Trong sáng “Giọng hát Việt nhí”
Đã có một thời gian, chúng ta lãng quên những tài năng nhí và mai một dần sân chơi âm nhạc đầy hấp dẫn của lứa tuổi này. Và nay, sự trở lại của The Winner Is – Tôi là người chiến thắng, Giọng hát Việt Nhí và Đồ Rê Mí, các em nhỏ có thêm cơ hội được nuôi dưỡng tài năng âm nhạc từ rất sớm.
Thời vang bóng của giọng hát nhí
Ngày trước, các cuộc thi âm nhạc dành cho thiếu nhi nhiều nhưng không truyền hình trực tiếp, hay thực hiện dưới dạng truyền hình thực tế, mua "format" (định dạng) nước ngoài.
Những cái tên như Hát với chú ve con, Liên hoan búp sen hồng, Tiếng hát dưới mái trường... đã sớm trở thành sân chơi âm nhạc thường niên dành cho giọng hát nhí. Chưa bao giờ, đời sống âm nhạc của lứa tuổi còn trong sáng, hát một cách vô tư lại có sức lan tỏa như vậy. Khán giả chắc hẳn không quên cặp song ca Ngọc Linh – Ngọc Quyên, rồi Quang Vinh, hay đội ca thiếu nhi của các Nhà thiếu nhi ở thành phố Hồ Chí Minh... Sau này, trong lớp ca sĩ nhí ngày ấy, làm nảy sinh nhiều nhóm nhạc thiếu niên và trưởng thành đến hôm nay là Mây Trắng, Mắt Ngọc, Ty My Ty... Nối tiếp những giọng hát này, là lớp thiếu nhi mới, như hiện tượng Xuân Mai, rồi Xuân Nghi... Cho đến hôm nay, khi nhắc tới tài năng nhí, khán giả vẫn không thể quên.
Đó là khoảng thời gian đẹp nhất của tài năng nhí trong sân khấu ca nhạc. Rồi khi cái gọi là thị trường âm nhạc được hiểu và chú ý hơn, đối tượng khán giả được xác lập trong việc tính toán làm sao thu được lợi nhuận từ âm nhạc đã làm mất dần đi không gian dành cho ca sĩ thiếu nhi. Thay vào, là những cụm từ được du nhập như nhạc "teen", ca sĩ "teen"... mà ngày trước có thể hình dung đây là ca sĩ thiếu niên. Và khán giả cũng quên hẳn lớp ca sĩ nhí, các em bị thu hẹp trong một vài chương trình, thiếu show diễn và càng thiếu nguồn ca khúc mới để hát và biểu diễn đúng với lứa tuổi của mình. Hiện tại, các show truyền hình bắt đầu đi tìm lại “thời vang bóng” của những tài năng nhí thông qua nhiều hoạt động rất phong phú.
Tìm lại những giọng hát nhí
Đài truyền hình VTV3 đã bắt đầu nhen nhóm lại từ chính chương trình Đồ Rê Mí dành cho các em nhỏ. Trong khi chúng ta đòi hỏi ca sĩ phải có khả năng, được rèn luyện mà lại quên rằng để có được nền tảng ấy, phải được họ và nuôi dưỡng từ khi còn là giọng hát nhí. Chỉ lo “cắt ngọn” mà không vun gốc nên ca sĩ theo kiểu sớm nở tối tàn trở thành báo động cho mọi hoạt động âm nhạc.
Sau thành công của Đồ Rê Mí, có nhiều "format" thi hát dành cho lứa tuổi thiếu nhi và thiếu niên hơn. Hiện tại, trong hai chương trình rất thu hút khán giả truyền hình là Tôi là người chiến thắng và Giọng hát Việt nhí đều chú trọng đến việc nuôi dưỡng tài năng âm nhạc từ lứa tuổi cắp sách tới trường rất trong sáng.
Gần như là phiên bản rất thú vị dành cho giọng hát nhí hiện nay, The Voice Kids phiên bản Việt đã lên sóng đến vòng Đối đầu và khán giả luôn tìm thấy những bất ngờ ở các em nhỏ hôm nay. Rõ ràng, sự tiếp cận những nguồn thông tin mới, công nghệ hiện đại đã giúp cho các em nhỏ tự tin hơn khi đứng trên sân khấu. Khâu biên tập cũng kĩ lưỡng hơn và bắt đầu dạy cho các em biết cách chọn bài hát, biết được là mình đang hát dòng nhạc nào, hát ra sao.
Hãy trân trọng sự hồn nhiên
Trải qua những đêm thi Giấu mặt, khán giả truyền hình nhận ra rằng giọng hát nhí chúng ta có nhiều, đa dạng và rất trong sáng. Nhưng, có lẽ ở khuôn khổ một chương trình truyền hình, đôi khi chúng ta vẫn tìm thấy chút ít bất cập khi đòi hỏi ở các em nhỏ quá nhiều, và với show truyền hình giải trí, các em khó chọn được những bài hát thiếu nhi đúng tuổi và đa phần trình bày bài hát người lớn nhiều. Khán giả xem có thể bỏ qua điểm này để khích lệ tinh thần các em, và nghe giọng hát trong sáng là chính, nhưng nếu nó là cuộc thi dài hơi và thường niên thì liệu có làm mất dần sự trong sáng cần thiết không?
Và mức độ “phóng đại” trong một chương trình tìm kiếm tài năng như thế này luôn có. Những lời nhận xét bay bổng là có thực, khi các huấn luyện viên cố gắng thuyết phục chọn các em thì đã sớm vội khẳng định em là tài năng, hát quá tuyệt vời... phần nào làm cho các em sớm ảo tưởng về chính mình? Cuộc thi này vẫn là một cuộc chơi ca hát với các em. Trau dồi tri thức văn hóa là cần thiết ở điểm này và nuôi dưỡng tài năng âm nhạc sẽ cần nhiều thời gian hơn. Vậy thì tại sao chúng ta không cứ giữ cho những giọng hát nhí này sự vô tư, hồn nhiên để các em có thể hát thoải mái, đúng suy nghĩ và lứa tuổi của mình rồi từ đó tìm kiếm một hướng phát triển tốt nhất.
(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam 30)