TRUNG TÂM BẢO VỆ BẢN QUYỀN TÁC GIẢ ÂM NHẠC VIỆT NAM: Báo cáo nhiệm kỳ VIII (2010-2015)

22/06/2015

1. Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thành lập ngày 19/4/2002 theo Công văn số 28/BTCCBCP-TCPCP ngày 18/4/2002 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) và Quyết định số 19/2002/QĐ ngày 19/4/2002 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Theo điều lệ được Bộ Nội vụ phê duyệt, Trung tâm có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự quản và tự hạch toán. Trung tâm chịu sự quản lý của Hội nhạc sĩ Việt Nam mà đại diện là Ban Thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam: hoạt động theo quy định của pháp luật, điều lệ của Trung tâm và được sự bảo trợ của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

2. Kể từ khi thành lập năm 2002 và trải qua hai nhiệm kỳ vừa qua: 2005-2015, Trung tâm đã bám sát và triển khai hết mức có thể hai nhiệm vụ chính của mình là “bảo vệ các quyền tác giả đối với các tác phẩm được luật pháp công nhận bảo hộ” và “giúp các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc hoạch định và thực hiện chính sách về quyền tác giả”. Những kết quả chính được thể hiện bởi các con số sau đây:

a. Ngày càng có nhiều tác giả tin tưởng vào lợi ích mà trung tâm đã đem lại cho họ. Năm 2002 có 274 tác giả, năm 2005 là 816 tác giả, năm 2010 là 1730 tác giả, và tính đến tháng 6/2015 đã có 3164 tác giả ký hợp đồng ủy thác với Trung tâm.

Trung tâm là thành viên chính thức của Liên minh quốc tế các Hiệp hội những nhà soạn nhạc và lời thế giới (CISAC) từ 2009. Điều này đồng nghĩa với việc Trung tâm được công nhận tiêu chuẩn chuyên nghiệp quốc tế. Hiện trung tâm đã ký hợp đồng với 63 tổ chức bảo vệ quyền tác giả âm nhạc tương ứng trên thế giới có phạm vi điều chỉnh trên 153 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với những cam kết ràng buộc này, Trung tâm cũng đang là tổ chức đại diện quyền tác giả duy nhất tại Việt Nam có quyền đại diện, bảo vệ lợi ích của gần 3 triệu tác giả âm nhạc và lời trên thế giới đối với quyền biểu diễn tác phẩm và/hoặc quyền sao chép tác phẩm.

b. Với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ nhân viên của trung tâm, số tiền thu được hàng năm cho nhạc sĩ, tác giả thành viên ngày càng tăng lên một cách rõ rệt. Nếu năm 2002 số tiền thu được chỉ là 86.252.650 đồng, thì năm 2005 đã là 2.221.273.800, năm 2010 thu được 35.817.735.096 đồng và năm 2014 là 67.028.500.000 đồng (tính cả thuế). Kết quả này đã được CISAC ghi nhận là mặc dù còn non trẻ nhưng Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã vượt qua con số thu nhập của FILSCAP (phi-lip-pin), KCI (in-đô-nê-xi-a) và MCT (một tổ chức của Thái Lan nằm trong liên minh quốc tế này).

c. Để có những thông tin chính xác về tác giả, tác phẩm từ đó hoàn thành nhiệm vụ của mình trong phạm vi trong nước và quốc tế, Trung tâm đã cập nhật thường xuyên trên hệ thống lưu trữ quốc tế CISnet và trên phần mềm lưu trữ tác giả tác phẩm châu Á Mis@Asia theo tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, Trung tâm còn đồng thời đăng ký thông tin thành viên IPI (Interested Parties Information) lên SUISA – Trung tâm IPI đặt tại Thụy Sĩ. Đây là cơ sở cho các nước trên thế giới tra soát, tìm kiếm thông tin về tác giả, tác phẩm âm nhạc của Việt Nam.

Trung tâm đã hoàn thành Dự án Metadata (Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu, tích hợp thông tin tác giả tác phẩm của NORCODE) một cách xuất sắc được chuyên gia do NORCODE cử theo dõi, đánh giá cao chất lượng kỹ thuật.

d. Về công tác tài chính, Trung tâm luôn tuân thủ và chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước về quản lý tài chính theo luật doanh nghiệp, đảm bảo công khai, minh bạch. Trung tâm hoàn thành báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán hàng năm bởi công ty kiểm toán độc lập quốc tế và thực hiện đầy đủ chế độ thuế theo quy định của Bộ Tài chính. Ngoài ra, từ nguồn kinh phí hoạt động hàng năm của mình, Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước các cấp ở Trung ương cũng như các tỉnh thành trong họat động tuyên truyền, phổ biến luật pháp về quyền tác giả. Trung tâm cũng đã hỗ trợ cho các hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật thông qua các đơn vị: Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội, Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh, Hội Âm nhạc Huế, Hội Âm nhạc Cần Thơ, Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia VN, và một số đơn vị hoạt động văn hóa nghệ thuật khác trong cả nước.

e. Bên cạnh việc mang lại lợi ích vật chất cho tác giả, Trung tâm vẫn thường xuyên đấu tranh mạnh mẽ đối với những hành vi xâm phạm quyền nhân thân và quyền vật chất của tác giả. Trong năm 2014, có một số vụ như Ú ủ La hay của Lê Mây bị người khác lấy đem đi dự thi đoạt giải. Bài ca núi Thúy của La Thăng và Hoàng Hà bị một người lấy làm tác phẩm của mình ở Hưng Yên, bản phối Because I miss you của Jung Yong Hwa, trưởng nhóm Rock CNBLUE Hàn Quốc, bị một người lấy cho bài hát của mình… Những việc bảo vệ như thế rất tốn công sức và chịu đựng nhiều căng thẳng, tuy nhiên, Trung tâm không nề hà bất cứ một khó khăn nào để giải quyết đúng đắn và nghiêm túc các hiện tượng này.

3. Chắc chắn Trung tâm sẽ còn phải tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa để bổ khuyết những hạn chế và thiếu sót đang còn tồn tại, bởi đây là một lĩnh vực hoạt động vô cùng khó khăn và phức tạp. Nhưng với xu thế tất yếu một đất nước đang ở thời kỳ đầu phát triển, với sự ủng hộ mạnh mẽ của luật pháp, của chính sách bảo hộ quyền tác giả của Nhà nước, với sự ủng hộ của các Cơ quan, Ban, Ngành của Hội nhạc sĩ Việt Nam, của các tác giả thành viên và của cả giới văn học nghệ thuật cả nước, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam sẽ ngày càng phát huy hiệu quả cao hơn nữa để hoàn thành trách nhiệm bảo vệ lợi ích chính đáng của các tác giả, nhạc sĩ, chủ sở hữu tác phẩm trong những năm sắp tới.

Tin liên quan

06/03/2021
Tối 5 tháng 10 năm 2020, tại Nhà hát Chèo Việt Nam, Hà Nội, đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du ...
18/02/2021
Tất cả Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam có quyền gửi tác phẩm, công trình dự xét Giải  thưởng Âm nhạc 2021. Tác giả, nhóm tác giả tham dự 01 tác phẩm duy nhất thuộc một trong các chuyên ngành sau: Lý luận phê bình, Sáng tác, Biểu diễn ...
18/02/2021
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 8 tháng 9 năm 2020, tại Hà Nội, Đảng bộ Liên hiệp các ...
17/02/2021
Chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XI (3/9/2010 – 3/9/2020), chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ ...