bàn; tăng cường công tác phối họp tuyên truyền, phổ biển pháp luật tại các tỉnh thành, quận huyện; tăng cường rà soát, xử lý vi phạm về quyền tác giả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả thành viên; chú trọng công tác chăm sóc, phát triển hội viên, giải quyết khiếu nại, hỗ trợ tư vấn pháp lý cho các tác giả thành viên; rà soát và hệ thống lại các văn bản quản lý nội bộ, các quy chế, quy trình công việc nhằm đáp ứng yêu cầu công việc, phù họp với các quy định của pháp luật và Điều lệ hoạt động, chấp hành theo chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại công văn số 2873/BVHTTDL-TCCB ngằy 03/7/2018; tham dự tập huấn về phần mềm lưu trữ, phân phối quốc tế MIS@Asia phiên bản 2; hoàn tất website mới của VCPMC nhằm đáp ứng yêu cầu công việc, thuận lợi trong việc kết nối tác giả thành viên cũng như tạo điều kiện để người sử dụng âm nhạc có thêm thông tin và tra cứu.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam có nhận xét:
“Để có được thành tích trong năm qua với doanh thu trên 100 tỷ, điểu đó cho thấy sự nỗ lực vươn lên rất lớn của tập thể cán bộ nhân viên và tất cả các chuyên gia, các cố vấn, ban lãnh đạo của Trung tâm. Đây cũng là truyền thống đã gần 20 năm qua, từ khi Trung tâm ra đời có nhạc sĩ Phó Đức Phương là trụ cột chính cho đến nay. Đặc biệt đó là bước chuyển giao nhân sự lãnh đạo Trung tâm, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn được bổ nhiệm là Tổng Giám đốc Trung tâm, là người đã sát cánh trên 10 năm qua với Trung tâm, có kinh nghiệm, nhiệt tình trong công việc bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn đã thể hiện được đúng vai trò của mình và đạt được nhiều thành tích tốt.
Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, một công việc phức tạp, đi mọi con đường nhưng cuối cùng cũng vẫn là con đường bảo vệ quyền lợi cho tác giả âm nhạc, bảo vệ quyền lợi cho các nhạc sĩ, các đồng tác giả. Đó là mục đích cao cả, không một khó khăn nào có thể làm cản bước đường sự nghiệp của chúng ta, với mục đích rất rõ ràng là bảo vệ quyền tác giả âm nhạc. Đây là cuộc đấu tranh còn lâu dài, thậm chí là cần có sự kết hợp và đặc biệt là kết hợp với các cơ quan quản lý của Nhà nước, với các cơ quan pháp luật của Chính phủ và cả cộng đồng quốc tế khi chúng ta đã là thành viên của tổ chức Bảo vệ bản quyền Âm nhạc quốc tế (CISAC) thì công việc sẽ có kết quả và uy tín của Việt Nam sẽ được tăng lên”.
Phát biểu tại buổi Lễ, nhạc sĩ Vũ Mão - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cựu Đại biểu Quốc Hội, thành viên Hội đồng cố vấn VCPMC đã có kiến nghị: Nên có một luật riêng về âm nhạc. Lĩnh vực âm nhạc chưa có văn bản pháp luật, pháp lý nào ở tầm cỡ quốc gia, dẫn đến việc quản lý chưa chặt, chưa tốt và nảy sinh nhiều vấn đề bất cập mà một trong đó là các cơ chế pháp lý để thu chi tác quyền đang gặp nhiều khó khăn của VCPMC.